Rừng đang bị con người tận diệt. Diện tích rừng ngày càng thu hẹp dần trong sự xót xa của nhà chức trách và người dân. Như chúng ta đều biết, việc phá rừng sẽ ảnh hưởng đến môi trường: ô nhiễm nguồn nước, không khí; gây ra thiên tai vì không còn cây chắn bão, lũ… Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hệ quả đau lòng này. Trong đó, kém ý thức, kém hiểu biết, vô trách nhiệm với xã hội, tham lam… là một số ít lý do dẫn đến nạn phá rừng. Mọi sự bắt nguồn từ giáo dục. Một đứa trẻ trưởng thành trong sự tham lam, ích kỷ, hạn hẹp về kiến thức môi trường có thể dẫn đến việc hủy hoại mẹ trái đất.
Cha mẹ phải làm gương cho trẻ
Tất nhiên, đứa trẻ nào ngồi trên ghế nhà trường đều được thầy cô giáo dục cách yêu và bảo vệ môi trường ngay từ mẫu giáo. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Cần phải kết hợp với sự dạy dỗ của gia đình bởi gia đình vẫn là nền tảng xã hội. Mọi thứ bắt nguồn từ những việc vụn vặt trong cách sinh hoạt thường nhật ở nhà. Nếu như cô, thầy dạy trẻ yêu cây xanh, nhưng về nhà ba mẹ lại xem đó là chuyện tầm phào, cứ ra sức đốn hạ cây thì kết quả của sự giáo dục không sáng sủa tí nào. Vì vậy gia đình phải là tấm gương sáng cho con noi theo. Trẻ con là cây non, cần phải được uốn nắn ngay từ nhỏ thì lớn lên mới đứng vững, thẳng và mạnh mẽ.
Sự thật thì ở ta, việc ý thức bảo vệ môi trường ở mỗi người dân còn rất kém. Người lớn cứ thản nhiên quăng rác xuống sông, ngoài đường mà không bỏ đúng nơi quy định. Lâu ngày, những thứ rác tạp nhạp không được phân loại, xử lý sẽ bốc mùi, ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như hủy hoại sự sống của các loài thủy sản, cây cối bị ô nhiễm nguồn nước vì thế, môi trường nơi đó bị hủy hoại. Một người, hai người… n người kém ý thức thì đến một lúc trái đất bị diệt vong. Cho nên, cha mẹ, ông bà cần biết bảo vệ môi trường nơi mình đang sinh sống. Con cái thấy mẹ hay bố mình mỗi khi dùng xong thứ gì đều bỏ rác đúng nơi quy định, ra đường còn nhặt rác của những vị khách xa lạ vứt trên vỉa hè cho vào thùng, tất nhiên trẻ sẽ bắt chước làm theo. Tập tính bắt chước là bản năng khi trẻ mới chào đời. Song song với những hình ảnh gương mẫu đó, phụ huynh nên điều chỉnh và dạy dỗ con khi con vứt rác bừa bãi hoặc giẫm đạp cây xanh, hái hoa trong công viên. Mỗi ngày là một câu chuyện sống động. Cần nhẹ nhàng cho con biết điều gì nên và không nên. Con mắc lỗi vứt rác lung tung, đừng la rầy mà phải giải thích rằng điều đó là xấu, cần phải thay đổi. Bởi tâm hồn non nớt của trẻ chưa hiểu được những điều vĩ mô về mẹ thiên nhiên. Giả dụ trẻ nói: “Vứt có tí rác thì đâu có ảnh hưởng gì đâu ba?”, thì nên từ từ giải thích cho con biết rằng mỗi người là một nhân tố làm nên trái đất xinh đẹp. Người này vứt rác được, người kia làm theo thì ảnh hưởng xấu sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Vả lại, ngay từ nhỏ đã có hành động xấu thì có thể lớn lên sẽ thành thói quen khó bỏ.
Giáo dục từ truyền thông
Những bức tranh cổ động, tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên phố sẽ là những hình ảnh sinh động giúp trẻ thích thú và nhớ lâu. Hay những bảng tin ở khu vực địa phương nơi trẻ sinh sống, mỗi tuần có những hình ảnh tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã, rừng, làm trẻ lưu tâm và nán lại xem lâu hơn. Hơn thế nữa, hãy cho trẻ xem những clip về bảo vệ tê giác, voi, vượn… thông qua kênh Youtube hay những trang chia sẻ khác. Khi nhìn một chú voi bị cưa ngà đầm đìa nước mắt, nhân viên y tế băng bó vết thương nhiệt tình, làm trẻ xúc động, cảm thương. Hay một chú tê giác bị cưa sừng đau đớn, máu ứa ra, được các nhân viên hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã thế giới vuốt ve, săn sóc vết thương, lay động tính từ tâm trong suy nghĩ và trong tim trẻ. Từ đó trẻ yêu thương thiên nhiên, gần gũi động vật và tư tưởng ấy ăn sâu vào tâm trí trẻ từng ngày, từng ngày cho đến cuối đời.
Hiện nay, sự tuyên truyền về bảo vệ thiên nhiên, môi trường còn được thông qua hình thức phim ảnh. Điện ảnh được công chúng đánh giá cao trong việc gián tiếp giúp con người, nhất là trẻ em, có ý thức bảo vệ môi trường. Thông qua những câu chuyện sinh động về những con vật được nhân cách hóa, là những thông điệp hết sức thiêng liêng: yêu và bảo vệ môi trường sống. Có rất nhiều phim hoạt hình từ các quốc gia trên thế giới với đề tài về môi trường có thể cho trẻ xem từ băng đĩa hoặc trên mạng, trên kênh ti-vi quốc tế. Trong đó, bộ phim hoạt hình phù hợp với lứa tuổi của trẻ như Chú nai Bambi (Bambi – Mỹ), Chú vẹt đuôi dài (Rio – Mỹ), Gấu bự núi tuyết (Boonie Bears – Trung Quốc), Thần rừng Lorax (Lorax – Mỹ)… Đây là những phim nổi tiếng, vui nhộn nhưng không kém phần sâu sắc về cách mà tác giả kịch bản truyền tải thông điệp. Tất cả đều có chung nội dung, hãy bảo vệ môi trường, yêu thương rừng xanh và loài vật, theo cách này hoặc cách khác. Hay những bộ phim dành cho người lớn, con nít vẫn xem được, nói về trái đất diệt vong, sinh vật bị hủy diệt: Ngày tận thế (The Road – Mỹ), Miền đất hứa (Promised Land – Mỹ)… Hình ảnh viễn cảnh tương lai hủy diệt đã cảnh báo con người cần phải bảo vệ môi trường ở hiện tại để tất cả không có một kết cục bi thảm như trong phim. Cần nhớ, hãy cùng con ngồi xem phim, giải thích cho con hiểu lý do – nguyên nhân – thực trạng – hậu quả về môi trường mà trong phim đã truyền tải. Mỗi ngày một câu chuyện, một bộ phim ý nghĩa sẽ làm trẻ thêm yêu thiên nhiên nhiều hơn.
Giáo dục từ thực tế
Một chuyến đi công viên, rừng, vườn quốc gia thực tế sẽ hết sức ý nghĩa. Trẻ sẽ học được nhiều điều vô cùng thú vị. Tất nhiên, phải có người lớn đi kèm để bảo vệ trẻ. Nhà trường có thể tổ chức những chuyến dã ngoại, nhưng an toàn phải là tôn chỉ đặt lên hàng đầu. Hay những ngày cuối tuần, phụ huynh dành thời gian đưa con đi du lịch. Ngoài việc cho trẻ thư giãn sau những giờ học căng thẳng còn là cách giúp trẻ quan sát, khám phá thiên nhiên trong đôi mắt trong veo. Đừng đắn đo về tài chính. Nếu gia đình có kinh tế eo hẹp, nên đi những danh thắng gần địa phương mình sinh sống với mức chi phí tiết kiệm đã được tính toán chi ly từ trước. Thời gian cũng không là vấn đề. Ngày nghỉ cuối tuần cũng có thể tương đối đủ chuyến đi cho trong một ngày.
Một điều nữa, hiện nay có rất nhiều hiệp hội, trường học, cơ quan đoàn thể… tổ chức những cuộc thi vẽ tranh cổ động, tuyên truyền dành cho thiếu nhi. Hình ảnh này cần được nhân rộng trên toàn quốc. Giải thưởng đối với trẻ không quan trọng. Chủ yếu là cách trẻ hăng hái tham gia, gửi gắm những yêu thương của mình vào thiên nhiên, môi trường qua các bức tranh ngộ nghĩnh, đáng yêu. Cũng qua đó, giúp trẻ được giao lưu, học hỏi, chia sẻ những mẩu chuyện, tâm sự của mình với bạn bè về môi trường sống.
Trung Thành (ĐSHĐ-136)