Trong cuộc đời sống đạo và hành đạo của mình, mỗi người con Phật đều hướng về sự tri ân và báo ân Thầy, Tổ. Đó không chỉ là đạo lý của con người, mà còn là động lực giúp hành giả vững bước trên con đường xả thân cầu đạo, phụng sự nhân sinh. Nữ giới Phật giáo Việt Nam và trên thế giới luôn hướng về Đức Thánh Tổ Kiều Đàm, vị Thánh Tổ đã mở đầu cho hàng triệu nữ giới Phật giáo noi theo, tiếp bước con đường hành đạo vì con người và cho con người.
Ngày đại lễ Vía Đức Thánh Tổ năm nay, 2018, nữ giới Phật giáo cùng ôn lại một số hoạt động nổi bật của một người nữ tu sĩ, Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác, để góp phần tìm hiểu rõ hơn về những đóng góp có hiệu quả của nữ giới Phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng nhằm xiển dương người con gái của Đức Phật, một Ni trưởng gương mẫu của Ni giới Phật giáo Việt Nam.
1. Khái quát và hoạt động đạo sự
Ni trưởng Huệ Giác hiện là Viện chủ Quan Âm Tu viện, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, xuất gia từ năm 1958, tại Tổ đình Linh Sơn, núi Dinh (thuộc vùng chiến khu hậu cần Châu Pha Hắc dịch 1960-1975), xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ni trưởng Huệ Giác đã vâng lệnh đức Tôn sư là Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý1, người thành lập tông phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng (LTTĐNB) vào năm 1959, để đứng ra lập Phật giáo Từ thiện – Xã hội miền Đông, với cơ sở là Cô nhi viện Phước Lộc Thọ (1963-1978). Điều này đã cho thấy kể từ ngày chính thức là một Sư cô, Ni trưởng Huệ Giác đã nhanh chóng thực hành hạnh từ bi cứu khổ, đem đạo vào đời. Trên bước đường hành đạo, Ni trưởng Huệ Giác đã tham gia vào mọi lĩnh vực hoạt động theo tinh thần linh hoạt, sáng tạo, thực hành hạnh vô úy, vô ngã, vị tha.
Từ tháng 12/1960, Ni trưởng Huệ Giác đã ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, tham gia Cách mạng kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại tiền chiến khu Châu Pha – Hắc Dịch (núi Dinh) đến ngày hòa bình 30/4/1975.
Trong suốt 10 năm hoạt động từ thiện nhân đạo (từ năm 1996 đến năm 2006), Ni trưởng Huệ Giác đã lập thêm Cô nhi viện Từ Ái (1968 -1978); hàng năm thường xuyên ủy lạo tại bệnh viện Tâm thần từ 4 đến 6 đợt; thường xuyên đi ủy lạo tại các trại phong ở Tây Nguyên, các trại người mù, người già và trẻ em, những người tàn phế, nhất là đồng bào bị thiên tai bão lụt. Một trại nuôi người già và tàn phế tại Quan Âm Tu viện (Biên Hòa) cũng do Ni trưởng tạo lập. Ni trưởng Huệ Giác cũng quan tâm đến sức khỏe cộng đồng, nên đã cử người đi học ngành Y tá để chữa trị bệnh cho các cháu cô nhi; cử người đi phục vụ thuốc Nam tại bệnh viện Nguyễn Trãi; thành lập phòng thuốc Nam tại Quan Âm Tu viện, tại chùa Long Phước Thọ (Long Thành), tại Bửu Hoa Ni viện (Long Thành); thành lập Phân hội Chữ thập đỏ tại Quan Âm Tu viện… Những hoạt động từ thiện xã hội này không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng, mà đồng thời còn giúp cho Tăng Ni, Phật tử ý thức trách nhiệm về công tác từ thiện.
Không chỉ trên lĩnh vực sức khỏe, Ni trưởng Huệ Giác cũng đặc biệt chú trọng đến hoạt động kinh tế nhà chùa. Trồng cây gây rừng trong điều kiện đất nước vừa được phục hồi kinh tế sau chiến tranh chính là một hành động có tinh thần sáng tạo, nhằm phát triển lâm nghiệp, phục vụ kinh tế quốc dân và kinh tế nhà chùa. Mặt khác, để có cơ sở lao động tăng gia sản xuất, Ni trưởng đã huy động Tăng Ni, Phật tử đến các địa phương như Long Thành, Vĩnh Cửu, Biên Hòa, Dĩ An, Thống Nhất, Bà Rịa – Vũng Tàu xin đất khai hoang, tạo thành ruộng vườn, trồng cây và các loại hoa màu phụ để tự túc. Năm 2006, Ni trưởng đã phát động chương trình truyền thống “Trồng cây nhớ ơn Bác Hồ”, kỷ niệm 116 năm ngày sinh của Bác, đồng thời chào mừng sự thành công của Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ni trưởng Huệ Giác đã gây được 350 hecta rừng nhân tạo để làm bản vị kinh tế nhà chùa, hỗ trợ các tự viện do Ni trưởng trực tiếp nuôi dưỡng Tăng Ni. Ngoài ra, Ni trưởng Huệ Giác còn tạo được 10 mẫu ruộng; 10 mẫu rẫy để tạo điều kiện sống đạo cho toàn thể Tăng Ni các chùa như Nhứt Nguyên Bửu Tự, Quan Âm Tu viện, Tịnh xá Thắng Liên Hoa, chùa Long Phước Thọ, Bửu Hoa Ni viện, Tổ đình Linh Sơn I và II…
Ở các nơi như Dầu Giây, Biên Hòa, Dĩ An, xã Long Phước, Phước Thái (Long Thành), xã Hội Bài (núi Dinh) đều có rẫy, ruộng và rừng do Ni trưởng Huệ Giác khai lập.
Theo thống kê của LTTĐNB, tổng diện tích rừng bảo vệ là 907 hecta, chiếm 90% tổng diện tích đất rừng, số liệu trên đã chứng tỏ LTTĐNB dưới sự dẫn dắt của Ni trưởng Huệ Giác đã hoạt động trên lĩnh vực này có hiệu quả đáng kể.
Ngoài hoạt động từ thiện xã hội, Ni trưởng Huệ Giác còn đặc biệt chú trọng đến việc hoằng pháp. Từ khi LTTĐNB được thành lập, mỗi ngày Ni trưởng tổ chức thuyết pháp tại giảng đường Tây Phương Bồng Đảo, mỗi thời thuyết pháp có 500 đến 600 Tăng Ni cùng Phật tử thính pháp. Ngoài việc thuyết giảng, Ni trưởng Huệ Giác còn được đức Tôn sư giao trách nhiệm truyền thọ Tam quy Ngũ giới để làm phương tiện tu hành cho hàng Phật tử tại gia và chư tịnh nhơn tại Tổ đình.
Năm 1962, Ni trưởng vâng lệnh đức Tôn sư thành lập Phật học đường Tây Phương Bồng đảo để đào tao Tăng Ni tài, có khoảng 250 Tăng Ni sinh có trình độ khả năng đã theo học. Ni trưởng Huệ Giác đã mở đạo tràng tu Bát Quan Trai tại Quan Âm Tu viện qua các năm, đề xuất thành phần thuyết giảng và hướng dẫn tụng niệm Đạo tràng, mang danh hiệu “Chúng Đại Trí” qua các khóa tu: Khóa I (1989-2001);,Khóa II (2001-2003), Khóa III (2003-2007), Khóa IV (2007-2014); Khóa V (2014); với danh hiệu “Chúng Đại Hạnh” qua các khóa tu (1989-2004), (2004-2014)… Một Ban Ấn tống kinh sách, băng, đĩa cũng được thành lập với 12 Phật tử chuyên lo việc phổ biến rộng rãi kinh sách của LTTĐNB.
Ngoài ra, từ khi lập đạo, một hệ thống đạo tràng Phật tử hữu công gồm hàng trăm người đã có công bốc thuốc, chữa bệnh…
Ni trưởng Huệ Giác đã được phó chúc Trưởng tử từ khi đức Tôn sư Nhựt Ý còn sinh tiền, dưới sự chứng minh tối cao của đức Sư ông thượng Bửu hạ Đức. Như vậy, khi Tôn sư viên tịch, Ni trưởng sẽ là người kế thừa sự nghiệp đạo pháp của tông môn, trước những nhân chứng sống gồm Hội đồng Trưởng lão và Hội đồng Tăng lữ của LTTĐNB. Cho nên, ngay sau ngày đức Tôn sư viên tịch (1986), Ni trưởng Huệ Giác được suy tôn là Tông trưởng của tông phái, người chính thức kế thừa Tông môn, gìn giữ “Bửu Ấn” của LTTĐNB (1987).
Từ những hoạt động cụ thể, có hiệu quả lớn cho mọi người, trong suốt cuộc đời cống hiến vì đạo pháp và cho dân tộc, Ni trưởng đã nhận được nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý của Nhà nước, của Chính phủ ban tặng:
– Huân chương Kháng chiến chống Mỹ̉ cứu nước do Chủ tịch nước cấp năm 2001;
– 8 Bằng khen do UBND tỉnh Đồng Nai cấp, từ năm 1997 đến nay;
– Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cấp năm 2004;
– Huy hiệu Sao Vàng Đồng Nai năm 2008;
– Huy chương vì sự nghiệp Nhân đạo do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cấp năm 2004;
– Bằng Tuyên dương công đức của Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN cấp năm 2004.;
– Huân chương Lao động hạng III cho Chủ tịch nước cấp năm 2013;
– Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Đại Đoàn kết toàn dân do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp năm 2015…
Ni trưởng tâm sự: “Là những người sứ giả của Như Lai, ngoài trách nhiệm hoằng dương chánh pháp, tất cả chúng ta còn luôn sẵn lòng đem tình thương và nguồn an vui đến với chúng sanh. Chính vì vậy, trong các hoạt động của Ban Từ thiện Xã hội tại tất cả Ban Trị sự tỉnh thành, quận, huyện, xã, phường… từng người con Phật không quản gian lao, khó khăn, vất vả, đi đến những vùng sâu, vùng xa, đi cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt, xây dựng những căn nhà tình thương, những lớp học tình thương, làm cầu, đắp đường, đào giếng, lập phòng thuốc Nam, tặng xe lăn, xe lắc cho người tàn tật, vận động các ca mổ mắt, mổ tim cho người già, trẻ em, ấn tống kinh cho người mù3… ”
2. Vài suy nghĩ về tấm gương điển hình: Ni trưởng Huệ Giác
Điểm qua một số hoạt động nổi bật của Ni trưởng Huệ Giác, một Trưởng tử là người nữ, đã hàng chục năm qua thọ nhận và hành trì mọi hoạt động đạo sự của Tông phong giao phó một cách có hiệu quả. Điều gì đã tạo nên sự diệu kỳ này?
Đó phải chăng là từ tinh thần vô ngã vị tha, Ni trưởng đã quên mình, giúp người từ quan niệm từ bi, cứu khổ, cứu nạn? Đó phải chăng là vì từ mọi hành động đều phát xuất từ tinh thần vô úy, không sợ hãi, không màng đến bản thân, Ni trưởng đã quên mình, vì người. Thực hiện mọi hoạt động Phật sự trong một xã hội, từ thời chiến cũng như thời bình, tư tưởng vì con người và cho con người của Phật giáo, mà ngay buổi đầu Đức Phật Thích Ca đã xiển dương, được Ni trưởng vận dụng, phát huy một cách linh hoạt, sáng tạo suốt cuộc đời hành đạo của mình.
Thành quả của các việc đạo sự, từ hoằng pháp, từ thiện, đến kinh tế nhà chùa của Ni trưởng Huệ Giác đã minh chứng thêm cho hàng Tăng Ni, Phật tử, khẳng định hơn về tính chất bình đẳng của Phật giáo, và hai nhiệm vụ quan trọng của bậc xuất gia cần thực hiện là việc phổ hóa và phổ tế, nên dù cho là một Trưởng tử nữ được truyền thừa, cũng có thể thực hành hiệu quả mọi Phật sự.
Như vậy, qua tấm gương điển hình của Ni trưởng Huệ Giác đã minh chứng cho một chân lý thực tế, đó là sự thành công trên đường đạo rõ ràng không từ giới tính là người nam hay người nữ, mà chính là từ sự tín tâm, lòng quyết tâm với một hạnh nguyện cao cả, một lòng đi theo con đường chân chính của Thầy Tổ, hành giả sẽ đạt được chánh quả, đi từ giác ngộ đến chứng ngộ. Thành tựu này trước hết đã thể hiện tấm lòng tri ân, báo ân với Thầy Tổ, sau đó còn là tấm gương tiêu biểu cho hàng lớp Tăng Ni Phật tử củng cố thêm tinh thần phá chấp, trong đó đặc biệt là chấp pháp và chấp tướng.
PGS.TS. Trần Hồng Liên
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam – Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam TP.HCM (ĐSHĐ-054)
Diễn đọc: Sc Huệ Pháp
- Thuộc dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 41, biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai.
- Toàn bộ hệ thống tự viện của Tông phong hiện nay gồm hơn 170 cơ sở, 1.315 vị Tăng Ni, 2.500.000 tín đồ Phật tử.
- Ni trưởng Huệ Giác 2010 Công tác từ thiện xã hội trong thời đại mới. Bản đánh máy lưu hành nội bộ.
Tài liệu tham khảo
1. Ni trưởng Huệ Giác, 2010, Công tác từ thiện xã hội trong thời đại mới. Bản đánh máy lưu hành nội bộ.
2. Thích Giác Quang, 2016, Kỷ yếu 57 năm Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Tư liệu Quan Âm Tu viện.