Người tu sĩ… trải qua nhiều môi trường tu học, kết duyên bạn đạo, thọ giáo ân sư, mỗi nơi đến là chốn thâm tình, mỗi nơi về là chân trời mở rộng, một cõi thân quen. Ngày tháng qua nhanh, dòng nước thời gian đã cuốn trôi hết mọi thứ. Có bao điều để nhớ, có nhiều chuyện đã sớm phôi phai. Những gì còn đọng lại chỉ là thoáng hương xa… bất chợt hiện về theo mỗi dòng suy tư lắng đọng.
Đầu năm 1989, Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm tuyển sinh khóa học đầu tiên và cũng là trường nội trú duy nhất lúc bấy giờ. Một ngôi trường Ni cũng nhanh chóng được thành lập và tên gọi Ni viện Thiện Hòa ra đời mang theo biết bao niềm vui cùng sự kỳ vọng. Ni trưởng TN. Như Như, trụ trì Tu viện Phước Hải – Long Thành được chư Tôn đức ủy nhiệm công việc xây dựng Ni viện và thâu nhận chúng các nơi về lưu trú nhập học.
Thuở ban đầu ấy, Ni xá chỉ là hai dãy nhà tranh vách đất tọa lạc trong khu rừng tràm vắng vẻ. Hơn một trăm chư Ni với đủ chất giọng Bắc, Trung, Nam cùng tề tụ về chờ kỳ thi tuyển. Mọi sinh hoạt ăn ngủ, học tập và tụng niệm đều trên chiếc đơn, cá nhân của mỗi người. Nếp sống giản đơn bình dị cùng với không khí tràn ngập niềm tin tu học khiến người vừa bước chân đến đã cảm nhận một nguồn sống mới đang dần bén rễ trên mảnh đất Tòng lâm vang bóng.
“Người đã dày công với viện, có ơn lớn với chúng, có nhiều tâm huyết trong việc canh tân giáo dục và nuôi dạy chúng…” Đó là lời của Sư Hạnh Nghiêm – cựu Quản chúng nói về Ni trưởng TN. Như Như – Người khai sáng và cũng là Quản viện Ni viện Thiện Hòa mà đại chúng qua nhiều khóa học vẫn quen gọi là Thầy Nhất với tất lòng quý kính tôn trọng. Người thầy nhiều tâm huyết ấy từng kinh qua nhiều môi trường Phật học nên thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của chúng Ni trẻ là luôn mong đợi có một ngôi trường đúng nghĩa để cùng nương về tu học. Rồi nhân duyên đến, hạnh nguyện lợi sanh cũng kịp thời phát huy. Ni trưởng đã mạnh dạn đứng ra đảm nhận trọng trách, dốc hết tâm sức tài lực để đầu tư xây dựng nên một khu nội viện đủ để tiếp nhận một số lượng lớn chư Ni khắp mọi miền đất nước cùng tựu về.
Bước khởi đầu còn sơ khai là vậy. Nhưng chỉ sau vài năm, Thiện Hòa đã trở thành một Nội viện Ni lớn, mọi cơ sở hạ tầng đều hoàn mỹ, đầy đủ những tiện nghi cần thiết. Chánh điện, giảng đường, lớp học rồi đến nhà chúng, nhà bếp… tất cả đều rất khang trang rộng rãi. Chư Ni qua mỗi khóa chiêu sinh cũng đông dần lên. Hàng thiện tín xa gần khi có dịp ghé Ni viện đều có ấn tượng tốt đẹp về một ngôi trường Ni còn non trẻ tràn ngập niềm vui tu học và cùng chia sẻ mọi nguồn lực năng động sáng tạo.
Ni viện Thiện Hòa ngay từ khi mới thành lập đã trở thành điểm đến quen thuộc, là nơi dừng chân không thể thiếu cho khách hành hương qua lại các tuyến đường miền Đông Nam bộ vốn có nhiều danh lam thánh tích. Tên gọi Ni viện còn mang ý nghĩa tưởng nhớ đến một vị Tôn túc – cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hòa – Người đã dày công trong công cuộc chấn hưng đạo pháp và khai phá khu Đại Tòng Lâm uy nghiêm bề thế một vùng. Tri ân tiền bối, tiếp dẫn hậu lai là hạnh nguyện và cũng là sứ mệnh cao cả của người con Phật trong quá trình tu tập, hoằng pháp lợi sanh.
Ở nơi đâu có tấm lòng trang trải sẻ chia, ở nơi đó có niềm vui tu học cùng chí nguyện dấn thân. Hương hoa trái ngọt đầu mùa… dư vị nhẹ nhàng mà lắng đọng bay xa. Họa phẩm đầu tay dù chưa là tuyệt tác, song vẫn tạo nên những gam màu sắc nét khó thể nhạt nhòa. Theo thời gian… hạt giống lành sanh trưởng đã theo gió ngàn tỏa hương khắp chốn. Để rồi trên mỗi chặng đường ra khơi… bến đỗ một thời luôn là nơi chốn trở về bình yên trong tâm tưởng mỗi người. Nhớ lắm… hình dáng chư vị Tôn sư giáo thọ ngày đêm cặm cụi bên trang giáo án vì tương lai đàn hậu học. Và làm sao quên được những buổi sáng cùng chị em lên lớp dồi mài kinh luật, những buổi chiều ra vườn trồng rau cuốc đất hay những buổi tối cùng đốt đèn dầu ngồi ôn bài bên khu rừng tràm lộng gió. Đẹp lắm những tà áo vàng áo lam chung sống chan hòa trong nắng ấm bình yên ngập màu hoa cỏ.
“… Bởi nơi ấy thuở xưa tôi đã sống
Đã yêu thương bằng tất cả tâm hồn…”
Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Dòng sông mải trôi nhưng dòng ký ức lại trở về những tháng ngày xa xôi bên khung trời Phật học. Là người đứng ra xây dựng Ni viện, lại đảm nhận trọng trách thâu nhận học chúng, Ni trưởng TN. Như Như vừa lo toan chăm chút nơi ăn chốn ở tiện nghi đầy đủ lại còn tạo cơ hội để chúng Ni được học tập trong điều kiện tốt nhất. Là vị giáo thọ Ni thâm niên về kinh luật Đại thừa, Ni trưởng lại thông suốt về văn chương triết học và người đem nguồn cảm hứng dạt dào ấy truyền đạt lại cho đàn hậu bối cũng đang khao khát tìm cầu học hỏi. Ngoài một buổi lên lớp học giáo lý kinh điển… những giờ ngoại khóa trong nội viện cũng giúp chúng Ni có được sự trải nghiệm niềm vui trong bầu không khí chan hòa thánh thiện.
Cây cỏ lớn nhanh, cuộc sống đời người không ngừng phát triển. Những cánh chim đầu đàn ngày ấy đã chắp cánh bay xa. Người xuôi phương Nam, người về xứ Bắc, người vun đắp hạnh nguyện đến tận trời Âu đất Mỹ xa xôi. Biển cả mênh mông, càng đong đầy nghĩa tình một thời gắn bó. Con thuyền rời xa bến đỗ, mỗi cuộc hành trình, còn lưu đậm dấu ấn về những tháng ngày đạo vị thân thương bên khu rừng tuệ giác.
Ba mươi năm… dòng đời tuôn chảy, ánh đạo vươn xa, người đến người đi dù chân trời góc biển vẫn luôn nhớ về mái trường xưa, nhớ về một vị Thầy, một bực Ni trưởng đã dày công vun đắp nhiều thế hệ Ni lưu cùng vững vàng trên mọi bước đường tiến tu hội nhập.
Hạnh Tâm