Suốt 45 năm thuyết pháp độ sanh, Đức Phật đã để lại một kho tà|ng kinh điển vô giá. Ngoài những di sản quý báu ấy, Ngài còn lưu lại dấu ấn vô cùng trọng đại cho lịch sử nhân loại. Đó là bãi bỏ chế độ giai cấp và giải phóng phụ nữ khỏi đời sống nô lệ. Hơn thế nữa, việc thành lập Ni đoàn là một cuộc cách mạng vĩ đại chưa từng xảy ra; từ đây, người nữ chính thức được tham dự vào đời sống xuất gia. Đức Phật đã làm một cuộc cách mạng tư tưởng và giải phóng nữ giới bằng cách tuyên bố: “Người nữ có thể đạt đến chỗ giác ngộ tâm linh, thành tựu trí tuệ thâm sâu dẫn đến Niết-bàn”.
Khi Ni đoàn được thành lập, Đức Phật chưa chế định Giới Luật, hàng Tỳ-kheo-ni chỉ nương nơi Bát Kỉnh Pháp, lấy đó làm Giới Luật để hành trì tu tập. Từ đó, mở đầu cho sự hình thành giáo đoàn Ni. Kiều Đàm Di mẫu là vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên trong Tăng đoàn, cũng là vị Ni trưởng đầu tiên trong lịch sử Phật giáo.
1. Vị trí ngƣời phụ nữ trong xã hội thời bấy giờ và quan điểm của Đức Phật về nữ giới
Như chúng ta đã biết, trong xã hội Ấn Độ thời Đức Phật, nữ giới có địa vị thấp kém, vai trò của họ không được ghi nhận đúng mực. Người phụ nữ chỉ như thân tầm gửi, cả cuộc đời chỉ phục tùng mệnh lệnh, không được đi học, không được tế lễ, không được học Thánh điển Vệ-đà… Họ còn bị coi là nguồn gốc của tội lỗi và các ác nghiệp. Phái Ni Kiền Tử cho rằng: “Người phụ nữ là ngọn đèn chiếu sáng con đường dẫn đến cánh cửa địa ngục”1. Còn theo tục lệ Sati: “Phụ nữ, khi còn bé phải theo cha, còn trẻ theo chồng, chồng chết phải theo con. Phụ nữ không được sống độc lập”2. Thậm chí, họ còn bị tước quyền sống khi chồng qua đời.
Trái ngược hẳn với tư tưởng đó, Đức Phật cho rằng nơi người nữ vốn tiềm ẩn nhiều đức tính tốt đẹp như: thông minh, nhẫn nhục, ôn hòa, bao dung…. Thế nên, khi thấy Vua Pasenadi phiền muộn vì Hoàng hậu Malika vừa hạ sanh công chúa, Đức Phật liền khuyên răn:”Này nhân chủ ở đời, có một số thiếu nữ, có thể tốt đẹp hơn, so sánh với con trai, có trí tuệ giới đức, khiến nhạc mẫu thán phục. Rồi sanh được con trai, là anh hùng quốc chủ, người con trai như vậy, của người vợ hiền đức, thật xứng đáng là đạo sư. Giáo giới cho toàn quốc”3. Đức Phật đã cho quần chúng thấy rằng phụ nữ là mẹ của đàn ông. Không ai xứng đáng cho ta kính mộ, tôn sùng bằng mẹ. Sinh ra một người con gái trí tuệ hiền đức có thể tốt hơn con trai. Lời dạy của Đức Thế Tôn đã làm rung động xã hội Ấn Độ, vang vọng khắp thế giới. Đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là đối với các quốc gia còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Tư tưởng bình đẳng được Đức Phật đặt lên làm nền tảng giải thoát giác ngộ. Ngài luôn đề cao phẩm hạnh và khả năng thành tựu Thánh quả của phái nữ. Ngài đánh giá một con người tốt hay xấu, hữu dụng hay vô dụng không dựa trên địa vị, giới tính hay giai cấp mà dựa trên nghiệp lực của chính cá nhân ấy,”không có giai cấp nào trong nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ và cho dù nam hay nữ, giàu sang hay nghèo hèn, địa vị cao hay thấp… tất cả có khả năng tu tập và giải thoát giác ngộ trong giáo pháp của Như Lai”4. Dù ở phương diện xã hội hay về khả năng tu tập giải thoát, quan điểm của Đức Phật đối với nữ giới rất khoáng đạt.
2. Nguyên do Đức Phật không đồng ý cho nữ giới xuất gia
Đức Phật ba lần từ chối ước nguyện xin xuất gia của bà Mahapajapati Gotami, không phải vì cho rằng phụ nữ thấp kém, không đủ tư cách gia nhập giáo đoàn, mà bởi các lý do như sau:
Đức Phật muốn thăm dò ý kiến và phản ứng của Tăng đoàn cũng như xã hội bấy giờ, vì người nữ xuất gia là một việc làm trái ngược với truyền thống của Ấn Độ, tính đến thời điểm ấy. Nếu Đức Phật cho phép người nữ xuất gia ngay, sẽ có dư luận cho rằng Đức Phật vì thiên vị hoàng tộc mà để người nữ xuất gia. Hơn nữa, điều này có thể tạo cơ hội cho sự công kích của các thế lực ngoại đạo, và cả sự phản đối trong chính giáo đoàn của Ngài. Vì Tăng đoàn thời ấy có đủ các thành phần trong xã hội; hơn thế, họ cũng bị tác động bởi tư tưởng kỳ thị người nữ đã có từ lâu đời. Dù không nói ra nhưng những thành kiến về việc người nữ xuất gia luôn tồn tại trong giáo đoàn. Bằng chứng là khi Đức Thế Tôn nhập diệt, trong lần kết tập kinh điển lần thứ nhất, Tôn giả Ca Diếp đã kết tội A-nan phạm tội Đột Kiết La, trong đó có giới thứ năm là xin cho người nữ xuất gia.
Bên cạnh đó, Tăng đoàn thời ấy sống”cuộc sống vô gia cư , chủ yếu họ sống trong rừng ngủ dưới gốc cây, di chuyển liên tục từ nơi này đến nơi khác, chỉ phù hợp với đời sống của người nam”. Đây cũng là lý do mà nhiều lần Đức Thế Tôn không đồng ý cho đoàn của hoàng hậu xuất gia.
Mặt khác, Đức Phật nhận biết được tâm lý kiêu căng cố hữu của người nữ – mặt trái của bản năng làm mẹ, ưa bảo bọc và tự cho mình quan trọng. Bà Mahaprajapati khi ấy là đương kim hoàng hậu, lại là người chăm sóc Thái tử từ sơ sinh cho đến lúc trưởng thành; với những đặc điểm ấy, bà có đủ lý do để kiêu căng, ngã mạn khi bước vào hàng ngũ xuất gia.
Đồng thời, Đức Thế Tôn cũng muốn thử sức chịu đựng, ý chí, sự kham nhẫn của người phụ nữ. Tuy Đức Phật đề cao phẩm hạnh và khả năng thành tựu đạo quả của nữ giới, song Ngài nhận thấy nữ giới có những khuyết điểm nhất định như: rất trọng tình cảm, yếu mềm nên dễ rơi vào cạm bẫy của dục vọng. Mà dục vọng là nguyên nhân gây chướng đạo.
Đức Phật vạch rõ các yếu kém, khuyết điểm của người phụ nữ không phải để chế nhạo hay khinh thường, mà Ngài hướng đến mục tiêu cao quý, đó là giúp họ nhận định được những khó khăn, trở ngại cho nỗ lực thành tựu mục tiêu và khuyến khích họ thận trọng với những cuộc tấn công của khát vọng, các cuộc đột kích của cám dỗ.
Cho nên, có thể nói, không có chuyện Đức Phật miễn cưỡng cho nữ giới xuất gia, càng không có sự kỳ thị hay bất bình đẳng nào dành cho nữ giới ở đây cả.
3. Tầm quan trọng của Bát Kỉnh Pháp đối với Ni đoàn
Bát Kỉnh Pháp, nghe qua tưởng chừng là một sự áp đặt với chư Ni, đề cao chư Tăng, song nếu tư duy nghiêm túc và sâu sắc, sẽ thấy được giá trị và tầm quan trọng đối với chư Ni. Việc chế định tám điều cung kính để nữ giới được xuất gia trong bối cảnh xã hội phân chia giai cấp thời bấy giờ là một việc làm đầy trí tuệ và sáng suốt.
Thứ nhất, tất cả mọi người đều bình đẳng trước luật nhân quả và chân lý giải thoát, như Đức Phật dạy”không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong máu cùng đỏ và cho dù là nam hay nữ, giàu sang hay nghèo hèn, địa vị thấp hay cao… tất cả đều có khả năng tu tập giải thoát giác ngộ trong giáo pháp của Như Lai”. Đó là sự tiến bộ trong xã hội Ấn Độ thời Đức Phật còn tại thế.
Thứ hai, nghĩ đến việc giữ gìn an toàn cho người nữ xuất gia bằng việc tạo cho họ sự chuẩn bị về tư tưởng, tâm lý và tinh thần chịu đựng để vượt qua những thử thách.
Thứ ba, người nữ dùng Bát Kỉnh Pháp l|m hành trang, là thước đo để dứt trừ tam độc. Đối với người tự giác, tự nguyện trên lộ trình giải thoát thì Bát Kỉnh Pháp là điều tối cần thiết, không phải là sự lệ thuộc, bị xem thường hay nặng nhọc, mặc cảm.
Thứ tư, Bát Kỉnh Pháp được chế định tưởng chừng chỉ dành cho Ni giới, nhưng nghĩ cho sâu sắc thì đó cũng là điều khuyến tấn Tăng. Bởi Ni tòng Tăng, Tăng có trang nghiêm giữ giới, có tinh tấn, hiểu biết thì Ni mới phủ phục nương theo. Cho nên nói, Bát Kỉnh Pháp được chế ra cho Ni nhưng thực chất là mối ràng buộc liên đới với Tăng, là sự phản chiếu giúp Tăng không ngừng tu học để thật sự mẫn tuệ trước Ni5.
Tóm lại, Bát Kỉnh Pháp là phương tiện giúp người nữ xuất gia, đi đến đạo quả, là phương tiện bảo hộ Ni đoàn, giữ gìn sự đoàn kết, thanh tịnh và hòa hợp cho đoàn thể đệ tử xuất gia của Ngài, là nấc thang đầu tiên dẫn đến địa vị cao thượng trong bối cảnh đặc biệt của xã hội Ấn Độ bấy giờ. Chính nhờ Bát Kỉnh Pháp mà Di mẫu Mahapajapati Gotami cùng 500 thể nữ hoàng tộc thành tựu bản thể Tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo-ni chính thức trở thành một trong bốn chúng trong giáo đoàn của Đức Phật, sống đời sống thanh tịnh, hòa hợp, chứng đắc quả vị A-la-hán.
Như vậy, Bát Kỉnh Pháp được lập ra không phải vì trọng nam khinh nữ mà đó là luật pháp để bảo vệ nữ giới. Trong bối cảnh lịch sử lúc ấy, Bát Kỉnh Pháp đóng vai trò rất quan trọng, giúp cho xã hội có cái nhìn mới về phụ nữ. Họ được giải phóng khỏi những định kiến cổ hủ, chính thức dự vào hàng ngũ Tăng đoàn. Quá trình tu tập chứng đắc của người nữ cho thấy họ không thua gì nam giới.
4. Bát Kỉnh Pháp trong thời hội nhập
Trong xã hội ngày nay, người nữ được ngang hàng với nam giới. Trong Phật giáo cũng vậy, có nhiều vị Ni tài đức song toàn đã đóng góp rất nhiều cho Giáo hội trong công cuộc xây dựng, duy trì và phát triển ngôi nhà Chánh pháp. Sự phát triển và truyền lưu của Phật giáo Việt Nam luôn có hình bóng của Ni giới.
Tuy cơ duyên và hạnh nguyện của mỗi đệ tử khác nhau nhưng đã là Thích tử Như Lai, tất cả đều có chung hạt giống Phật, đi chung con đường Phật, hành chung đại hạnh Phật. Để tiếp bước tiền nhân, phát huy Chánh pháp, nối thạnh dòng Ni lưu, luôn làm cho Phật pháp được xương minh, tồn tại trên nhân gian, hành giả phải ‚vong kỷ vị tha”, tâm luôn nghĩ cho chúng sanh, không tư lợi. Bên cạnh đó, Giới Luật phải tinh nghiêm, đạo hạnh thanh thoát, tự tại, xả bỏ mọi thú vui trần tục, luôn luôn mang tâm niệm hoài bão “phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Qua đó, giúp kế thừa và phát triển những tuyền thống tốt đẹp mà các bậc tiền nhân đã dày công vun bồi.
Từ thời Đức Phật, chư vị Thánh Ni đã thành tựu đạo quả nhờ vào Bát Kỉnh Pháp: Tỳ-kheo-ni Đại Ái Đạo – Trí tuệ đệ nhất, Tỳ-kheo-ni Thức ma – Thần thông đệ nhất, Cơ Lợi Xá Kiều Đàm Di – Thiên nhãn đệ nhất, Ban Đầu Lan Xà Na – Trì luật đệ nhất… Ngày nay, nhìn lại những bậc Trưởng lão Ni Việt Nam, những người làm nên sự nghiệp vẻ vang, xây dựng tiền đồ Phật pháp, trở thành rường cột cho hậu lai, đều là hàng thượng thủ tôn thờ Bát Kỉnh Pháp. Như: cố Ni trưởng Hải Triều Âm, cố Ni trưởng Như Hoa, cố Sư trưởng Như Thanh… Hình ảnh của những bậc đại Ni luôn sống mãi trong lòng Ni giới, đó là nhờ vào tinh thần của Bát Kỉnh Pháp. Dù trải qua thời đại nào, đức hạnh của quý Ngài vẫn không mai một, không bị lãng quên mà luôn tỏa sáng trên bầu trời vô ngã vị tha.
Thiết nghĩ, chư Ni trẻ phải tâm nguyện suốt đời vâng theo đại Tăng, Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, chư Tôn Trưởng lão Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam; nguyện noi gương quý Ngài nỗ lực tu học, tôn kính và vâng giữ Bát Kỉnh Pháp, góp phần trang nghiêm Giáo hội, hết lòng phụng sự đạo pháp và dân tộc, làm tròn bổn phận của người con gái Như Lai tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Kết luận
Lịch sử có thể vận hành, xã hội có khác đi, nhưng Bát Kỉnh Pháp vẫn mang một giá trị tối thượng. Chính nhờ Bát Kỉnh Pháp, giáo đoàn Tỳ-kheo-ni được thành lập và tồn tại cho đến ngày nay. Bát Kỉnh Pháp là yếu tố quyết định sự hình thành giới thể thanh tịnh của Tỳ-kheo-ni khi lãnh thọ giới pháp, để trở thành một hành giả đi trên lộ trình giải thoát, giác ngộ. Bát Kỉnh Pháp là chiếc bóng, là linh hồn của Ni giới. Vì thế, Tỳ-kheo-ni cần phải vâng giữ Bát Kỉnh Pháp như giữ tròng con mắt, gạt bỏ những tư kiến để tô điểm cho ngôi nhà Phật pháp ngày càng tươi đẹp. Tinh thần ấy như làn hương thơm tỏa khắp muôn phương, thẩm thấu vào cuộc đời, chói sáng qua từng thế hệ mà vẫn vẹn nguyên vai trò quan trọng đối với Ni đoàn, không thể tùy tiện lược bỏ. Có như vậy Phật pháp mới mong được chói sáng và trường lưu mãi mãi ở đời.
TKN. Thích Khánh Giác
- Viên Trí (2009), Ấn Độ Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.133-134.
- Thích Giác Dũng (2004), Phật Việt Nam dân tộc Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.34.
- HT. Thích Minh Châu (Dịch, 1993), Kinh Tương Ưng Bộ, Phẩm Thứ hai, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.194.
- Thích Minh Châu (Dịch, 2005), Tăng Chi Bộ Kinh, tập III, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
246 - Bùi Hữu Được (2019), “Sự cần thiết của Bát Kỉnh Pháp”, https://phatgiao.org.vn/su-can-thiet-cua-bat-kinh-phap-d37307.html
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. HT. Thích Minh Châu (Dịch, 1993), Kinh Tương Ưng Bộ, phẩm Thứ hai, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Thích Minh Châu (Dịch, 2005), Tăng Chi Bộ Kinh, tập III, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 3. Thích Giác Dũng (2004), Phật Việt Nam dân tộc Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
4. Bùi Hữu Được (2019), ‚Sự cần thiết của Bát Kỉnh Pháp‛, https://phatgiao.org.vn/su-can-thiet-cua-bat-kinh-phap-d37307.html. 5. Viên Trí (2009), Ấn Độ Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh.