Tuổi thơ tôi không êm đềm, mà dữ dội như dòng sông đục ngầu phù sa trước nhà. Sóng lúc nào cũng cuộn trào bởi những chiếc tàu, ghe qua lại. Ngày đó nhà tôi nghèo nhất xóm. Khác với bọn trẻ cùng trang lứa, tôi chưa bao giờ có được quà bánh mỗi ngày. Chúng nó luôn được một ổ bánh mì, gói xôi, khoai bắp,… hay đại khái là những món ăn vặt được mua ở chợ lúc tinh mơ. Còn nhà tôi, thay vì sáng sớm mẹ xách giỏ đi chợ thì lại mang lưỡi hái ra đồng gặt lúa, cắt cỏ, hái rau. Thức ăn trưa được mẹ mang về từ đồng, chứ không phải ở chợ. Khi thì mớ nấm rơm, bó rau muống, ngọn rau dại mọc ven đường…
Không có quà bánh nhưng không có nghĩa là tôi thèm thuồng. Quanh nhà thiếu gì thứ để ăn. Rảnh rỗi, tôi đi hái quả nhãn lồng, chuối chín bói trên cây hay quả ổi sẻ đỏ au chim ăn dang dở. Buồn cười nhất có khi sáng sớm trèo cây hái ổi nhai ngấu nghiến. Kết quả dạ cồn cào, đau bụng nằm thườn thượt cả ngày. Nhưng rồi lại cứ muốn ăn vì buồn miệng, vì nghịch ngợm và vì cái hương vị đặc sệt làng quê.
Thích nhất là ăn mía thanh diệu màu tím rịm. Đây là loại mía có hình dạng giống mía tây nhưng thịt mía mềm, ngọt, ăn được cả mắt. Mía này chỉ dùng để ăn chơi chứ không chế biến đường như loại mía tây màu vàng. Sau nhà mẹ có trồng liếp mía thanh diệu để bán kiếm tiền chợ nhưng lại không đủ để tôi dùng. Cứ đi học về, điều đầu tiên tôi làm là mang dao ra bãi mía để tìm vài cây to mập. Khi đã chặt sạch góc, ngọn, cứ thế tôi đưa lên miệng mà xước. Mía thanh diệu ngọt dịu, vỏ và thịt thì mềm, nên dù hàm răng non nớt của trẻ con như tôi vẫn không bị tổn thương. Ăn thô chán chê, tôi róc vỏ, tiện thành từng khúc nhỏ rồi bỏ vào thau ướp lạnh. Ngày đó tủ lạnh là thứ xa xỉ. Nước đá khá đắt vì cả huyện chỉ có hai nhà máy sản xuất nên chỉ dùng làm giải khát mà thôi. Nhưng muốn ngon nên tôi mang số tiền bán được từ việc cắt rau muống đi mua nước đá bào về ướp vào thau nhôm. Không háu ăn, tôi gọi lũ bạn trong xóm cùng đến ăn chung cho xôm tụ vui đùa. Mía tiện ướp nước đá bào mà chấm với muối ớt thú vị vô cùng. Ngoài vị ngọt đặc trưng còn có vị cay của ớt, mặn của muối và chát chát của phần vỏ róc còn vương lại. Ngoài ra, mía thanh diệu còn rễ, có thể ngâm dưới nước 2-3 ngày rồi mang lên róc ăn. Mía sẽ thơm mùi nước và cả vị phù sa của làng quê thanh bình.
Cây mía thanh diệu ấy đã đi suốt tuổi thơ tôi. Nó chẳng những nuôi sống gia đình mà còn giúp ba mẹ nuôi tôi ăn học nên người. Có gì đâu, chỉ là thu từng đồng bạc lẻ ngoài chợ từ việc bán mía ghim thường nhật. Nhưng qua bàn tay đảm đang, tiết kiệm của mẹ, số tiền bé mọn ấy trở nên giá trị vô cùng. Bãi mía thanh diệu sau nhà tôi giờ không còn nữa. Nó được thay thế bằng những luống rau xanh, cây ăn quả lúc lỉ u trĩu cành. Dù vậy, ba mẹ vẫn luôn nhắc nhở về cây mía, về một thời gian khó để con cháu biết trân quý, tiết kiệm đồng tiền.
Nguyễn Hoàng Duy (ĐSHĐ-127)
Ni sinh Diệu Lâm diễn đọc