Nó nghỉ học. Có lẽ đó là một điều nhẹ nhõm đối với nó, mặc dầu nó không muốn điều đó xảy ra khi chỉ còn một học kì nữa là thi tú tài. Nó hận ông trời nhiều lắm. Ông trời đã bất công đối với nó. Tại sao cho nó hiện diện cuộc sống trên cõi đời này làm chi, để những gì xấu xí, thấp kém, bé mọn lại đổ dồn hết lên đầu của nó? Nó có tật bẩm sinh. Nó cũng chẳng buồn và quan tâm đến chuyện đó. Cuộc sống con người đâu có bao giờ hoàn mỹ. Vả lại, con người đẹp ở tấm lòng chứ đâu phải hình thức. Nhưng người đời lại không nghĩ như nó. Họ cho rằng những người như nó chỉ là cái gì đó thừa thãi, chỉ đáng để quăng bên lề xã hội. Người lạ không nói, ngay cả bà con, xóm giềng cũng xem nó chẳng ra gì. Những đứa trẻ trong làng mỗi lần thấy nó đi ngang qua là ùa nhau chạy theo trêu ghẹo: “Cái bà xi cà que kìa tụi bây ơi!”.
Nó chẳng thèm để ý, vì lũ trẻ con mà chấp nhất làm gì. Nhưng người lớn lại cũng thích làm những điều như trẻ con. Mỗi lần thấy nó, mấy bà hàng xóm chụm xù xì: “Này, tôi mà như con bé đó thì thà tôi chết sớm còn hơn đấy! Tật nguyền vô dụng quá đi. Xách cái bịch trái cây cũng không xong, làm gì sống!”. Những lúc như thế nó không thể nào nhịn được. Nhưng nó biết làm sao đây? Cãi lại ư? Vô ích thôi! Với thân hình như thế này, nó chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Thôi thì lầm lũi mà đi cho lành.
Vào lớp học nó chẳng bao giờ có bạn, vì có ai thèm chơi với nó. Nó cố an phận. Không có bạn cũng chả sao, miễn học thật tốt là được rồi. Vậy mà những tiếng cười khinh miệt, những tiếng chế giễu cứ ám ảnh nó, không cho nó hòa nhập với cộng đồng. Nó không thể nào vượt qua ngưỡng cửa đại học mà nó từng mơ ước. Giá mà có một người bạn nào đó an ủi, động viên chắc có lẽ nó không bao giờ nghĩ đến chuyện nghỉ học.
Gia đình nó chỉ có ba người: Ba, mẹ và nó. Nhà nghèo, nó chẳng bao giờ oán trách. Tuy ba nó đi làm phụ hồ, mẹ nó thì bán chè ngoài chợ, nhưng cuộc sống đâu đến nỗi tồi tệ, chán chường. Mà nó có ước mơ gì lớn lao đâu. Nó chỉ muốn học cho tốt, cho ngoan… Nhưng rốt cuộc kết quả học tập của nó nói lên được điều gì kia chứ? Bàn tay thì què quặt, đôi chân thì teo cơ, lưng thì gù… Ôi thôi! Nhắc đến là nó muốn ứa nước mắt đầm đìa. Ba mẹ nó rất buồn, buồn hơn nó nữa là đằng khác. Con của người ta thì lành mạnh, xinh đẹp, còn con mình thì… Như thế thử hỏi không buồn sao được. Biết nó khi buồn, khi vui nên ba mẹ không dám làm trái ý nó, sợ nó làm chuyện nông nổi. Nếu không có ba mẹ chắc nó không còn sống trên cõi đời này.
Từ ngày nghỉ học nó chẳng biết làm gì. Buồn quá, nó ra phụ mẹ bán chè. Nhưng khổ nỗi, tay trái của nó như thế thì làm gì được kia chứ? Nó chỉ làm choán chỗ mẹ nó thôi, và còn gây sự chú ý cho mọi người ở chợ nữa. Phụ mẹ bưng chè chỉ khoảng nửa tiếng thôi mà đã làm vỡ hết ba chén chè. Mẹ bảo nó: “Thôi, con về nhà nghỉ đi. Để đó mẹ làm cho, đừng cố sức!”. Nó ngoan ngoãn nghe lời mẹ nhưng trong lòng rất ấm ức. Tại sao những chuyện vặt vãnh như thế mà nó làm cũng không được. Nó buồn. Nó tủi. Rồi nó khóc ướt gối mỗi đêm.
Nó xin ba mẹ cho nó được lên Sài Gòn. Mẹ cười: “Ừ, thì con cứ đi”. Mẹ tưởng nó nói đùa, nhưng đó là sự thật. Nó xếp mấy bộ quần áo hơi mới vào túi xách nhỏ. Mẹ nó thấy thế ngăn lại:
– Con đi thật à?
Nó nghèn nghẹn ở cổ họng muốn khóc:
– Con đi!
– Con lên đó làm gì kia chứ?” – mẹ nó phản đối.
– Mặc kệ!… Con muốn lánh xa cái làng quê tàn nhẫn này.
Mặc cho ba mẹ nó khuyên bảo hết lời nhưng nó không nghe. Thôi kệ! Biết đâu ông trời thương nó. Ngày nó ra đi, ba mẹ tiễn nó ra tới ngoài đường lớn xa gần ba cây số. Mẹ dúi vào tay nó một số tiền để làm chi phí khi ở trọ. Nó òa khóc. Ba mẹ ôm nó vào lòng rồi khóc theo. Ba dặn: “Đi đường nhớ cẩn thận nghe con!”.
Ngày đầu tiên ở đất Sài Gòn nó nhớ ba mẹ khủng khiếp. Nó đã biết trước mảnh đất này không có chỗ cho nó đặt một bàn chân tật nguyền vào. Nhưng nó vẫn cứ đi, đi để trải nghiệm, để chứng tỏ cho mọi người biết rằng nó vẫn còn có hữu dụng cho cái xã hội này. Nó thuê được một căn phòng ộp ẹp ở khu ngoại ô Sài Gòn. Tuy nhỏ xíu, nhưng nó cảm thấy hạnh phúc vì nó được làm chủ, được sống không gian riêng của nó. Sau nhiều ngày xin việc không ai nhận, cuối cùng nó quyết định đi bán vé số. Có lẽ cái nghề này là thích hợp với nó nhất. Mới từ tờ mờ sáng nó đã rong ruổi trên các nẻo đường, đến khi người ta rúc vào những chiếc chăn bông ấm áp nó mới trở về phòng. Với thân thể tật nguyền, nó đã cố gắng lao động không biết mệt mỏi để làm cho thật nhiều tiền như người lành lặn. Nó đói! Đó là chuyện thường ngày! Đôi khi nó chỉ ăn qua loa ổ bánh mì, gói xôi, tô mì.. cho chóng qua ngày, cố dành dụm tiền để gửi về cho ba mẹ.
Thế là, một tháng ở Sài Gòn trôi qua nhanh chóng. Nó lấy chú heo đất mà nó đã bỏ ống một tháng trời định đem ra đập để gửi tiền về cho gia đình. Nhưng… mặt nó tái xanh đi, đít của chú heo đã bị ai đó khoét nham nhở. Đôi tay tật nguyền của nó rung rung lên bần bật và đập ra: “Bốp!”. Rỗng tuếch. Chẳng còn gì ngoài những mảnh đất sét vô vị. Ai đã lấy tiền của nó? Nó khóc! Cả dãy phòng trọ xúm lại xem đông như cái chợ. Họ đâu thương xót gì nó, họ chỉ tò mò thôi. Sau một hồi lo chuyện hàng xóm, rồi đám đông cũng tản ra, chỉ còn mỗi mình nó bơ vơ trong căn phòng. Nó nhặt những mảnh đất sét vụn nhàu nát. Bây giờ thì những ngón tay tật nguyền của nó bỗng nhiên có một sức mạnh ghê gớm. Dù nó chảy máu nhưng nó vẫn cố nhàu nát đi như muốn bóp chết cái quá khứ thảm thương và cái hiện tại khốn khổ. Bà Hà, chủ phòng trọ, hay tin nó mất tiền vội đến an ủi:
– Thôi nín đi. Mất tiền rồi từ từ làm lại.
Nó úp mặt vào tường khóc thút thít. Bà Hà ra sức dỗ dành:
– Hay là… Mày cần tiền không, tao cho mượn?
Nó thôi khóc, dụi dụi mắt nhìn bà Hà:
– Bà nói có thật không?
– Thật! – Bà Hà gật đầu, nở một nụ cười nham nhở.
Nó mừng như trúng số, vội cám ơn bà Hà rối rít. Nhưng ở đời chẳng ai lại giúp không công cho người lạ bao giờ, cho dù người đó có thể thảm như nó đi chăng nữa. Bà ta giúp nó, nhưng bù lại mỗi tháng nó phải còng lưng ra đóng lãi nặng để đáp đền.
Rồi nó lại tiếp tục đi bán vé số. Khốn thật! Trời mấy bữa nay mưa suốt, bán chẳng được bao nhiêu. Ngày nào cũng trả vé số về cho đại lý làm nó càng rầu thêm. Ăn uống thì không bao nhiêu, nhưng nó lại sợ không có tiền để đóng lãi cho bà Hà. Hết dầm mưa rồi lại dãy nắng, cho nên nó đã ngã bệnh. Nó bệnh. Đó là điều tất nhiên, con người mà ai chẳng một lần mắc bệnh. Nhưng khổ nỗi nó không muốn mình bệnh, càng không muốn mình bệnh vào lúc này. Vậy mà ông trời lại bắt nó bệnh, đành chịu thôi.
Cuối tháng. Bà Hà bước vào phòng nó. Nó vẫn còn bệnh và nằm co ro ở góc phòng. Bà gọi nó dậy:
– Phấn, dậy mau!
Nó rên ư hử và mở mắt ra nhìn bà Hà:
– Có chuyện… gì vậy bà chủ?
Bà Hà trừng mắt nhìn nó:
– Chuyện gì ư? Tiền phòng, tiền lãi một tháng rồi mày phải thanh toán cho tao chứ.
– Bà thông cảm. Mấy tuần nay tôi bị bệnh nên… không có tiền để trả cho bà.
– Vậy chừng nào mày trả đây?
– Chừng nào hết bệnh, tôi sẽ đi bán trở lại, lúc đó sẽ có tiền.
– Chừng nào hết bệnh là chừng nào chứ? Hay là… tối nay mày ra chợ phụ bán cháo cho tao. Mỗi ngày tao sẽ trả cho mày mười ngàn đồng, vậy là mày có thể trả lãi cho tao được rồi.
Nó im lặng không nói. Nó biết câu nói của bà cũng là một câu trả lời dành cho nó.
Tối đó, nó ra chợ phụ bà Hà bán cháo. Nó cố gắng để không xảy ra tình trạng như lúc trước nó đã phụ mẹ nó bán chè ở quê. Nó chạy lăng xăng chẳng khác nào một kẻ nô lệ. Đã vậy nó còn bị bà Hà chửi tục luôn miệng. Mọi người nhìn nó bằng ánh mắt châm chọc, giễu cợt. Có người còn ác đến nỗi cứ đày nó chạy tới chạy lui như một con rối: “Chị ơi lấy cho em đôi đũa”, “Nhỏ kia lấy cho tao khăn giấy nhanh nhanh coi”… Ôi thôi, đầu óc nó quay cuồng, choáng váng. Có người còn xì xào: “Con nhỏ đó giống như khỉ mắc phong nhỉ!”. Nó nghe, hiểu tất cả nhưng đôi tai nó dường như dại hẳn đi.
Nó phụ bán cho bà Hà được bốn ngày thì xảy ra chuyện. Vì sơ ý, nó đã làm vỡ ba tô cháo đang bưng cho khách. Thế là bà Hà điên tiết, chửi nó, chửi cả ba mẹ, dòng họ nhà nó. Bây giờ thì nó không thể nào nhịn được nữa. Nó tức tưởi bỏ ra về, không thèm phụ bán nữa. Bà Hà chẳng buông tha, vội rượt theo. Đôi tay cửu vạn của bà xé toạc ống quần nó đang mặc, để lộ một cái chân còm nhom xương xẩu. Mọi người xung quanh xúm lại nhìn nó. Nó xấu hổ, vội đưa đôi tay tật nguyền úp vào mặt mà khóc nức nở. Nó thấy nhớ ba mẹ nó quá! Nhưng biết phải làm sao khi không có tiền trả cho bà Hà đây? Trốn đi ư? Đêm đó nó không ngủ được.
Sáng hôm sau, cả khu nhà trọ bỗng xôn xao hẳn lên. Mọi người xúm lại phòng nó mỗi lúc một đông. Nó chết! Nó đã tự giận chết rồi! Trên tay nó vẫn còn nắm chặt tờ 5 ngàn đồng. Thật thảm hại! Nhưng có lẽ đó là một quyết định đúng khi nó làm một việc điên rồ như thế. Nó đã quá mệt mỏi, bây giờ nó cần được nghỉ ngơi.
Đặng Trung Thành (ĐSHĐ-008)