Màu lam là màu dung hòa giữa các màu sắc khác. Màu lam dịu hiền dễ mến, không lòe loẹt như màu đỏ, hồng, không u buồn như màu tím, đen. Nhờ sự dung hòa dịu hiền ấy, nên gia đình Phật tử đã lấy màu lam, làm màu áo cho dễ hòa hợp được với tất cả. Áo lam là hình ảnh tiêu biểu trước nhất cho gia đình Phật tử, bởi nó thể hiện niềm tin Đạo pháp, tinh thần bình đẳng hòa đồng, tâm hồn tươi trẻ; đức tính khiêm tốn, dịu dàng, nếp sống bình dị trong sáng thanh cao của người đoàn viên gia đình Phật tử. Dù bạn có là ai trong cuộc đời này, một khi đã khoác lên mình chiếc áo màu lam, cùng quy kính dưới ngôi Tam bảo thì không còn sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn, phẩm bậc, chức quyền, trình độ, nghề nghiệp. Lúc đó, mọi người cùng có một gia thế như nhau, một tầng lớp như nhau, cùng là những người con thương yêu của đức Phật.
Giữa chốn thiền môn thanh tịnh, trang nghiêm, ngắm nhìn những chiếc áo lam thân thương từ dòng người vào hành hương làm lễ, lòng tôi bỗng dâng lên niềm xúc động và biết ơn vô cùng. Tôi không biết màu lam hiền hòa ấy đã đến với đạo Phật từ bao giờ, và nhân duyên nào đã đưa màu lam trở thành màu áo của những người con Phật. Nhưng đối với tôi, màu lam ấy là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, là niềm tin, là nhựa sống, là nguồn động viên, an ủi, đưa tôi trở về nương tựa nơi bình an nhất trong tâm hồn để quên đi những ưu tư, muộn phiền trong cuộc sống.
Phải nói rằng thật ngẫu nhiên đến kỳ lạ, khi tôi đến được với Phật pháp, với những bậc chân tu đáng kính, với màu áo lam thanh nhã mà theo tôi đó là “phước duyên lành”. Tôi vốn được sinh ra và lớn lên tại một vùng quê Bắc bộ, gia đình theo “đạo ông bà” từ bao đời nay. Vì thế, khái niệm về một tôn giáo như đạo Phật với tôi hoàn toàn lạ lẫm. Phải đến khi vào Nam sinh sống, lập gia đình, cùng với chồng, tôi biết nhiều hơn về Phật giáo, có điều kiện được học tập, nghiên cứu chuyên sâu về giáo lý chốn thiền môn.
Tôi đã có bước tiến sâu hơn trên con đường tu học của mình. Và chiếc áo lam đã trở thành trang phục không thể thiếu mỗi khi tôi lên chùa hành lễ. Như một lẽ tự nhiên, chiếc áo ấy đi vào đời sống thường nhật của tôi như một biểu hiện trang nghiêm cho Phật giáo, và tình thân bằng hữu ái của các thành viên trong đại gia đình Phật tử. Đằng sau màu sắc hiền hòa, thanh dịu ấy, là ý nghĩa thanh cao mà chiếc áo để lại trong suy nghĩ chúng ta.
Tôi đã bắt gặp ở đời, những chiếc áo màu rực rỡ với đủ loại hoa văn, màu sắc, kiểu dáng, hợp thời trang và bắt mắt. Những chiếc áo ấy, có thể làm bạn trông nổi bật giữa đám đông, thu hút mọi ánh nhìn. Còn với chiếc áo lam, nó có thể nhạt nhòa giữa nhịp điệu hiện đại của cuộc sống muôn màu, nhưng nó tôn lên phẩm chất của con người bên trong: “nhân hậu, vị tha, độ lượng”.
Màu áo ấy là màu của vô tư, không hỷ nộ, không ái ố, màu của từ bi, hoan hỷ theo đúng phẩm chất của đệ tử Phật môn. Mỗi lần khoác nó lên người, tôi quên đi những đua tranh giữa dòng đời xuôi ngược, tìm lại bình yên cho tâm hồn dưới mái hiên chùa thanh tịnh, trang nghiêm. Khi ấy, chiếc áo lam như những hạt giống thiện lành, những hạt giống của tình thương, giải thoát và hạnh phúc được gieo trồng trên mảnh đất tâm hồn của người con Phật, trong tôi lại có dịp được tưới mát, đâm chồi và nảy lộc mạnh mẽ hơn. Áo lam như một phép màu vi diệu. Vì lạ thay, dù tâm ta đang động, lòng ta đang sân si, khi mặc nó vào người, tự khắc mọi phiền não tiêu tan, lòng người trở nên tĩnh lặng, an bình và thanh thản hơn bao giờ hết.
“Thân thương chiếc áo màu lam
Mặc vào người thấy tánh tham tan dần
An nhiên đang đến dần dần
Tham si sân hận lần lần ra đi”.
Ta dễ nhận thấy màu lam là một màu dễ cảm mến. Người mặc áo màu lam vào trong ta cũng không thể nóng nảy, hoặc u buồn mà phải luôn luôn nhẫn nhục và tinh tấn trên đường tu học và giúp ích mọi loài. Phật tánh hay ma tánh cũng tại tâm ta. Nếu chúng ta vẫn mãi chạy theo tham dục thì Phật tánh cứ mãi che khuất. Nếu chúng ta biết xa dần dục vọng thì Phật tánh lại càng ngày càng tăng trưởng trong tâm. Từ ý nghĩa này, màu áo ấy hướng ta đến cái thiện thuần túy nhất.
Với tôi, màu áo lam còn mang ý nghĩa “giải thoát”. Khi mặc áo lam, mọi u mê trong ta được tiêu trừ, để cùng dìu dắt, nâng đỡ nhau hướng về Phật pháp, cùng tu tập, xây dựng tâm Bồ-đề kiên cố, đi theo ánh đạo vàng, chuyển mê khai tâm, giác ngộ chân lý. Màu nâu khiêm cung, màu lam giải thoát đem đến cho ta cảm giác bình an, tránh xa những khổ đau, muộn phiền, những lo toan, sợ hãi để sống an lành, bình yên và hạnh phúc. Áo lam nhắc nhở ta hãy từ tốn và khiêm cung như chính chiếc áo mà chúng ta đang mặc. Hãy thở thật nhẹ, thật sâu và ý thức trong từng hạt nút được cài, lấy đó làm niềm tin để vững bước trên con đường tu tập.
Và ta thật khâm phục trước những chiếc áo lam cùng người Phật tử, đem đến cho đời hoa thơm trái ngọt, không quản ngại khó khăn, đến những vùng sâu, vùng xa, vượt bão dông, mưa gió để chia sớt cho đời những nỗi khổ đau, bất hạnh, đem đến niềm vui dù là nhỏ bé để giúp đỡ mọi người, làm đẹp cho đời, mang niềm tin về chánh pháp truyền khắp muôn nơi. Những hành động ấy cao quý và ý nghĩa biết bao. Dù là tấm áo ấm trong mùa đông rét buốt hay hạt gạo thơm ngày đói tràn về, dù là gói mì quý báu mùa lũ hay những sách vở cần thiết cho em vào trường… tất cả không chỉ là tình thương về vật chất mà đằng sau đó là cả tình người, mang ý nghĩa nhân văn to lớn.
Ơi thân thương áo lam hiền
Về miền đồng sâu núi cao
Con xin chia sớt cho người
Hạt gạo hay tấm áo.
Màu lam có những ý nghĩa thật cao đẹp. Vì thế, ta phải tôn trọng chiếc áo màu lam trong màu sắc của gia đình Phật tử. Chúng ta chỉ mặc áo lam trong những buổi họp đoàn, các công tác Phật sự và luôn luôn giữ gìn lời nói việc làm để giữ thanh danh cho tổ chức. Hãy giữ gìn màu sắc ấy, lấy nó làm hương phấn để thoa thân, đem hoa báu tâm Bồ-đề mà trang điểm cho mình thì dù ở đâu cũng cảm thấy an lạc. Đã là một Phật tử, thân tâm phải thanh tịnh, dốc tâm tu tập, phải biết chế ngự bản thể để giữ giới cho chính mình và cho những người xung quanh, đó là những nấc thang cơ bản đầu tiên, là nền móng cho tòa nhà Giác ngộ.
“Mặc chiếc áo màu lam
Tâm tư thường khỏe nhẹ
Nguyện sống đời thảnh thơi
Đem vui cho trần thế”.
Mặc chiếc áo lam trong niềm tỉnh thức và an lạc, sống đúng tư cách đạo đức ta mới xứng đáng là con ngoan của Phật, không hổ thẹn với màu áo lam giải thoát. Hãy trân trọng áo lam như trân trọng, quy kính một đức Phật. Tôi luôn có một niềm tin son sắt, một sức mạnh vô hình rằng một ngày không xa nữa, màu áo lam trang nhã, thanh cao, trang phục của Phật tử đi đến chùa, hòa vào với trang phục muôn màu sắc của mọi người, mọi tầng lớp xã hội trong cuộc sống. Với một suy nghĩ hết sức chân thành của một người Phật tử tại gia, tôi luôn có một khát khao cháy bỏng rằng, màu áo lam giản dị, trang nhã nhưng cũng rất lịch sự, sẽ trở thành bộ pháp phục được toàn thể đại chúng từ người già, trẻ nhỏ được khoác lên mình mỗi dịp tới Phật đường.
Tịnh Hạnh (ĐSHĐ-004)