H
ơn 60 năm tu học và hành đạo, đóng góp của Sư trưởng Như Thanh được nhìn thấy trên nhiều phương diện nổi bật. Tuy nhiên, để mô tả một cách khái lược nhất, chúng tôi xin điểm qua hai hệ thống di sản được Sư trưởng lưu truyền cho chư Ni nhiều thế hệ.
Di sản văn hóa vật thể
Đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng tu học cho Ni chúng lúc bấy giờ, Sư trưởng Như Thanh vào những buổi đầu đã bắt tay cùng Ni trưởng Diệu Tịnh, Ni trưởng Diệu Tấn, Ni trưởng Diệu Thuận thành lập chùa Từ Hóa (Hải Ấn Ni tự1). Không lâu sau, Sư trưởng vâng lệnh Sư tổ Pháp Ấn từ giã huynh đệ để nhận chùa Hội Sơn. Kể từ đó, Sư trưởng đã thân hành tu sửa và tạo dựng 10 cơ sở tự viện (3 cơ sở tại TP. HCM, 6 cơ sở tại Bà Rịa – Vũng Tàu và 1 cơ sở tại Lâm Đồng (Pháp Hoa Tịnh Viện, 1994).
Trong 3 ngôi chùa tại TP. HCM, chùa Hội Sơn (1935, Thủ Đức) là cơ sở đầu tiên được Sư trưởng nhận lãnh khi vừa mới xuất gia được 3 năm. Bấy giờ, Sư trưởng được sự yểm trợ từ gia đình, nhất là thân phụ và anh trai – HT. Thích Hồng Đạo (kiến trúc sư lập đồ án xây dựng chùa Hội Sơn, Huê Lâm cho Sư trưởng). Năm 1938, với nguyện vọng tham học tại Huế, Hà Nội, Bình Định, Sư trưởng nhờ thân phụ trông coi, tu sửa chùa Hội Sơn. Sau thời gian thọ học các nơi, đầu năm 1942, Sư trưởng về chùa và mở lớp dạy Luật cho Ni chúng. Kể từ đó, Hội Sơn thường xuyên khai mở trường Hạ, các khóa luật học, các lớp dạy Phật pháp cho chư Ni hai miền Nam, Trung. Năm 1947, chùa được nâng cấp thành Ni viện để đào tạo, hóa độ Ni chúng. Ngoài ra, Sư trưởng còn mở lớp dạy Quốc ngữ, xóa nạn mù chữ cho dân chúng, khiến giới trí thức trong vùng mến phục. Ngày nay, ngôi bảo tự do chư Tăng trong tông phong trực tiếp quản lý.
Kế tiếp chùa Hội Sơn, Sư trưởng nhận lãnh chùa Huê Lâm – một ngôi chùa cổ do họ Trần xây dựng vào đầu TK. XX (khoảng 1900). Sau thời gian dài không có người tiếp quản, Tri huyện Nguyễn Kỳ Sắc thỉnh Sư trưởng Như Thanh Trụ trì vào năm 1945. Từ ngôi chùa nhỏ, đơn sơ, Sư trưởng mua thêm đất và từng bước tái thiết Huê Lâm thành ngôi bảo tự trang nghiêm, bề thế. Có thể nói, ngôi chùa được hoàn thiện như ngày nay là một tổng thể gồm nhiều công trình, nhiều giai đoạn xây dựng. Riêng tòa chánh điện cũ (1959) được xây theo lối kiến trúc hiện đại, hòa quyện Đông Tây. Trong tiếng vang đầy uy danh của một bậc Tôn Ni mẫu mực miền Đông Nam bộ, ngôi chùa đã thu hút một lượng lớn Ni chúng và Phật tử cầu học. Khi lượng tín chúng càng đông, ngôi chánh điện trở nên nhỏ hẹp, Sư trưởng Như Thanh tiếp tục đại trùng tu (1933), xây thêm chánh điện, giảng đường mới và hoàn thành năm 1995.
Từ đó đến nay, 2 ngôi chánh điện cũ và mới được sử dụng song song cùng nhiều cơ sở hoàn chỉnh khác như Ni xá, trường học Kiều Đàm, phòng phát hành kinh sách… Nơi đây, Sư trưởng đã miệt mài với sự nghiệp trước tác, dịch thuật. Đặc biệt, ngôi chùa đã gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại của Ni giới như Đại hội thành lập Ni bộ Nam Việt (1956) với đông đảo Ni chúng đến từ nhiều tỉnh thành Đông – Tây Nam Bộ. Sau Đại hội này, Sư trưởng chính thức đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo Ni chúng, đứng đầu Ban Quản trị Ni bộ Nam Việt và Huê Lâm được đặt làm trụ sở Ni bộ. Dấu mốc ấy đã đưa ngôi bổn tự bước sang trang sử mới với sự đồng hành cùng nhiều hoạt động của Ni bộ.
Ngoài dấu ấn về mặt lịch sử, chùa Huê Lâm còn lưu giữ nhiều giá trị về kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật, đóng góp cho sự phong phú của Phật giáo Sài Gòn. Với hệ thống hoành phi, liễn đối và tượng thờ (bao gồm cả cặp liễn đối gỗ do chính Sư trưởng Như Thanh chế tác năm 1994), có thể thấy Sư trưởng Như Thanh luôn nỗ lực xây dựng đời sống tinh thần cho Ni chúng dựa trên các hệ tư tưởng lớn của Phật Di Đà như “pháp giới tàng thân”, “duy tâm Tịnh Độ”… và chí nguyện độ sanh của Phật Thích Ca. Tại đây còn lưu trữ hàng chục pho tượng cổ kính và hiện đại, khá đa dạng về loại hình: Tượng Phật Trung Tôn, Quan Âm Bồ tát, Hộ Pháp, Tiêu Diện, Địa Tạng cưỡi đề thính, Chuẩn Đề, Già Lam, Đạt Ma, bộ La Hán, bộ Diêm Vương, Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi… Chính sự đặc sắc trong kiến trúc, Tổ đình Huê Lâm đã trở thành mô hình mẫu của nhiều ngôi chùa Ni tại Sài Gòn như chùa Từ Nghiêm (quận 10), chùa Từ Vân (Phú Nhuận), chùa Long Nhiễu (Thủ Đức).
Ngôi chùa thứ 3 tại Sài Gòn do Sư trưởng tạo dựng là Tổ đình Từ Nghiêm, được lập năm 1957, do HT. Đạt Từ hỷ cúng. Từ một am tranh đơn sơ, Sư trưởng kêu gọi quý Sư bà chung tay vận động tài chánh để xây dựng một trú xứ khang trang, làm trụ sở cho Ni bộ. Cũng như Huê Lâm, Tổ đình Từ Nghiêm là nơi đi đầu hoạt động đào tạo Ni tài. Năm 1962, ngôi chùa hoàn thành, Sư trưởng và quý Sư bà trong Ban Quản trị mở Phật học Ni viện, mở lớp giáo lý hàng tuần cho Phật tử. Năm 1964, Ni bộ Nam Việt đổi tên thành Ni bộ Bắc tông, hợp nhất hai cơ sở Ni bộ Nam Việt và Trung Việt, nối dài từ Bến Hải đến Cà Mau. Từ sự kiện này, Từ Nghiêm chính thức trở thành Trụ sở của Ni bộ. Năm 1972, với cương vị Vụ trưởng Ni Bộ Bắc Tông, Sư trưởng đứng ra triệu tập một Đại hội Ni khoáng đại (từ vĩ tuyến 17 trở vào) tại chùa Từ Nghiêm. Sau khi Ni bộ Bắc tông thành lập, quý Ni trưởng thống nhất tổ chức lễ tưởng niệm Ðức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo hàng năm vào ngày mồng 8/2 âm lịch (ngày Đức Phật xuất gia2). Tâm nguyện này mãi đến 1982 mới được thực hiện tại chùa Từ Nghiêm và trở thành ngày lễ truyền thống của Ni giới. Cùng ý tưởng đó, Sư trưởng Như Thanh và chư Ni trưởng lúc bấy giờ đã dựa vào các tư liệu lịch sử để phác thảo hình ảnh, tạc tôn tượng Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo. Ngày nay, bức tượng được tôn trí tại Tổ đình Từ Nghiêm.
Ngoài mục đích đào tạo Ni chúng, nơi đây còn gắn liền với nhiều cuộc đấu tranh chống chế độ kỳ thị, đàn áp tôn giáo và đòi hòa bình của Tăng Ni, Phật tử, học sinh, sinh viên Sài Gòn trước 1975. Năm 1963, Ni chúng Từ Nghiêm không ít lần xuống đường và bị cảnh sát bao vây, giam giữ, tra tấn. Trong bối cảnh khốc liệt ấy, năm 1964, Sư trưởng hướng dẫn chư Ni nhập thất tĩnh tu để có thêm đạo lực trước khi ra phụng sự. Khi những năm tháng chiến tranh không có dấu hiệu ngừng lại, một sự kiện rúng động đã diễn ra năm 1967, tại chánh điện chùa Từ Nghiêm với ngọn lửa tự thiêu, cầu nguyện hòa bình của Phật tử Nhất Chi Mai (pháp danh Diệu Huỳnh). Ngọn lửa này đã làm bùng lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ của học sinh, sinh viên Sài Gòn và tiếp tục thắp lên những cuộc tự thiêu của nhiều Tăng Ni, Phật tử khát khao hòa bình, tự do tín ngưỡng. Với trang sử tranh đấu của Ni chúng và Phật tử diễn ra hơn 60 năm trước, chùa Từ Nghiêm được UBND TP. HCM ghi nhận vào trang sử hào hùng của Thành phố và công nhận là di tích kiến trúc tôn giáo – lịch sử cách mạng (6/2009). Nơi đây còn lưu dấu bia tưởng niệm và hai bài thơ của Phật tử Nhất Chi Mai.
Có thể nói, chùa Huê Lâm I và chùa Từ Nghiêm là hai chiếc nôi tu học, hai Ni trường, hai Phật học Ni viện lẫy lừng một thời của Ni bộ Bắc tông. Đó không chỉ là những nơi gắn bó nhiều nhất của Sư trưởng Như Thanh mà còn là nơi chứng kiến sự thành lập Ni bộ Nam Việt, Ni bộ Bắc tông – một tổ chức đầu tiên của Ni giới hai miền Nam, Trung Việt Nam. Nhờ sự lãnh đạo của Sư trưởng, Ni chúng quy tụ về hai Tổ đình tu học rất đông và hàng loạt Ni lưu tài đức, xuất chúng được nhân bản dần trên mảnh đất Nam bộ. Ở đó, Huê Lâm và Từ Nghiêm đã trở thành 2 trong 4 Phật học Ni viện lớn của Ni giới miền Nam Việt Nam với các lớp Sơ đẳng, Trung đẳng, Sư phạm giảng sư3. Từ 1946 – 1998, tại hai ngôi già lam này, Sư trưởng đã có 13 lần làm Đàn chủ và Hòa thượng đàn đầu truyền trao giới pháp chư Ni Giới tử (ba năm mở một lần4) và mở khóa An cư hàng năm cho Ni chúng5. Sự xuất hiện của hai bảo tự bề thế này không chỉ góp phần giải quyết các vấn đề cư trú, giáo dục của Ni giới trong giai đoạn Phật giáo chấn hưng mà còn là điểm tựa, là cầu nối của chư Trưởng lão Ni tiền bối trong quá trình xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất của Ni bộ. Ở đó, Sư trưởng Như Thanh được biết đến là vị Trưởng lão Ni có công đầu trong việc đào tạo nhiều thế hệ Ni chúng. Tất nhiên, hai Tổ đình Huê Lâm và Từ nghiêm đã có vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình phôi thai, hình thành, phát triển của Ni bộ Bắc tông vào nửa cuối TK. XX. Ngoài việc lưu giữ nhiều di sản lịch sử của Sư trưởng như Thanh cũng như Ni bộ Bắc tông, ngày nay hai Tổ đình này đã trở thành tâm điểm sinh hoạt, hội họp thường niên của Ni giới.
Vượt qua khỏi địa bàn TP. Hồ Chí Minh, duyên lập tự của Sư trưởng gắn liền với mảnh đất Bà Rịa – Vũng Tàu qua 6 cơ sở: chùa Phổ Đà (1960); chùa Hải Vân (1964); chùa Qui Sơn (1966); chùa Huê Lâm II (1975); Quan Âm Phật Đài (1989); Quan Âm Bảo Điện (1989). Việc mở ra những trú xứ này tương đồng với việc mở rộng môi trường, địa hạt, điều kiện tu học cho Ni giới. Với địa thế đồi, biển và trung tâm quần thể tu học Đại Tòng Lâm, các Ni tự đã trở thành lựa chọn tuyệt vời cho người có chí nguyện tịnh tu, thanh vắng lúc bấy giờ6. Ngày nay, chuỗi tự viện này vẫn được gìn giữ, tiếp quản và tiếp tục gầy dựng bởi các thế hệ môn đệ của Sư trưởng. Trong số đó, Quan Âm Phật Đài (thuộc chùa Huê Lâm II) và Quan Âm Bảo Điện (thuộc chùa Hải Vân) là hai công trình quy mô kiên cố, được xếp vào những danh lam thắng cảnh tại thành phố Vũng Tàu. Riêng Pháp Hoa Tịnh Viện (1994, Lâm Đồng), do Ni sư Tịnh Hoa và môn nhơn đại diện Phật giáo Hoa tông cúng dường Sư trưởng trước sự chứng minh của Giáo hội và chính quyền địa phương.
Bên cạnh xây dựng, mở rộng cơ sở lưu trú cho Ni chúng, từ năm 1959 Sư trưởng Như Thanh còn chỉ đạo mở thêm các cơ sở kinh tế tự túc tại các bổn tự như: các tiệm cơm chay; các cơ sở sản xuất nước tương, phòng nhang; phòng may pháp phục, phòng phát hành kinh sách, sản xuất mây tre lá, đan thêu tại chùa Huê Lâm I, Huê Lâm II và Hải Vân. Song song đó, Sư trưởng còn khai mở chuỗi trường học miễn phí tại chùa Huê Lâm I, bắt đầu năm 1952 với Trường Tiểu học Kiều Đàm (gồm 200 học sinh). Sau 15 năm, mở rộng thành Trường Trung Tiểu Học Kiều Đàm, gồm 14 lớp học, dạy từ Mẫu giáo đến lớp 9 (khoảng 800 học sinh). Riêng bậc Trung học đã thu nhận nữ sinh, chú trọng đặc biệt về học hạnh cho các nữ sinh và Ni sinh7. Riêng hệ thống Trường Mẫu giáo Kiều Đàm (1967) đã được nới rộng chi nhánh sang địa bàn Gò Vấp và Trường Kiều Đàm, Ký Nhi Viện cũng dần có mặt ở Vũng Tàu (1970 – 1971). Với hoạt động này, Sư trưởng đã đi đầu mở rộng hệ thống trường học Kiều Đàm trên địa phận miền Nam, thay vì hệ thống trường học Bồ Đề từng mở ra ở Trung phần. Nhờ vậy, nhiều trẻ em được học hành tử tế và thành đạt. Ở phương diện khác, Sư trưởng cũng rất quan tâm đến y tế, chăm cô nhi với việc mở ra các Ký nhi viện (1970); phòng phát thuốc Đông, Tây y miễn phí (vào các năm 1961, 1966, 1975), điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân; mở trường huấn nghệ miễn phí tại chùa Huê Lâm I với các lớp dạy đan len (1966) và dạy may… để trẻ em và đồng bào nghèo được học nghề, chữa bệnh. Các hoạt động này đều có chư Ni tham gia đảm trách.
Di sản văn hóa phi vật thể
Suốt 60 năm ròng rã cầu học và gánh vác trên vai trọng trách của một người dẫn đầu Ni bộ, Sư trưởng Như Thanh đã dành nhiều thời gian cho việc trước tác, phiên dịch. Về những tác phẩm do Sư trưởng trước tác, soạn thuật có thể kể đến như: Lược sử Đức Phật Thích Ca (1956), Lược sử Kiều Đàm Di Mẫu (1956), Nghi thức tụng niệm (1963), Nghi thức niệm hương (1965), Oai nghi người xuất gia (1965), Nghi thức phóng sanh (1966), Cẩm nang của người Phật tử (1970), Giới đức kiêm ưu (1972), Hành Bồ Tát đạo (1988), Bát Nhã cương yếu (1989), Duy thức học (1991), Phật pháp giáo lý (1992). Đây không chỉ là thành quả được làm nên sau thời gian Sư trưởng tham học Kinh Luật với chư Tôn túc Trưởng lão tại Huế, Sài Gòn, Hà Nội mà nó còn là những công cụ, phục vụ đắc lực cho Sư trưởng trong việc xây dựng, đào tạo đoàn thể Ni lưu. Nhất là vào thời điểm ngọn lửa chấn hưng, ngọn lửa tranh đấu Phật giáo càng dâng cao thì việc ổn định đời sống tinh thần cho quần chúng tín đồ và Ni lưu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong điều kiện ấy, việc cho ra đời các tác phẩm như Lược sử Đức Phật Thích Ca, Lược sử Kiều Đàm Di Mẫu đã củng cố niềm tin son sắt và giới thiệu, chứng minh cụ thể về sự xuất hiện của những bậc Tôn sư vĩ đại trong nhân loại. Kế đó, Sư trưởng hướng đến việc xây dựng nhân cách, phẩm hạnh cho Ni chúng và tín đồ Phật tử với những tác phẩm như Nghi thức tụng niệm, Nghi thức niệm hương, Oai nghi người xuất gia, Nghi thức phóng sanh, Cẩm nang của người Phật tử, Giới đức kiêm ưu. Đặc biệt, sự ra đời của các tác phẩm Hành Bồ Tát đạo (1988), Bát Nhã cương yếu (1989), Duy thức học (1991), Phật pháp giáo lý (1992), càng cho thấy sự kiêm ưu của Sư trưởng đối với Kinh luật, tư tưởng Đại Thừa Liễu Nghĩa. Bởi lẽ, việc dịch thuật và sớ giải các kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa không phải một vị cao Ni nào, một bậc Tôn túc nào cũng có thể làm được8 .
Bên cạnh trước tác, Sư trưởng còn có 7 dịch phẩm: 24 bài kệ Bát Nhã (1957), Thiền tông và Tịnh Độ tông (1962), Thiền tông cương yếu (1963), Gương Tăng sĩ hiện đại (1965), Tinh thần tu dưỡng (thơ, 1965), Hưng Thiền hộ quốc (1970), Làm cách nào để hoằng dương Phật pháp (1992). Những tác phẩm này định hướng cho Ni chúng và tín đồ về các Pháp môn, truyền thống tu học. Điều đáng nói hơn là tình yêu thơ ca của Sư trưởng Như Thanh. Từ năm 1938 – 1992, Sư trưởng làm hàng loạt bài thơ, gói trong các tác phẩm: Hoa Thiền (40 bài), Hoa Đạo (140 bài), Hoa Đạo Hạnh (15 bài), Hoa Bát Nhã Bản (27 bài), Hoa Chánh Giác (52 bài), Hoa Thanh Hương (21 bài), Thơ Ngụ Ngôn (Ngụ Ngôn 6 bài, Nhàn Đàm 29 bài, Nhàn Ngâm 21 bài), Thơ chữ Hán (27 bài). Ở một mảng khác, Sư trưởng cũng có thi phẩm để răn dạy, khuyến tấn chúng đệ tử như Phẩm chất người con Phật (1992): Phẩm Chất Người Con Phật, Nếu Con (10 bài), Con ơi (10 bài), Người Con Phật (10 bài), Ngày Về Phật. Thi phẩm này được phổ biến khi Người viên tịch (theo lời di chúc của Sư trưởng). Hơn 400 bài thơ là hơn 400 bài pháp được diễn dịch, chuyển tải, đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng, tinh tế. Trong đó, chứa đựng tư tưởng, những lời giáo huấn nghiêm từ của Sư trưởng nhưng lại có ảnh hưởng mạnh mẽ và xuyên suốt đến quá trình rèn luyện tự thân, nuôi dạy đồ chúng, phụng sự đạo pháp, phục vụ nhân sinh. Nếu xếp loại thứ hạng về tình yêu thơ ca trong hàng Ni giới Việt Nam thì Ni trưởng Huỳnh Liên đạt vị trí “Kỷ lục” và Sư trưởng Như Thanh cũng xứng đáng là một nhà thơ lớn, đứng ở vị trí thứ hai.
Di sản cuối cùng là hai Tập san Nhân Cách (1966) và Hoa Đàm (1973 – 1975) do Sư trưởng Như Thanh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Trong đó, tờ Nhân Cách đặt nặng việc giáo hóa chúng đệ tử. Riêng Đặc san Hoa Đàm – một cơ quan ngôn luận của Ni bộ Bắc tông, có mục đích: 1. Phổ biến giáo lý Phật pháp; 2. Xây dựng tinh thần đoàn thể Ni giới; 3. Phát triển kiến thức đạo đức cho nữ giới; 4. Hướng dẫn, hỗ trợ giới trẻ9 . Đây là tờ báo gần như chỉn chu nhất của Ni giới Việt Nam trước 1975. Ngoài việc đầy mạnh 4 nội dung trên, Hoa Đàm còn cho thấy vai trò của Sư trưởng với giáo dục, hoằng pháp, từ thiện xã hội, báo chí, trước tác, dịch thuật10 … Nhất là chặng đường gắn bó cùng các lớp học giáo lý, Phật pháp ứng dụng cho từng lứa tuổi và đối tượng tại chùa Huê Lâm và chùa Từ Nghiêm11. Sự đa tài của Sư trưởng còn được thể hiện qua các vần thơ đạo, bài giảng, tiểu thuyết ngay trên đặc san Hoa Đàm, trên Tam bảo Chí và cả trong Phụ trương Phật học của Lục Tỉnh Tân Văn, Duy Tâm Phật học. Đặc biệt, tờ báo không quên dõi theo cập nhật hoạt động và thành quả của Ni Bộ Bắc tông tại 5 miền: Vạn Hạnh, Khuông Việt, Khánh Hòa, Quảng Đức, Huệ Quang với sự phát triển về cơ sở hạ tầng, hoằng pháp, giáo dục, từ thiện xã hội12.
Sự có mặt của Hoa Đàm đã góp phần không nhỏ trong việc kiện toàn đoàn thể Ni giới trước 1975, dù tiếng nói của đặc san chưa đủ điều kiện để làm vừa lòng mọi giới13. Tuy vậy, việc Sư trưởng vận dụng báo chí vào sự nghiệp truyền bá chánh pháp đã vẽ ra một chân trời tri thức mới, mở ra con đường cống hiến mới cho nữ giới Phật giáo. Đặc biệt, Hoa Đàm đã đem lại một màu sắc mới trong dòng chảy báo chí Phật giáo Việt Nam, tô điểm thêm cho bức tranh báo chí của Ni giới Việt Nam thêm phần phong phú, đa dạng. Nhờ đó, bộ phận trí thức trẻ trong Ni giới có cơ hội được tự do ngôn luận, được nói lên tiếng nói chân chính của mình trên báo chí; đồng thời góp phần xây dựng nền tảng văn chương, học thuật Phật giáo cuối thế kỷ XX. Ngày nay, sự nghiệp báo chí của Sư trưởng đã được NS. TN. Như Nguyệt (đệ tử của Sư trưởng) tiếp tục nối bản hơn 10 năm cùng tên cũ Đặc san Hoa Đàm14.
Với những đóng góp được ghi nhận qua hai hệ thống di sản, có thể thấy Sư trưởng Như Thanh là một bậc lãnh đạo Ni mô phạm, xuất chúng, xứng đáng với lòng tin tưởng và kính trọng của Ni giới Việt Nam xưa và nay. Những di sản được kể đến chính là những đứa con tinh thần của Sư trưởng truyền trao lại cho Ni giới Việt Nam nhiều thế hệ. Ở đó, lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử quý giá của Sư trưởng trong việc tiên phong tạo dựng chùa chiền, tiếp độ Ni chúng trong thời gian rất dài. Những lời dạy, những bài học vô giá còn in lại trên sách sử cũng chính là những chuỗi ngọc vun vén cho đoàn thể Ni giới ngày một hòa hợp, đoàn kết, thống nhất. Dựa trên những di sản văn hóa đã trình bày, có thể nói đóng góp của Sư trưởng Như Thanh đã góp phần mang lại những giá trị to lớn đối với lịch sử hình thành, phát triển của Ni bộ nói riêng và của Phật giáo nói chung. Nhất là trong bối cảnh đất nước và Phật giáo có nhiều biến động, sự xuất hiện của Sư trưởng như một ngôi sao Bắc Đẩu, một Gotami thứ hai giúp Ni giới, Nữ giới Việt Nam vượt ra khỏi những quy ước xã hội để xác lập vị thế, vai trò của mình để vững bước đi trên dòng chảy của thời đại.
Như Nguyệt (HL) {ĐSHĐ-137)
Sc. Huệ Pháp diễn đọc
- Tỳ kheo Ni Huyền Huệ lược soạn, “Tiểu sử Ni trưởng Diệu Tịnh (1910 – 1942”, trích trong Tỳ kheo Ni Thích Như Nguyệt (Viên Minh) chủ biên, (2022), Ngọn đuốc đầu tiên của Ni giới miền Nam – Ni trưởng Diệu Tịnh (1910 – 1942), NXB. Khoa học Xã hội, tr.17.
- Lê Thị Hằng Nga, “Mahapajapati Gotami và Cố Sư trưởng Như Thanh – Những nhân vật Tỳ kheo Ni xuất chúng của Ấn Độ và Việt Nam”, trích trong Nhiều tác giả, (2016), Nữ giới Phật giáo Việt Nam – Truyền thống và hiện đại, NXB. Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr. 525.
- Hoa Đàm, “Trách nhiệm Tỳ kheo Ni đối với tôn chỉ giáo dục Ni tài”, Hoa Đàm, (Sài Gòn), số Liên Trì Hải Hội/1973, tr.15 – 16.
- Tỳ kheo Ni Thích Như Nguyệt (Viên Minh) biên soạn, (2022), “Hành trạng chư Ni Việt Nam tập 1”, NXB. Phụ nữ Việt Nam, tr.179 – 180.
- Tổ đình Huê Lâm, (1999), “Sư trưởng Như Thanh – Cuộc đời và sự nghiệp”, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.15.
- TN. Như Chí, “Tu viện”, Hoa Đàm, (Sài Gòn), năm Giáp Dần, tr. 91.
- Tin tức, Hoa Đàm, (Sài Gòn), ra mùa Đại lễ Vu Lan năm Giáp Dần, tr. 125.
- TS. Dương Thanh Mừng, “Những điểm tương đồng và quá trình hành đạo của Sư trưởng Như Thanh và Ni trưởng Diệu Không”, trích trong NS. TS. Như Nguyệt chủ biên, (2019), Di sản Sư trưởng Như Thanh – Kế thừa, phát triển Ni giới Việt Nam”, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr. 75.
- Thích nữ Như Thanh (chủ biên), (1993), “Lời tựa”, Tập san Hoa Đàm, Nhà in Liên Việt, Sài Gòn, tr. 3.
- Sư trưởng Tọa chủ chùa Huê Lâm, “Bài khuyến tu”, Hoa Đàm, (Sài Gòn), số đặc biệt: Đại Lễ Vu Lan năm Giáp Dần, tr. 65 – 74.
- TKN. Như Hoa, “Báo cáo thành quả hoạt động của Ni bộ Bắc Tông, trong ngày Đại hội Ni bộ toàn quốc 31/12/1972 (26/11/Nhâm Tý)”, Hoa Đàm, (Sài Gòn), ngày 3/2/1973, tr. 153 – 157.
- Diệu Hạnh, “Tường thuật Đại hội Ni bộ Bắc tông ngày 30, 31/12/1972, nhằm ngày 25 – 26 tháng 11 năm Nhâm Tý”, Hoa Đàm, (Sài Gòn), ra ngày 3/2/1973, tr.6 – 12.
- Hoa Đàm, “Tiếng nói đầu tiên – Đặc san Hoa Đàm”, Hoa Đàm, (Sài Gòn), ngày 3/2/1973, tr. 3.
- NS. Đàm Huề, “Nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chí – Nhìn từ những đóng góp của Đặc san Hoa Đàm”, trích trong TS. NS. Như Nguyệt, TS. Lê Thị Hằng Nga, TS. Trần Thanh Thủy đồng chủ biên, (2021), Nữ giới Phật giáo với báo chí, NXB. Khoa học Xã hội, tr.109 – 131.