Cuộc sống của những vị Vương giả đầy kiêu sa thời xưa của xứ Ấn, đã được Đức Như Lai nhiếp phục bằng lòng từ không biên giới. Di Mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề và 500 người nữ xá di tùy tùng đều tự cạo tóc, đắp y hoại sắc, đi chân trần, từ Hoàng cung đến tịnh xá Kỳ Hoàn xin Đức Như Lai cho người nữ được xuất gia tu hành trong giáo pháp của Ngài, nhưng bị Đức Như Lai từ chối.
Thời Phật mới thành đạo giáo hóa, người nữ chưa được Phật cho phép vào hàng Tăng chúng. Nhưng sự kiên nhẫn, đợi chờ, khát khao thành ý xuất gia của Di Mẫu đã làm rung động tâm từ của Tổ A Nan. Nên Tổ A Nan ba phen cầu thỉnh Đức Thế Tôn cho người nữ được xuất gia tu hành trong giáo pháp của Thế Tôn. Bởi lẽ, người nữ tu cũng chứng được Thánh quả, sau lời khẳng định của Như Lai, nhưng với điều kiện Thánh mẫu và chư Ni phải thọ lãnh Bát Kỉnh Pháp. Di Mẫu chấp nhận thọ lãnh. Từ đây đoàn thể Ni được hình thành, một trong bốn chúng đầu tiên của Như Lai. Đó là Tỳ-kheo-ni. Sau khi thọ lãnh Bát Kỉnh xong, Thánh Mẫu và tất cả Ni tùy tùng đều về trụ xứ riêng của mình tu tập, cuộc sống bên Ni nặng hơn bên Tăng về mặt giới luật, nghiêm nhặt và tỉ mỉ hơn về sự sinh hoạt trong thiền môn. Mỗi khi trong chúng Ni có phạm lỗi gì thì Thánh mẫu trình lên chư Tăng, rồi chư Tăng mới trình lên Đức Như Lai kiết giới. Do đây mà Ni giới có 384 giới. Đến thời kinh Pháp Hoa, Thánh mẫu Kiều Đàm Di được Như Lai thọ ký tương lai sẽ thành Phật hiệu “Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Như Lai.” Sau sự xuất gia và đạt Thánh quả của Ni đoàn, Thánh Tổ Kiều Đàm và 72 vị Ni đều giác ngộ chứng Thánh quả như trong Trưởng lão Ni kệ đã nêu. Mỗi người đều giác ngộ theo sở trường riêng của mình. Để lại cho Ni giới Việt Nam bao tấm gương sáng. Quý Ni trưởng tiền bối thời nay chuyên tâm thiền định, tận tâm tu hành để cảm hóa chúng sanh hữu duyên. Đây là điều mà hậu học chúng ta nên học hỏi nhiều về quá khứ. Học cao là điều đáng quý, nhưng cần đề phòng, vì đôi khi chúng ta theo ngọn mà quên đi cái gốc của chính mình.
Quý Ni trưởng miền Nam tiếp nối con đường theo Thánh Tổ Ni, cứ ba năm mở Giới đàn một lần tại chùa Từ Nghiêm, cho 3 lớp giới tử (Sa di ni, Thức xoa và Tỳ kheo ni). Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, giang sơn nối liền một mối. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất các hệ phái, Ni giới cũng được sinh hoạt trong cộng đồng Tăng lữ, nhưng chưa có quy chế riêng. Đến năm 2009, Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới công nhận cho Phân ban Ni giới ra đời, trực thuộc Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ cấp Trung ương đến địa phương. Đã được Đại Tăng bảo hộ, đã được quý Ni trưởng tiếp bước và cứ mỗi năm một tỉnh thành (nếu kinh tế cho phép) sẽ được đăng cai tổ chức lễ tưởng niệm Thánh Tổ Kiều Đàm Di một lần. Đây là điều Đại Tăng và các cấp chính quyền cho phép và tạo mọi điều giúp đỡ, để Ni giới Việt Nam phát huy tinh thần đoàn kết và giao lưu học hỏi thêm kiến thức từng vùng miền cho Ni giới Việt Nam ngày một phát triển. Thời đại công nghệ 4.0, lớp Ni trẻ đã tiến bộ rất nhiều, có như thế mới đem đạo vào đời một cách thiết thực, từ thành thị đến thôn quê. Ước nguyện của Sư bà Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương thượng Tịnh hạ Nguyện, luôn luôn khát khao những lớp mầm non được thành lập, để giúp đỡ các bậc phụ huynh công nhân có nơi gởi trẻ để yên tâm làm việc. Các trẻ em được vui chơi, múa hát, cũng như ươm mầm Bồ đề nơi tâm hồn trẻ thơ, để sau này lớn lên, giống Phật vẫn theo các em đi vào đời một cách hữu hiệu.
Thời đại công nghệ 4.0, chư Ni trẻ ngày nay học hành rất thuận tiện, các em bằng cấp rất nhiều, kiến thức cao hơn Thầy Tổ, nhưng Ni trưởng thượng Như hạ Như, Trưởng Phân ban Ni giới Bà Rịa – Vũng Tàu, gởi tâm tư mình qua báo Hoa Đàm, nhắn gởi chư Ni trẻ, nhớ giữ tâm niệm xuất gia ban đầu của mình, để cho giới thân huệ mạng các em được thanh cao và tinh khiết như tờ giấy trắng.
“Nhớ về bến cũ chùa xưa
Chuông chùa vang vọng ngân đưa êm đềm
Thầy đà mỗi tuổi tăng thêm
Nhớ con ngày một, bên thềm ngóng trông.”
Ni giới Việt Nam hôm nay rất thuận tiện trong việc học hành và hành đạo chư Ni tiền bối không được như chúng ta, song quý Ngài luôn sống trở về nội tâm, nên ngày xưa “Mười người tu, chín người chứng.” Còn bây giờ, “bông xoài trứng cá”, tu thì nhiều mà người chứng chẳng có bao nhiêu! Đức Phật dạy rằng: “Có người tu hành không hiểu Chánh pháp, vì tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, sẵn có Bồ đề, nhưng không phải tự nhiên mà phát ra trí huệ, chúng ta phải biết “Văn, Tư, Tu là điều kiện, để phát sanh trí huệ rõ thông muôn pháp. Phải trở về nội tâm thì mới thấy được sự vô thường của vạn pháp.”
Như Đức Phật dạy: “Nhứt thiết hữu vi pháp. Như mộng huyễn, bào, ảnh. Như lộ diệc như điển. Ưng tác như thị quán.” Chúng tôi đã lớn tuổi, mọi hy vọng Ni giới phát triển ở tương lai, đều nhờ vào chư Ni trẻ. Vậy mong các em Ni trẻ nên y vào lời dạy của Đức Thế Tôn mà tiến tu đạo nghiệp. Chúng ta là đệ tử của Ngài, là con cháu của chư Ni tiền bối, chúng ta phải cố gắng giữ gìn giềng mối đạo đức để khỏi uổng phí một đời làm Tăng lữ.
“Tu mà không học là tu mù
Học mà không tu là đãy đựng sách.”
Chúng ta hòa nhập vào cuộc sống độ sanh, chia sẻ sự khó khăn bất hạnh trong xã hội thì chúng ta mới được chân hạnh phúc. Độ sanh làm Phật sự, tất cả đều tùy duyên mà không đánh mất chính mình. Đây là điều mà Đức Như Lai, Thánh Tổ Kiều Đàm, chư vị Tổ sư và các bậc Thầy chúng ta đã từng trải nghiệm lời Như Lai dạy rồi truyền lại cho chúng ta từ quá khứ đến hiện tại và mãi về sau.
Năm 1972, được Tôn sư là Cố Sư bà thượng Như hạ Huyền cho tôi vào Từ Nghiêm Ni viện nhập học, ghép mình vào thanh quy của Ni viện 40 năm. Nhớ lại ngày nào, Tôn sư cho tôi tha phương cầu học, mỗi lần về Người đều hỏi thăm về sự tu học của tôi, có những lúc Người ôn bài tôi một cách bất ngờ, nhưng tôi đều trả lời được. Những buổi tối ngồi cạnh Ân sư, Người dạy rất nhiều về việc hành đạo, Người động viên nhắc nhở đủ điều. Đến năm Đinh Mão (1987), vô thường chợt đến, bỗng chốc Tôn sư đã trở về thế giới vĩnh hằng vô tung bất diệt, nhưng pháp âm của Người vẫn sống mãi trong tôi.
Tinh tấn trong suốt hành trình
Kham nhẫn chẳng quản nhục vinh với đời
Chân tâm thể tánh rạng ngời
Trở về nguồn cội của thời sơ khai.
Nhờ nhớ đến lời Ân sư chỉ dạy, mà khi tôi trở về Quảng Ngãi hành đạo, chúng tôi đều áp dụng giới luật, mỗi tháng chúng tôi đều tập trung tại một trụ xứ để Bố tát tụng giới, ôn lại lời dạy của Đức Thế Tôn, và hòa hợp lẫn nhau trên tinh thần đoàn kết như nước hòa với sữa.
Quyết tâm củng cố Ni đoàn
Nhặt từng viên gạch kết đoàn đắp xây.
TKN. Hạnh Bảo (Phước Minh – Quảng Ngãi)
Sc. Viên Châu diễn đọc