Trước đây, con tôi học giỏi, ngoan ngoãn, biết khiêm tốn. Nhưng dạo gần đây, thằng bé có phong cách sống ngược lại. Học hành sa sút, từ một học sinh có học lực nằm trong “top 5” bỗng tụt hạng xuống “top 20”. Trước mặt bạn bè, cháu tỏ vẻ kiêu ngạo như kiểu không ai sánh bằng. Vợ chồng tôi biết được điều này trong lần họp phụ huynh cuối năm ngoái. Sau cả tháng “theo dõi”, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra được nguyên nhân. Ấy là do ông bà nội của cháu quá nuông chiều, lúc nào cũng khen lấy khen để “cháu là một thiên tài, cháu giỏi quá, cháu là số một”. Cũng không thể trách người già được khi nhà tôi chỉ có mỗi đứa cháu trai đích tôn nên ông bà cưng chiều và luôn xem những gì cháu mình làm đều đúng. Suy cho cùng thì đây là lỗi của vợ chồng tôi khi không quan tâm con chu đáo, đổ dồn trách nhiệm về phía ông bà. Khi đã “bắt được bệnh”, tôi và vợ đã ra sức chỉnh đốn, giáo dục con vào khuôn phép cũ trước khi quá muộn. Bởi tre non thì bao giờ cũng dễ uốn. Chỉ một tháng cực khổ uốn nắn, thằng bé đã có chiều hướng tích cực. Chúng tôi biết mình cần phải cố gắng hơn nữa và không quên nhờ ông bà chung tay giúp cháu điều chỉnh tính cách. Cha mẹ tôi cũng nhận ra khuyết điểm nên cùng chúng tôi dạy dỗ cháu nên người.
Thực tế cho thấy hiện nay có rất nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh như nhà tôi. Con cái một khi được khen ngợi quá đà đâm ra tự kiêu, tự mãn. Buồn cười nhất có những việc quá đỗi tầm thường nhưng cha mẹ, ông bà vẫn cứ khen ngất trời xanh. Một khi được khen “Con (cháu) giỏi quá, thông minh quá” thì trẻ nghĩ rằng mình tuyệt vời quá rồi nên không thèm cố gắng thêm nữa. Từ đó dẫn đến việc trẻ huênh hoang, kênh kiệu đối với những bạn học kém hơn mình và cũng chẳng thèm học hỏi bí quyết, kinh nghiệm từ những bạn học giỏi. Nguy hiểm hơn là việc trẻ không lắng nghe thầy cô giảng bài, không nghe người lớn chỉ bảo.
Ở nhà, do được khen thường xuyên, trẻ cũng sinh ra thụ động, không phát triển, phát huy năng khiếu cũng như sự cần cù. Từ đó dẫn đến việc trẻ thui chột sáng tạo, lười lao động, tự phụ khi cho rằng hơn người khác và tự mãn khi không làm được việc khó khăn. Đau đầu nhất vẫn là việc trẻ xem mình là “cái rốn vũ trụ” nên hay dỗi hờn, “uy hiếp” người lớn để đạt được mục đích. Điều này kéo theo việc trẻ không lễ phép, thiếu thiện cảm khi gặp người lạ và có những lời lẽ không phù hợp với một đứa trẻ có giáo dục.
Vì vậy, người lớn nên hạn chế khen con trẻ trong bất cứ trường hợp nào. Tất nhiên việc khen ngợi là điều cần thiết nhằm khích lệ tinh thần học tập, lao động ở trẻ (kể cả người lớn cũng thế). Tuy nhiên, thay vì khen ngợi quá đà, chỉ nên khuyến khích con tiếp tục phát huy việc học, việc nhà hay những vấn đề phù hợp với tuổi nhỏ. Chẳng hạn, khi con trị được “căn bệnh điện thoại”, hãy nói rằng: “Con làm được đấy. Rất có triển vọng nếu con tiếp tục phát huy”, thay vì bảo: “Con giỏi quá đi, con đúng là thiên tài.” Hay khi trẻ nhận được điểm mười môn toán ở dạng hóc búa, phụ huynh nên khuyến khích con bằng câu nói: “Con đã hoàn thành tốt bài tập này, rất đáng khen. Nhưng ở học kỳ 2, con nhiều bài tập khó hơn thế, cần phải cố gắng học hỏi ở bạn bè và thầy cô thêm nữa để không bị điểm kém.” Như thế, trẻ mới hiểu được trách nhiệm ở phía trước, không quên miệt mài học tập, rèn luyện trí não để không bị tuột dốc so với bạn bè. “Người nhỏ làm việc nhỏ”, khích lệ trẻ làm việc nhà vừa là cách vận động chân tay vừa giúp trẻ hiểu được trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội.
Nguyễn Thanh Vũ (ĐSHĐ-056)