Một sự kiện đặc biệt, độc đáo trong lịch sử Phật giáo Việt Nam hơn 2.000 năm là sự ra đời của tổ chức Ni bộ Nam Việt (1956), sau đổi tên thành Ni bộ Bắc Tông (1964). Mặc dù chỉ hoạt động khoảng 20 năm, nhưng Ni bộ Bắc Tông đã để lại dấu ấn quan trọng, trở thành tiền đề vững chắc giúp phát triển Ni giới Việt Nam hiện nay. Nhìn chung, thành tựu của Ni bộ Bắc Tông được thể hiện trên nhiều phương diện, không chỉ dừng ở tu tập mà còn trên lĩnh vực hoằng pháp, giáo dục, từ thiện xã hội, văn hóa, báo chí… Qua đó giúp khẳng định trình độ, năng lực và tâm huyết của chư Ni thuộc Ni bộ Bắc Tông trong việc xiển dương Phật pháp, làm lợi ích cho nhân sinh. Thiết nghĩ, việc rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu từ Ni bộ Bắc Tông để Ni giới ngày nay kế thừa, vận dụng nhằm đóng góp thiết thực hơn nữa vào sự lớn mạnh của ngôi nhà Phân ban Ni giới Trung ương nói riêng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung là cần thiết và mang ý nghĩa thực tiễn.
Trước tiên, Ni bộ Bắc Tông là tổ chức thống nhất với quy mô lớn, mang tính hệ thống, phân cấp rõ ràng, có kỷ cương nên tạo ra sự gắn kết, ý thức tổ chức, sự phối hợp nhịp nhàng trong các hoạt động từ cấp Trung ương đến địa phương và các tự viện Ni. Điều này hoàn toàn khác với tình hình trước đó qua nhận định: “Ni chúng miền Nam có mặt rải rác khắp các tỉnh, hoạt động riêng rẽ và tự điều động theo điều kiện cá nhân, nay đã được chuẩn bị để kết thành khối thống nhất”1. Năm 1956, Đại hội thành lập Ni bộ Nam Việt đã bầu ra Ban Quản trị cấp Trung ương, gồm Ni trưởng chánh thức, Ni phó, Tổng Thư ký và Phó Thư ký, Chánh thủ bổn và Phó thủ bổn, phụ trách giám luật, phụ trách nghi lễ, phụ trách giáo dục, phụ trách tổ chức, phụ trách thuyên chuyển, phụ trách kiểm soát, chưởng bộ tịch, phụ trách thường trực. Ngoài ra, Ni bộ Nam Việt ban hành nội quy hoạt động, Ni giới bắt buộc phải tuân thủ. Đặc biệt, Ni bộ Nam Việt xây dựng trụ sở là chùa Từ Nghiêm (1957) làm nơi hoạt động, hội họp thường xuyên, nhất là điều hành toàn bộ hoạt động Phật sự của Ni bộ thời đó. Sau đó, lần lượt Ni bộ các tỉnh ra đời, chịu sự chỉ đạo, quản lý và bổ nhiệm của Ni bộ Nam Việt: “Ni bộ tỉnh liên lạc với Ni bộ Trung ương, thực hiện các chương trình do Ban Quản trị Ni bộ đề xuất, kiểm soát việc học hành và giới đức của Ni chúng trong tỉnh mình, những yêu cầu cần thiết về giảng sư, giáo thọ hoặc trụ trì. Ni bộ Trung ương có thể bổ nhiệm người về”2. Đặc biệt, năm 1964, Ni bộ Nam Việt và Trung Việt thống nhất, đổi tên thành Ni bộ Bắc Tông, trực thuộc Tổng vụ Tăng sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc Tông năm 1972 cho biết, tại đại hội này, chư Ni tham dự thảo luận chương trình nghị sự, thống nhất quan điểm trong hoạt động tổ chức: Chỉnh đốn quy củ các tự viện, học viện, chỉnh đốn nghi lễ cúng bái và nghi lễ tôn xưng phẩm chức cùng ngôi vị của toàn thể Ni giới, nghi lễ phụng thờ đối với các bậc tiền bối Tăng, Ni quá vãng, ấn định quy chế các Phật học Ni viện, ấn định quy chế Ni tự, ấn định quy chế các cơ quan xã hội, ấn định quy chế thâu nhận Ni chúng vào tự viện, ấn định quy chế thọ giới,… Qua đây giúp cho Ni bộ cấp Trung ương điều hành, triển khai, quản lý mọi hoạt động, nhất là phương diện Giới Luật, nghi lễ của các tự viện Ni và Ni chúng toàn miền Nam thời đó. Cụ thể, trường hợp tổ chức đại giới đàn, Ni bộ tổ chức 3 năm một lần tại trụ sở Trung ương chùa Từ Nghiêm. Tại mỗi kỳ giới đàn đều có các buổi kiểm tra, khảo hạch, chọn lựa giới tử, không khí trang nghiêm, thuần cẩn khiến cho Ni chúng ý thức được sự quan trọng của việc thọ giới3. Ngoài ra, Đại hội Ni bộ Bắc Tông năm 1972 đi đến thống nhất việc tổ chức giới đàn như sau: Đại giới đàn bên Ni bộ chỉ được mở ra trong hai miền Nam và Trung phần. Các tỉnh miền Tây thì nên tựu về Trung ương vì rất gần Sài Gòn nhằm đem lại tình đoàn kết chặt chẽ hơn. Nếu ở Huế mở đại giới đàn thì phải xin phép Ni bộ Trung ương và xin cấp phát chứng điệp. Riêng các tỉnh muốn mở trung – tiểu giới đàn thì phải từ 20 vị giới tử trở lên, phải thông qua khảo hạch theo quy chế, được sự chấp thuận của đại diện Ni bộ tỉnh và Ni bộ Trung ương. Chứng điệp do Ni bộ Trung ương cấp phát4. Bên cạnh đó, nhằm thống nhất tôn xưng phẩm chức và ngôi vị của Ni giới hai miền Trung – Nam khác nhau trước đó, sau khi thảo luận, Ni bộ Bắc Tông quy định: Từ 30 hạ trở lên được gọi là Sư bà, Sư trưởng; từ 25 hạ trở lên gọi là Ni sư; từ 15 hạ trở lên gọi là Sư cô; từ 5 hạ trở lên gọi là Ni cô…4. Qua đây cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của Ni bộ cấp Trung ương là toàn diện, sâu sát, nhất quán và nghiêm túc. Nhờ vậy, hoạt động của Ni giới các cấp triển khai đúng đường hướng, mục tiêu đề ra. Những vấn đề quan trọng được thảo luận công khai rồi mới thống nhất ý chí triển khai hoạt động. Từ đó, Ni bộ xây dựng được sự đoàn kết tập thể xuyên suốt trong khoảng 20 năm hình thành, phát triển, vượt qua bao chông gai, thử thách.
Thứ hai, Ni bộ Bắc Tông quy tụ được nhiều vị Ni tài đức, bản lĩnh trong năng lực điều hành và am tường chuyên môn ở nhiều lĩnh vực, có uy tín cao trong Phật giáo và ngoài xã hội, nhất là đề cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, hết lòng phụng sự cho sự phát triển Phật giáo cũng như Ni bộ. Ni bộ Bắc Tông để lại những thành tựu to lớn và quý báu thông qua nhiều hoạt động đạo lẫn đời mang ý nghĩa trước hết là nhờ vào trí tuệ, công lao, tài đức, sự dấn thân của nhiều thế hệ tham gia đóng góp. Có thể kể đến nhiều vị danh Ni nhiệt tâm đóng góp xây dựng ngôi nhà Ni bộ Bắc Tông vững vàng trước bao biến động của thời cuộc: Sư trưởng Như Thanh, Ni trưởng Huyền Học, Ni trưởng Liễu Tánh, Ni trưởng Như Hoa, Ni trưởng Diệu Ninh, Ni trưởng Như Chí, Ni trưởng Chí Kiên, Ni trưởng Như Châu, Ni trưởng Như Huy, Ni trưởng Giác Nhẫn,… Năm 1964, khi Ni bộ Trung Việt gia nhập, tổ chức Ni bộ Bắc Tông có thêm nhiều vị Ni nổi tiếng đến từ miền Trung như: Ni trưởng Diệu Không, Ni trưởng Đàm Minh, Ni trưởng Thể Quân, Ni trưởng Như Hoa, Ni trưởng Tâm Đăng,… Sư trưởng Như Thanh – Vụ trưởng Ni bộ Bắc Tông luôn đề cao ý thức đoàn kết và hòa hợp toàn thể chư Ni, coi trọng nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt vùng miền, kể cả sơn môn pháp phái: “Tu hành phân biệt khó thành, dùng tâm bình đẳng hạnh lành thanh cao”. Nhờ đó, Ni bộ Bắc Tông tập hợp được nhiều vị Ni đảm trách tốt nhiều lĩnh vực khác nhau. Hoạt động tích cực trên lĩnh vực hoằng pháp, có thể kể đến Ni trưởng Huyền Học, Huyền Huệ,… Nổi trội về hoạt động hành chánh là Ni trưởng Như Hoa, Ni trưởng Như Huệ,… Thông hiểu Giới Luật, phải nhắc đến Sư bà Thanh Lương. Về từ thiện, không thể không nhắc tên Sư bà Thể Yến, Sư bà Viên Minh,… Hoạt động y tế tích cực là Ni sư Như Ấn, Như Tâm,… Sôi nổi ở mảng văn nghệ có Ni sư Như Tín, Như Chiếu,… Rành rẽ khoa nghi lễ là Ni sư Phước Hiển. Đặc biệt, Ni sư Trí Hải, một vị Ni tài đức song toàn và nổi tiếng thời đó, cũng được Sư trưởng Như Thanh mời tham gia Ni bộ, giúp cho hoạt động dịch thuật và giảng dạy. Ở đây, với tư cách là Vụ trưởng Ni bộ, Ni trưởng Như Thanh luôn tìm cách bảo vệ, ủng hộ các vị Ni tài được phát huy sở trường của mình đóng góp cho Ni bộ, không để tài năng của họ mai một, thụt lùi5. Cũng nhờ đó mà Ni bộ Bắc Tông gặt hái thành quả trên các lĩnh vực ngoại giao, văn hóa, giáo dục, nghi lễ, từ thiện xã hội, thậm chí cả văn học, báo chí,…
Thứ ba, Ni bộ Bắc Tông luôn ưu tiên, coi trọng công tác đào tạo Ni tài, chủ trương đào tạo gắn liền với sử dụng hiệu quả thông qua phân công, bố trí chư Ni tham gia các công việc do Ni bộ đảm trách nhằm phát huy tối đa năng lực của Ni giới để phụng sự đạo pháp và dân tộc. Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc Tông năm 1972 cho biết, ở miền Nam Việt Nam có bốn Phật học Ni viện đào tạo cấp học Trung đẳng chuyên khoa: Phật học Ni viện Từ Nghiêm, Phật học Ni viện Dược Sư, Phật học Ni viện Diệu Quang, Phật học Ni viện Diệu Đức. Tổng số Ni sinh theo học là 335 vị, bao gồm cả cấp sơ cấp6. Ngoài ra, nhận thấy nhu cầu trang bị kiến thức ngoại điển là cần thiết, Sư trưởng Như Thanh mong muốn đào tạo cho Ni sinh tuổi trẻ cả ngoại điển lẫn nội điển trong một chương trình sơ cấp. Sau khi tốt nghiệp, Ni sinh vững chắc cả hai chương trình nội điển và ngoại điển7. Đây là bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực giáo dục Ni giới. Ngoài ra, đã có nhiều vị Ni học tại Đại học Vạn Hạnh, chủ yếu là chuyên khoa Phật học. Với tinh thần phụng sự xã hội, sau khi tốt nghiệp sơ cấp và trung cấp Phật học, để hỗ trợ cộng đồng tốt, Ni bộ Bắc Tông ủng hộ, tạo điều kiện cho chư Ni tham gia các khóa đào tạo dục nhi, các khóa học cán sự xã hội, lớp đào tạo cán sự y tế. Sau khi hoàn thành, Ni bộ bố trí về các cơ sở cô ký nhi viện và cơ quan công tác xã hội trực thuộc các tự viện Ni nhằm giúp đỡ người dân địa phương. Nhờ đó mà hoạt động từ thiện xã hội của Ni bộ ngày một mở rộng, phong phú và đa dạng, sôi nổi và thiết thực, giúp đỡ cộng đồng hữu hiệu bằng tính bài bản, chuyên nghiệp, không chỉ ở khía cạnh vật chất mà còn tinh thần. Điều này cho thấy tầm nhìn mang tính chiến lược và quyết liệt, sáng suốt của các thế hệ lãnh đạo Ni bộ Bắc Tông.
Kết luận
Bài viết phân tích ba bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của Ni bộ Bắc Tông vốn tồn tại trong bối cảnh đầy biến động, xáo trộn của miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ba bài học kinh nghiệm này góp phần tạo nên những giá trị và di sản quý báu của Ni bộ Bắc Tông mà Ni giới ngày nay cần kế thừa, phát huy nhằm tiếp tục dấn thân, phụng sự đạo pháp và dân tộc trong tình hình hội nhập, phát triển của đất nước. Thiết nghĩ, mỗi giai đoạn lịch sử có đặc điểm và yêu cầu riêng, nên những bài học kinh nghiệm này cần được vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp thực tiễn kế hoạch, mục tiêu và các hoạt động của Phân ban Ni giới Trung ương hiện nay.
TS. Dương Hoàng Lộc
Sc Nhẫn Hòa diễn đọc
- Tỳ-kheo-ni Như Đức (2009), Lược sử Ni giới Bắc Tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.95.
- Tỳ-kheo-ni Như Đức (2009), Sđd, tr.97.
- Tỳ-kheo-ni Như Đức (2009), Sđd, tr.101.
- Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc Tông năm 1972, tr.34-35.
- Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc Tông năm 1972, tr.36.
- Ni sư Thích nữ Như Tâm (2019), “Nghĩ về di sản Sư trưởng Như Thanh”, in trong: NS. TS. Thích nữ Như Nguyệt (Chủ biên), Di sản Sư trưởng Như Thanh kế thừa – phát triển Ni giới Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.275-276.
- Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc Tông năm 1972, tr.4-5.
- Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc Tông năm 1972, tr.31.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tỳ-kheo-ni Như Đức (2009), Lược sử Ni giới Bắc Tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
2. Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc Tông năm 1972.
3. Dương Hoàng Lộc (2020), Nữ giới Phật giáo Việt Nam những tiếp cận, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Ni sư Thích nữ Như Tâm (2019), ‚Nghĩ về di sản Sư trưởng Như Thanh‛, in trong: NS. TS. Thích nữ Như Nguyệt (Chủ biên), Di sản Sư trưởng Như Thanh kế thừa – phát triển Ni giới Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.275-276.