Ni giới được xem là một nguồn lực quan trọng trong các tài nguyên của Phật giáo, việc sử dụng nguồn tài nguyên đó có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Ni giới nói riêng và nữ giới nói chung. Lịch sử đã minh chứng vai trò quan trọng của Ni giới, được thể hiện ở sự hiện diện của Ni giới trong Giáo hội và sự đóng góp của Ni giới trong việc xây dựng nhân sinh theo tinh thần Phật giáo.
Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm kinh tế – thương mại mà còn là một trung tâm lớn của Phật giáo nói chung, Ni giới Phật giáo nói riêng. Tuy là thành phố trẻ so với những thành phố lớn khác của đất nước, nhưng nơi đây “đất lành chim đậu” đã quy tụ nhiều bậc danh Ni Phật giáo thời cận đại. Hiện nay, Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kế thừa mạch nguồn Phật pháp đã được truyền lại bởi các bậc tiền bối. Tuy nhiên, bối cảnh mới của sự phát triển, hội nhập, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã đưa đến những thách thức mới đối với Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài viết sau đây tìm hiểu những đóng góp quý báu của nguồn tài nguyên Ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh qua lăng kính Ni giới tỉnh Vĩnh Long, đồng thời chỉ ra những thách thức mà Ni giới thành phố đang phải đối mặt. Bài viết khẳng định, Ni giới là nguồn tài nguyên quý giá cần được tiếp tục quan tâm, phát huy giúp đem lại những thành tựu lớn hơn nữa cho sự phát triển của thành phố nói riêng, cả nước nói chung.
Khái niệm tài nguyên
Theo Từ điển khoa học, tài nguyên là tất cả các dạng vật chất tri thức được sử dụng để tạo ra của cải vật chất hoặc tạo ra giá trị sử dụng mới của con người. Có nhiều cách phân loại tài nguyên khác nhau. Theo quan hệ với con người, tài nguyên được phân chia thành tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên xã hội. Theo phương thức và khả năng tái tạo, tài nguyên được chia thành tài nguyên tái tạo và tài nguyên không tái tạo. Tài nguyên con người (tài nguyên xã hội) là một dạng tài nguyên tái tạo đặc biệt, thể hiện bởi sức lao động chân tay và trí óc, khả năng tổ chức và chế độ xã hội, tập quán, tín ngưỡng của các cộng đồng người2. Ni giới là nguồn tài nguyên quan trọng của Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh, bất cứ thời đại nào nguồn tài nguyên này được phát huy tốt, thời đại đó Phật giáo sẽ hưng thịnh (chẳng hạn, thời đại Lý – Trần có Ni sư Diệu Nhân, Ni sư Hương Tràng – Huyền Trân công chúa…).
1. Ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh hội nhập cùng đất nước trong các hoạt động
1.1. Hoạt động an sinh xã hội, giáo dục, y tế
Nối tiếp mạch nguồn truyền thống Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam và được phát triển hưng thịnh qua các triều đại Lý – Trần, Ni giới Việt Nam ngày nay tiếp tục dấn thân làm đẹp cho đời, cống hiến tâm sức vào các hoạt động an sinh xã hội, giáo dục, y tế và truyền thông theo chủ trương “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Với tinh thần từ bi, trái tim nhân ái, không phân biệt màu da tôn giáo, Ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp tục hoạt động nhân đạo, cứu khổ ban vui trong các hoạt động như nuôi người già neo đơn, trẻ mồ côi và khuyết tật; tổ chức các phòng khám từ thiện cho người nghèo, phát cơm từ thiện; xây cầu sửa đường, tặng quà tình thương, xe lăn, xe đạp cho người có hoàn cảnh khó khăn…
Tinh thần phụng sự không từ gian khó của Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh còn thấm sâu trong những nghĩa cử cao đẹp. Nhiều ngôi chùa trở thành mái ấm gia đình cho trẻ mồ côi, cho người khốn khó, trở thành lớp dạy tình thương như chùa Từ Hạnh (Bình Chánh). Nhiều Tuệ Tĩnh Đường khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo bằng phương pháp y học cổ truyền và y học hiện đại do Ni giới thành lập. Năm 2018, dưới sự vận động của chư Ni trong cả nước đã vận động trên 323 tỷ đồng, trong đó nổi trội là đóng góp của chư Ni Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần vào công tác an sinh xã hội.
1.2. Hoạt động hoằng pháp, truyền ánh sáng, xây dựng tình thương
Với tinh thần “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”, Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia tích cực vào công tác hoằng pháp, thường xuyên thuyết giảng cho các đạo tràng tu tập, giảng dạy các lớp giáo lý, Phật pháp căn bản và chuyên sâu, tổ chức các khóa tu mùa hè dành cho giới trẻ và thiếu nhi, khóa tu dành cho những người lớn tuổi,… Là những “Người con gái của Đức Thế Tôn” với trách nhiệm “Truyền ánh sáng, xây dựng tình thương” và tinh thần hoằng pháp độ sanh không mệt mỏi, một số chư Ni trẻ có năng khiếu, năng lực tham gia vào công tác thuyết giảng đã được số đông Phật tử yêu mến theo học. Với ngọn lửa trí tuệ và tình thương tươi mát của nước, giáo pháp của Đức Phật đã được Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh ban rải và chia sẻ khắp nơi trong và ngoài nước, lan tỏa từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
1.3. Dẫn dắt xây dựng tín đồ phục vụ nhân sinh
Với tư tưởng “Phật pháp bất ly thế gian pháp” của Đức Phật, Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh đã hướng dẫn Phật tử sống tri túc và có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, ứng xử với nhau theo tinh thần từ – bi – hỷ – xả, làm tròn bổn phận của mình với Đạo pháp và dân tộc. Phật giáo đã luân chuyển trong mạch sống của dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm, các chư Ni trong lịch sử đã uyển chuyển truyền bá Chánh pháp, đưa giáo lý nhà Phật in sâu vào đời sống và tư tưởng của người Việt.
Đất nước phát triển, tín đồ Phật giáo từ nhiều ngành nghề, hoàn cảnh khác nhau nên Ni giới Thành phố đã có sự dẫn dắt, hướng dẫn tu tập khéo léo, phù hợp với hoàn cảnh tôn giáo, tư tưởng, nghề nghiệp đúng chánh pháp, không để xảy ra mê tín dị đoan, thực hành sai lệch. Do đó, việc nâng cao nhận thức đúng đắn giáo lý Phật giáo luôn là vấn đề quan trọng được Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm dẫn dắt.
Không chỉ truyền đạt Chánh pháp bằng việc thuyết giảng, trong các hoạt động của Ni giới còn đưa dẫn các nội dung ích lợi giúp tín đồ nhận thức các hiện tượng, mối tương quan, những chuyển biến của xã hội một cách đúng đắn, khách quan để từ đó tín đồ nhận thức đúng đắn và kịp thời phát huy các chuẩn mực về đạo đức xã hội.
Bằng uy tín và đạo đức, Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực tập hợp, thu hút tín đồ, đặc biệt là các nữ tín đồ. Với vai trò và đặc tính về giới, Ni giới có nhiều lợi thế trong tập hợp, thu hút các tín đồ tham gia các hoạt động Phật sự và thế sự. Thực tế Ni giới, đặc biệt là các vị Ni trưởng đã tổ chức các hoạt động thu hút người dân theo các nhóm rất thành công.
2. Thách thức của Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh
Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông và mạng xã hội hiện nay, chư Ni Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng tìm hiểu, tiếp thu, sáng tạo thay đổi phương pháp truyền đạt cho phù hợp, dễ tiếp cận với Phật tử các tầng lớp xã hội. Nội dung và phương cách truyền đạt đến nhân sinh đã phá vỡ vỏ trứng trong kinh điển, đem những giáo lý thâm thúy đó kết hợp với những vấn đề trong gia đình, xã hội, môi trường sống và những vấn đề đương đại được xã hội quan tâm đã đem lại kết quả vô cùng to lớn.
Song song mặt tích cực đó, truyền thông hiện đại còn đưa lại cho Ni giới nhiều thách thức. Ngoài những trang mạng tích cực giúp cho việc học tập, trau giồi tri thức còn có những trang mạng đen làm suy đồi lối sống đạo đức; bên cạnh những người có lòng tốt ham học hỏi giáo lý, thì lại có những thành phần khác len lỏi nhằm dụ dẫn, bạo động tôn giáo khiến niềm tin của xã hội đối với Phật giáo bị lung lay. Mạng xã hội như một con dao hai lưỡi, bào mòn chủng Phật của chúng sanh, điều này quả thật khó tránh trong Tăng đoàn, điển hình đó là các vụ việc đã xảy ra và lan truyền trên mạng, báo chí trong suốt những năm vừa qua.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm lớn của đất nước về kinh tế, chính trị, xã hội, là một trong những nơi tiếp nhận sớm nhất sự phát triển công nghệ và khoa học kỹ thuật. Vì vậy, thách thức về truyền thông cũng là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu hiện nay. Để nuôi dưỡng tốt Thánh thai Phật pháp, việc quản trị các trang mạng xã hội, sử dụng nhân sự đối với tu sĩ cần được chú trọng.
Lịch sử thăng trầm của Phật giáo Việt Nam đã tạo nên một nguồn tài nguyên vô cùng dồi dào phong phú cho Phật giáo Việt Nam. Tài nguyên đó chính là nguồn tài nguyên con người – Ni giới, với học thức tư tưởng phong phú, lối sống tối giản mẫu mực tạo nên một lực lượng hùng mạnh phục vụ nhân sinh. Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh là tài nguyên quý giá của Phật giáo Thành phố nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung. Để phát huy nguồn tài nguyên này, Giáo hội và Phân ban Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh cần định hướng sử dụng phát triển, khai thác tiềm năng của mỗi cá thể để có thể tạo nên một Ni đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng Thành phố giàu đẹp văn minh, xứng đáng là đầu tàu phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
NS. Thích Như Hải1
- Phân ban Ni giới tỉnh Vĩnh Long.
- Tủ sách Thư viện khoa học, https://tusach.