Những yếu tố mạnh nhất đưa chúng ta bước vào con đường sanh tử là:
1. Tơ lòng rối ren nhiều mối, chỗ nào nặng thì sa, đây là sức mạnh của tâm.
2. Như người mắc nợ, người nào mạnh hơn thì đòi được trước, đây là sức mạnh của nghiệp.
Nghiệp lực rất lớn, tâm lực cũng rất lớn. Nhưng vì nghiệp lực không có tự tánh nên hoàn toàn do nơi tâm chủ động. Tâm hay tạo nghiệp, tâm cũng hay chuyển nghiệp. Cho nên, chỉ có tâm là quan trọng, chỉ có nghiệp là mạnh nhất. Chỉ có hai sức mạnh này mới có đủ khả năng kéo chúng ta đi thọ sanh.
Nếu dùng trọng tâm mà tu Tịnh nghiệp, thời Tịnh nghiệp nặng hơn. Tâm nghiêng nặng về Tịnh nghiệp thời Tịnh nghiệp mạnh hơn. Nếu như hàng ngày chỉ hướng về Tây phương, thời đến lúc mạng chung nhất định được sanh về Tây phương, chẳng sanh nơi nào khác. Cũng như cây to, vách lớn, bình thường nghiêng về hướng Tây, ngày khác nếu có ngã cũng ngã về hướng Tây, nhất định chẳng ngã hướng khác.
Thế nào gọi là trọng tâm?
Nghĩa là chúng ta tu tập Tịnh nghiệp, phải có niềm tin thật sâu và chí nguyện thật thiết. Đã Tin sâu, Nguyện thiết, thì tất cả tà thuyết chẳng thể nào mê hoặc làm lay động tâm này, tất cả các cảnh duyên cũng chẳng thể lôi kéo được.
Nếu là người chơn chánh tu Tịnh nghiệp, đương khi tu tập, giả sử như có Đạt Ma Tổ sư hiện ra trước mắt bảo rằng: “Ta có pháp Thiền Trực Chỉ Chơn Tâm, Kiến Tánh Thành Phật, ta sẽ dùng pháp Thiền này mà thọ ký cho ngươi.” Khi nghe nói như vậy thì người này nên hướng về Tổ sư làm lễ mà thưa rằng: “Con trước khi đã lãnh thọ Pháp môn niệm Phật ở nơi đức Thích Ca Như Lai, con đã phát nguyện thọ trì suốt đời không thay đổi. Nay Tổ sư có pháp Thiền thậm thâm vi diệu nhưng con chẳng dám làm trái với bổn nguyện xưa kia vậy.”
Hoặc khi thấy đức Thích Ca Như Lai thoạt nhiên hiện thân, bảo rằng: “Ta trước kia nói ra Pháp môn niệm Phật, đó là phương tiện riêng một lúc thôi. Nay lại có Pháp môn thù thắng vi diệu, siêu việt hơn Pháp môn niệm Phật, ngươi nên bỏ Pháp môn đó đi. Ta liền vì ngươi nói ra Pháp môn tối thắng này.” Khi nghe nói như vậy, thì người cũng nên hướng về đảnh lễ Phật mà bạch rằng: “Con trước kia đã lãnh thọ nơi Đức Thế Tôn Pháp môn niệm Phật, có phát nguyện rằng: “Nếu còn một hơi thở là còn niệm Phật, quyết không thay đổi. Như Lai tuy có Pháp môn tối thắng, nhưng con chẳng dám trái với bổn nguyện xưa kia vậy.”
Thế nên, dẫu rằng chư Phật, chư Tổ có hiện thân, cũng chẳng thay đổi được đức tin, huống gì ma Vương, ngoại đạo, tà thuyết hư vọng, há đủ sức để mê hoặc ta sao? Nếu hay giữ vững niềm tin như vậy, đây gọi là Tin sâu.
Lại nữa, như có vành sắt đỏ xoay quanh trên đảnh đầu, chẳng cho đó là khổ mà chuyển bỏ mất chí nguyện vãng sanh. Hoặc như có những niềm vui Ngũ dục thắng diệu của vua Chuyển Luân Thánh vương hiện ra trước mắt, cũng không lấy đó làm vui mà thối lui bỏ mất bổn nguyện vãng sanh.
Đây là những điều hết sức nghịch và cũng hết sức thuận mà còn chẳng thay đổi được tâm nguyện, huống gì những cảnh thuận nghịch nho nhỏ ở thế gian, há lay chuyển được hay sao? Nếu hay giữ bền chí nguyện như vậy, đây gọi là Nguyện thiết.
“Tin sâu, Nguyện thiết” nghĩa là dùng trọng tâm mà tu Tịnh nghiệp, thời Tịnh nghiệp ắt được mạnh mẽ. Tâm nghiêng nặng về Tịnh nên dễ thuần, nghiệp nghiêng nặng và Tịnh nên dễ thục. Tịnh nghiệp cõi Cực Lạc nếu được thuần thục thì nhiễm duyên cõi Ta bà liền chấm dứt, đến lúc lâm chung tuy muốn cảnh luân hồi hiện trở lại trước mắt cũng chẳng thể được. Cũng như Tịnh nghiệp được kết quả thuần thục rồi, thời lúc lâm chung, tuy muốn cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà chẳng hiện ra cũng không thể được. Song, Tín nguyện này, điều cần yếu ở chỗ giữ gìn lòng trong sạch, thì đến lúc lâm chung tự chẳng đi vào con đường khác. Xưa có bậc Cổ Đức đến giờ lâm chung, có các đồng tử ở sáu cõi trời Dục giới, tuần tự đến tiếp dẫn mà Ngài vẫn chưa chịu đi, chỉ một lòng chờ Phật đến, khi đã thấy Phật, mới nói rằng: “Phật đã đến” liền chắp tay mà thoát hóa.
Phàm khi sắp lâm chung, bốn đại tranh nhau phân tán, giờ phút này biết làm sao đây? Các đồng tử ở sáu cõi trời Dục giới tuần tự đến tiếp dẫn, hoàn cảnh này biết xử thế nào? Nếu chỉ có chút ít lòng Tín Nguyện trong sạch, chẳng được thập phần kiên cố, đến lúc đối diện với giờ này, cảnh này, làm sao hoàn toàn làm chủ được?
Bậc Cổ đức nêu gương như vậy, là nhờ nơi lòng tin chân thành, có thể nói vị này từ ngàn xưa đã tu tập Tịnh nghiệp rồi, nên nay mới được như vậy.
TKN. Như An (dịch)
(Trích trong quyển Mộng Đông Thiền Sư Di Tập, trang 12)