Kệ Thị Tịch của Thiền sư Viên Chiếu

Mùa thu đã đến trong bước chân lặng lẽ của thời gian và theo quy luật muôn thuở của vô thường. Mùa thu với trăng trong và mây bạc, với lá vàng và những hạt mưa phùn lất phất bay. Không phải tự nhiên mùa thu được xem là mùa đẹp nhất. Albert Camus từng ví mùa thu là mùa xuân thứ hai khi mỗi chiếc lá là một đóa hoa. Nhưng mùa xuân vạn vật nảy nở, còn mùa thu là lúc sự sống thiên nhiên ngừng đọng, như trong bức vẽ của Basho:

Cành khô
Con quạ đậu
Chiều thu

Một năm có xuân – hạ – thu – đông, một đời có sinh – lão – bệnh – tử. Mùa thu dễ khiến cho con người lắng đọng tâm tư mà tự hỏi mình đang ở đâu trên chặng đường đời. Rồi sớm mai nào tỉnh dậy, nhìn trong gương thấy màu tóc đã phai, màu môi đã nhạt, rưng rưng nhớ lời người xưa, rằng:

Thân như tường bích dĩ đồi thì
Cử thế thông thông thục bất bi
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiện nhậm suy di.
(Kệ Thị tịch, thiền sư Viên Chiếu)

Dịch nghĩa:

Thân người như tường vách đến lúc đổ nát
Người đời ai cũng vội vã lo buồn
Nếu biết tâm không, sắc tướng cũng là không
Thì sắc không ẩn hiện mặc nó dời đổi.

Dịch thơ:

Thân như tường vách đổ xiêu rồi
Thiên hạ bồn chồn xót dạ thôi
Nếu rõ tâm không, không tướng sắc
Sắc không ẩn hiện mặc xoay dời.
                                            (Lê Mạnh Thát dịch)


Bài kệ này được lưu truyền với cái tên “Tâm không”, nhưng thực ra kệ không có tên. Kệ là pháp ngữ. Những bậc tu hành chứng đắc trước khi tịch thường để lại kệ cho đàn hậu học. Ví dụ như kệ thị tịch của Thiền sư Vạn Hạnh với “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô”, Thiền sư Mãn Giác với “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”, Ni sư Diệu Nhân với “Thiền, Phật bất cầu, Uổng khẩu vô ngôn”… Không phải vị Thiền sư đắc đạo nào trước khi tịch cũng để lại kệ, nhưng khi đã có kệ thì bài kệ đó cho thấy cảnh giới chứng đắc của vị Thiền sư.

Cái tên “Tâm không” được đặt cho bài kệ này có lẽ cũng đã nói lên tư tưởng cốt lõi của bài kệ. “Không” xưa nay vốn là một phạm trù xuyên suốt và chính yếu của Phật giáo Phát triển, đặc biệt trong hệ thống Kinh Bát Nhã. Đó cũng là một trong ba cánh cửa giải thoát (Tam Giải thoát môn: Không, Vô tướng, Vô tác). Theo bài ‘Kinh độ người hấp hối”, trong đó Tôn giả Xá Lợi Phất hộ niệm cho cư sĩ Cấp Cô Độc qua phép quán Không, được coi là một trong những phép quán cao siêu vào bậc nhất. Tuy nhiên, trước khi bàn đến Không, thì bài kệ đề cập đến Vô thường và Khổ. Vô thường ở trong câu kệ thứ nhất:

Thân như tường bích dĩ đồi thì

Ta thấy câu kệ này tương đồng với câu kệ của thiền sư Vạn Hạnh:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Thiền sư Vạn Hạnh ví thân như ánh chớp, còn ngài Viên Chiếu so sánh thân như vách tường đã đến hồi lung lay. Đó đều là những ví dụ để nói lên quy luật vô thường. Vô thường nghĩa là không tồn tại mãi mãi, như kinh Kim Cương dạy:

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ, diệc như điện
Ưng tác như thị quán.

Vô thường là một sự thật, một chân lí, nó không bi quan cũng không lạc quan, không vui mà không khổ. Vô thường không phải để bình luận mà là một chìa khóa mở cửa thực tại để đi đến giải thoát. Nếu thực chứng được vô thường thì không còn phiền não khổ đau. Khổ là vì sự vật vô thường mà tâm lí con người lại muốn thường còn. Muốn mà không được cho nên, khổ. Khổ được thiền sư Viên Chiếu nói đến trong câu kệ thứ hai:

Cử thế thông thông thục bất bi

Vì muốn thân này thường còn mà không được cho nên, vội vã lo buồn. Đó là tâm lí tham sống sợ chết của chúng sinh. Tất cả bắt nguồn từ ái, thủ và hữu: “Vì có tham ái mà có vướng mắc, vì có vướng mắc mà có hiện hữu, rồi sinh tử, khổ não và ưu sầu không thể kể xiết” (Kinh Độ người hấp hối). Cho nên, trong kinh Nikaya, Đức Phật không tán thán hiện hữu: “Ví như, này các Tỷ-kheo, một ít phân có mùi hôi thối. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán về hiện hữu dầu cho có ít thôi, cho đến chỉ trong thời gian búng ngón tay”. (Kinh Tăng chi bộ, chương Hai pháp, XVIII, phẩm Makkhali).


Thiền sư Viên Chiếu đã trực nhận được Vô thường, Khổ và Ngài huấn dụ cho đệ tử làm sao để thoát khỏi vòng cương tỏa của Khổ:

Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiện nhậm suy di.

Theo lời dạy của Thiền sư, để ung dung tự tại trước sinh tử thì phải thực chứng được tánh Không. Đây là yếu chỉ của bài kệ và cũng là sự chứng đắc mà bản thân Thiền sư đã đạt được.

Sách “Thiền Uyển Tập Anh” chép:

“Tháng 9 năm Quảng Hựu thứ sáu (1090) đời Lý Nhân Tông, Sư không bệnh gọi môn đồ vào dạy:

– Trong thân ta đây, xương lóng gân mạch, bốn đại hòa hợp, ắt phải vô thường. Ví như ngôi nhà khi hoại, nóc mái, xà ngang đều rơi rớt. Tạm biệt các ngươi, hãy nghe ta nói kệ:

Thân như tường bích dĩ đồi thì
Cử thế thông thông thục bất bi.
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiện nhậm suy di.

 

Nói kệ xong, Sư ngồi ngay thẳng an nhiên thị tịch, thọ 92 tuổi, 56 tuổi hạ.”
Sự kiện cho thấy Ngài đã tự tại với sinh tử. Con đường Ngài dẫn lối đó là “đạt tâm không vô sắc tướng”. Thế nào là tâm không vô sắc tướng?

Nói đến Không là nói đến Tâm kinh Bát Nhã 260 chữ với hàng loạt những phủ định: “Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức, vô nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp… ”. Cũng là nói đến kinh Kim Cương với sức công phá khốc liệt làm nổ tung hai ngọn núi kiến chấp: ngã chấp và pháp chấp của chúng sanh. Đức Phật nói kinh Kim Cương cho ngài Tu Bồ Đề nghe, mà trong thập đại đệ tử, ngài Tu Bồ Đề là vị “giải Không đệ nhất”. Bồ tát Long Thọ (Nagarjuna) viết “Trung quán luận” để giải thích về Không trên lập trường duyên khởi:

Không sinh cũng không diệt
Không thường cũng không đoạn
Không một cũng không khác
Không đến cũng không đi
Tuyên thuyết pháp nhân duyên
Dập tắt mọi hí luận
Con cúi đầu lạy Phật
Bậc Đạo sư tuyệt vời.
                                                      (Kệ tán Phật – Trung quán luận)

Duyên khởi chính là chìa khóa thâm nhập tính Không. “Không” của Phật giáo không phải là không ngơ, không có gì, không hiện hữu (đối lập với có), mà chỉ có nghĩa là không có tự tánh vì các pháp là do duyên sanh, nương vào nhau mà có mặt. Giải thích như vậy nhưng để thấy được lí duyên khởi cần phải thực tu thực chứng.


Là một trong ba cánh cửa giải thoát, Không trong Tam giải thoát môn cũng được định nghĩa là vạn pháp không có thực thể. Ví như cái làm ra con người là thân ngũ uẩn, gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức; trong đó sắc không được gọi là người, thọ, tưởng, hành, thức cũng không được gọi là người, hợp năm yếu tố lại mới hình thành cái được gán cho khái niệm con người; trong năm uẩn, sắc thân lại gồm tứ đại, đất, nước, gió, lửa, mỗi đại không được gọi là sắc thân, hợp bốn đại mới làm nên cái gọi là sắc thân. Vậy nên Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Tướng của các pháp là không”, bởi vì nương vào nhau mà hiện hữu, không có tự tánh, không có thực thể. Từ đây mà Bát Nhã Tâm Kinh đi đến những điệp khúc phủ định: bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm; trong tánh không của các pháp không có gì được gọi là sắc, thọ, tưởng, hành, thức… cho đến không có trí, cũng không có sở đắc… Tất cả đều hàm ý phơi bày thực tướng của vạn pháp là do nơi nhân duyên mà sinh khởi, cũng do nơi nhân duyên mà hoại diệt.

Đức Phật là vị đại lương y tùy bệnh cho thuốc. Tánh Không là thuốc để chữa bệnh chấp trước. Do chấp trước nên chúng sanh đau khổ, Đức Phật nói tính Không là để phá chấp mà giải trừ đau khổ cho chúng sanh. Khi đã giải thoát rồi thì phải buông bỏ đừng kẹt vào đó. Vì vậy chư Tổ dạy, thà chấp Có như núi Tu di còn hơn chấp Không bằng hạt cải, cũng nói, chấp có thì lấy Không mà chữa, còn chấp Không thì hết thuốc chữa. Từ đó ta thấy hiểu được tánh Không là một việc không dễ dàng, không đơn giản, cần đến một trí tuệ siêu việt. Nếu hiểu lầm tánh Không là không có gì, từ đó đi đến phủ nhận nhân quả, thiện ác, nghiệp báo… thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Trong kinh Kim Cương Đức Phật đã dạy: “Pháp ta dạy được ví như chiếc bè, pháp mà còn phải buông bỏ, huống là không phải pháp”. (“Nhữ đẳng Tỳ – kheo, tri ngã thuyết pháp, như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp”).

Trong Tạp A – hàm, kinh số 335, Đức Phật đã giảng dạy trực tiếp và cặn kẽ nghĩa lí siêu việt về Không như sau: “Này các thầy, thế nào gọi là Nghĩa Lý Siêu Việt về Không? Khi con mắt phát sanh, nó không từ đâu tới cả và khi hoại diệt, nó không đi về đâu cả. Như vậy, con mắt phát sanh không phải như một thực thể chắc thật, và khi đã phát sanh thì phải hoại diệt sau đó. Có nghiệp, có báo mà không có tác giả. Uẩn này diệt thì nhường chỗ cho uẩn khác tiếp tục, nhìn kỹ thì các pháp chỉ là những cái giả danh mà thôi. Ðối với tai, mũi, lưỡi, thân và ý, sự thật cũng như thế. Chúng không phải là những thực tại chắc thật mà chỉ là những giả danh.

Thế nào là giả danh? Giả danh nghĩa là vì cái này có nên cái kia có, vì cái này sanh nên cái kia sanh. Như vô minh mà có hành, do hành mà có thức, v.v… , cho đến khi cả khối khổ đau phát hiện. Giả danh cũng có nghĩa là vì cái này không nên cái kia không, vì cái này diệt nên cái kia diệt. Như do vô minh diệt mà hành diệt, do hành diệt mà thức diệt, v.v… , cho đến khi cả khối khổ đau hoại diệt.

Này các thầy, đó gọi là Nghĩa Lý Siêu Việt về Không.”

Như vậy, “tâm không” mà thiền sư Viên Chiếu dạy đệ tử phải đạt đến, chính là trí tuệ nhận ra được vạn pháp do nhân duyên. Từ chỗ đó mà không còn vướng mắc vào giả danh. “Vô sắc tướng” nghĩa là nhận ra được tướng Không của vạn pháp như trong Bát Nhã tâm kinh nói: “Thị chư pháp không tướng”. Cũng là nghĩa trong kinh Kim Cương dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai”. Nếu thấy có tướng thì đó chỉ là giả tướng. Nếu thấy các tướng là không tướng, tức thấy Như Lai. Thiền sư Viên Chiếu đã nhận ra được tướng Không của các pháp. Chính ở chỗ này mà có thể khẳng định Ngài đã “kiến tánh thành Phật” rồi vậy.

Vạn pháp đều là giả danh, giả tướng, vì vậy trong kinh Kim Cương có những câu làm người ta phải vỡ mộng như: “Trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm”, hay “Phàm phu giả, Như Lai thuyết tức phi phàm phu, thị danh phàm phu”. Dưới con mắt của người trí, trang nghiêm Phật độ hay không trang nghiêm Phật độ, đều là giả tướng, và phàm phu hay không phàm phu, đều là giả danh. Thoát khỏi cái bẫy phân biệt của nhận thức thông thường, chúng ta có thể đem tâm trở về trạng thái bình thản. Ung dung, tự tại như là thiền sư Viên Chiếu đã dạy: “Sắc không ẩn hiện nhậm suy di”. Đã thấy rằng sắc là không, do nhân duyên mà biểu hiện và cũng do nhân duyên mà ẩn tàng, thì làm gì có sinh, có diệt để mà sợ hãi. Như một con sóng trên mặt đại dương khi chưa nhận ra được rằng bản thể nó là nước, thì nó có thể so sánh với những con sóng khác, rằng có cao và thấp, lớn và nhỏ, và có sanh có diệt, nhưng khi đã nhận ra rằng nó chính là nước, thì mọi mặc cảm đều tan biến, vì nước thì không cao thấp, không lớn nhỏ, cũng không sanh diệt.

Từ chỗ thấy được thực tướng của vạn pháp là không tự tánh, thiền sư Viên Chiếu đã ca khúc khải hoàn trước sinh tử. Ngài giờ đây thõng tay vào chợ. Thật vậy, tính Không hay quán Không đều nhắm vào mục đích chuyển hóa phiền não. Thời Đức Phật còn tại thế, trưởng giả Cấp Cô Độc lúc lâm chung được ngài Xá Lợi Phất hướng dẫn thực tập quán niệm về Không rất thành công liền cảm động khóc, nước mắt chan hòa và sau đó ông được sinh lên cõi trời Tam thập tam thiên. Trí tuệ thực chứng Tánh Không cũng được đồng nhất với Bồ Đề tâm tuyệt đối trong Phật giáo Phát triển.

Nỗi đau lớn nhất của đời người không gì khác là nỗi đau sinh tử. Chúng sanh sợ chết, nhưng dẫu có sợ thì chúng sanh cũng cứ phải chết. Một khối đau khổ chồng chất từ năm thủ uẩn cứ thế đeo bám qua vô lượng kiếp luân hồi. “Trẻ thơ ơi, tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” (Trịnh Công Sơn). Quán Không là một trong vô lượng Pháp môn Đức Phật dạy để thoát li sinh tử thông qua con đường chặt đứt mọi hí luận, phân biệt và chấp trước. Bài kệ thị tịch của Thiền sư Viên Chiếu soi rọi cho hành giả một con đường đúng đắn để đạt tới tự tại trước sinh tử cũng như trước mọi biến động của cuộc đời. So với bài kệ thị tịch của Thiền sư Vạn Hạnh trước đó hơn nửa thế kỷ, phương tiện tuy có khác nhưng mục đích vẫn tương đồng:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.


Phương tiện của ngài Vạn Hạnh là Vô thường, còn với ngài Viên Chiếu là Không, tuy nhiên, cả hai vị đều đã đạt tới chỗ vô úy, tự tại trước sinh tử. Đọc lại bài kệ, ta được thấm nhuần chánh kiến, chánh tư duy. Lại càng như được động viên, khích lệ bởi tấm gương của người đi trước. Con đường đi đến giải thoát một lần nữa mở thêm rộng lớn, thênh thang như mây ngàn.

Chơn Định (ĐSHĐ-133)

SỰ KIỆN NỔI BẬT
VIDEO SỰ KIỆN
Video thumbnail
PBNG TW thăm trường Hạ 5 tỉnh Tây Nguyên - PL.2568 - DL.2024
16:46
Video thumbnail
Ni sinh trường Cao Trung Phật học Tiền Giang tụng kinh Pháp Hoa Kính mừng Phật đản - 11/5/2024
03:34
Video thumbnail
HỌP MẶT - MÓN QUÀ CAO QUÝ KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN
09:32
Video thumbnail
THIỀN HÀNH SAU KHI THỌ THỰC
02:18
Video thumbnail
Ni giới Phật giáo TP.HCM kính mừng Đại lễ Phật đản PL.2568 - DL.2024
09:45
Video thumbnail
Lễ Húy Kỵ lần thứ 25 Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH tại Tổ đình Huê Lâm - Q11, TP.HCM
33:24
Video thumbnail
PBNGTW: Tiểu ban Thông tin Truyền thông | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
03:37
Video thumbnail
PBNGTW: Tổng kết công tác Phật sự năm 2023 | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
15:51
Video thumbnail
Hội đồng Thập Sư 3 đàn phát thưởng cho các Giới tử - Đại giới đàn Bửu Huệ 2023
03:44
Video thumbnail
Tuần Chiếu tại Giới Đàn Ni Chùa Thanh Tâm
03:02
Video thumbnail
Đại Giới đàn Bửu Huệ tại Giới trường Ni - Chùa Thanh Tâm - 2023
09:53
Video thumbnail
Lễ Huý Kỵ lần thứ 3 cố NT. TN. thượng Như hạ Hải - Chùa Sắc Tứ Tam Bảo, Hà Tiên - 26/9/2023
07:38
Video thumbnail
Lễ Khai đàn Dược sư Thất Châu - Chùa Pháp Hải
17:47
Video thumbnail
Lễ Húy Nhật lần thứ 17 cố Ni trưởng Thượng Như Hạ Bổn - Viện chủ TĐ Kim Sơn (27/7/2006 - 23/7/2023)
45:08
Video thumbnail
Lễ Húy kỵ cố Hòa thượng Thích Nhật Quang tại Hội Sơn Cổ tự
16:37
Video thumbnail
Tọa đàm “Bình đẳng giới trong Nữ giới Phật giáo - 2023” – Chùa Huê Lâm, TP.HCM
19:56
Video thumbnail
Lễ húy nhật lần thứ 6 cố Sư trưởng Thượng Huyền Hạ Huệ - Hải Ấn Ni Tự, TP.HCM
14:11
Video thumbnail
Lễ Vu Lan và Dâng Y tại chùa Vạn Phước - Bình Tân - TP.HCM
11:04
Video thumbnail
Đại lễ Vu lan báo hiếu tại chùa Pháp Võ - Nhà Bè - TP.HCM
12:37
Video thumbnail
“Rửa Chân Tri Ân Song Thân” - Chùa A Di Đà - Củ Chi - Tp.HCM
19:13
Video thumbnail
PBNG TW thăm, sách tấn Chư hành giả an cư tại các Hạ trường tỉnh miền Đông, 28/7/2023 (11/6/Quý Mão)
20:02
Video thumbnail
PBNG TW hoàn tất chuyến thăm và cúng dường Hạ trường tại Tây Nguyên 2023
18:50
Video thumbnail
PBNG TW thăm 4 tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum
08:16
Video thumbnail
Kính mừng Đại lễ Phật đản - PL.2567 - DL.2023 - BTS Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang
08:05
Video thumbnail
Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo & Chư Tôn Đức Tiền Bối Hữu Công PGVN | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
10:47
Video thumbnail
Đại lễ Kiều Đàm Di tại Bình Phước 2023: Triển lãm - Dâng hương - Tọa đàm - Thắp nến tưởng niệm
34:37
Video thumbnail
Đại lễ Kiều Đàm Di tại Bình Phước - 22 & 23/04/2023: Công tác chuẩn bị
04:59
Video thumbnail
Lễ Vinh danh cá nhân xuất sắc trong lãnh đạo Phật giáo tỉnh Tiền Giang năm 2023
06:55
Video thumbnail
Lễ công bố văn phòng PBNG & Khai giảng lớp luật dành cho chư Ni - Chùa Bảo An, TP. Cần Thơ
22:46
Video thumbnail
PBNG TW: Tổ chức khóa bồi dưỡng về các pháp Yết-ma, nghi thức giới đàn cho chư Ni
03:35
Video thumbnail
Lễ Hoàn Kinh Dược Sư Thất Châu & An vị tôn tượng Đức thánh tổ Kiều Đàm Di - Chùa Kiều Đàm
06:18
Video thumbnail
Khóa tu báo ân - Lễ Húy kỵ cố Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH
17:23
Video thumbnail
Lễ Húy Nhật lần thứ 24 cố Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH
14:58
Video thumbnail
Chùa Từ Nguyên - Tân Phú: Lễ Khánh Tạ - Hoàn Nguyện - Lễ Húy Kỵ lần thứ 39 cố Ni trưởng khai sơn
08:50
Video thumbnail
Khí Xuân Quý Mão 2023
11:37
Video thumbnail
Hành hương thập tự 10 cảnh Chùa - Xuân Quý Mão 2023
15:24
Video thumbnail
Chùa Liên Trì - Củ Chi: Lễ cúng dường trai tăng - Xuân Quý Mão 2023
21:22
Video thumbnail
Tổ đình Huê Lâm: Mừng xuân Di lặc - PL.2566 DL.2023
09:08
Video thumbnail
PBNG Trung Ương: Báo cáo Tổng kết Công tác Phật sự - Nhiệm kỳ VIII (2017-2022) | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
15:42
Video thumbnail
Chùa Huê Nghiêm: Lễ Khánh Đản A Di Đà Phật với hơn 1000 Tăng Ni Sinh tham dự | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
04:24
Video thumbnail
Lễ Khánh Tạ Các Công Trình Chùa Pháp Võ - Huyện Nhà Bè - TP.HCM | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
06:46
Video thumbnail
Lễ Khánh Tạ Chùa Pháp Võ | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
07:42
Video thumbnail
Hội nghị Tổng kết công tác Phật sự Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nhiệm kỳ VIII | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
02:27
Video thumbnail
Lễ Húy kỵ - Tưởng niệm lần thứ 14 cố Hòa thượng Thích Hoằng Từ | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
02:55
Video thumbnail
#2: Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và Chư Vị Tiền Bối Ni Hữu Công (02/10/2020)
13:15
Video thumbnail
#1: Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và Chư vị Tiền Bối Ni Hữu Công (01/10/2020)
05:52
Video thumbnail
Chùa Sắc Tứ Tam Bảo - Kiên Giang: Tổ chức Lễ húy kỵ lần II của cố Ni trưởng thượng Như hạ Hải
09:14
Video thumbnail
Lễ Công bố & Quyết định Chuẩn y nhân sự Phân ban Ni giới - Nhiệm kỳ X (2022-2027) | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
17:11
Video thumbnail
Kiên Giang: Tịnh xá Ngọc Hưng tổ chức Đại lễ Vu Lan – Dâng Y Ca sa – Cài hoa hồng - PL.2566
06:21
Video thumbnail
Tịnh xá Ngọc Phương: Lễ trao giáo chỉ - Tấn phong giáo phẩm – Lễ xuất gia & truyền giới
08:39
CÁC BÀI KHÁC