Em thương mến!
Thành thật mà nói hai chặng đường, hai lối sống đã thấm dần theo tháng năm, những lạc thú bao lần thành bại mặn đắng chua cay, vô tình hay hữu ý đã chuyển hướng đời sống xuất gia làm chúng ta không nếm được hương vị ngọt ngào của Chánh pháp, xa dần đời sống Thầy Tổ đệ huynh, mải miết lăn dài theo thế pháp. Những bước chân không có lối lùi, trần tục thì quá xa hoa đầy cám dỗ đã rẽ lối ước mơ, thực trạng không định hướng, tự buông lỏng đời mình vào những thăng trầm vinh nhục khổ đau.
Nhớ nghe em!
Chúng ta phải mạnh dạn tự phấn đấu chính mình, ngay trong thời gian hiện tại và không gian ở nơi này, có như vậy mới kiên định chí nguyện xuất gia. Khi chấp nhận đời Ni lưu hậu học, rời cha mẹ, quê hương làng nước, bạn bè thân tộc, xuống tóc theo thầy học đạo, sống đời một bát cơm ngàn nhà, một thân rong ruổi muôn dặm xa.
Giải quyết đường sanh tử là việc chánh, tâm niệm độ chúng sanh ra khỏi nhà lửa là yếu vụ, như Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác đã từng nhắc nhở tự thân.
Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vi sanh tử sự
Giáo hóa độ Xuân Thu.
Đời sống xuất gia với ý nghĩa cao cả là do nỗ lực của cá nhân, thành công hay thất bại đều do chính mình chịu trách nhiệm.
Các em thương!
Ngày ấy phát tâm xuất gia, chúng ta đều mang hoài bão thanh cao, một chí khí dõng mãnh, cơm rau đạm bạc, áo quần cốt chỉ che thân, đâu biết gì sang trọng, guốc dép chẳng cần, đầu trần chân đất nào ngại gió sương gai chông.
Ngày ấy, mái chùa còn đơn sơ, u tịch, hoa trái trong vườn ngày chay, chợ sớm chợ trưa, tương chao buôn bán để kiếm chút tiền nhỏ sinh hoạt Thiền môn. Đơn giản ngần ấy thôi mà sao đậm đà tình nghĩa từng bước chân xa, mỗi lần về lại chùa xưa còn vẳng nghe rộn rã tiếng cười khi bửa củi, lúc rẫy bãi nương khoai, bao sinh hoạt, những kỉ niệm tràn đầy dấu ấn mãi không quên.
Bây giờ, chính chúng ta là nhân chứng của bao lọc lừa đổi trắng thay đen, từ xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã cho nhân loại cuộc sống đầy tiện nghi là nguyên nhân dẫn đến những sân hận, khát vọng điên cuồng, thỏa mãn tiền tài, sắc dục lợi danh, để rồi chỉ đọng lại trong nuối tiếc khi thời gian là nước xoáy qua cầu!
Ngày ấy và bây giờ chuỗi thời gian không dài nhưng cách sống, lối sống quá xa cách, nhiều dị dạng. Thế hệ trẻ lẫn chư Ni thời cận đại, áo quần, giày dép, phương tiện xe đi đủ loại, máy bay vút cánh trời xanh, thu ngắn đường dài du lịch đó đây. Mọi thứ, mọi nơi đều đáp ứng gọn nhanh, điện đài chớp nhoáng đã thay lời, hình ảnh tuy xa nhưng kẻ Âu người Á vẫn thấy gần nhau như chưa từng có cảnh đi xa.
Xưa kia vì buồn vận nước tình nhà, vua Trần Thái Tông đã tìm lên núi Yên Tử ẩn tu, nhưng nào yên với kế sách tà tâm của Trần Thủ Độ triệu vua về an bang đất nước. Trong khổ đau vô tận, vua chưa tìm cho mình một hướng đi dứt khoát thì Phù Vân Thiền Sư đã khai ngộ cho người Phật tử quyền quý này qua lời khuyên ân tình khế lý: “Trong núi vốn không có Phật, mà Phật ở trong lòng, nếu Bệ hạ sống được với tâm chân thật của mình thì ngay đó chính là Phật”.
Trở về triều đình, vua luôn ghi đậm lời dạy thâm trầm khả kính của bậc ân sư, về sau tự làm hai câu đối dán trước đền rồng của mình để luôn thức nhắc tự thân dù trong hoàn cảnh nào cũng không rời xa Chánh pháp:
Cảm đức từ bi để cho nghìn kiếp nguyền thân cận
Đội ơn tế độ nát muôn thân thà chịu đắng cay.
Nhớ nghe em! Hãy lắng sâu vào Giới, Định, Tuệ để xua tan nghiệp chướng, oan gia trái chủ, sống đời tu chân thật làm bổn phận của người xuất gia.
“Hoằng pháp vi gia vụ – Lợi sanh vi bổn hoài” là khởi điểm cho em tìm về “bản lai diện mục”, bởi đời người trăm năm tuổi luống qua mau.
Sanh lão bệnh tử
Tự cổ thường niên
Dục cầu xuất ly
Giải trược thêm phiền
Mê chi cầu Phật
Hoặc chi cầu Thiền
Thiền Phật vô cầu
Đỗ khẩu vô ngôn.
Dịch nghĩa:
Sanh già bệnh chết
Xưa nay lẽ thường
Muốn cầu thoát ra
Mở trói thêm ràng
Mê đó tìm Phật
Lầm kia tìm Thiền
Phật Thiền không cầu
Uổng miệng không lời.
(Ni sư Diệu Nhân)
Hãy lắng nghe và tìm hiểu của bậc đàn chị thì lý xa xưa đã nhắn nhủ cùng hậu thế quy luật vận hành của kiếp người phù du ngắn ngủi, để thẳm sâu giáo lý Phật đà trong từng phút giây thánh hóa niềm tin và gạn lọc ô nhiễm bụi trần, cho tâm tư khai ngộ mà vẫy tay chào vĩnh biệt luân hồi.
TKN. Như Như (ĐSHĐ-065)