Chuyện kể rằng
Có một người đàn bà nọ, suốt ngày chỉ khóc. Bà có hai người con gái, cô chị bà gả cho anh bán dù, cô em bà gả cho anh bán mì sợi. Vào ngày nắng bà lo lắng: “Trời ơi! Trời nắng đẹp thế này thì sẽ không ai mua dù làm gì. Nếu tiệm dù đóng cửa thì nó sẽ ra sao?”. Bà lo nghĩ vợ chồng con gái lớn của bà sẽ chết đói. Nỗi lo này làm bà buồn bã, chẳng còn cách nào hơn, suốt ngày bà chỉ biết ngồi khóc. Khi ngày mưa bà lại đau khổ khóc cho đứa con gái nhỏ của mình: “Trời mưa thế này thì chúng sẽ không phơi mì được để bán! Vậy cả nhà biết làm gì đây!” Do vậy, ngày nào bà cũng buồn khổ, dù ngày nắng hay mưa bà cũng khóc, cũng đau khổ cho một đứa con. Hàng xóm thấy vậy, gọi bà ta là “người đàn bà khóc lóc”.
Một ngày nọ, bà gặp một nhà sư, thấy bà cứ khóc lóc, nhà sư hỏi, bà kể rõ sự tình, nhà sư mỉm cười đôn hậu và nói: “Tôi sẽ chỉ cách cho bà cảm thấy hạnh phúc và bà sẽ không đau khổ nữa, với điều kiện chỉ cần bà thay đổi cách nhìn vấn đề. Vào ngày nắng, thay vì nghĩ đến cô gái lớn bà hãy nghĩ đến cô em, trời nắng phơi được mì và bán rất đắc, công việc làm ăn sẽ khấm khá lên. Ngày mưa, bà hãy nghĩ đến vợ anh bán dù sẽ bán được nhiều dù, cửa tiệm cô ấy sẽ phát đạt”. Bà lão nghe nhà sư nói xong liền tỉnh ngộ và làm theo. Từ đó, mỗi ngày bà đều vui vẻ, luôn nở nụ cười trên môi. Mọi người thấy thế không ai còn gọi bà ấy là người đàn bà khóc lóc nữa mà chỉ gọi là “người phụ nữ hay cười”.
Lời bàn:
Cuộc sống là một dòng chảy liên tục, con người cũng bị cuốn hút vào dòng chảy đó, cũng trôi đi như một dòng sông và chịu sự biến dịch tuần hoàn theo năm tháng. Vì thế, con người phải phấn đấu vươn lên, biến cái đang có thành cái phải có, biến số mệnh thành định mệnh.Và cứ thế, con người mãi vùng vẫy để đạt cho kỳ được những ước vọng của mình. Dẫu biết rằng khi ta sinh ra đôi bàn tay trắng, lúc trở về cũng trắng đôi tay. Thế nhưng, con người vẫn không thôi ước vọng, mơ tưởng, tìm cầu trong vô vọng, tham cho mình chưa đủ còn tham cho bà con, quyến thuộc của mình. Do vậy, con người đừng hỏi “vì sao tôi khổ”, trong kiếp nhân sinh này con người sẽ mãi sống trong đau khổ, hụt hẫng khi khát vọng tham cầu chưa toại nguyện. Xét ra, trong câu chuyện trên tại sao người phụ nữ đau khổ? Thật ra, bà ta khổ đau chỉ vì hai lý do đơn giản:
Thứ nhất: Vì có tham ái nên có đau khổ. Mặc dù bà ấy nhân danh là vì người khác. Bởi vì thương con, vì tình mẫu tử nên bà lo lắng, nhưng sự lo lắng này đã tố cáo bà đã nắm giữ bằng tâm, tâm này là tâm tham ái “Ái dục sinh lo âu/ Ái dục sinh sầu khổ”. Bà muốn cho đứa con nào cũng được giàu sang, sung sướng, đấy chính là tham, mà tham cầu không được nên bà đau khổ.
Thứ hai: Nhìn sự vật hiện tượng dưới cái nhìn si mê, ích kỷ và phiến diện. Bởi vì bà không biết rằng thiên nhiên là để phục vụ chung cho muôn loài chứ nào phải đâu dành riêng cho bà hay con bà. Huống chi nắng mưa là việc vận hành của trời đất thuận theo tự nhiên, làm sao có thể làm vừa lòng bà được. Do ích kỷ, đòi hỏi vô lý như thế mà không được đáp ứng nên bà đau khổ, bởi bà đã rơi vào một trong tám khổ đó là “Cầu bất đắc khổ”.
Nhưng điểm đặc biệt ở người phụ nữ này, đó là đã tiếp nhận được lời dạy của bậc thiện tri thức khi được hướng dẫn thay đổi cách nhìn ở vấn đề nên được giác ngộ và hết đau khổ. Thay vì hằng ngày phải nghĩ đến những điều lo âu phiền muộn, thì lại suy nghĩ đến những điều vui vẻ, những điều làm cho tâm hồn thoải mái hơn. Cũng hoàn cảnh đó nhưng bà nhìn ở khía cạnh khác, lạc quan hơn, nên bà cảm thụ được sự nhẹ nhàng, an vui trong tâm hồn.
Câu chuyện đơn sơ nhưng đã chuyển tải một triết lý sống vô cùng sâu sắc, đó là cách nhận định bản chất của vấn đề hay nói cách khác là sự nhận định đúng đắn về bản chất cuộc đời. Ta thấy rằng cũng một hoàn cảnh đó, sự việc đó, con người đó, nhưng vì do tham ái, si mê nhìn nhận vấn đề theo thiên kiến riêng nên con người đau khổ. Cũng trong hoàn cảnh đó, sự việc đó, con người đó, nhưng khi biết thay đổi cách nhìn vấn đề, nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn theo bản chất của chính nó thì con người có thể chuyển buồn thành vui, chuyển nước mắt thành nụ cười, chuyển khổ đau thành hạnh phúc. Có thể nói, cuộc đời đau khổ không phải thực tại chứa chất đau khổ mà chúng ta đã nhìn thực tại dưới một cặp kiếng màu qua màng nhận thức tối đen mang nặng tư kiến nên cảm nhận thực tại đau khổ.
Diệu Lạc (ĐSHĐ-009)