Lịch sử nhân loại ghi nhận không ít vị hoàng đế lừng danh trong công cuộc chinh phạt cát cứ, thuộc địa. Song, thật hiếm thấy bậc đế vương nào vượt nổi A Dục Vương đại đế khi ông chinh phục mọi giới thành công trên cả phương diện địa dư lẫn nhân tâm bằng đức trị. Đánh dấu sự tỏa sáng của Asoka bao gồm cả chuỗi hành trình đày ải nhuốm màu đau thương của vô số sinh linh, con dân vô tội và con đường chuyển hóa, thức tỉnh nội tâm. Do đó, cuộc đời sự nghiệp của ông được xem như tấm gương lớn phản chiếu sự sửa đổi, nỗ lực xây dựng đạo đức, hạnh phúc cho tự thân, tha nhân. Âu, cũng là tiếng đồng vọng thức tỉnh kẻ mê, thiết lập trật tự hòa bình cho thế giới.
Trong vai trò, trách nhiệm của một đệ tử chân chánh, Asoka không ngừng xiển dương giáo lý nhà Phật, nhiệt tâm ủng hộ Tăng già và gửi các phái đoàn truyền đạo khắp Tiểu lục địa Ấn và ngoại bang lân cận. Những nỗ lực của ông đã làm sống dậy giá trị đạo đức của Phật giáo từng bị lãng quên, giúp đạo Phật có một vị thế kiên cường trước các tôn giáo dưới triều đại Maurya cũng như trong dòng lịch sử phát triển Phật giáo khắp thế giới.
Asoka – vị hoàng đế thứ ba của vương triều Maurya, sinh năm 304 trước Công nguyên. Không mấy sáng sủa về diện mạo, cũng không được sự yêu mến của vua cha (Bindusara) nhưng bản lĩnh và tài năng thao lược quân sự đã giúp ông nhanh chóng trị vì Ấn Ðộ rộng lớn vào khoảng những năm 270-232 trước Tây lịch. Khi chưa quy y Phật giáo, Asoka khét tiếng tàn bạo. Sự hung hãn đó ít nhiều được đánh dấu từ cuộc nội chiến tranh giành vương vị với 101 người anh em. Biến cố lịch sử trong giai đoạn ông lên ngôi được nhiều truyền thuyết, truyền thống, sử liệu và các sử gia bàn cãi nhưng cùng chung một quan điểm: nhà vua giết thân tộc để cướp ngôi. Theo các tài liệu Tích Lan, Asoka giết tất cả 99 người anh em cùng cha khác mẹ trước khi lên nắm vương quyền, trừ người em trai cùng mẹ (Tissa). Tuy nhiên, theo bia ký, Asoka chỉ thực sự giết những ai chống đối ông1.
Bằng những mưu lược, hành vi đẫm máu, Asoka bị người đời xa lánh với xứ danh Candasoka. Kể từ sau khi quay đầu với những việc làm nhân nghĩa, ông được xưng tụng như một thánh quân với biệt hiệu Dhammasoka. Một con người, một cuộc đời nhưng có vẻ Asoka đã sống hết mình trong 2 thái cực: cực ác, cực thiện. Sẽ thật khó để chuộc lấy những tội lỗi, tổn thương nhưng sự cải đạo của Asoka là một ngọn đuốc sáng kịp thời rọi vào tâm can vấy bẩn của ông, lại kịp thời xoa dịu vết thương chia lìa, ly biệt của người trong cuộc. Sự quy ngưỡng đó được tranh luận trong rất nhiều nguồn tư liệu đến từ Nam-Bắc truyền.
Theo sử liệu Tích Lan, Asoka bắt đầu cảm mến với Phật pháp ngay sau khi ông gặp Nigrodha. Riêng A Dục vương truyện cho biết, sau trận chiến Kalinga – cuộc xâm lăng lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ, A Dục Vương đại đế như nếm đủ nỗi đau thương tận cùng của nhân loại. “Thật sự, đức vua hết sức đau đớn bởi sự sát hại, chết chóc và lưu đày, … Nhưng đức vua còn đau đớn hơn nữa vì các bà-la-môn, các sa-môn và các gia chủ trong nhiều địa phương khác nhau đang sinh sống trên các quốc gia đó… Ngay cả những ai dù không bị ảnh hưởng do cuộc chiến này đem đến nhưng họ đau khổ khi nhìn thấy bạn bè, người quen, đồng nghiệp và thân quyến chịu ảnh hưởng2.” Đau với nỗi đau đó, nhà vua trở về trong chánh pháp cho đến hết cuộc đời với lòng khoan dung độ lượng dành cho thần dân, xây dựng đất nước trên nền tảng thuần túy đức trị, pháp trị.
Dấu ấn của Asoka trong hành trình thắp sáng, bảo tồn giá trị văn hóa Phật giáo dưới vương triều Maurya có thể lụi tàn và lãng quên trong lịch sử Ấn Độ, nhưng những bia ký, trụ đá của vua A Dục để lại là những di sản khó phai mà tất cả người con Phật đều thầm cảm ơn và kính trọng. Ở đó, phản ảnh mối quan tâm to lớn của ông đối với sự sống và hạnh phúc của muôn loài. Ngoài những giá trị dành cho mỹ thuật, khảo cổ học, những di sản này còn đóng góp một phần rất lớn trong sự phát triển hệ thống chữ viết – một đóng góp sớm nhất của nền văn minh thung lũng Ấn hà, một loại cổ ngữ xưa hơn cả cổ ngữ Sanskrit. Qua những bài kinh Phật, các bản dịch sớm nhất từ các trụ đá, bia ký cho thấy sức ảnh hưởng lớn lao của Phật giáo trong việc nỗ lực kiến thiết một quốc gia bởi một vị quân vương hùng mạnh. Cũng từ đó, A Dục tỏa sáng hơn khi thấm nhuần lời Phật dạy một cách thuần thành, cùng sẻ chia lợi lạc cho khắp thần dân. Mỗi trụ đá đều mang một sắc màu riêng trong chính sách hộ đạo, an dân nhưng nhìn trên bình diện chung lại muốn tỏ lòng ưu ái Phật giáo. Bấy nhiêu cũng đủ hiểu vì sao “R.C. Mazumdar nói rằng Asoka vĩ đại không phải vì tài năng mở rộng đế quốc to lớn của mình mà vì tính cách của một con người, những lý tưởng mà ông đại diện và những nguyên tắc trị vì mà ông theo đuổi3.”
TN. Như Hạnh (ĐSHĐ-114)
- TT. Thích Chơn Minh, “Bài giảng Văn bia và khảo cổ học Phật giáo, ” Khóa XII.
- TT. Thích Chơn Minh, “Tài liệu Văn bia và khảo cổ học Phật giáo, The Girnar rock”, Khóa XII.
- Thích Tâm Minh, “A Dục vương- cuộc đời và sự nghiệp”, tr. 20.