Tu hành mau đạt Chân Như
Sắc không, không sắc Vô dư Niết bàn
Bỉ ngạn trí tuệ mở toang
Khổ não dứt sạch, hoàn toàn tịnh thanh.
Trong kinh Bát Nhã có câu: “Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến Ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”.
Phải chăng, lúc bấy giờ Bồ tát an trú vào cảnh tự tại, không vướng mắc vào hai bên: hoặc có, hoặc không, nên phát ra được trí huệ sâu xa. Ngài nhìn thấy năm uẩn “Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức uẩn” đều không. Chúng giả hợp, do nhiều nhân, nhiều duyên tạo thành, “trùng trùng duyên khởi”. Đủ các duyên nên nó được thành tựu, nếu thiếu một duyên sẽ không thành tựu hoặc tan rã. Do tư duy quán chiếu như vậy nên các Ngài vượt qua các cảnh khổ. Do công phu tu tập các Ngài mới đủ sức kham nhẫn, trở lại cõi này mà hoằng hóa độ sanh. Bởi chúng sanh ở cõi này nan điều, nan phục, muốn hoàn thành được sứ mạng “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, các Ngài phải vận dụng trí huệ sâu xa, mới khắc phục được tâm mình. Vì vậy, Bồ tát Quán Thế Âm, tay trái cầm tịnh bình, tay phải cầm nhành dương liễu. Dương liễu có tính dẻo dai, tuy mềm dịu nhưng khó bẻ gãy, tượng trưng việc Ngài vào đời ứng hiện ba mươi hai thân hình, tùy nguyện độ sanh. Tịnh bình chứa nước cam lồ mát mẻ, rưới cho chúng sanh, để xoa dịu nỗi khổ niềm đau. Các Ngài ứng hiện vào đời thực tế, mới cảm nhận được sự khổ đau ấy. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Ngài Lục Tổ dạy rằng: “Người tu hành muốn được thấy tánh, thì phải thực hành pháp thâm diệu”, “trí huệ đáo bỉ ngạn”. Cái trí Bát Nhã vốn không lớn không nhỏ, chỉ vì cái tâm của chúng sanh mê ngộ không đồng. Lòng mê, thì thấy bề ngoài tu hành tìm Phật, mà chưa tỏ sáng bổn tánh của mình, tức là người tiểu căn. Kẻ đốn giáo tu hành, không chấp bề ngoài, những sự phiền não trần lao thường chẳng nhiễm bổn tâm mình, tức là người thấy tánh.
“Tâm, tâm, tâm, khó nỗi tầm
Phóng ra bao trùm pháp giới
Thâu lại bằng mũi kim châm”.
Cái tâm khi ứng dụng liền biến khắp mọi nơi, mà không dính vương vào các nơi ấy, giữ tâm trong sạch, khiến sáu thức, ra ngoài sáu cửa (sáu căn) mà lòng không nhiễm vương, dính mắc, lui tới tự do thông dụng không ngăn ngại, tự tại giải thoát. Cái diệu dụng của trí Bát Nhã thật là hoạt bát mãnh liệt, chiếu phá vô minh phiền não, tiêu diệt hạt giống sanh tử luân hồi. Ví như ngôi nhà tối nhiều năm, chuột bọ ẩn nấp, sào huyệt của trộm cướp v.v… người ta lợi dụng nơi tối tăm ấy, mà gây ra bao nhiêu tội lỗi, cướp của giết người, con mất cha, vợ mất chồng. Đến khi có người về ở, đèn đuốc được thắp lên, nơi ấy không còn tối tăm, thì những điều bất chánh không còn duy trì và tái diễn. Cũng vậy, chính con người của chúng ta khi chưa tu, không biết gì là sái quấy hay tội ác, lúc chưa hạ thủ công phu, chưa có phút giây trở về sống với nội tâm, Chúng ta thường bị giặc phiền não kéo lôi, trôi lăn trong sanh tử luân hồi. Nay nhờ Đức Thế Tôn chỉ dạy phương pháp “văn nhi tư, tư nhi tu”, trí huệ từ từ phát sanh lần lần từng bước ta tìm về Bảo sở, nguyên quán của chúng ta, nơi mà xưa nay ta chưa từng sanh, chưa từng diệt, ấy là Chơn Như, Phật tánh của mỗi chúng sanh, “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, nghĩa là tất cả chúng sanh đều có bản tánh làm Phật. Điều này chính Đức Thế Tôn khi chứng ngộ dưới cội cây Tất bát la, Ngài đã tìm ra điều vi diệu này. Suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp giáo hóa chúng sanh Ngài đã vận dụng Tứ tất đàn, để độ chúng sanh mọi tầng lớp, mọi giai cấp trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Lúc nào cần sử dụng Thế giới Tất đàn, thì Ngài thuyết pháp không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, sang hèn. Khi nào cần hóa độ Vua Chúa để họ tạo điều kiện xiển dương Chánh pháp, lúc ấy gọi là Vị nhơn Tất đàn. Có những lúc Ngài quán sát căn cơ của những người tham lam, thì Ngài nói lợi ích của việc Bố thí hay đối diện với kẻ sân hận Ngài lại khuyên bảo và nói sự tổn hại của sự giận dữ “một phút sân, đốt cháy cả rừng công đức”, lúc ấy gọi là Đối trị Tất đàn. Khi chúng hội đã sống trong sự hòa hợp, hành trì Chánh pháp của Đức Như Lai, áp dụng hạnh Bồ Tát trong đời sống hằng ngày, thì Ngài thuyết Đệ nhất nghĩa Tất đàn, để người nghe dũng tiến trên đường giải thoát.
Lục Tổ Huệ Năng dạy rằng: “Người thực lòng hành Đạo phải thấy lỗi mình, chẳng nên thấy lỗi của người. Cả thảy các điều lầm lỗi ở thế gian không quan hệ gì đến mình, thì chẳng nên cố chấp mà sinh ra bất bình, oán ghét. Khi đã giác ngộ rồi, muốn ra độ thế thì phải tuân thủ hai pháp: Tâm thông và Thuyết thông, phải hợp thời, hợp trình độ người nghe, gọi là hợp với khế lý và khế cơ, thế thì Phật pháp nào phải ngoài thế gian mà có. Cho nên, Đức Phật dạy: “Phật pháp bất ly thế gian pháp”. Trái lại, nếu bỏ đạo thế gian mà tìm đạo Phật, thì chẳng khác nào “leo cây bắt cá, xuống biển mà tìm kim”, không ích lợi gì cả.
Đức Lục Tổ dạy tiếp: “Ở trong cảnh động mà tịnh, nghĩa là thấy, nghe, nói, làm, đều do Chơn Như bổn tánh của mình lưu xuất, chớ chẳng phải do ý thức điều khiển, nên không sanh phiền não, không bị tán loạn”.
– Trong cảnh tịnh mà động, ví như Đức Phật Thích Ca thiền định 49 ngày dưới cội Bồ đề. Trong khi Ngài thiền định, hoát nhiên Chơn tánh phát ra trí Bát Nhã, hiểu suốt mọi lẽ, tìm ra Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhơn duyên, v.v…
– Còn ở trong cảnh động mà tịnh, cũng như lúc Ngài thành đạo rồi ra giáo hóa chúng sanh, Ngài đi xứ này đến xứ khác, nói pháp 49 năm, hàng phục ngoại đạo, giáo hóa vô số chúng sanh, mà tâm Ngài tự tại vô ngại, thanh tịnh tự nhiên, tạo ra một sự thanh thoát, ai thấy và nghe Ngài thuyết pháp, cũng đều hoan hỷ cung kính phụng hành.
Lý đạo thậm thâm quá nhiệm mầu
Xuyên suốt không gian vạn kinh cầu
Chuyển tải ý kinh vào mạch sống
Lời vàng Chánh pháp nghĩa thẩm sâu.
Thật vậy, nếu chúng ta biết áp dụng lời Phật đã dạy vào đời sống hằng ngày, chúng ta biết buông xả không dính mắc vào các pháp. Kinh Bát Đại Nhơn Giác dạy rằng: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã… Thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại”. Thế gian luôn luôn bị luật chi phối của vô thường, có sanh ắt có tử, có hợp phải có phân ly. Từ Vua, quan cho đến thần dân không ai tránh khỏi. Chỉ có thiểu dục tri túc, an bần thủ đạo, mới được an vui, tự tại. Chư Phật, chư Bồ tát, sống và thực hành được như vậy, nên các Ngài luôn được tự tại. Dưới con mắt trí tuệ các pháp đều như mộng, như huyễn v.v… do đó, các Ngài đã làm chủ được tâm mình, trong từng phút, từng giây.
TKN. Phước Giác (ĐSHĐ-117)