Bức thư của mẹ

Đó là một ngày trăng tròn của tháng Tám, nói đúng hơn chính là Rằm Trung Thu. Làng quê nghèo của miền Tây sông nước sum vầy hơn bao giờ hết, những đứa trẻ trên tay cầm những chiếc đèn Trung Thu màu sắc rực rỡ nào là màu xanh, đỏ, tím, vàng hay những chiếc mặt nạ hình Tôn ngộ không,… Cứ như thế, quanh xóm tre, xóm dừa đều có bóng dáng những đứa trẻ rước đèn vừa đi vừa cười giòn giã. Cùng hát vang:

“Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài cán cao qua đầu
Em cầm đèn sao em hát vang vang
Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan..
Tùng dinh dinh tùng tùng tùng dinh dinh
Đây ánh sao vui chiếu xa non ngàn
Tùng dinh dinh dinh dinh tùng dinh dinh
Ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi… ”…

Hát cho đến khi bóng trăng cao vút trên đọt dừa, rồi bắt đầu tản ra ai về nhà nấy. Chính hôm nay, ngôi làng này cũng đón sự chào đời của một bé trai thiên thần nhỏ, đó là bé An con của thím Năm và chú Năm – ở miền Tây người ta gọi như thế.
Nghe tin, bà con khắp làng đến chúc mừng gia đình chú thím Năm với những lời tốt đẹp, an lành. Bởi từ xa xưa, nơi miền quê sông nước chất phác này, người ta quan niệm những ai sinh ra ngay ngày trăng sáng đều thông minh, sáng suốt, mà bé An sinh ra ngay Rằm Trung Thu nữa thì quá là quý báu vô cùng. Thế nhưng, một điều đau buồn là chú Năm gặp phải căn bệnh hiểm nghèo, qua đời khi bé An mới 3 tuổi. Giờ đây, tất cả những khó khăn, vất vả, gánh nặng gia đình đều đè lên đôi vai gầy của thím Năm. Gia cảnh thím Năm vốn đã khó khăn, nay lại khổ cực hơn.

Năm tháng trôi qua, bé An nay cũng đã 8 tuổi. Hôm nay là sinh nhật của bé An, cũng là Tết Trung Thu. Nhìn thấy bạn bè có đèn để rước, bé An nũng nịu với mẹ:

– Mẹ ơi, con thấy chú Thanh ba của cu Tí làm một cái đèn ông sao lớn cho cu Tí chơi. Còn bạn Hòa cũng được mẹ mua cho một cái đèn con cá chép. Ai cũng có đèn chơi hết, sao con chưa có vậy mẹ ơi?

Nhìn ánh mắt hồn nhiên của con, thím Năm thấy sóng mũi cay cay, nói vội:

– À… mẹ định lát nữa ra chợ mua gạo rồi mua đèn cho bé An nè. – vừa nói, vừa xoa đầu đứa con trai nhỏ bé. Để không cho bé thấy giọt nước mắt của mình, giả vờ có việc rồi đi nhanh ra sau bếp. Nhìn lu gạo chỉ còn một chén, ngày mai nếu không mua thì nhà hết gạo để ăn. Nhớ lại ánh mắt tròn xoe của con trai mong muốn có đèn để rước với các bạn trong xóm. Thím Năm không kiềm được nước mắt nữa, vỡ òa khóc lên thành tiếng, nhưng sau đó liền lấy vạt áo che lại vì sợ con mình nghe, những tiếng nấc nghẹn lại trong cổ họng người phụ nữ góa chồng như xé tan bầu không khí đêm hội ngoài kia. Có lẽ… khóc vì áp lực cuộc sống khó khăn của sự mưu sinh mà không có ai bên cạnh san sẻ, cũng có thể khóc cho đứa con trai nhỏ bé, ngây thơ thiếu tình yêu của cha từ nhỏ.

Thế rồi, thím Năm đạp xe ra chợ, lại ngay chỗ bán lồng đèn ngắm nghía, tay vò túi áo của mình. Nhìn cái lồng đèn con cá, cất giọng hỏi:

– Chị Bảy ơi, cái lồng đèn con cá này bao nhiêu một cái vậy chị?
– Mười ngàn đồng em.
Ngạc nhiên với số tiền đó, thím Năm chỉ qua cái lồng đèn ông sao bên cạnh, cái lồng đèn này đơn giản, không cầu kỳ giống con cá chép nên chắc có lẽ rẻ hơn – thím thầm nghĩ thế rồi hỏi:
– Còn cái lồng đèn ông sao này bao nhiêu vậy chị Bảy?
– Cái này năm ngàn em.

Sắc mặt thím Năm trở nên nghiêm trọng, sự khó xử hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ của thím. Bởi 5 ngàn đồng những năm 2000 bấy giờ mua tận 3kg gạo để hai mẹ con ăn được cả chục ngày. Nếu bây giờ mua cái lồng đèn chắc những ngày sau phải nhịn đói quá.


Nhìn thấy vẻ mặt khắc khổ, khó xử, đôi mày nhíu lại của thím Năm, môi dưới bặm lại cắn chặt, thở dài, cùng bàn tay vò vò cái túi. Chị Bảy hiểu ngay, tay lấy đèn ông sao đưa cho thím Năm và nói:

– À… Thím Năm cứ lấy cái đèn này về cho cu An chơi với bạn bè nha. Giờ này không ai mua nữa đâu, để đó qua năm sau bị cũ hay hư hao cũng vậy hà.

Vừa nói, chị Bảy vừa cười chất phác. Đôi mắt của thím Năm bừng sáng, lộ rõ sự vui mừng. Thím cảm ơn rối rít. Sau đó, thím chạy qua sạp khác mua vài kí gạo về. Chiếc xe đạp cóc cách men theo con đường mòn nhỏ, sỏi đá. Thế nhưng, thứ mà chiếc xe chở chính là những hy vọng cùng hơi ấm của tình người còn đọng lại trên chiếc đèn ông sao treo lủng lẳng ở tay cầm. Ở đó, có cả một bầu trời hạnh phúc của đứa trẻ ước mơ được rước đèn, như ánh sáng soi rọi tương lai. Cũng có lẽ phần nào bớt đi nỗi lo lắng về cái ăn của những con người nơi vùng quê nghèo thấm đẫm nghĩa tình này.

Cầm đèn ông sao trên tay, bé An chạy nhanh ra sân hòa vào đám bạn rước đèn khắp xóm. Thím Năm nhìn theo con trai bé nhỏ, trong ánh mắt hiện lên sự hạnh phúc vô cùng. Thím mong rằng tương lai đứa con mình sẽ sáng giống ánh đèn này vậy.


Thời gian thấm thoát trôi qua, thím Năm vẫn cố gắng làm lụng nuôi con ăn học bằng bạn bằng bè. Hôm nay, An vui mừng cầm tờ thông báo trúng tuyển chạy về nói với mẹ, vừa thở hổn hển anh vừa cười nói:

– Mẹ ơi, mẹ coi con đậu đại học rồi nè mẹ.

Nhìn tờ giấy báo trúng tuyển, thím Năm vừa có niềm vui khó tả, vừa cảm thấy buồn tủi. Vui vì đứa con trai mình cực khổ nuôi lớn, giờ đây ngoan, hiền, học giỏi, mai sau sẽ không còn khổ cực giống mẹ. Còn buồn vì kinh phí học đại học quá cao so với khả năng của mình. Nhưng vì tương lai của con, thím Năm quyết định bán đi một nửa miếng đất, vay mượn khắp nơi để đủ kinh phí cho con nhập học. Những ngày tháng đó, càng tăng năng suất làm việc để mong muốn con đầy đủ, an tâm học tập.

Bốn năm đại học đã xong. Vì thành tích học tập thuộc loại giỏi nên An nhanh chóng được nhận vào một công ty làm, với chức vụ kế toán kinh doanh. Bên cạnh đó anh còn tự kinh doanh cho mình bằng cách thuê một cửa hàng nhỏ, như một nghề tay trái để một mặt anh kiếm thêm chi phí, một mặt có thêm kinh nghiệm cho công việc. Nhưng công việc làm ăn không như anh nghĩ. Mùa dịch Covid-19 diễn ra suốt hai năm khiến anh làm ăn thất bát, vì theo yêu cầu chỉ thị phải đóng cửa không được kinh doanh, nhưng phải trả tiền mặt bằng như hợp đồng, vì vậy mà anh mất trắng, chẳng còn gì. Dịch cũng đi qua, sau những ngày chật vật anh đã về quê xin mẹ bán miếng đất để anh làm ăn lại từ đầu.

thím Năm biết rằng đây là miếng đất của ông bà để lại. Hồi trước đã bán một nửa, nay con mình làm ăn thất bát, giữ lại miếng đất dưới quê cũng chẳng ý nghĩa gì trong khi con tuyệt vọng, cực khổ, cần tiền làm ăn. Chi bằng bán phần đất còn lại này, mình qua nhà chị họ là chị Sang ở một thời gian, khi nào con mình vực dậy kinh tế thì gia đình cùng nhau lên Sài Gòn ở luôn. Nghĩ đến đó, thím Năm và An liên hệ ngay với cò đất bán nhanh miếng đất để cho con làm kế sinh nhai.

May mắn thay, trời không phụ lòng người kiên trì. Chỉ sau ba tháng, An đã làm ăn lời ra, thâu vào rất thuận lợi. An mở thêm chi nhánh thứ hai gần đó. Thời gian này, An quen biết với Thanh Hoa – con gái của một ông chủ xưởng sắt giàu có cũng trên Sài Gòn. Gặp được đối phương là Thanh Hoa xinh đẹp, dịu dàng, còn An thì có học thức, biết vươn lên làm lụng. Thế là cả hai nhanh chóng đi đến hôn nhân, của hồi môn ba vợ gửi tặng là một ngôi nhà đẹp ở trong nội thành Sài Gòn đắt đỏ.

Thời đại công nghệ thông tin này, chỉ lần có cái smartphone thì như có cả thế giới. Cô Sang – chị của thím Năm, thấy Đám cưới An trên facebook liền báo cho thím Năm hay. Nghe tin, thím Năm vô cùng mừng rỡ. Thím nghĩ: “Đám cưới mà con trai mình nó không cho mình biết, chắc là có việc gì đây. Thôi kệ, nó ăn nên làm ra, yên bề gia thất là vui rồi.” thím Năm cười tươi, vui mừng khôn xiết. Thím nghĩ những ngày tháng cực khổ sắp qua, tuổi già sẽ được con trai nuôi nấng, được an hưởng tuổi già với con cháu thì hạnh phúc nào bằng.

Hàng xóm cũng sang chúc mừng thím Năm vì không uổng công dành cả cuộc đời tảo tần, vất vả nuôi con, bây giờ sắp được nhờ rồi. Vài tháng sau, thím Năm thấy con trai vẫn chưa về thăm. Vừa sốt ruột, vừa hối hả vui mừng mong muốn nói lên ý định của mình cho con nghe. Vì thế, thím Năm nói với cô Sang:

– Chị Sang ơi, hôm bữa chị nói thấy thằng An trên mạng đó chị. Em vui mà sốt ruột quá. Bấy lâu nay được chị cho ở nhờ, được chị cưu mang, em biết ơn chị nhiều lắm. Ở nhà chị riết em cũng ngại quá chừng. Giờ đây thằng An cũng có gia đình, an bề gia thất rồi. Bấy lâu nay em nhớ con quá chị ơi. Biết con nó lo làm lụng vất vả cho sự nghiệp trên thành phố nên mẹ con em phải ở xa nhau. Giờ đây nó cũng có nhà cửa, yên bề gia thất, có sự nghiệp rồi. Cho nên, em muốn được về ở với hai vợ chồng nó, để em chăm lo cơm nước phụ giúp hai vợ chồng nó rồi đợi bồng cháu nữa chị ạ. Chị nhắn với nó giùm em nha.

Cô Sang với vẻ mặt phúc hậu, cười nói:
– Mình là bà con, là gia đình mà sao em nói vậy, nhà cũng có phòng trống, với điều kiện của chị thì thêm một miệng ăn có đáng là bao đâu em ơi. Mà vui rồi nha em. Chịu cực trước, rồi sung sướng sau em hén. Cuộc đời mà, đâu ai giàu ba họ, đâu ai khó ba đời phải không em. Nay chị thấy cũng phải đến lúc em phải ở bên cạnh thằng An để dưỡng già rồi nè. Để chị nhắn tin facebook cho nó nha em.

Vẻ mặt tươi cười, ánh mắt long lanh cùng nụ cười mỉm chi hiện rõ lên khuôn mặt sạm nám của thím Năm. Có thể thấy, thím rất hạnh phúc.

Thế nhưng, người tính lại không bằng trời tính. Hôm sau, An điện về cho dì Sang, nhờ cô đưa điện thoại cho mẹ để mình nói chuyện. Ai ai cũng nghĩ là con trai cô mang nặng đẻ đau, tảo tần nuôi lớn thành tài giờ đây chuẩn bị đón mẹ lên Sài Gòn hưởng phúc. Ngờ đâu, thím Năm vừa cầm điện thoại lên thì đầu dây bên kia vọng lại tiếng nói một cách nhanh chóng, có vẻ bận rộn:

– Alô mẹ hả, hôm qua con có đọc tin nhắn của dì Sang rồi. Con với vợ cũng đã bàn nhau mẹ ạ. Tụi con mới cưới nhau, hiện tại vợ con cũng đang mang thai con đầu lòng được mấy tháng. Nhà ở trên đây cũng có thuê người giúp việc nên mẹ không cần lên đây chăm lo cho tụi con làm gì. Con đã tìm cho mẹ một viện dưỡng lão rất tốt, ở đó có những người lớn tuổi cho mẹ bầu bạn. Ở đó mỗi tháng con có gửi tiền nên người ta sẽ chăm sóc mẹ rất chu đáo. Có thiếu gì thì con sẽ mang vào cho mẹ không để mẹ thiếu đâu. Mẹ cũng ở nhà dì Sang lâu rồi, người ta cũng có gia đình nữa. Nhớ ơn dì giúp mẹ trong những năm qua nên mai về đón mẹ con cũng sẽ hậu tạ dì Sang. Thôi con bận lắm, con cúp máy đây, mẹ chuẩn bị đồ đạc rồi mai về con rước mẹ đi qua viện dưỡng lão luôn nha mẹ.

Sau ba tiếng “tít… tít… tít…”, vẻ mặt thím Năm tối sầm lại. Ánh mắt giống như người vô hồn. Đôi mắt ngấn lệ rồi chảy thành hai hàng dài lăn trên đôi gò má hóp vào, những vết sạm chạm nước cũng hiện đậm, rõ ràng trên hai gò má ấy. Cả cuộc đời chịu nhiều khó khăn, vất vả chưa một lời than trách, thím đâu cần những cái đầy đủ ở nơi xa lạ đó. Cái cần chỉ là được ở bên con cháu của mình vào tuổi già. Được sum vầy, sinh hoạt trong một gia đình mà 30 năm nay hằng mơ ước. Thím dành cả cuộc đời mình cho con, chẳng tiếc vật chất, sức khỏe mong muốn con nên người, thành đạt. Nhưng giờ đây chính mình lại trở thành gánh nặng cho con. Ôi… cuộc đời thật trêu ngươi làm sao, hay phải chăng do lòng người bạc bẽo…


Ai biết được cũng thương cảm cho số phận của thím Năm. Bởi lẽ, chẳng ai muốn tuổi già của mình có con, có cháu mà phải ở một nơi xa lạ, nơi không có người thân, nơi mà những người già phải tủi thân vì thấy mình là gánh nặng của gia đình. Đêm đó, thím Năm trằn trọc suốt đêm dài.

Hôm sau, An về quê rước mẹ đến viện dưỡng lão. Đây là lần đầu tiên An chở mẹ bằng xe hơi của mình. Mà trớ trêu thay, không phải là đi nghỉ dưỡng, đi hóng mát hay đi khám bệnh mà là… đi vào viện dưỡng lão. Trên đoạn đường đi, An kể mẹ nghe nào là thời gian thành lập, quá trình phát triển, sinh hoạt trong viện,… cho mẹ nghe mà không để ý sự buồn bã, tuyệt vọng trong đôi mắt của mẹ mình. Nhưng cũng có thể đó là sự vô tâm của một đứa con chỉ biết bản thân mình.

Đến nơi, thím Năm đưa cho An một cái hộp thiếc cũ kỹ. Thím nói:
– Khi nào con có gặp bất trắc gì trong sự nghiệp, hay khó khăn thì con mở ra xem nha.
Bầu không khí nghẹn lại, thím Năm đi cùng nữ nhân viên vào Nội viện để sắp xếp chỗ ở. Nhìn bóng lưng của mẹ, An cũng thấy nhẹ nhõm vì lựa chọn một viện dưỡng lão cho mẹ chu đáo. Sau đó An ra về.

Hai tháng sau, hôm nay là ngày cuối cùng của tháng 7 âm lịch. Thanh Hoa nói với chồng:
– Anh ơi, hôm nay mẹ em yếu trong người, không có lên chùa tụng kinh Vu Lan được. Hạnh nguyện của mẹ là trì tụng kinh Vu Lan hết cả tháng 7 này. Nhưng hôm nay do bệnh nên mẹ kêu hai đứa mình đi thay để trọn vẹn hạnh nguyện, anh đi cùng em nha.

Thấy vợ nói thế An cũng vui vẻ đi cùng vợ lên chùa tụng kinh. Bấy lâu nay áp lực công việc, với lại nghe nói kinh Vu Lan hay lắm nên anh cũng muốn được tụng thử một lần. Biết đâu Phật Tổ gia hộ cho mẹ vợ mau khỏe thì tốt quá. Nghĩ thế, anh liền đồng ý chở vợ đi.

Đến chùa, những tiếng chuông ngân vang trầm bổng, nhiều bạn trẻ có, già có đều trang nghiêm đến chùa mặc áo tràng để tụng kinh. Có nhiều người trạc tuổi anh chở mẹ đến chùa xong rồi đi đâu đó một lát quay lại rước mẹ. Bỗng chốc, có một sự hổ thẹn trong tận tâm thức của anh. Thành kính giở từng trang kinh Vu Lan hòa nhịp vào tiếng mõ, những câu chữ, từng câu… từng câu… thấm sâu vào tâm trí anh…

“Mẹ nuôi con cưu mang 10 tháng
Cực khổ dường gánh nặng trên vai
Uống ăn chẳng đặng vì thai
Cho nên, thân thể hình hài kém suy
Khi sanh sản hiểm nguy chi xiết,
Sanh đặng rồi tinh huyết dầm dề,
Ví như thọc huyết trâu dê,
Nhứt sanh thập tử nhiều bề gian nan.
Con còn nhỏ phải lo săn sóc,
Ăn đắng cay, bùi ngọt phần con, ”…
….
“Trọn ba năm bú nương sữa mẹ
Thân gầy mòn nào nệ với con”…

Theo từng trang kinh, hòa nhịp mõ, tiếng chuông, đôi mắt anh mờ nhạt… mờ nhạt dần… Dường như đã rất lâu rồi, anh chưa bao giờ hỏi mẹ thích ăn gì hay thích cái gì, chưa bao giờ anh mua cho mẹ một đôi dép hay bộ đồ. Đã rất lâu, rất lâu… anh chưa bao giờ nói câu nhớ thương mẹ hay ôm mẹ được một cái, hay chở mẹ đi về ngôi nhà mà anh đã tạo dựng được. Hay từ khi đưa mẹ vào viện dưỡng lão đến nay, do bận rộn công việc mà anh chưa ghé thăm mẹ một lần. Anh tự hỏi: “Có phải mình vô tâm quá không”?


Khi về đến nhà, những lời kinh còn in rõ trong đầu, anh thấy có một nỗi buồn vô hạn không thể diễn tả được. Anh thấy mình dường như thiếu đi một thứ gì đó rất quan trọng. Nó vô hình, tịnh mịch khó tả làm sao. Anh nhớ đến cái hộp thiết của mẹ đưa cho ngày hôm đó. Anh mở ra thì thấy một xấp tiền 10 ngàn có, 20 ngàn có, 50 ngàn là giá trị cao nhất. Anh ước lượng tầm đâu cũng khoảng 5 triệu. Anh thấy kèm theo một bức thư gấp gọn gàng phía dưới, nhưng có vẻ hơi nhàu nát, chắc đã từng bị dính một chút nước thì phải. Anh mở ra xem, từng dòng chữ hiện lên:

“Con trai thân yêu của mẹ. Dù con lớn thì con vẫn là đứa con trai mà mẹ thương nhất.
Con biết không, khi con chào đời, mẹ và cha con rất là hạnh phúc. Nhưng khi con ba tuổi, là lúc cha con rời khỏi mẹ, rời khỏi thế gian này. Và con chính là động lực để mẹ sống tiếp trên cuộc đời này. Khi con lên 8 tuổi, cái tuổi đáng lẽ phải bằng bạn bằng bè. Thế nhưng nhà mình nghèo quá con ạ. Từ khi cha con mất, tất cả gánh nặng đè lên vai mẹ, mẹ phải vừa làm mẹ để chăm sóc, dạy dỗ con, mẹ phải vừa làm cha để kiếm tiền gánh vác gia đình, nuôi con ăn học. Lúc mà Trung Thu sinh nhật 8 tuổi của con, nhà mình còn có hai nhúm gạo thôi con ạ. Nhưng thương con, muốn con bằng bạn, bằng bè nên mẹ quyết định phải mua cho con cái lồng đèn như món quà sinh nhật, mẹ nhịn đói hay húp cháo loãng cũng vui nữa con ạ. Nhưng may thay, chị Bảy đã đưa cho mẹ cái lồng đèn để con được rước đèn với các bạn. Mẹ biết ơn chị Bảy lắm.

Thời gian thấm thoát trôi qua con đi học, mẹ phải làm lụng nhiều hơn cho con được đầy đủ, mẹ cảm thấy sức khỏe mình không tốt, có biểu hiện ho suốt thâu đêm, lưng mẹ đau mỏi, tay chân ngày nào cũng đau nhức. Nhưng không sao, con chính là động lực của mẹ. Miễn sao mẹ con mình cùng nhau vượt qua khó khăn, có con thì mẹ vui rồi.

Khi biết tin con đậu đại học, mẹ rất là vui, đó là một hạnh phúc vô cùng lớn, mẹ muốn òa lên khóc và nói với cha con là “con trai mình giỏi quá ông ạ”. Nhưng đó cũng là một gánh nặng to lớn với mẹ, sức khỏe mẹ yếu hơn, nhưng vì tương lai của con nên mẹ cắn răng bán một nửa miếng đất của ông bà bên cha con để lại cho con nhập học. Sau đó, mẹ đã đi chạy chọt khắp nơi vay mượn tiền cho sinh hoạt phí và trang trải học tập để con có thể yên lòng, chuyên tâm học tập. Để trả nợ, mẹ đã làm thêm nhiều công việc như rửa chén cho nhà hàng, lao công trong khách sạn, cả buổi tối mẹ cũng nhận đồ về may gia công để trả nợ và gửi tiền cho con đi học. Mẹ bắt đầu ho ra máu, chắc có lẽ do lao lực quá. Nhưng không sao con ạ. Nhìn thấy con học tốt là mẹ vui rồi.

Rồi cái mùa dịch Covid-19, mẹ ở dưới quê mà lo cho con lắm. Mẹ nghe trên Sài Gòn người ta chết nhiều, mẹ sợ, tối nào mẹ cũng trằn trọc, khóc vì nhớ con. Mẹ muốn nói với con là “thôi con về với mẹ, mẹ con mình có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Ở trên đó nguy hiểm quá con ơi”. Nhưng biết con có chí lớn, chí thú làm ăn nên mẹ chỉ biết cầu nguyện cho con bình an. Cái hồi con về mẹ vui lắm, biết con gặp khó khăn trong việc làm ăn, mẹ cũng chẳng ngại bán đất, bán nhà cho con làm vốn. Chỉ cần con có ý chí, mẹ sẽ luôn ủng hộ và dõi theo con. Nhà mình bán rồi mẹ cũng tiếc lắm, ở nhờ bên dì Sang mẹ cũng ngại lắm con à. Nhiều người qua lại dị nghị khi biết mẹ bán hết đất đai, nhà cửa, người ta chỉ chỏ, nói sau lưng mẹ. Nhưng mặc kệ ánh mắt người đời thế nào, miễn sao con trai mẹ sống tốt, biết gây dựng sự nghiệp thì mẹ chẳng quan tâm bất kỳ ai nói gì.

Mẹ vẫn cố gắng đi làm kiếm tiền mong muốn để dành tiền cho con làm ăn, cưới vợ. Với mẹ sợ, lỡ mà con có làm ăn thất bát thì về tìm mẹ, mẹ vẫn có tiền để cho con, ủng hộ con bất cứ khi nào. Đây là số tiền mẹ dành dụm được trong những tháng ngay sau khi bán miếng đất còn lại đó con. Tuy ít, nhưng mẹ tin sẽ giúp được con khi con gặp khó khăn hay bị bệnh.

Mẹ từng mơ, từng suy nghĩ đến tương lai về gia đình mình. Mẹ ước muốn ở bên con và con dâu. Ở đó, mỗi ngày con và vợ con đi làm, mẹ ở nhà dọn dẹp, nấu cơm cho các con ăn. Mẹ sẽ trồng một số cây hoa 10 giờ ở trong sân vườn để các con ngắm. Buổi chiều mẹ sẽ dắt cháu của mẹ đi chơi ngoài công viên, cái nơi mà mẹ nghe dì Sang kể ở Sài Gòn mát mẻ mà đẹp lắm. Rồi buổi tối cả nhà mình cùng quây quần bên nhau. Mẹ sẽ kể cho các cháu nghe những câu chuyện ở quê mình khi còn khó khăn con ạ. Mẹ mơ ước nhiều lắm.

Nhưng hôm nay, mẹ vô cùng đau buồn khi biết con đưa mẹ vào viện dưỡng lão. Vậy là những ước mơ, những mong chờ của mẹ không còn nữa. Con ơi, mẹ không cần những dịch vụ chăm sóc như con nói. Mẹ chỉ cần được ở bên cạnh những người thân yêu của mình. Mẹ chỉ còn một mình con là người thân. Nhưng mà…

Không sao đâu con, mẹ cũng đã già, cũng gần đất xa trời rồi. Mẹ chẳng có gì tiếc nuối nữa. Dù sao thì con cũng là động lực để mẹ sống và làm việc cho đến bây giờ. Mẹ mong con luôn khỏe mạnh, hạnh phúc. Dù thế nào thì mẹ vẫn mãi thương con.”

Từ khi nào những giọt nước mắt của An đã rơi ướt lá thư, An hiểu rằng khi mẹ viết lá thư này mẹ cũng khóc rất nhiều. An nhớ lần về chở mẹ vào viện dưỡng lão, cái áo của mẹ bị rách vai, gò má của mẹ hóp lại, da sạm nám, đôi mắt mẹ có những vầng đen sâu hút do nhiều đêm khóc vì nhớ con. Cuộc đời mẹ khổ cực trăm bề để nuôi anh khôn lớn. Mẹ đã chịu khổ một mình suốt mấy chục năm nay. Chính bản thân anh rất ích kỷ, anh chưa bao giờ hỏi mẹ thích gì, chưa bao giờ lắng nghe những lời mẹ nói hay ước muốn của mẹ. Anh không hề hỏi mẹ có chịu vào viện dưỡng lão ở hay không. Cuộc đời của mẹ, cho đến bây giờ, mẹ chưa dành bất kỳ điều tốt đẹp nào cho bản thân của mẹ. Mẹ suốt đời chỉ lo nghĩ cho anh. Những thứ anh có ngày hôm nay đều do mẹ ban tặng bằng mồ hôi, nước mắt. Thế mà anh lại vô tâm và bất hiếu như vậy. Anh òa khóc như một đứa trẻ.

Hôm sau, anh chở vợ đến viện dưỡng lão, nơi mà anh đã gửi mẹ mình vào trong đó. Bước vào, anh trở nên câm lặng khi bắt gặp mẹ ngồi một mình nơi ghế đá. Ánh mắt mẹ xa xăm, buồn rười rượi, mẹ anh đã già rồi, tóc bạc rồi. Mẹ gầy quá, bộ đồ mẹ mặc rất là cũ, đã sờn màu. Anh chạy lạy quỳ xuống dưới chân mẹ, òa khóc như ngày còn thơ ấu.

– Mẹ ơi… con sai rồi mẹ ơi. Mẹ tha lỗi cho con nha mẹ. Con đến đưa mẹ về với tụi con nha mẹ ơi.
Câu nói của anh nghẹn ngào đầy hối lỗi, nấc thành tiếng không ra lời. Mẹ anh cũng òa khóc nức nở vì nhớ con. Thím Năm xoa đầu con:
– Hông sao con ơi, con đừng khóc xấu lắm, con trai lớn rồi không được khóc nghe con. Mẹ cũng nhớ con lắm.

Bầu không khí toàn là tiếng khóc và nước mắt. Nhưng đó là những giọt nước mắt giữa hối lỗi và tha thứ. Giọt nước mắt giữa người đau buồn và người hạnh phúc.

Hôm nay, là Tết Trung Thu 2023, một cái Tết đoàn viên của gia đình nói chung và sinh nhật An nói riêng. Anh chở mẹ và vợ đi ngắm thành phố về đêm tại “Cầu Ánh Sao – Hồ Bán Nguyệt” tại quận 7. Mặt trăng đêm nay tròn vành vạnh, vàng đẹp vô cùng. Anh nhìn thấy mẹ đang hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn ánh trăng vàng trên cao cùng ánh đèn nhiều màu sắc. Mẹ giờ đây đã hồng hào và trẻ hơn nhiều. Anh nhìn sang vợ, vợ anh cũng sắp cho ra đời một thiên thần nhỏ bé, đón chờ một thành viên mới trong gia đình. Vợ anh đang cười hạnh phúc vì có một người chồng hiếu thảo. Anh nhìn lên ánh trăng vàng. Trăng đêm nay đẹp thật! Ngày xưa tới giờ anh chỉ biết đi chơi Trung Thu, chứ chưa bao giờ ngắm vầng trăng đẹp đêm Trung Thu cả. Cũng giống như anh nói thương mẹ, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến mẹ và hỏi mẹ muốn gì, mẹ thích gì. Nhưng giờ đây, anh muốn cám ơn bài kinh Vu Lan hôm đó đã cho anh nhớ đến mẹ, nhận ra lỗi sai của mình để trở thành một đứa con có hiếu. Anh ngẫm nên bài thơ như lời thỏ thẻ với vầng trăng, có thể là mong muốn cảnh tỉnh mình và nhiều người khác đừng vô tâm với bậc sinh thành, dưỡng dục:


Nhìn trăng rằm của Trung Thu tháng Tám
Ta nghĩ về ơn dưỡng dục song thân
Tưởng nhớ người đã có những thâm ân
Bậc sanh thành đã tảo tần khổ cực
Đưa ta vào đời yêu thương hết mực
Tuổi thanh xuân mẹ khổ cực trăm phần
Để giờ đây trán mẹ hằn nếp nhăn
Mong con vui mẹ chẳng lần than nhọc
Yêu thương con, mẹ dang tay bao bọc
Gánh vác cuộc đời khổ nhọc thay con
Những lời ru ầu ơ với núi non
Cho con ngủ những giấc tròn êm ấm
Mong tương lai con một ngày tươi thắm
Nắng mẹ chẳng màng, mưa ngấm chẳng sao
Tình thương mẹ thật vô tận biết bao
Đại dương nào biết sánh sao cho đặng
Nếu còn mẹ, hãy làm tròn bổn phận
Người con hiền từng mang nặng thâm ân
Nếu mẹ mất hãy thành kính hiếu dâng
Đặng cầu nguyện cho người gần cõi Phật
Tình cha mẹ là tình yêu chân thật
Theo ta suốt đời chẳng mất đi đâu…

Huệ Giác

SỰ KIỆN NỔI BẬT
VIDEO SỰ KIỆN
Video thumbnail
Ni sinh trường Cao Trung Phật học Tiền Giang tụng kinh Pháp Hoa Kính mừng Phật đản - 11/5/2024
03:34
Video thumbnail
HỌP MẶT - MÓN QUÀ CAO QUÝ KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN
09:32
Video thumbnail
THIỀN HÀNH SAU KHI THỌ THỰC
02:18
Video thumbnail
Ni giới Phật giáo TP.HCM kính mừng Đại lễ Phật đản PL.2568 - DL.2024
09:45
Video thumbnail
Lễ Húy Kỵ lần thứ 25 Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH tại Tổ đình Huê Lâm - Q11, TP.HCM
33:24
Video thumbnail
PBNGTW: Tiểu ban Thông tin Truyền thông | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
03:37
Video thumbnail
PBNGTW: Tổng kết công tác Phật sự năm 2023 | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
15:51
Video thumbnail
Hội đồng Thập Sư 3 đàn phát thưởng cho các Giới tử - Đại giới đàn Bửu Huệ 2023
03:44
Video thumbnail
Tuần Chiếu tại Giới Đàn Ni Chùa Thanh Tâm
03:02
Video thumbnail
Đại Giới đàn Bửu Huệ tại Giới trường Ni - Chùa Thanh Tâm - 2023
09:53
Video thumbnail
Lễ Huý Kỵ lần thứ 3 cố NT. TN. thượng Như hạ Hải - Chùa Sắc Tứ Tam Bảo, Hà Tiên - 26/9/2023
07:38
Video thumbnail
Lễ Khai đàn Dược sư Thất Châu - Chùa Pháp Hải
17:47
Video thumbnail
Lễ Húy Nhật lần thứ 17 cố Ni trưởng Thượng Như Hạ Bổn - Viện chủ TĐ Kim Sơn (27/7/2006 - 23/7/2023)
45:08
Video thumbnail
Lễ Húy kỵ cố Hòa thượng Thích Nhật Quang tại Hội Sơn Cổ tự
16:37
Video thumbnail
Tọa đàm “Bình đẳng giới trong Nữ giới Phật giáo - 2023” – Chùa Huê Lâm, TP.HCM
19:56
Video thumbnail
Lễ húy nhật lần thứ 6 cố Sư trưởng Thượng Huyền Hạ Huệ - Hải Ấn Ni Tự, TP.HCM
14:11
Video thumbnail
Lễ Vu Lan và Dâng Y tại chùa Vạn Phước - Bình Tân - TP.HCM
11:04
Video thumbnail
Đại lễ Vu lan báo hiếu tại chùa Pháp Võ - Nhà Bè - TP.HCM
12:37
Video thumbnail
“Rửa Chân Tri Ân Song Thân” - Chùa A Di Đà - Củ Chi - Tp.HCM
19:13
Video thumbnail
PBNG TW thăm, sách tấn Chư hành giả an cư tại các Hạ trường tỉnh miền Đông, 28/7/2023 (11/6/Quý Mão)
20:02
Video thumbnail
PBNG TW hoàn tất chuyến thăm và cúng dường Hạ trường tại Tây Nguyên 2023
18:50
Video thumbnail
PBNG TW thăm 4 tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum
08:15
Video thumbnail
Kính mừng Đại lễ Phật đản - PL.2567 - DL.2023 - BTS Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang
08:05
Video thumbnail
Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo & Chư Tôn Đức Tiền Bối Hữu Công PGVN | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
10:47
Video thumbnail
Đại lễ Kiều Đàm Di tại Bình Phước 2023: Triển lãm - Dâng hương - Tọa đàm - Thắp nến tưởng niệm
34:37
Video thumbnail
Đại lễ Kiều Đàm Di tại Bình Phước - 22 & 23/04/2023: Công tác chuẩn bị
04:59
Video thumbnail
Lễ Vinh danh cá nhân xuất sắc trong lãnh đạo Phật giáo tỉnh Tiền Giang năm 2023
06:55
Video thumbnail
Lễ công bố văn phòng PBNG & Khai giảng lớp luật dành cho chư Ni - Chùa Bảo An, TP. Cần Thơ
22:46
Video thumbnail
PBNG TW: Tổ chức khóa bồi dưỡng về các pháp Yết-ma, nghi thức giới đàn cho chư Ni
03:35
Video thumbnail
Lễ Hoàn Kinh Dược Sư Thất Châu & An vị tôn tượng Đức thánh tổ Kiều Đàm Di - Chùa Kiều Đàm
06:18
Video thumbnail
Khóa tu báo ân - Lễ Húy kỵ cố Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH
17:23
Video thumbnail
Lễ Húy Nhật lần thứ 24 cố Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH
14:58
Video thumbnail
Chùa Từ Nguyên - Tân Phú: Lễ Khánh Tạ - Hoàn Nguyện - Lễ Húy Kỵ lần thứ 39 cố Ni trưởng khai sơn
08:50
Video thumbnail
Khí Xuân Quý Mão 2023
11:37
Video thumbnail
Hành hương thập tự 10 cảnh Chùa - Xuân Quý Mão 2023
15:24
Video thumbnail
Chùa Liên Trì - Củ Chi: Lễ cúng dường trai tăng - Xuân Quý Mão 2023
21:22
Video thumbnail
Tổ đình Huê Lâm: Mừng xuân Di lặc - PL.2566 DL.2023
09:08
Video thumbnail
PBNG Trung Ương: Báo cáo Tổng kết Công tác Phật sự - Nhiệm kỳ VIII (2017-2022) | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
15:42
Video thumbnail
Chùa Huê Nghiêm: Lễ Khánh Đản A Di Đà Phật với hơn 1000 Tăng Ni Sinh tham dự | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
04:24
Video thumbnail
Lễ Khánh Tạ Các Công Trình Chùa Pháp Võ - Huyện Nhà Bè - TP.HCM | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
06:46
Video thumbnail
Lễ Khánh Tạ Chùa Pháp Võ | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
07:42
Video thumbnail
Hội nghị Tổng kết công tác Phật sự Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nhiệm kỳ VIII | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
02:27
Video thumbnail
Lễ Húy kỵ - Tưởng niệm lần thứ 14 cố Hòa thượng Thích Hoằng Từ | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
02:55
Video thumbnail
#2: Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và Chư Vị Tiền Bối Ni Hữu Công (02/10/2020)
13:15
Video thumbnail
#1: Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và Chư vị Tiền Bối Ni Hữu Công (01/10/2020)
05:52
Video thumbnail
Chùa Sắc Tứ Tam Bảo - Kiên Giang: Tổ chức Lễ húy kỵ lần II của cố Ni trưởng thượng Như hạ Hải
09:14
Video thumbnail
Lễ Công bố & Quyết định Chuẩn y nhân sự Phân ban Ni giới - Nhiệm kỳ X (2022-2027) | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
17:11
Video thumbnail
Kiên Giang: Tịnh xá Ngọc Hưng tổ chức Đại lễ Vu Lan – Dâng Y Ca sa – Cài hoa hồng - PL.2566
06:21
Video thumbnail
Tịnh xá Ngọc Phương: Lễ trao giáo chỉ - Tấn phong giáo phẩm – Lễ xuất gia & truyền giới
08:39
Video thumbnail
TP. HCM: Tịnh xá Ngọc Phương tổ chức Đại lễ Vu Lan – Dâng Y Casa PL.2566 – DL.2022 | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
05:21
CÁC BÀI KHÁC
XEM THÊM
error: Content is protected !!