1. Cung đón xá lợi Đức Phật từ Ấn Độ và trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức
Lễ Vesak 2025, dịp đặc biệt tôn vinh những giá trị cao đẹp của Phật giáo, đồng thời khẳng định vai trò trung tâm của mình trong việc định hướng đạo đức và tâm linh cho xã hội trong tương lai.
Sự kiện thỉnh xá lợi Phật và xá lợi trái tim Bồ tát thích Quảng Đức về tôn trí trong lễ hội nêu bật lòng thành kính và niềm tin mãnh liệt vào các giá trị từ bi, trí tuệ và hòa bình. Ngoài ra, xá lợi còn biểu trưng cho sự hiện diện linh thiêng của Đức Phật, mang lại cảm giác gần gũi, kết nối sâu sắc giữa con người và giáo lý Phật giáo. Trong khi đó, xá lợi trái tim Bồ tát khơi dậy lòng từ bi và khuyến khích mọi người hành động vì lợi ích cộng đồng.

a. Xá lợi Đức Phật:
Khi bậc Chánh Đẳng Giác dự vào Niết bàn tịch diệt, sau lễ trà tỳ xá lợi được phân thành 8 phần chia đều cho 8 nước. Do vậy, sự kiện cung thỉnh xá lợi từ Ấn Độ tôn trí tại chùa Thanh Tâm (TP.HCM) là sợi dây kết nối giữa nơi khởi nguồn Phật giáo và sự phát triển của Phật giáo tại Việt Nam. Đây cũng là cơ sở giúp Phật tử có hiểu biết đúng chánh pháp về tính lịch sử của Đức Phật từ đó đặt trọn niềm tin bước đi trên nền tảng chân lý cao đẹp.
Theo dự tính chuyến bay chuyên cơ ngày 02/5/2025 sẽ cất cánh đưa xá lợi từ Ấn Độ về Việt Nam. Trong đại lễ Vesak 2025 đây không chỉ thể hiện sự kính trọng tuyệt đối của Phật giáo Việt Nam dành cho Đức Phật, vị đã sáng lập ra đạo Phật mà còn nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng xá lợi trong cộng đồng Phật giáo quốc tế.

b. Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức:
Nhắc đến Bồ tát là nói về sáu pāramitā hay mười pāramitā. Đại diện chính là trái tim bất hoại Bồ tát Thích Quảng Đức, hình ảnh thiêng liêng của lòng từ bi và tinh thần bất diệt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Năm 1963, Ngài rời bỏ nhục thân trong ngọn lửa hồng phản đối chính sách đàn áp tôn giáo làm chấn động thế giới và trở thành biểu tượng mạnh mẽ của lòng dũng cảm và sự đấu tranh vì công lý, hòa bình.
Tôn trí xá lợi trái tim không chỉ nhằm tưởng nhớ ân đức của Ngài mà còn tôn vinh giá trị cao đẹp đạo Phật mang lại cho đời sống. Đồng thời, đây cũng là dịp để hàng triệu người chiêm bái, một lần nữa được tự thân tiếp cận với sự hòa quyện giữa lý thuyết và thực hành giáo lý Phật giáo.
c. Tầm quan trọng của sự kiện:
Hai biểu tượng xá lợi được tôn trí, vừa mang giá trị tâm linh vừa là phương tiện giác ngộ, nhắc nhở tứ chúng về kết quả viên mãn từ sự thực hành chánh pháp, tinh thần vô ngã trong Phật giáo.
Và xá lợi Đức Phật không thuần túy như vật thể thiêng liêng đại diện cho một nền Phật giáo được hình thành trong lòng nhân gian. Do Thế Tôn dưới hình hài con người qua sự tu tập đạt được giác ngộ, mà ngày nay đã trở thành biểu tượng gắn kết Phật giáo các nước vốn đa chủng tộc đa sắc màu.
Sự kiện này góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hình ảnh Phật giáo Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trước Phật giáo toàn cầu, thu hút sự quan tâm từ bạn bè quốc tế và quảng bá nền văn hóa tâm linh đặc thù người dân Việt.
2. Nâng tầm Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế
a. Khẳng định vai trò trung tâm Phật giáo
Cung đón và tôn trí hai xá lợi trong một sự kiện quốc tế như Đại lễ Vesak 2025 trực tiếp khẳng định Việt Nam không chỉ là quốc gia tiếp nhận Phật giáo mà còn đóng vai trò tiên phong trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Phật pháp. Đây là cơ hội để Việt Nam xây dựng hình ảnh một trung tâm Phật giáo toàn cầu.
Phật sự này vừa là nghi thức tôn giáo quan trọng vừa là dịp để hàng triệu tín đồ và những người yêu mến Phật giáo trên thế giới cùng nhau hướng về tinh thần đoàn kết, hòa hợp. Qua đó, Phật giáo tiếp tục khẳng định vị trí trụ cột văn hóa và tâm linh, góp phần xây dựng một thế giới an lạc và hạnh phúc.
Lễ Vesak 2025, với tâm điểm thỉnh xá lợi, đã trở thành biểu tượng cho sự gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại, đồng thời là lời nhắc nhở mạnh mẽ về sứ mệnh cao cả của Phật giáo trong sứ mệnh kiến tạo hòa bình và lòng nhân ái.
b. Thúc đẩy giao lưu văn hóa và tâm linh quốc tế
Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa diễn biến ngày càng mạnh mẽ, sự hiện diện xá lợi Đức Phật tại Việt Nam cho thấy mối giao thoa sâu rộng về văn hóa và tâm linh giữa các quốc gia có truyền thống Phật giáo. Điều này góp phần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác xuyên lục địa, đồng thời tạo nên một không gian chung chia sẻ và gìn giữ những giá trị cốt lõi của Phật giáo.
Qua đó, Việt Nam thể hiện được tinh thần hòa hợp, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tôn giáo truyền thống. Đồng thời nâng cao vị thế quốc gia trên bản đồ văn hóa và tâm linh thế giới. Cũng như khẳng định Việt Nam hoàn toàn đủ sức đảm nhiệm chỉn chu các hoạt động tâm linh tầm quốc tế.
3. Tinh thần đoàn kết giữa Phật giáo và dân tộc
a. Hòa quyện giữa đạo pháp và dân tộc
Trái tim bất hoại của Bồ tát Thích Quảng Đức không chỉ là biểu tượng của Phật giáo mà còn là minh chứng cho sự gắn bó bền chặt giữa Phật giáo và dân tộc. Ngài đã hiến thân mình trong thời khắc khó khăn để bảo vệ hòa bình và công bằng.
b. Thúc đẩy giá trị đoàn kết
Sự kiện này thắp sáng, soi rọi tỏ hơn chặng đường đồng hành Phật giáo với lịch sử và văn hóa dân tộc Việt Nam. Tinh thần đoàn kết này không chỉ thể hiện ở việc hai bên chung tay tổ chức Đại lễ Vesak 2025 mà còn là giá trị cốt lõi gắn kết các tầng lớp nhân dân, Phật tử và chính quyền trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời bình.
Nếu nhà nước giữ vai trò xây dựng nền tảng kinh tế, chính trị và văn hóa, thì Phật giáo như một dòng chảy sâu lắng, bền bỉ, bồi đắp và vun vén những giá trị đạo đức trong tâm hồn người dân Việt. Nhà nước tạo dựng cơ sở vật chất và thiết chế xã hội vững mạnh, đảm bảo sự ổn định và phát triển, trong khi Phật giáo lặng lẽ nuôi dưỡng những giá trị tinh thần, hướng con người đến lòng từ bi, sự chân thật, và ý thức sống hài hòa với cộng đồng. Phật giáo không chỉ gắn bó với đời sống tâm linh mà còn thấm sâu vào các chuẩn mực đạo đức, giúp con người xây dựng lối sống thanh cao, trung thực và nhân ái, bổ trợ cho sự phát triển bền vững của đất nước. Vai trò bổ sung này tạo nên một sự cân bằng giữa vật chất và tinh thần, giữa đời sống thế tục và đời sống tâm linh, giúp hình thành bản sắc độc đáo người con đất Việt.
4. Sự hỗ trợ toàn diện từ chính quyền TP.HCM
TP.HCM không chỉ là nơi đăng cai mà còn thể hiện vai trò chủ động, đồng hành chặt chẽ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo TP.HCM nói riêng trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và hạ tầng.
a. Vai trò lãnh đạo và hỗ trợ sát sao
Đại diện chính quyền, ông Vũ Chiến Thắng đã trực tiếp tham gia, đồng chủ trì phiên họp cùng các lãnh đạo TP.HCM để hướng dẫn và hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sự hiện diện của ông không chỉ thể hiện trách nhiệm của Bộ Nội vụ mà còn khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với Đại lễ Vesak – một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế và ý nghĩa tâm linh to lớn.
● Chỉ đạo cụ thể: Ông đã nhấn mạnh việc các cơ quan liên quan cần bám sát chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, đảm bảo tiến độ thực hiện các công trình và kế hoạch chuẩn bị cho đại lễ.
● Hỗ trợ hành chính và lễ tân: Việc ông đề nghị phối hợp với cơ quan ngoại giao để giải quyết thủ tục xuất, nhập cảnh, lễ tân và đón tiếp khách quốc tế cho thấy tầm nhìn chiến lược, giúp tạo điều kiện thuận lợi để sự kiện diễn ra suôn sẻ.
b. Gắn kết giữa chính quyền và Giáo hội Phật giáo
Sự phối hợp chặt chẽ giữa ông và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cho thấy sự đồng hành và sự quan tâm sâu sát của chính quyền với Phật giáo trong việc tổ chức một Phật sự mang tính quốc tế.
● Hỗ trợ cơ sở hạ tầng: Ông đã tích cực thúc đẩy các dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, quang cảnh quanh Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, chùa Thanh Tâm và Công viên Văn hóa Láng Le – Bàu Cò. Điều này nhằm đảm bảo các khu vực tổ chức đại lễ sẽ đáp ứng tốt nhất mạch lưu thông và nhu cầu thiết yếu của chính khách, các học giả, nhà nghiên cứu và hàng triệu Phật tử từ các nước về tham dự.
● An ninh và tổ chức: Các phương án liên quan đến giao thông, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, và bãi đỗ xe đã được xây dựng chi tiết. Việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, Ban Tổ chức và các tiểu ban chuyên trách là yếu tố then chốt để đảm bảo sự kiện diễn ra suôn sẻ.
Các hoạt động tích cực trong công tác chuẩn bị và cung đón xá lợi Đức Phật, trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức vừa mang giá trị tâm linh sâu sắc vừa nói lên được khả năng tổ chức và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong Phật sự tầm cỡ quốc tế.
Đại lễ Vesak 2025 không chỉ là dịp để Phật tử chiêm bái và hướng về Đức Phật mà còn là cơ hội để Việt Nam thể hiện văn hóa, lòng hiếu khách, và tinh thần hòa hợp tôn giáo với cộng đồng quốc tế giúp nâng tầm Đại lễ Vesak và đưa hình ảnh Phật giáo Việt Nam lên bản đồ Phật giáo toàn cầu.
Sự sát cánh của ông Vũ Chiến Thắng đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với các giá trị văn hóa, tâm linh và truyền thống của dân tộc. Điều này càng củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Phật giáo và nhà nước, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của Phật giáo Việt Nam.
Ngọc Thúy (ĐSHĐ-137)