Thiên Quang là một ngôi chùa Bắc Tông nổi tiếng ở Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Chùa được xây dựng từ năm 1933, đến nay đã có lịch sử hơn 90 năm. Năm 2007, chùa Thiên Quang được trùng tu và có kiến trúc giữ nguyên đến nay. Người đầu tiên tiến hành trùng tu chùa là Ni trưởng Thích Nữ Huệ Nghiêm – một người có nhiều đóng góp cho việc xây dựng và phát triển chùa, để lại di sản lớn cho hậu thế. Dưới thời Trụ trì của Ni trưởng Huệ Nghiêm, chùa Thiên Quang đã đóng góp nhiều cho sự hình thành và phát triển của Ni bộ Bắc Tông cũng như hoạt động cách mạng của Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hiện nay, dưới sự Trụ trì của Sư cô Thích Nữ Nghiêm Thật, đệ tử của Ni trưởng Huệ Nghiêm, chùa Thiên Quang đã tiếp bước tiền nhân, phát huy Chánh pháp, có nhiều hoạt động Phật sự đóng góp cho Phật giáo Cần Thơ nói riêng, xã hội nói chung.
1. Chùa Thiên Quang – ngôi chùa Bắc Tông nổi tiếng ở thành phố Cần Thơ
Chùa Thiên Quang tọa lạc tại số 132/96, đường Hùng Vương, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Chùa được khởi công xây dựng năm 1933, đến nay đã có hơn 90 năm lịch sử, chứng kiến và đồng hành cùng những thăng trầm của đất nước qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cũng như thời kỳ tái thiết đất nước sau ngày giải phóng. Nổi tiếng là một ngôi chùa Bắc Tông uy nghiêm tại Cần Thơ, chùa Thiên Quang không chỉ mang đến không gian tâm linh mà còn tạo ấn tượng bởi kiến trúc đẹp mắt.
Năm 2007, chùa Thiên Quang dưới sự Trụ trì của Ni trưởng Huệ Nghiêm đã tiến hành đại trùng tu và đến năm 2010 thì khánh thành. Hiện nay, Sư cô Nghiêm Thật, đệ tử của Ni trưởng Huệ Nghiêm, là Trụ trì.
Chùa Thiên Quang có kiến trúc theo lối Phật giáo cổ điển, vừa tráng lệ vừa đẹp mắt. Tọa lạc giữa thành phố Cần Thơ nhộn nhịp nhưng ngôi chùa vẫn toát lên vẻ đẹp yên bình và linh thiêng nhờ sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc cổ điển của Phật giáo và vẻ đẹp của thiên nhiên. Chùa tọa lạc ven một kênh nước lớn, giúp mang lại vẻ thoáng đãng, mát mẻ quanh năm. Diện tích rộng lớn của chùa được dành để trồng nhiều cây xanh, tạo nên một không gian yên bình, gần gũi với thiên nhiên.
Điểm nhấn trong kiến trúc chùa có thể kể đến tượng Quan Âm lớn trước sân chùa, cổng chùa, Chánh điện và vườn hoa. Trước sân chùa, tượng Phật Quan Âm đứng sừng sững, kèm theo hồ sen nhỏ ở dưới chân, tạo nên một không gian tinh tế và thanh nhã. Cổng chùa được trang trí màu đỏ gạch và vàng, xây dựng theo kiến trúc tam quan (3 cửa); cửa Từ Bi ở bên trái và cửa Trí Tuệ ở bên phải được trang trí bằng câu đối chữ Việt và Hán cùng với hình tượng bánh xe Pháp Luân. Bên trong chùa, Chánh điện có mái ngói âm dương và điêu khắc hình tượng lưỡng long tranh châu, có tượng Phật A-di-đà lớn đứng ở giữa với tượng Phật tư thế “duy ngã độc tôn” và các tượng khác. Vườn hoa có tiểu cảnh với non bộ, tượng Phật Di-lặc, tượng Phật nằm và tiểu cảnh thờ Quan Thế Âm Bồ-tát. Đằng sau Chánh điện có một con đường nhỏ dẫn đến các tiểu cảnh khác nhau như Đức Phật ra đời và Thái tử Tất Đạt Đa cắt tóc tu hành1.
Vẻ đẹp kiến trúc cũng như không gian linh thiêng của chùa Thiên Quang khiến nơi đây trở thành điểm đến không chỉ của Phật tử mà còn của du khách gần xa ghé thăm Cần Thơ.
2. Tiếp bước tiền nhân
Nếu như thiên nhiên và kiến trúc có thể mang đến vẻ đẹp bên ngoài cho ngôi chùa Thiên Quang, thì chính nguồn năng lượng linh thiêng của các thế hệ tiền bối đã mang lại vẻ đẹp nội tâm sâu sắc cho ngôi chùa2. Qua tiếp xúc với Sư cô Nghiêm Thật, Trụ trì chùa Thiên Quang hiện nay, chúng tôi biết rõ hơn về truyền thống quý báu của ngôi chùa. Nơi đây từng là căn cứ cách mạng, nuôi dưỡng nhiều chiến sĩ cách mạng của đất nước thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ; đồng thời, đây cũng là nơi in dấu của các bậc Ni trưởng từng đóng góp tích cực cho sự hình thành và phát triển của Ni bộ Bắc Tông – tiền thân của Phân ban Ni giới Phật giáo Việt Nam. Đó là các Sư bà (Ni trưởng) Bửu Thanh, Bửu Trí, Ni trưởng Huệ Nghiêm. Các Sư bà là những bậc Trưởng lão Ni sống cuộc đời thanh lương, tinh tấn với lý tưởng giải thoát, đã cống hiến trọn đời cho đạo pháp và dân tộc. Hiện nay, chùa Thiên Quang còn lưu giữ những bức ảnh Sư bà Bửu Trí, Bửu Thanh chụp cùng với Sư trưởng Như Thanh và các bậc Tôn túc Ni của Ni bộ Bắc Tông.
Theo giấy xác nhận của Thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam Lâm Thị Phấn, cư ngụ tại phường An Cư, thành phố Cần Thơ, người từng công tác Điệp báo nội thành những năm 1946-1976, hai Sư bà Trụ trì chùa Thiên Quang khi đó được giao nhiệm vụ làm “hộp thư sống”, liên lạc ở nội thành Cần Thơ và từ Cần Thơ lên Sài Gòn, từ Sài Gòn về Cần Thơ. Trong thời gian này, các cuộc họp của tổ Điệp báo thường được tổ chức ở sau vườn chùa và hai Sư bà là người canh gác, bảo vệ để cuộc họp diễn ra an toàn. Hai Sư bà đã “rất nhiệt tình, tận tâm tận tụy đóng góp cho cách mạng”, hoàn thành chu đáo, toàn vẹn các công tác tổ chức được giao3.
Theo Giấy xác nhận thành tích của ông Nguyễn Văn Khâm, cư ngụ tại xã Tân Quới, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, người từng hoạt động vùng tại thị xã Cần Thơ những năm 1947-1952 trên các cương vị khác nhau – Chỉ huy phó “Công an xung phong” Thành bộ Cần Thơ (1947), Trưởng ban Trinh sát Công an thị xã Cần Thơ (1949), Trưởng Công an thị xã Cần Thơ (1950-1952) – thì hai Sư bà Bửu Trí (Đồng Thị Quế) và Bửu Thanh (Vương Thị Quế) đã luôn ủng hộ “Ban Công tác Thành” và “Đội Trinh sát” rất chu đáo về “yểm quân, lương thực, bánh trái và canh gác4”.
Theo bác Nguyễn Thị Kim Thanh (pháp danh Diệu Thiện5), một Phật tử sống gần chùa Thiên Quang và hay qua chùa làm công quả, nấu cúng vào các dịp lễ và ngày rằm, thì chùa Thiên Quang là chốn linh thiêng có các Sư bà được nhiều người mến mộ, là nơi nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng. Chùa từng nuôi khoảng 20 vị hoạt động cách mạng thời chiến tranh nhưng do tính chất của hoạt động phải giữ bí mật nên bác Thanh cũng không biết nhiều thông tin.
Mặc dù còn hạn chế về thông tin, nhưng với nguồn tư liệu hữu hạn mà tác giả tiếp cận được, có thể khẳng định: Chùa Thiên Quang là nơi lưu giữ truyền thống của Phật giáo Bắc Tông, nơi có đóng góp tích cực cho đất nước qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi cần nhận được sự quan tâm của Nhà nước và Giáo hội để tiếp tục nối bước tiền nhân, phát huy Chánh pháp.
3. Phát huy Chánh pháp
Đến chùa Thiên Quang, mỗi người đều có thể cảm nhận nguồn năng lượng tích cực ở nơi đây nhờ có sự tiếp nối tiền nhân, phát huy Chánh pháp của thế hệ Ni hôm nay. Hiện nay, Sư cô Nghiêm Thật, đệ tử của Ni trưởng Huệ Nghiêm, được giao Trụ trì chùa Thiên Quang. Được biết, Sư cô xuất gia năm 14 tuổi (1992) với Sư phụ Huệ Nghiêm. Theo lời kể của Sư cô thì Sư phụ và bà nội là hai chị em cô cậu ruột. Khi lên thăm bà nội, Sư cô được Sư phụ dắt ra Đồng Nai (Thường Chiếu) làm thị giả. Khi ra ngoài đó, lúc chiều tối, nghe tiếng Đại hồng chung vang /lên, thấy người ta đi tu nhiều quá thì thích. Đến ngày Rằm tháng Hai, chùa thông báo ai xuất gia thì đăng ký, quý Sư cô ở chùa bảo: “Con đi xuất gia luôn đi!” Nghe vậy mà Sư cô đi luôn, lúc đó Sư cô chỉ nghĩ: “Đi tu thì lớn lên không phải lấy chồng, không phải lo cho chồng con.” Thế là trước khi đi chùa thì còn tóc mà khi về thì không còn nữa.
Cũng theo lời kể của Sư cô Nghiêm Thật, nhờ đi tu nên Sư cô mới được học lại (trước đó Sư cô đã nghỉ học từ lớp 5). Sau khi đi tu, Sư cô học lại lớp 5 đến hết lớp 12. Sau đó, Sư cô đi học Trung cấp Phật học 4 năm ở Tiền Giang, rồi 3 năm Cao đẳng Phật học ở Bạc Liêu, tiếp đến 4 năm lên Sài Gòn học Cao cấp giảng sư khóa 5, 2 năm cuối học tại Học viện Phật giáo Việt Nam – Khoa Đào tạo từ xa. Trong 4 năm, Sư cô đã tốt nghiệp cả hai lớp cao cấp giảng sư và đào tạo từ xa. Sau khi học xong, Sư cô về giúp Sư phụ xây dựng chùa; đến năm 2020 thì Sư phụ viên tịch.
Từ khi tiếp nhận Trụ trì chùa Thiên Quang, Sư cô nỗ lực gánh vác các công việc tại chùa. Sư cô cũng có phần lo lắng vì cảm thấy trọng trách hơi nặng mà mình còn nhỏ. Tuy nhiên, đến thăm chùa, ngắm nhìn không gian, cảnh vật và cảm nhận không khí tâm linh toát ra nơi đây, có thể nói: Sư cô Nghiêm Thật đã tiếp bước tiền nhân, phát huy Chánh pháp rất tốt.
Điểm nhấn trong hoạt động của chùa Thiên Quang hiện nay, theo cảm nhận của người viết, là các khóa tu được mở hàng tháng cho sinh viên và thanh thiếu niên. Chùa ở gần trường đại học nên các em sinh viên tham dự khóa tu rất đông, mỗi khóa tầm 200 sinh viên. Ngày càng có nhiều sinh viên, thanh thiếu niên đến chùa quy y, mỗi lần quy y có khi lên tới mấy trăm em, tuổi đời từ mười mấy.
Hiện nay, chùa mong muốn có thể xây giảng đường để tổ chức các lớp học giáo lý cho sinh viên, thanh thiếu niên, Phật tử và chỗ nghỉ ngơi cho Phật tử. Người viết mong rằng, Nhà nước, Giáo hội và Phật tử xa gần quan tâm để chùa sớm thực hiện được ý nguyện của mình.
Việc mở các khóa tu dành cho thanh thiếu niên, sinh viên chùa Thiên Quang có ý nghĩa to lớn trong phát huy Chánh pháp, bởi vì: Thanh thiếu niên có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới và bảo vệ đất nước. Muốn việc học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cho thanh thiếu niên được tốt thì cần phải có môi trường lành mạnh chung của toàn xã hội, trong đó các tổ chức tôn giáo cũng cần chia sẻ trách nhiệm có giá trị tầm xa này.
Ngay sau khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981, Ban Hướng dẫn Phật tử đã ra đời. Tại Đại hội lần thứ V, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức được thành lập. Sau đó, hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đều có Phân ban Hướng dẫn Phật tử, tạo thành một hệ thống tổ chức chặt chẽ, hoạt động thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay, tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội đang có dấu hiệu gia tăng, như: thanh thiếu niên bỏ học sớm, thiếu sự quản lý của gia đình, trộm cắp, gây mất trật tự xã hội. Trong bối cảnh đó, các khóa tu tại chùa Thiên Quang hướng dẫn Phật tử thanh thiếu niên và sinh viên có ý nghĩa quan trọng trong việc bồi dưỡng thế hệ kế cận của đất nước, giúp phát huy tốt vai trò của Phật giáo trong nâng cao đời sống tinh thần của xã hội.
Kết luận
Chùa Thiên Quang – Ninh Kiều, Cần Thơ, một ngôi chùa Bắc Tông nổi tiếng đã tiếp bước tiền nhân, phát huy Chánh pháp. Hơn 90 năm hình thành và phát triển, chùa đã trải qua những thăng trầm cùng với lịch sử đất nước. Trong thời chiến tranh, chùa từng là căn cứ cách mạng, nuôi dưỡng chiến sĩ cách mạng. Các bậc Sư bà tiền bối của chùa như Ni trưởng Huệ Nghiêm, Ni trưởng Bửu Lý, Bửu Thanh cũng hoạt động, đóng góp cho sự phát triển của Ni bộ Bắc Tông. Hiện nay, dưới sự Trụ trì của Sư cô Nghiêm Thật, chùa Thiên Quang đã tiếp tục mạch nguồn linh thiêng của Phật giáo nơi đây, thu hút đông đảo Phật tử Cần Thơ cũng như các nơi khác. Đặc biệt, các khóa tu được chùa tổ chức thường xuyên với sự tham gia tích cực của nhiều sinh viên, thanh thiếu niên thành phố Cần Thơ đã góp phần bồi dưỡng đạo hạnh cho thế hệ tương lai của đất nước.
Từ nghiên cứu trên, có thể khẳng định: Thứ nhất, chùa Thiên Quang là một ngôi chùa Bắc Tông nổi tiếng ở thành phố Cần Thơ; thứ hai, chùa Thiên Quang lưu giữ truyền thống tốt đẹp của Phật giáo dân tộc: hòa cùng dòng chảy cách mạng của đất nước, làm căn cứ cách mạng trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đóng góp tích cực cho hoạt động của Ni bộ Bắc Tông; và thứ ba, chùa Thiên Quang hôm nay đã kế thừa được truyền thống tốt đẹp của những thế hệ Ni hậu bối, phát triển ngày càng khang trang và Chánh pháp được duy trì, vun bồi ngày một vững mạnh.
NS. TS. Thích Nữ Huệ Hiếu (ĐSHĐ-130)
Mc Trâm Anh diễn đọc
- “Chùa Thiên Quang (Ninh Kiều – Cần Thơ)”, https://chonthieng.com/dia-diem/chua-thien-quang-ninh-kieu-can-tho.
- Theo lời kể của Sư cô Nghiêm Thật, ngày trước có ông Quy, cứ ngày 14 Âm lịch hàng tháng có sám hối là ông cụp cụp đi vô, sám hối xong ông cụp cụp đi ra. Vì vậy mà người ta đồn nhau rằng chùa Thiên Quang là chốn linh thiêng.
- Giấy xác nhận được cung cấp bởi Sư cô Nghiêm Thật, Trụ trì chùa Thiên Quang.
- Giấy xác nhận được cung cấp bởi Sư cô Nghiêm Thật, Trụ trì chùa Thiên Quang.
- Phỏng vấn bác Nguyễn Thị Kim Thanh tại chùa Thiên Quang ngày 2/1/2024.