Tự nhiên cái đồng hồ hết pin! Câu nói theo một thói quen trong cách nhận định mọi sự việc của mình, nghe na ná nhau, thường bắt đầu bằng hai chữ “tự nhiên”. Thực ra, không phải tự nhiên hết pin, mà là đến thời điểm pin phải hết vì nó đã “vắt cạn” sức mình cho những cây kim quay hoài, quay mãi lâu rồi… Có những thứ dừng lại bất ngờ. Nó bất ngờ, bởi vì ta nghĩ nó chưa dừng, nhưng nó dừng. Bởi vì ta không thấy sự dừng lại ấy đã có quy trình mà ta là người tác tạo ít nhiều, đôi khi là nguyên nhân chính dẫn tới sự dừng lại của nó, hay kiểu của “giọt nước tràn ly” (tích cóp mỗi ngày một ít, giờ đến giọt cuối cùng để nước có thể ở trong ly).
Nếu ta quen với cái thấy những giọt nước li ti nhỏ xuống, rồi định hình “làm sao tràn ly được”, cho tới khi nước chảy ra thì ta ngỡ ngàng… quơ vội hai chữ “tự nhiên” để lý giải. Hồi nhỏ, ta bắt đầu bằng “tự nhiên” kiểu như thút thít chạy vô nhà méc má rằng: “Tự nhiên thằng Tí đánh con”. Má ta sẽ hỏi lòng vòng chuyện bị đánh và cuối cùng, có khi ta còn… bị má đánh thêm cho mấy cây nữa vì không phải tự nhiên mà thằng Tí đánh. Ngược lại, tại vì ta giành bánh với thằng Tí, nó không cho, ta đã cố tình xô nó té, giật cái bánh nó quăng vô lùm cây, ghê chưa? Vậy mà ta đã biết phủ nhận hết mọi sai trái của mình và cấy vào việc bị đánh chữ “tự nhiên”, một cách ngon lành. Và bị má đánh thêm, bởi má không muốn ta hư, không muốn ta trở thành người “vừa ăn cướp vừa la làng”, sau này sẽ không phải là miếng bánh, mà là những thứ to tát khác, có khi sẽ mang họa sát thân.
Má đánh vì thấy trong chiều sâu của sự việc rằng, bây giờ thằng Tí nó còn nhỏ đánh mình sơ sơ, mai mốt ra ngoài xã hội, chợ đời mênh mông đó, chắc gì không gặp phải những người dữ hơn, “anh chị” hơn mình. Trở lại lý do “tự nhiên” mà ta vẫn thường đưa ra để lý giải cho những hiện tượng, sự việc xảy ra quanh mình, trong mình và nơi ngôi nhà, cuộc sống. Đó là một thái độ tự loại ta ra khỏi những nguyên nhân, hay nói cách khác là ta luôn thấy mình vô can trong mọi biểu hiện, là người… trong sạch. Ta không bao giờ dám nhìn thẳng vào sự việc, hiện tượng và cũng không dám “gọi đúng tên tôi” nên ta cứ phải dùng hai chữ “tự nhiên” như một thanh chắn vững chắc, một chiếc áo khoác an toàn cho mọi tình huống để mình vô can”.
Thực tế, đâu phải là như thế, mà là “cái gì cũng có lý của nó”. Nguyên nhân đôi khi đến từ hành động, ý nghĩ, lời nói liền tức thì ở đây, bây giờ và có kết quả ngay, gọi là nhân-quả hiện tiền. Như chuyện ta giựt cái bánh, xô bạn liền bị đánh lại một cái vậy đó. Tất nhiên, cũng có lắm sự việc, hiện tượng là nhơn quá khứ, trong đời xa xưa, trùng trùng sinh tử luân hồi nào đó ta đã tạo, đã gieo mà tới bây giờ mới… hưởng, hay phải thọ nhận, vậy rồi cứ mãi đau đáu, băn khoăn “mình có làm chi nên tội tình, tự nhiên cái… người ta nói xấu mình”. Sau dấu ba chấm, ta sẽ có vô số mệnh đề để điền vào phù hợp với thực tại, nếu ta không biết nhân quả, không tin nghiệp báo theo chiều hướng của quá khứ-hiện tại-vị lai thì dễ nghĩ ngay tới việc bất công,việc ông trời sao mà thiên vị người khác, lại o ép mình quá đỗi.
Chính cái thấy sai lệch, đổ lỗi, đổ thừa ấy có khi ta sẽ buông xuôi, mặc cho đời trôi về đâu thì trôi hay cố tìm công bằng cho cuộc sống của mình bằng bạo lực, bằng nguyên tắc “mạnh được yếu thua”, hay ấu trĩ hơn, có thể chọn cách kết liễu đời mình để… giải thoát. Kỳ thực, đó là ta đang chạy trốn nỗi khổ niềm đau của mình, do mình, bằng một phương cách sai lầm. Lẽ nên, mình phải thấy cái xấu, cái ác, cái bất công… là một thứ cộng duyên nhân quả để đối mặt tỉnh táo, thương yêu nhận diện và quán xét mọi thứ bằng lòng từ bi, rồi bắt đầu sửa mình, vươn lên, sống hiền thiện, tốt đẹp; thì mình lại bằng cách chạy trốn hay tìm cách để… gian manh hơn những cái gian manh đang áp bức mình (vốn sinh ra do nghiệp duyên nhiều đời).
Sám hối là cách phản tỉnh, làm việc lành là cách để làm mới…, để ta đi về phía thiện lương, trong dạng người “từ tối đi ra sáng” chứ không phải lẩn quẩn trong những lý lẽ nhỏ hẹp, rồi hành xử sai lầm, bậy bạ, sai càng sai hơn, kiểu “từ tối đi vào tối”. Nếu ta thấy “cái lý” của nhân quả ta sẽ làm mới theo cách chắt chiu thiện lành, lánh xa điều ác, thậm chí sẽ cảm ơn những cái “chi chi” trong mình, như bệnh duyên, chẳng hạn; cũng như sẽ cảm ơn những cái nghịch duyên quanh mình… vì họ đã đến và nhắc mình nhớ rằng, mình đã từng xấu, để bây giờ mình phải tốt hơn lên chứ không phải sẽ xấu hơn để chiến thắng. Chiến thắng kiểu đó chỉ là chiến thắng của thế gian, không phải là chiến thắng chính mình trong sự thấy biết nhơn quả, nhẫn nhịn, thương yêu, hỷ xả… mà Phật dạy!
Lưu Đình Long (ĐSHĐ-004)