Giữa những bộn bề được mất không báo trước của cuộc đời, đôi khi có ai đó tình cờ lướt ngang qua chúng ta, họ vô tình đến rồi đi, vô tình lưu lại trong trí nhớ ta bởi những điều thật đặc biệt… Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên được ấn tượng lần đầu tiên khi gặp cô, lần đầu tiên đặt chân đến mái chùa đong đầy tình yêu thương đang chở che cho những em bé mồ côi không nơi nương tựa. Tôi gặp bóng áo lam ấy trong một chuyến xe khách từ Thành phố Hồ Chí Minh lên Bình Phước. Sau kì thi học kì tôi bắt xe trở về nhà, hai giờ chiều, chiếc xe vẫn đậu ở bến để đón khách, những chỗ trống đang dần được lấp kín, bên ngoài ô cửa nhỏ dòng người cứ vội vã và đua chen. Anh bán vé số chìa những con số đẹp ra mời gọi, các chú xe ôm đang giành khách, chị bán hàng rong thì cố nài nỉ người qua đường mua giùm chai nước, những cảnh sống như vậy đã quá quen thuộc giữa đời thường.
Giữa những vội vã, giữa những đua chen, chợt chiếc bóng áo lam xuất hiện, một màu sắc thanh nhẹ, dịu hiền. Chiếc bóng trải dài dưới nắng chiều oi ả, một chiếc xe khách lướt ngang qua, chiếc bóng mất hút qua ô cửa. Màu lam ấy như một vệt nắng cuối chiều, xuất hiện tươi sáng rồi nhanh chóng tan trong bóng mây. Nhẹ tay buông rèm cửa xuống, tôi nhắm mắt say trong một điệu nhạc thân quen, chiếc xe vẫn nhẫn nại đứng im chờ đợi những hành khách cuối cùng. Cánh cửa xe bật mạnh, rồi nhiều tiếng ồ lên kinh ngạc, chắc lại có vị khách nào đặc biệt, tôi thầm nghĩ như thế và nheo mắt nhìn như chẳng thể nào che giấu được sự hiếu kì. Quả thật là chuyến xe có những vị khách đặc biệt, tám chú tiểu áo nâu đang thẳng hàng từ từ bước lên xe.
Chú đầu tiên cao nhất, tóc để ba chỏm trái đào, mắt tròn xoe ngơ ngác đang nhìn về phía những hàng ghế trống. Tôi nhanh tay vảy chú tiểu lại chỗ mình, một sự thích thú kì lạ đang cuộn tròn giấu kín trong lòng tôi, chú nhỏ đến gần miệng lí nhí câu cảm ơn như e ngại. Lần lượt những chú khác bước ngang qua, chú thứ hai, thứ ba, thứ tư cho đến người cuối cùng… một bóng áo lam. Ngay lúc đó, gương mặt vừa hiền hòa vừa trang nghiêm kia nở một nụ cười gợi một cảm giác gần gũi, thân quen. Cánh cửa đóng kính lại chiếc xe bắt đầu lăn bánh, tôi nhắm mắt lại cầu cho nhanh về đến nhà. Vì chỉ mất hơn hai tiếng đi xe, nên chỉ cần có dịp nghỉ học là tôi lại trở về Bình Phước để thăm nhà, lần nào cũng háo hức mong về bên mẹ nhưng khổ một nổi là tôi bị say xe. Dù đã uống thuốc chống nôn trước khi lên xe nhưng nỗi sợ vẫn ám ảnh trong đầu, lúc trước tôi vẫn thường hay nghe nhạc rồi ngủ một giấc dài để quên việc mình đang ngồi trên xe. Nhưng hôm nay tôi lại quay sang bắt chuyện với chú tiểu để thỏa mãn sự tò mò của mình. Chú rụt rè trả lời các câu hỏi của tôi, “ở chùa vui lắm”, “em không nhớ nhà”, “có sư phụ thay mẹ rồi”, “em tên Đức An, ở chùa Pháp Lạc, xã Bù Nho, huyện Bù Gia Mập”…
Đôi mắt chú sáng long lanh khi nhắc đến tên chùa, tôi thích ba chỏm tóc nhỏ của chú, nhìn vừa ngộ nghĩnh vừa dễ thương. Thỉnh thoảng chú lại ngoảnh đầu nhìn ra phía sau, hướng đôi mắt đen tròn đến chỗ sư cô và những chú tiểu khác đang ngồi. Chỉ có chú tiểu nhỏ nhất ngồi cùng dãy ghế với sư cô, sáu chú còn lại ngồi rải rác kèm với những hành khách khác. Như một chú chim non lạc bầy, Đức An ngồi yên không nói. Trong lòng tôi có chút ái ngại làm mất đi sự hào hứng ban đầu, hình như tôi đã hỏi quá nhiều. Chiếc xe di chuyển lắc lư theo từng nhịp, mọi thứ trong mắt tôi bắt đầu xoay tròn, cuống họng đã nhờn nhợn muốn nôn. Bác tài xế đột nhiên thắng gấp, tôi nhào người ra phía trước, tay lấy vội túi ni lông, gục đầu xuống và bắt đầu “động tác say xe” quen thuộc. Đức An dường như lo sợ, chú vội nhổm dậy gọi to mấy tiếng: “ bạch sư phụ, sư phụ…! .”. Mắt tôi hoa lên, đầu óc cứ xoay đều theo nhịp lắc lư của chiếc xe, thứ hỗn hợp nặng mùi kia lại tiếp tục trào qua cuống họng.
Tôi gập người xuống cố gắng nôn cho trào hết mọi thứ ra ngoài, chợt có một bàn tay nào đó vuốt xuống liên hồi sau sống lưng tôi, là bóng áo lam, là bàn tay của sư cô đang vỗ vỗ sau lưng. Cô nhanh tay đưa cho tôi khăn giấy, tay kia lấy vội chai dầu xoa đều lên hai thái dương rồi nhấn huyệt trên đỉnh đầu. Tôi lúc ấy như một đứa trẻ ốm bệnh rụt rè hai từ cám ơn không thốt nên câu. Sư cô nhìn tôi với ánh mắt đầy sự thông cảm, cô đưa cho tôi một tràng hạt bảo tôi lần hạt rồi niệm Phật đều theo nhịp thở. Cô bảo rằng hồi trước cô cũng thường xuyên bị say xe như tôi bây giờ. Nhưng sau này mỗi lúc đi xe cô chuyên tâm niệm Phật thì quên mất cảm giác khó chịu này. Cô từ từ chỉ cho tôi cách điều hòa hơi thở và tập trung tâm ý vào tiếng niệm Phật. Chiếc xe vẫn tiếp tục lắc lư, cổ họng tôi đã khô rát lại còn đắng nghét cái dư vị của thức ăn trào ngược. Cầm chắc xâu chuỗi trong tay, tôi nhắm mắt lại bắt đầu với tiếng niệm Phật, từng câu, từng tiếng cứ đều đều vang lên trong tâm, lòng tôi từ từ lắng dịu, tiếp nhận một cảm giác khinh an nhẹ nhàng đến theo câu niệm Phật. Tôi quên hết mọi thứ xung quanh, niệm niệm rồi đi vào giấc ngủ từ lúc nào.
Chiếc xe mải miết với hành trình, con đường về nhà ngắn dần, nhiều hành khách đã xuống xe trước. Đến lúc xe gần cập bến, tôi tỉnh dậy khi trên xe chỉ còn năm bảy người. Không còn bóng dáng của sư cô cùng các chú tiểu, tay tôi còn nắm chặt xâu chuỗi, tôi còn chưa kịp nói lời cảm ơn, chưa kịp biết đến tên cô. Chiếc bóng áo lam cùng gương mặt thân thiện ấy đã in đọng trong tâm trí tôi lúc này. Tôi muốn tìm gặp cô để nói lời cám ơn, muốn gặp lại những chú tiểu dễ thương với tóc để chỏm ba trái đào…Tôi sực nhớ đến cái tên Đức An, tên Chùa Pháp Lạc ở xã Bù Nho, huyện Bù Gia Mập.
Dành ngày nghỉ sau cùng để tìm đến ngôi chùa, lòng không sao không giấu hết niềm vui lẫn háo hức. Nhờ hỏi mọi người xung quanh, tôi biết được Chùa Pháp Lạc ẩn mình trong một xóm nhỏ thuộc thôn Tân Phú ( xã Bù Nho, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), chùa được mọi người nhắc đến như một mái ấm tình thương, một điểm tựa an vui cho những đứa trẻ kém may mắn, được sư cô trụ trì ( sư cô Thích Nữ Minh Viên) nhận về nuôi. Ngay từ ngoài cổng chùa tôi đã nghe được tiếng cười giòn tan, tiếng đùa giỡn của các chú tiểu vang lên trong khoảng không trầm mặc. Thấy bóng người lạ, các chú ùa nhau chạy trốn vào nhà sau, tôi vẫn nghe thấy tiếng cười khúc khích, tiếng gọi nhau í ới đằng sau cánh cửa, những chỏm tóc trái đào cứ lấp ló bên song cửa sổ, những đôi mắt đen láy, tròn xoe đang nhìn về phía tôi.
Thấp thoáng trong gian bếp gỗ, chiếc bóng áo lam đang tiến lại gần, nụ cười thân thương vẫn lan tỏa trên nét mặt. Tôi như bị cuốn hút vào một thế giới khác lạ, một điều gì đó thật giản dị, thật bình yên đang bao phủ không gian nơi đây. Sư cô cười hiền khi tôi nhắc đến đến lần tương ngộ tình cờ trên chuyến xe. Cô bảo vì thấy tôi ngủ say nên lúc xuống xe không nỡ đánh thức, Đức An hôm ấy thấy tôi như vậy thì hoảng sợ lắm. Hôm nay chú đã đi học chỉ còn những chú nhỏ khác ở nhà.
Các chú ở đây đều là trẻ mồ côi hoặc có những hoàn cảnh đặc biệt, tất cả đều được sư cô cùng các tấm lòng hảo tâm khác dưỡng nuôi chăm sóc. Cô chỉ cho tôi tấm hình chụp chung các chú cùng một người mẹ nuôi đang treo trên tường. Tôi tròn xoe mắt khi nhận ra người mẹ ấy là ca sĩ Phi Nhung. Cuộc đời quả thật luôn ẩn chứa những nhân duyên bất ngờ, giữa muôn vàn biến động của cuộc sống vẫn có những tấm lòng cao đẹp đang thầm lặng nở hoa, thầm lặng góp phần mang yêu thương, mang nụ cười đến với những mảnh đời bất hạnh. Tôi rời chùa khi trời sắp tối, lòng vẫn còn lưu luyến những tiếng cười trong vắt của trẻ thơ, sư cô tiễn tôi ra cổng, bóng áo lam khuất dần sau cây bồ đề xanh thắm. Tôi mơ màng trong suy tưởng, phải chăng đó là tấm lòng của Bồ Tát hiện thân giữa đời thường.
Tâm Mãn (ĐSHĐ-012)