Monja Coen Roshi (Cláudia Coên) nhận được sự huấn luyện về Thiền khắt khe ở Nhật Bản. Khi trở về Brazil vào năm 1995, Maruyama Rōshi mời bà đến giảng dạy tại Busshinji. Trong nhiều giáo phái Phật giáo Nhật Bản, việc tấn phong (bổ nhiệm) vẫn được thực hiện bởi trụ sở ở Nhật Bản. Những thầy tu được gửi ra nước ngoài thường cảm thấy mình đang điều hành những người dân nhập cư có bản sắc không ăn nhập với những phát triển văn hóa gần đây ở Nhật Bản. Đối với những người có bản sắc văn hóa Nhật Bản sâu sắc, việc mở rộng cộng đồng ra bên ngoài được xem như là một sự phát triển không dễ dàng. Trong trường hợp của Bushinji, trụ sở của Trường phái Thiền Sōtō ở Nhật Bản đã quyết định can thiệp, thay thế Maruyama Roshi. Họ bổ nhiệm Monja Coen. Sau một thời gian, rõ ràng sự sắp xếp này đã không đáp ứng được kỳ vọng của họ và bà đã được yêu cầu rời khỏi vị trí.
Hiện nay, Monja Coen là giảng sư và Giám đốc của Zendo Brazil, một Trung tâm Thiền theo phong cách Nhật Bản trong khu dân cư lân cận của São Paulo, nơi bà sống cùng ba nữ tu và ba chú chó thân thiện. Những vị Ni này cùng nhau tổ chức các buổi ngồi Thiền hàng ngày (Zazen), các khóa An cư định kỳ (sesshin), các buổi thuyết Pháp và những sự kiện khác. Monja Coen đã xuất bản một số cuốn sách, đã xuất hiện trên truyền hình Brazil và là một nhân vật quen thuộc với nhiều người Brazil. Bà thường được các doanh nghiệp mời đến nói chuyện với công chúng và nhân viên công ty, hy vọng cải thiện mối quan hệ giữa các cá nhân và môi trường tổ chức nói chung. Trong bối cảnh tinh vi của xã hội Brazil đương đại, việc mời một nữ Thiền sư không có gì đáng ngạc nhiên.
Truyền thống Tây Tạng và sự biến đổi
Xã hội Brazil cũng chào đón những giảng sư của các truyền thống Phật giáo khác trong những thập niên gần đây, nhiều người trong số họ là nữ giới. Xu hướng này bắt đầu với Ngài Chagdud Rinpoche (1930-2002), một vị Lama của trường phái Nyingma của Phật giáo Tây Tạng, người được thừa nhận là hóa thân thứ 16 của một vị Lama ở thế kỷ XV có tên là Sherab Gyaltsen, người nổi tiếng về khả năng gấp lại một thanh gươm thành một nút thắt. Vào năm 1983, Chagdud Rinpoche thiết lập Chagdud Gonpa, một Trung tâm an cư tại Oregon, nơi ông giảng dạy và thu hút một số lớn những học trò mộ đạo. Vào năm 1995, ông chuyển tới Três Coroas ở phía Nam của Brazil, nơi ông thiết lập Chagdud Gonpa Brasil và xây dựng Khadro Ling, một tu viện lớn theo phong cách Tây Tạng truyền thống, nơi trở thành một Trung tâm thực hành chính và điểm thu hút khách du lịch. Chagdud Rinpoche là một giảng sư thông thái và từ bi, Người nhanh chóng chiếm được trái tim của người Brazil từ khắp đất nước. Trong số 6 học trò mà Chagdud Rinpoche thọ giới Lamas9 sinh sống ở Brazil, có bốn người là nữ giới. Vợ ông, Chagdud Khadro, là Giám đốc tâm linh của Chagdud Gonpa Brazil và sống ở Khadro Ling. Lama Tsering Everest đã giúp tìm ra Chagdud Gonpa Odsal Ling và Refúgio gần São Paulo. Lama Sherab Drolma, Chủ tịch của Chagdud Gonpa Brasil, là một Lama cư trú tại Khadro Ling. Lama Yeshe Drolma giúp tìm ra Dordje Ling ở Curitiba và Rigdjed Ling ở Florianopolis.
Lama Tsering Everest là thông dịch viên cho Chagdud Rinpoche trong 11 năm. Mặc dù tiếng Tây Tạng và tiếng Anh của cô không tốt lắm nhưng dường như họ hiểu nhau một cách hoàn hảo. Sau khi hoàn tất khóa nhập thất 4 năm vào năm 1995, Lama Tsering bắt đầu giảng dạy ở Brazil. Là một Giám đốc thường trú của Odsal Ling ở São Paulo, cô tiếp tục giảng dạy ở Brazil và ở những trung tâm của Hoa Kỳ và những nước khác.10 Năm nay, cô và Chagdud Khadro cùng đi thăm New Zealand. Cô là người của dòng dõi Tara Đỏ và được Chagdud Rinpoche thừa nhận là một hiện thân của Tara. Trong cuộc phỏng vấn năm 2014 với Buddhistdoor, Lama Tsering lưu ý rằng Chagdud Rinpoche, một vị Lama rất truyền thống, đã rất phi truyền thống trong việc trao quyền cho nữ giới như những Lamas, bốn người trong số đó đã trở thành những người kế vị tâm linh của Ngài.
Ngay cả khi nữ giới Brazil không có mối quan hệ với những nữ giảng sư Phật giáo này, họ vẫn thấy những người này là nguồn cảm hứng của họ. Zenia Machado, một người thực hành Dharma trong một thời gian dài, sống ở Brasilia, nói với tôi rằng: “Tôi yêu quý tất cả những vị này, có một số kinh nghiệm được họ dạy, đánh giá rất cao.”
Khi tôi đề nghị cô ấy giải thích cho tôi tại sao lại có nhiều nữ giới tham gia vào Phật giáo ở Brazil, cô đã trả lời: “Có lẽ bởi vì nữ giới cởi mở hơn với việc khám phá và tìm ra những câu trả lời có ý nghĩa cho những câu hỏi và cuộc tìm kiếm tri thức và niềm tin trong Phật giáo hơn là trong Cơ Đốc giáo… Phật giáo cho phép bạn khám phá hoặc sống không chỉ những khía cạnh của nghi lễ thiêng liêng và mộ đạo, mà còn cả tâm lý học và triết lý sống! Và bạn có thể thực hiện việc khám phá này bằng cách nhận ra những “giọt” giáo lý Phật giáo đây đó để hiểu và thay đổi tư duy, ngụ ý ở đây để đối phó với cảm xúc, trực giác và sự hiểu biết sâu sắc. Nữ giới dường như nhạy bén hơn với những chủ đề này, vì vậy họ ngay lập tức bị thu hút bởi những lời dạy mang lại sự giải thích và ý nghĩa của cuộc sống và những cách để trở thành một người tốt hơn trong cuộc sống hàng ngày.”11
Khi tôi hỏi điều gì giải thích cho sự nổi trội của nữ giới tại Khandro Ling Gonpa, lấy ví dụ, cô ấy nói rằng, cô tin rằng nữ giới ở đó là những người “tuyệt vời và truyền cảm hứng” và “đã tạo ra một môi trường chào đón nữ giới đến học hỏi và tận dụng tối ưu cuộc sống làm người quý giá của họ.” Những buổi nói chuyện của nhiều nữ giảng sư này có thể được tìm thấy trên Internet và được đánh giá cao vì sự giản dị, sâu sắc, thẳng thắn và liên quan đến cuộc sống hàng ngày. Khi một người nổi tiếng trên truyền hình và đội ngũ của cô ấy đến để quay phim tu viện cho một chương trình của cô ấy, chính Lama Sherab, một nữ Lama đã được giao nhiệm vụ là người phát ngôn. Nữ giới điều hành việc dịch và xuất bản các văn bản Phật giáo tại tu viện và cả trung tâm an cư ba năm của tu viện. Tại Khandro Ling, nữ giới đã trở thành người hướng dẫn nhiệt tình, có năng lực và đáng tin cậy trên con đường tu tập.
Nữ giới cũng rất tích cực tại Centro de Estudos Budistas Bodisatva (CEBB), một tổ chức được thành lập bởi Lama Padma Samten ở Nam Brazil vào năm 1986. Là một cựu Giáo sư vật lý ở Brazil, ông đã nhận được sự giáo huấn và đào tạo trong một số truyền thống Phật giáo trước khi được thọ giới Lama bởi Chagdud Rinpoche vào năm 1996. Kể từ đó, ông tiếp tục giảng dạy và xuất bản rộng rãi theo một phong cách cởi mở để nuôi dưỡng tiềm năng của học trò nam cũng như nữ. Thay vì nhấn mạnh vào những nghi lễ mật giáo truyền thống theo phong cách Tây Tạng, mạng lưới các Trung tâm của CEBB xung quanh Brazil tập trung vào triết lý và thực hành của Mahāyāna nói chung. Do sự động viên tích cực của Lama Padma Samten, nữ giới đóng vai trò quan trọng trong những trung tâm này như những giảng sư, người hỗ trợ, cố vấn và quản trị viên.
Tương lai của Nữ giới Phật giáo ở Brazil
Tất cả các dấu hiệu chỉ ra rằng tương lai của Phật giáo ở Brazil sẽ đa dạng và sẽ bao gồm sự tham gia và lãnh đạo tích cực của nữ giới. Ngoài các Trung tâm Thiền Phật giáo và Tây Tạng, nữ giới cũng đã nổi trội ở Fo Guang Shan (Phật Quang Sơn) trong tổ chức của Mỹ La tinh. Với những trụ sở ở Đài Loan, Fo Guang Shan có chùa ở bốn Thành phố của Brazil – Cotia, Liberdade, Rio de Janeiro và Olinda – cũng như Argentina, Paraguay và Chile. Chùa Zulai ở Cotia, gần São Paulo, là ngôi chùa Phật giáo lớn nhất ở Nam Mỹ. Vào năm 2006, ngôi chùa đã chủ trì việc đón Đức Dalai Lama được công bố rộng rãi. Ngôi chùa cung cấp một sự hòa trộn mang tính chiết trung của những hoạt động bằng tiếng Trung hoặc tiếng Bồ Đào Nha hoặc cả hai, bao gồm: Thiền định, tai chi (Thái Cực), dâng đèn, lễ sám hối, chương trình sau giờ học cho trẻ em khu ổ chuột, Vesak và lễ đón Năm mới của Trung Quốc, các lớp học nấu ăn chay và những buổi nói chuyện về những chủ đề như “Phật giáo và Khoa học thần kinh”. Không giống như những nhóm Phật giáo khác ở Brazil, những ngôi chùa này được tổ chức và quản lý bởi các Tỳ kheo ni, có đặc trưng nói tiếng Trung, được giáo dục vào đào tạo ở Đài Loan. Sáu nữ tu sĩ hiện nay cư trú tại chùa Zulai đến từ Đài Loan, Malaysia, Indonesia và Brazil.
Tương lai của Nữ giới Phật giáo ở Brazil vẫn đang được định hình, tuy nhiên, như những ví dụ này chứng minh, nữ giới đang tích cực trong việc đảm bảo sự phát triển lành mạnh của Phật giáo trong nước. Nghiên cứu của tôi cho thấy một số lý do khiến cho nữ giới trở nên nổi trội trong Phật giáo Brazil như là những giảng sư, thông dịch viên, người tổ chức và người thực hành. Thứ nhất, nữ giới ở Brazil nhìn chung được giáo dục tốt, đem lại cho họ một nền tảng vững chắc để học Phật. Thứ hai, họ được tiếp cận với giáo lý và sự thực hành của Phật giáo từ nhiều ngôi chùa và những trung tâm thực hành Phật giáo. Có lẽ quan trọng nhất là, nữ giới đã nhận được sự khích lệ từ bi của những giảng sư Phật giáo có trình độ và đáng tin cậy, nhiều người trong số đó là nam giới.
Nữ giới là những người thực hành Phật giáo đáng kính và dễ dàng nhận diện ở Brazil và nhiều người trong số họ ở những vị trí lãnh đạo. Một bộ phim dài tập mới tựa đề “Três Joias” (Tam Bảo) sẽ mô tả về Phật giáo ở Brazil, bao gồm nhiều ngôi chùa, trung tâm và truyền thống Phật giáo của đất nước.12 Bộ phim có cách tiếp cận đại kết (thúc đẩy tình đoàn kết giữa các tôn giáo), với chân dung của nhiều trường phái Phật giáo khác nhau ở Brazil. Bộ phim cũng có một cách tiếp cận bao trùm về giới, với chân dung của những nữ giảng sư hàng đầu trong Phật giáo Brazil. Rõ ràng, nhìn về tương lai, để các truyền thống Phật giáo có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở Brazil, năng lực của nữ giới cần phải được nuôi dưỡng.
Karma Lekshe Tsomo
Như Nguyệt (Việt dịch) {ĐSHĐ-059)
Ghi chú
9 The term Lama is the Tibetan translation of the Sankrit term guru, or teacher, denoting especially a spiritual teacher. A Lama may or may not be a celibate monastic; not all Lamas are monks, not all monks are Lamas. Typically, in Tibetan cultural areas Lamas are male, although in theory there is nothing to prevent a woman from being recognized as a Lama.
10 Lama Tsering’s teachings are presented in a style that is lighthearted and easy to understand. For example, see Tsering Everest, “The Bodhisattva Peace Training”, Buddhism Through American Women’s Eyes, ed. Karma Lekshe Tsomo (Ithaca, NY: Snow Lion Publications, 2010), 105-21.
11 Email correspondence, May 28, 2017.
12 The series is directed by Kentaro Sugao and sponsored by Bukkyo Dendo Kyokai (Society for the Promotion of Buddhism) and the International Association of Buddhist Culture (IABC). http://www.tresjoias.com.br