Xuân về gió thoáng qua mành
Lắng nghe pháp vũ âm thanh nhẹ nhàng
Xuân về tô đẹp trần gian
Hòa trong vũ trụ lời vàng Chân như.
Kinh Pháp Hoa phẩm Tín Giải, Đức Thế Tôn dạy ví dụ: “Chàng cùng tử bỏ Cha, bỏ nhà đi hoang, bao nhiêu năm nổi trôi khổ sở, nay trở về gặp lại người Cha thân yêu, nhưng không dám nhìn mặt. Nghĩa là trước đây Cha con cùng ở chung một nguyên quán, rồi người con vì ngu dại bỏ Cha, bỏ nhà đi hoang, chịu cảnh đói rách cơ hàn. Cũng vậy, ngày xưa Đức Phật và chúng sanh cùng ở chung một chỗ, đó là: “Viên Giác Diệu Tâm”, nhưng vì bất giác sống trái với Chơn tánh, khi cảm thọ sắc thân thì Lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) trở thành đối tượng, có sức hấp dẫn, cuốn lôi. Rồi bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, tiết trời lần lượt đổi thay, các pháp cũng bị định luật vô thường biến đổi. Cho nên, muốn có một mùa Xuân thắm tươi, muôn hoa đua nở, cây cối đâm chồi nảy lộc, thời tiết phải trải qua một mùa Đông rét buốt.
“Nếu chẳng một phen ngời buốt giá
Hoa Mai đâu dễ ngát mùi hương”.
Cũng vậy! chúng ta muốn đạt kết quả an vui, giải thoát, thì phải cố gắng học hỏi những lời dạy của Đức Như Lai, dùng tâm tư quán chiếu, tư duy Chơn lý, đem áp dụng vào đời sống hàng ngày: “Văn nhi tư, Tư nhi tu”, gạn lọc thân tâm, sống với Chơn tánh. Tánh mình có đủ ba thân, ba thân phát minh thành bốn trí. Ngài Lục Tổ dạy rằng:
“Đại viên cảnh trí, tánh thanh tịnh
Bình đẳng tánh trí, tâm vô bịnh
Diệu quan sát trí, kiến phi công
Thành sở tác trí, đồng viên cảnh.
Nghĩa là:
– Trí Đại viên cảnh là trí thanh tịnh.
– Trí Bình đẳng là tâm không bịnh (đối với muôn pháp lòng không dính mắc).
– Trí Diệu quan sát là trí thấy biết tận cùng chơn lý.
– Trí Thành sở tác như gương toàn sáng.
Trong khi chúng ta còn tập tu, nói thì dễ mà thực hành thật là khó, chuyển tải từng ý nghĩ, từng việc làm sao cho phù hợp, để thân và tâm cùng an lạc mới thấy an vui và giải thoát. Sở dĩ lâu nay mình chịu làm thân cùng tử, lưu lạc làm đứa con hoang, một chút trí huệ cũng không có, đành chịu xoay vần lưu lạc, kham chịu cảnh đói nghèo, như trải qua một mùa Đông giá buốt, tối tăm. Nay gặp lại được người Cha giàu có, hưởng được gia tài chưa từng nghĩ đến. Cũng như chúng sanh đã nhiều kiếp trôi lăn trong sanh tử luân hồi, nay được đầy đủ duyên lành, được làm thân người, sáu căn đầy đủ, lại được tu học trong giáo pháp của Đức Như Lai, thọ trì Tam quy Ngũ giới, biết được nẻo Chánh, đường Tà, chuyển “Thập ác” sát sanh, trộm cướp, tà dâm v.v… thành “Thập thiện”, đã không sát sanh mà chúng ta còn phóng sanh, không trộm cắp mà chúng ta còn bố thí, cúng dường, giúp đỡ cho những người có mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh v.v… Chúng ta gây nhơn lành ắt hưởng quả an vui, vì luật nhơn quả theo nhau như hình với bóng, nhờ thực hành theo giáo lý Phật Đà mà chúng ta được hưởng an lành trong phút giây hiện tại. Đó là chúng ta đã có một mùa Xuân thắm tươi và hạnh phúc.
Lâng lâng trên nẻo đường trần
Nắng Xuân từng sợi, phù vân nhạt nhòa
Én kia lướt nhẹ bay qua
Vô tâm không dấu, nào đâu lưu hình
Bao năm trong cảnh diệt sinh
Bóng chim bặt dấu, diệt sinh nào còn!
Mùa Xuân đến nhắc nhở cho chúng ta những gì? Mùa Xuân báo cho chúng ta hai chữ VÔ THƯỜNG, nhờ Vô thường mà em bé mới có ngày trưởng thành. Ngay nơi chúng ta cũng vậy, mới tuổi xuân xanh nay đã già nua. Có vô thường mới có sự đổi thay bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Và nhờ có vô thường chúng ta mới chuyển hóa được thân tâm, quay về con đường Chơn, Thiện, Mỹ. Như thời Đức Phật còn tại thế, vua A Xà Thế vì bị vô minh che lấp, muốn làm Vua để có quyền hành trong tay nên đã hạ ngục Vua Cha, bỏ cho đói khát rồi chết. Sau đó, lương tâm dằn vặt, nên quần thần đã đưa Vua đến đảnh lễ Đức Thế Tôn. Đức Phật giải thích và chỉ dạy phương pháp SÁM HỐI, nhờ thế mà Vua A Xà Thế đã giải được sự ray rứt trong lòng, cố công sám hối và cúng dường chư Tăng. Sau này đã ủng hộ việc kiết tập kinh điển, trở thành người Phật tử chơn chánh trong giáo pháp của Phật. Lẽ ra Vua A Xà Thế giết Cha, tội phải đọa Địa ngục vô gián, nhưng đã đổi lại thành quả báo an vui, nhờ pháp Phật nhiệm mầu và nhờ vào sự thành tâm sám hối. Đức Phật dạy rằng: “Thế gian đều phải chịu cảnh Tam khổ và Bát khổ”, đó là: “Khổ khổ, Hoại khổ, và Hành khổ. Sanh, Lão, Bệnh, Tử khổ, Ái biệt ly khổ, Oán tắng hội khổ, Cầu bất đắc khổ, Ngũ ấm xí thạnh khổ”.
Không phải Đạo Phật là đạo bi quan yếm thế, mà đây là một Chơn lý, dù cho không gian vô cùng và thời gian vô tận, trải qua ba thời: “Quá khứ, Hiện tại, Vị lai”, đều có giá trị, không bị phai mờ bởi thời gian, vì đây là lẽ thật của cuộc đời. Có nhận biết được như thế, thì khi đứng trước cảnh sanh ly tử biệt, ta không khóc than bi lụy, và chúng ta không để thời gian trôi qua một cách vô ích.
Xuân đến muôn hoa khoe sắc màu
Bướm vàng đôi cánh quyện bên nhau
Không trung điểm nhẹ cành hoa trắng
Duyên dáng chân tình cảnh sắc Xuân.
TKN. Phước Giác (ĐSHĐ-136)