Công ty lữ hành Sen Ấn đã hướng dẫn đoàn chúng tôi về thăm lại hai ngôi mộ của Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Maya tại kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu). Nơi đây đã lưu lại trong lòng mọi người và nhất là bản thân tôi những cảm xúc khó tả. Trên đường dẫn đến lăng mộ của hai nhân vật lịch sử, chúng tôi đã đi qua những ngôi nhà lá, thấp nhỏ nghèo nàn cùng những thửa ruộng lúa mạch đang rì rào trong gió, đi bên cạnh chúng tôi là những em bé nghèo, chất phác khiến tôi nhớ đến câu thơ của Thiền sư Tâm Quán: “Hồn vẫn trong và mộng vẫn xinh” đã nói lên tâm hồn mộc mạc và một cuộc sống giản dị không có nhiều nhu cầu vật chất nhưng rất hạnh phúc và an lạc nơi quê nghèo đã một thời là kinh thành vang bóng, là quê hương của Thái tử Tất Đạt Đa, để hôm nay hàng tỷ tỷ trái tim đang rộn ràng, hân hoan chào đón ngày Đản sanh của đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni PL.2562.
Đoàn chúng tôi đến thăm hai ngôi mộ của Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Maya vào một buổi chiều xuân man mác diệu vợi, nơi miền quê hẻo lánh tĩnh mịch với lối kiến trúc đơn thuần nhưng vô cùng thiêng liêng. Đứng trước hai ngôi mộ linh thiêng này chúng tôi tưởng nhớ về hơn 2500 năm trước, phụ vương và mẫu hậu của Đấng Đại giác được an táng nơi miền quê xa vắng này. Mọi người không ai bảo ai đều cúi đầu ngưỡng vọng về những bậc Thánh quý kính với những nỗi niềm, những cảm xúc vô tận và lòng thành kính vô biên được biểu hiện qua những giọt nước mắt tuôn trào.
Cảm xúc này khiến tôi nhớ lại ngày Hội nghị quốc tế được tổ chức tại Thái Lan vào năm 2008.
Khi đến biên giới giữa Lào và Thái Lan, tỉnh Mộc La Hán là tỉnh đầu tiên phái đoàn đặt chân đến. Ở đây, chúng tôi đã gặp gỡ, giao lưu với quý Phật tử trong đó một người là Việt Kiều ở Thái Lan, người thứ hai là Hoa Kiều hiện là giám đốc công ty du lịch tỉnh này. Vị giám đốc này là một Phật tử thuần thành có tầm hiểu biết tương đối rộng.
Những câu hỏi đầu tiên ông giám đốc hỏi về phương tiện ngôn ngữ để tu học: “Quý Sư đọc Kinh bằng tiếng Việt hay tiếng Hoa,…?”
Chúng tôi trả lời: “Ở Việt Nam, phần nhiều Kinh sách Phật giáo được lưu truyền bằng Việt ngữ, các Kinh sách bằng tiếng Pàli hay Sanskrit cũng như chữ Hán đều được chuyển dịch sang Việt ngữ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng tôi cũng học và nghiên cứu những bản Kinh bằng chữ Hán. Như quý vị đã biết, đất nước chúng tôi là thuộc địa của Trung Quốc gần cả 1000 năm nên phần nhiều Kinh sách được truyền bá bằng chữ Hán. Thật sự mà nói, khi đọc kỹ, chúng tôi cũng vô cùng thích thú, bởi chữ Hán thường bao hàm nhiều ý nghĩa thâm thúy vả lại chúng tôi xem thứ chữ này như một sinh ngữ cần phải đọc và học để hiểu rộng hơn”.
Câu hỏi tiếp theo mà ông ấy hỏi chúng tôi: “Trong Pháp môn tu học, quý Sư đã hạ thủ công phu theo tông phái nào?”
Tôi trả lời: “Chúng tôi thường tu học theo Tịnh Độ tông nhưng cũng rất thích thực tập ngồi thiền. Nói cho đúng hơn, chúng tôi thường áp dụng phương pháp Thiền – Tịnh song tu” khi trả lời xong, vị Phật tử này rất hoan hỷ.
Và câu hỏi khó nhất của ông giám đốc: “Trong đời sống tu học, quý Sư tâm đắc và áp dụng cụ thể bằng những phương pháp nào?”
Tôi trả lời: “Ngoài Pháp môn Thiền – Tịnh song tu, công án đơn giản nhất của tôi trong ngày là chánh niệm tỉnh giác trong suy nghĩ, lời nói và hành động, thường tư duy những điều lành, tập nói những điều có lợi cho mình và người, làm những việc lợi ích cho tha nhân cũng như chính tự thân. Muốn được những điều này, tôi thường dùng ánh sáng chánh niệm để soi sáng từng suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. Như ý thơ của một vị Thiền sư:
“Học Đạo quý vô tâm
Làm, nghĩ, nói không lầm
Sáng, trong và lặng lẽ
Giản dị mới uyên thâm”.
(Thiền sư Viên Minh)
Ngày xưa tôi rất thích những bài kệ ngắn gọn và súc tích như bài thơ này và tôi thường xem đó như một công án tôi cần thực tập mỗi ngày.”
Sau những câu trả lời của tôi giao lưu với hai vị Phật tử ấy, họ hết sức hài lòng và các vị ấy tỏ ý muốn lưu nhớ những lời quý Sư chia sẻ để áp dụng trong đời sống hàng ngày, chúng tôi tạm biệt quý Phật tử ở nơi đây trong niềm lưu luyến khó quên, rồi lên xe tiến về Thành phố Bangkok để dự hội nghị.
Bao nhiêu lần tôi nghĩ đến ngày hành hương về xứ Phật, cách đây 10 năm trước, tôi đã làm Visa đi chiêm bái Phật tích nhưng có lẽ vì nhân duyên chưa hội đủ nên tôi đã bỏ lỡ cơ hội. Lần này, vào ngày 16/01, năm Mậu Tuất (03/3/2018), các em đệ tử của chùa Đông Thuyền mong mời được tôi đi hành hương về xứ Phật. Tôi buộc phải từ chối vì vấn đề sức khỏe không ổn, nhưng cuối cùng, nể tình các em tôi đã nhận lời. Trong chuyến hành hương này, tôi tâm đắc nhất là mỗi lần lên xe, thầy trưởng đoàn Thích Huệ Thuận khuyến khích mọi người tụng Kinh và niệm Phật ít nhất là 1 giờ. Đến Tứ Động Tâm và các Thánh tích khác, chúng tôi đều ngồi thiền và tụng Kinh để nhớ lại lời Phật dạy và hồi tưởng những ngày Ngài còn tại thế. Nói tóm lại, trong suốt hai tuần hành hương về xứ Phật như một khóa tu di động hết sức thiền vị và sống động. Vì thế, mọi người đều quên hết cả sự mệt nhọc mặc dù thời tiết nóng bức, từ Thánh tích này đến Thánh tích khác tương đối khá xa và vấn đề ẩm thực trong chuyến này còn hạn chế.
Trong suốt hai tuần chiêm bái Thánh tích, nơi nào cũng lưu lại cho chúng tôi những kỷ niệm khó quên, nhưng hình ảnh hai ngôi mộ của Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Maya là một ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng chúng tôi, nhớ đến ngày Phật đản PL.2562 sắp về, trong tâm tôi bỗng trào dâng những niềm xúc động lớn. Những dòng nhạc vẫn lưu mãi trong tâm thức của tôi: “… vườn Tỳ Ni hương ngát bay ngoài trời mây. Mầm từ bi, gieo giống thơm khắp muôn loài. Đón tâm tình Đức Thế Tôn thương quần sinh. Ta hát mừng hôm thế gian ngập hào quang… ”
Ngoài sân chùa, khúc nhạc ve sầu đang ngân vang trong gió, lòng tôi cảm thấy lâng lâng khi nhận ra ngày Phật đản sắp trở về trên mọi nẻo đường của nhân thế.
Ghi lại những dòng lưu niệm về Thánh tích khi thăm mộ phần của hai đấng song thân của bậc Đại Giác với tôi lại trùng hợp ngày húy nhật của thân phụ tôi nhằm ngày 28/03 năm Mậu Tuất (13/5/2018). Vào những ngày này, tôi đang phập phồng lo sợ về những giây phút cuối cùng của mẫu thân tôi, năm nay đã 95 tuổi ở nơi chôn nhau cắt rốn thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Thiết nghĩ, điều tôi lo lắng vẫn thuận theo lẽ đời. Đời người sinh diệt. Nhưng không khỏi xót xa lẽ đạo làm con. Ngày Người ra đi, tiết trời nhè nhẹ:
“Người ra đi vào ngày cuối xuân,
Ruộng đồng xanh ngát trong gió chiều.
Con tiễn Người đi trong lời Kinh,
Hướng ngày Phật đản con nguyện thầm.
Cầu cha sớm về bên bến giác,
Diện kiến Di Đà nơi tịnh cảnh.
Mẹ hiền an trú niệm Hồng danh,
Bồ đề diệu pháp sớm viên thành.”
TKN. Diệu Đạt (ĐSHĐ-057)