2.3.Niềm tự hào của Tăng Ni trẻ
Trưởng lão Hòa thượng là vị giáo phẩm luôn gần với Tăng Ni trẻ, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Mặc dù với nhiều Phật sự của Giáo hội, giáo dục Tăng Ni, phiên dịch Kinh tạng và trước tác sách vở, nhưng Hòa thượng vẫn luôn nhớ về nguồn cội – nơi mình đã xuất gia học đạo.
Trưởng lão Hòa thượng được Giáo hội và toàn thể chư Tôn túc, Tăng Ni, môn phái Tổ đình Tường Vân suy tôn lên ngôi vị trú trì Tổ đình năm 1984, Hòa thượng đã nhiếp hóa đồ chúng, tổ chức Giới đàn Sa-di phương trượng cho Tăng chúng trong nội phái và xây dựng, sửa sang một số công trình: khu bảo tháp, chư Tổ và Bổn sư…
Ngoài ra, Hòa thượng cũng dành nhiều thời giờ dạy Phật pháp cho tín đồ, mở lớp dạy Phật pháp cho Phật tử sau giờ tan sở và đề xuất với Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh giảng pháp vào sáng Chủ nhật hàng tuần cho Tăng Ni, Phật tử. Các buổi giảng đầu tiên là ở chùa Ấn Quang, Xá Lợi với các ngài Đôn Hậu, Thiện Châu… Trưởng lão Hòa thượng cũng tham gia thuyết giảng. Từ đó, phong trào học Phật và nghe giảng pháp sáng Chủ nhật hàng tuần được lan rộng. Với tâm niệm “học để làm người”, Ngài dành nhiều tâm huyết biên soạn quyển Phật pháp, đây là công trình biên soạn công phu dành cho thanh thiếu niên bước đầu học Phật. Và bài viết “Vì sao gia đình Phật tử ra đời” vào năm 1952, là một lý tưởng biết sống với ý nghĩa căn bản của con người. Gia đình Phật tử giúp cho các huynh trưởng hiểu biết các em, biết hy sinh cho các em, giữa thanh niên Việt Nam với thiếu nhi, giúp cho tuổi trẻ hiểu rằng phải biết sống trong tinh thần thân hữu, nâng đỡ dìu dắt, biết dấn thân hy sinh, cống hiến làm đẹp cuộc đời và nâng cao ý thức, giá trị cuộc sống.
Hơn 30 tác phẩm phiên dịch, Kinh Tạng Pàli, biên dịch từ Abhidhamma, tác phẩm tiếng Anh, sáng tác của Ngài đang được Tăng Ni nghiên cứu và học tập, ứng dụng như: Trường Bộ kinh (2 tập), Trung Bộ kinh (3 tập), Tương Ưng bộ kinh (5 tập), Tăng Chi bộ kinh (5 tập), Tiểu bộ kinh: gồm các tập: Pháp cú, Kinh Lời vàng, Kinh Phật tự thuyết, Kinh Phật thuyết như vầy, Kinh Tập, Trưởng lão Tăng kệ, Trưởng lão Ni kệ, Bổn sanh (2 tập), Thắng pháp tập yếu luận (Abhidhamma Atthasangaha). Các loại sách ưa chuộng hiện nay: Phật pháp, Ðường về xứ Phật, Những ngày và những lời dạy cuối cùng của Đức Phật, Ðại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa, Sách dạy Pali, Toát yếu Kinh Trường bộ, Toát yếu Kinh Trung bộ, Chữ Hiếu trong đạo Phật, Hành thiền, Lịch sử Ðức Phật Thích Ca, Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Chánh pháp và hạnh phúc, Ðạo Đức Phật giáo và hạnh phúc con người, Những mẫu chuyện đạo, Ðức Phật nhà đại giáo dục, Tâm từ mở ra, khổ đau khép lại, Những gì Ðức Phật đã dạy, Hiểu và hành Chánh pháp, Chiến thắng ác ma. Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu đã nhấn mạnh tính chất thực tiễn của giáo lý Như Lai qua quyển sách “Đạo Đức Phật giáo và hạnh phúc con người” như sau: “Đạo đức học trong Triết học là môn học nhằm đánh giá hành động; từ đó nhận rõ con đường người ta phải theo để loại trừ những sai lầm, khổ đau, tiến đến hạnh phúc tối hậu. Trong ý nghĩa tổng quát và căn bản này toàn bộ kinh sách Phật giáo dù vô cùng phong phú, chi li được xem là thuộc Pháp môn để thực hành, để tu tập, tiến đến giải thoát, hạnh phúc miên trường, cứu cánh Niết-bàn, và như thế, Phật học lại chính là đạo đức học. Đó là ý nghĩa thực tiễn nhất của giáo lý Phật giáo vậy1.”
Với những ân đức to lớn của Trưởng lão Hòa thượng để lại, bài học sâu sắc mà chúng con học được là sự kham nhẫn, mẫu mực, đức hy sinh to lớn. Qua những lời kể lại, có thân cận Ngài mới hiểu hết nỗi trăn trở của vị Thầy cao cả suốt đời chuyên tâm đào tạo Tăng Ni trẻ. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, Ngài không lùi bước, sự nghiệp giáo dục của Ngài đã góp phần tạo nên niềm tin, niềm tự hào cho Tăng Ni trẻ được cơ sở học tập, kiến thức làm hoằng pháp lợi sanh, dấn thân trên mọi nẻo đường. Ngài hay khuyến giáo: “Tự mình thắp đuốc lên mà đi”, “cứ thế mà phát huy” như khích lệ tinh thần và truyền trao sứ mệnh trồng người.
3. Kết luận
Trưởng lão HT. Thích Minh Châu là vị cao Tăng thạc đức có uy tín và nhiều công lao đóng góp to lớn cho nền giáo dục Phật giáo Việt Nam nói chung và nước ngoài nói riêng. Trong 30 năm xây dựng và phát triển của GHPGVN, Trưởng lão Hòa thượng là tấm gương tiêu biểu, có nhiều công lao đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển Giáo hội, đặc biệt là giáo dục, nhất là trong công cuộc xây dựng bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo và đạt nhiều thành tích, khen thưởng đáng kể trong đó: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Ðộc lập hạng Nhì, Huân chương Ðại đoàn kết và nhiều huy chương, bằng khen và giấy khen và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng Bằng Tuyên dương Công đức. Cuộc đời và Đạo nghiệp của Ngài là tấm gương sáng cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo, xây trường, dịch Kinh, viết sách, góp sức hoằng pháp lợi sanh, hướng nhân loại được an lành, hạnh phúc, tiến đến lộ trình giải thoát.
NCS. TN. Liên Hiền (ĐSHĐ-135)
- Thích Minh Châu (2002), Đạo Đức Phật giáo và hạnh phúc con người, Nhà xuất bản Tôn giáo, tr.3.