Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ những thế kỷ tiếp giáp Công nguyên và nhanh chóng trở thành một thành tố văn hóa không thể tách rời đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam. Với triết lý từ bi, hỷ xả, cứu khổ, cứu nạn…, Phật giáo dễ dàng đi vào lòng người, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, khoan dung. Triết lý Phật giáo phù hợp với tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam. Trong suốt tiến trình lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, Phật giáo luôn giữ vị thế là một trong những tôn giáo chủ đạo, được các vương triều ủng hộ và xiển dương. Vì vậy, giáo dục Phật giáo cũng từng bước phát triển, đóng góp quan trọng trong quá trình hình thành một nền văn hóa Phật giáo mang đậm tính dân tộc.
Từ những năm đầu thế kỷ XIX, sau một thời gian dài đất nước khủng hoảng, chia cắt, triều Nguyễn được thành lập, thống nhất đất nước trên một lãnh thổ rộng lớn chưa từng có. Vì vậy, từ năm 1802 đến 1858, Phật giáo Việt Nam đã có nhiều chuyển biến so với thời kỳ trước. Mối liên hệ giữa giáo dục và văn hóa cũng biến đổi phù hợp với bối cảnh lịch sử, góp phần chung khôi phục lại vị thế và tiếp tục thực hiện những mục tiêu triết lý “vị nhân sinh” của Phật pháp trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.
1. Giáo dục Phật giáo dưới thời Nguyễn
Giáo dục Phật giáo được hiểu là dạy cho con người biết và hiểu giáo lý Phật giáo. Qua đó, bồi dưỡng, phát triển con người hoàn thiện hơn về trí thức và tâm thức, để trở nên tốt hơn, có phẩm hạnh và đạo đức, trở thành những người tốt, chân thật, từ bi và biết kính trọng người khác, trở thành những con người có trí tuệ, sống có lý tưởng, suy nghĩ hợp lý, thích ứng được với bối cảnh xã hội1.
Giáo dục Phật giáo thời Nguyễn gắn với sự quan tâm của triều đình và tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ tới quần chúng nhân dân.
Quốc tự là nơi truyền bá, giáo dục Phật giáo mang tính quốc gia, là những ngôi chùa do triều đình trực tiếp xây dựng, tái thiết và quản lý sử dụng. Vì vậy mà những ngôi chùa này nhận được nhiều sự quan tâm và hậu đãi. Theo đó, các Tăng sĩ ở Quốc tự được miễn thuế khóa, sưu dịch, được cấp lương bổng hằng tháng để chi dùng, cấp pháp phục, gạo muối,… Theo từng cấp bậc Tăng sĩ mà chế độ phân chia nhiều ít khác nhau.
Hành động trên cũng chính là sự thừa nhận và ủng hộ Phật giáo phát triển trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc. Đặc biệt, phần lớn Quốc tự ở ngay Kinh đô Huế – điển hình là chùa Thiên Mụ – nơi có số đông dân chúng mến mộ Phật giáo. Từ đó, triều đình có thể thu phục được lòng dân, tạo được lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân, góp phần ổn định đất nước.
Lệ cấp độ điệp cho Tăng sĩ ở Việt Nam được thực hiện từ thời Trần và tiếp tục duy trì dưới triều Nguyễn. Để quản lý chặt chẽ Tăng sĩ, vua Gia Long quy định rõ trong Hoàng Việt luật “Nếu Tăng đạo không được cấp độ điệp, tự ý cạo tóc thì phạt 100 trượng, nếu do gia trưởng thì gia trưởng phải chịu tội, nếu do trụ trì ở tự quán và thầy dạy riêng độ thì đồng tội, buộc hồi tục, vào sổ đương sai”2.
Từ thời Minh Mạng, Tăng sĩ muốn được cấp độ điệp phải tập trung về kinh đô, được Bộ Lễ sát hạch và ghi nhận là bậc chơn tu, giữ gìn Giới Luật, am hiểu Phật “con dao nhỏ hình bán nguyệt dùng để cắt áo, cạo tóc, cắt móng tay, là 1 trong 18 vật thường dùng của Tỳ kheo“‛3. Ngoài ra, giới đao còn có hàm ý là để cắt hết mọi dục vọng mà an tâm trì giáo.
Triều Nguyễn cũng rất chú ý chấn chỉnh đạo đức, lối sống của giới xuất gia. Khi Tăng sĩ phạm tội, triều đình xử tội nặng hơn dân thường. Hoàng Việt luật lệ quy định: “Phàm để tang cha mẹ và chồng chết, nếu tăng, đạo sĩ, nữ quan phạm gian thì tăng hai bực tội người thường phạm gian, xử tội ấy theo người thường phạm gian”4. Khi một Tăng sĩ phạm tội chịu hình phạt thì Sư trưởng của chùa ấy cũng bị liên đới trách nhiệm.
Những quy định này trở thành những biện pháp giáo dục Phật giáo, thể hiện rõ yêu cầu của các vua Nguyễn đối với Tăng sĩ, không chỉ thông hiểu Phật pháp mà họ phải là những người có phẩm hạnh hơn người, có lối sống thanh bạch, giản dị, chấp nhận từ bỏ những ham muốn trần tục để làm gương cho người đời, mới cảm hóa được giáo chúng.
Thông qua giáo dục, đội ngũ tu hành được thanh lọc; những kẻ lợi dụng đền chùa để lẩn trốn sự truy đuổi của xã hội hoặc chối bỏ trách nhiệm và bổn phận của mình đều lần lượt bị buộc phải hoàn tục. Vị trí của các bậc chân tu dần dần được khẳng định và đề cao.
Tuy có những điểm tích cực nhưng nhìn chung, các chính sách của triều đình phong kiến nhà Nguyễn đều nhằm mục đích phục vụ cho hệ tư tưởng thống trị. Sự hạn chế của triều đình tuy gây hệ quả song không thể ngăn chặn được lòng mến mộ của nhân dân đối với Phật giáo. Giáo lý nhà Phật vẫn lặng lẽ thâm nhập vào các tầng lớp trong xã hội, chi phối đời sống tinh thần nhiều người.
Một số nhà sư có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa Phật giáo ở Bắc, Trung, Nam có thể kể đến như: Hòa thượng Tịch Truyền, Hòa thượng Chiếu Khoan có công lớn trong việc bảo tồn sử liệu Phật giáo, biên soạn khắc in sách Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục. Hòa thượng Thanh Đàm viết sách Pháp Hoa Đề Cương, Tâm Kinh Trực Giải. Hòa thượng An Thiền soạn sách Tam Giáo Thông Khảo. Ở miền Trung và Nam, có một số danh Tăng không những được quần chúng ngưỡng mộ mà các vua nhà Nguyễn cũng rất kính trọng.
Ngoài ra, dưới triều Nguyễn, ở Nam Bộ, chùa do dân lập phát huy được vai trò hoằng pháp trong người dân, đa số là chùa làng, do nhu cầu của cư dân vùng đất mới cần thầy cầu an khi đau ốm và cầu siêu khi có người thân qua đời. Những ngôi chùa được sắc tứ gắn liền với địa điểm được Nguyễn Ánh trú ngụ trong thời gian lánh nạn Tây Sơn. Giáo dục Phật giáo trong dân gian có nhiều điểm khác biệt với cung đình, từ đó hình thành nên sự tương phản giữa văn hóa Phật giáo của triều đình và nhân dân.
2. Văn hóa Phật giáo dưới thời Nguyễn
Văn hóa Phật giáo là một phạm trù rộng lớn, thể hiện trên nhiều lĩnh vực: pháp phục, ngôn ngữ, di sản, kiến trúc…; đồng thời, văn hóa Phật giáo luôn gắn liền với tiến trình phát triển của nền văn hóa Việt Nam. Vì thế, để nền văn hóa Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững thì yếu tố quan trọng là phải nâng cao tri thức văn hóa, đồng thời đào tạo đội ngũ Tăng tài cho đất nước. Nhận thức rõ về mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó, tác động qua lại giữa giáo dục và văn hóa trong Phật giáo, giáo dục Phật giáo thời Nguyễn luôn thể hiện được sự gắn kết, không tách rời với sự phát triển văn hóa – xã hội, phản ánh những đặc trưng của xã hội đương thời, đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của đạo Phật trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Với những chính sách và biện pháp giáo dục được thực hiện, Phật giáo dưới thời Nguyễn đã ít nhiều được chấn chỉnh. Không gian và không khí tôn nghiêm của hầu hết các đền miếu trên khắp cả nước cũng dần dần khôi phục, nhiều giá trị triết lý của Đạo giáo lại tiếp tục có cơ hội thẩm thấu đến nhận thức của các tầng lớp xã hội. Hàng loạt chùa chiền ở nhiều địa phương khác nhau đã được triều đình cho trùng tu, tôn tạo hoặc xây dựng thêm, có khi chu cấp toàn bộ hoặc một phần kinh phí để tiến hành.
Văn hóa Phật giáo dưới triều Nguyễn mang nét đặc thù, có sự hiện diện đông đảo của các ứng phú sư (thầy cúng đám) mà ít chú trọng vào giáo lý thâm sâu của đạo Phật. Dù rằng bên cạnh lễ cúng vẫn còn những bùa chú, bói toán,… nhưng những người bình dân vẫn đón nhận đạo Phật và những tư tưởng vốn gần gũi nhưng sâu xa của Phật giáo như lòng từ bi, tính ăn hiền ở lành, lòng vị tha… Những tư tưởng đó thâm nhập vào đời sống nhân dân, góp phần đem lại cho xã hội thời Nguyễn một sự cân bằng nhất định.
Trong xã hội, xuất hiện hai xu hướng tiếp cận các triết lý: giản dị hóa và thiết thực hóa các khái niệm hàm súc, uyên thâm. Xu hướng tuyệt đối hóa đức tin đã tạo cơ hội thuận lợi cho hiện tượng mê tín dị đoan phát triển mạnh mẽ. Triều đình còn phong sắc thần như Hạ Đẳng, Trung Đẳng, Thượng Đẳng với các kiêm hiệu. Những đền miếu và Đạo quán tiêu biểu do triều đình trùng tu, tôn tạo hoặc xây dựng như: đền Bạch Hổ (đền anh Cọp hay đền Ca Hổ) ở Quảng Ngãi, thờ thần là con Cọp trắng, tương truyền rất nhân từ với dân làng; đền Thượng ở Ninh Bình, thờ Đinh Tiên Hoàng; miếu Hỏa Thần ở Hà Nội, thờ Thần lửa…
Phật giáo dưới triều Nguyễn đã để lại nhiều di sản về kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật qua việc tạo dựng, trùng tu các ngôi chùa dưới thời kỳ này. Ở mỗi vùng miền, kiến trúc điêu khắc Phật giáo không những phát triển mạnh mẽ trong nhân dân mà còn mang những đặc trưng riêng. Đường nét và kiến trúc đó đương nhiên đã xuất phát từ những nghệ nhân đầy tài năng và tấm lòng đến với văn hóa Phật giáo.
Dưới thời Nguyễn, những bộ kinh kệ, Giới Luật, phổ hệ, truyền đăng,…được in ra với khối lượng lớn, vượt tất cả các triều đại trước đó. Những bộ kinh như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Dược Sư, Địa Tạng, Tam thiên Phật danh, Đại du dà…; những”lục” như Thiền uyển tập anh ngữ lục, Kế Đăng lục, Tam Tổ thực lục…đều được in ra trong thời kỳ này. Chỉ tính riêng tại chùa Giác Lâm, một hệ thống kinh sách đã được đưa từ tổ đình Thập Tháp Di Đà (Bình Định) vào, một số lại được trùng khắc và tạng bản tại chùa như quyển Tông phái ký do Bổn Quả biên tập, nay vẫn còn lưu giữ tại chùa.
3. Mối liên hệ giữa giáo dục và văn hóa Việt Nam thời Nguyễn
Những hoạt động giáo dục Phật giáo của triều Nguyễn nhằm chấn chỉnh văn hóa – xã hội, cũng như cho chính bản thân Phật giáo là những việc làm tương đối tích cực, không xuất phát từ tư tưởng đả kích hay bài xích Phật giáo. Có thể nói rằng những thành quả mà Phật giáo dưới triều Nguyễn đạt được một phần xuất phát từ những chấn chỉnh giáo dục đó. Nó đã góp phần vào việc hình thành một nền văn hóa Phật giáo của triều đại và làm cho triều đại đó khác biệt so với các triều đại trước.
Thông qua phát triển giáo dục, Phật giáo duy trì một truyền thống văn hóa mang màu sắc bản địa. Dưới thời các chúa Nguyễn, Phật giáo đã nhanh chóng xác lập sự hiện diện của mình qua ngôi chùa, qua các thiền sư; từ thiền sư Trung Hoa đã chuyển sang người Việt từ thế hệ truyền thừa kế tiếp. Ở giai đoạn đầu, do các thiền sư đến và đi, không trụ lại lâu dài, nên sự phát triển có gián đoạn. Các dòng phái Phật gáo, đa số đều do thiền sư Trung Hoa xướng xuất bài kệ, chỉ có dòng Liễu Quán là của thiền sư Việt Nam. Dòng Chúc Thánh phổ biến mạnh ở miền Trung, nhưng ở Nam Bộ, đa số chùa theo dòng Đạo Bổn Nguyên, đào tạo nhiều thế hệ đưa về trụ trì khắp các chùa ở Nam Bộ.
Phật giáo dưới triều Nguyễn nhuốm nhiều màu sắc không giống nhau và thậm chí khá khác biệt ở hai môi trường “quan quyền” và “dân dã”. Giáo dục Phật giáo đã góp phần đem đến sự phát triển đa dạng cho văn hóa. Ngược lại, ảnh hưởng của văn hóa trong Phật giáo góp phần thúc đẩy sự mở rộng và thực hiện mục đích của giáo dục.
Những điều trên cho thấy Phật giáo đầu triều Nguyễn đã trở thành một giai đoạn riêng, có nhiều nét khác so với trước, mà đặc điểm chính trị – xã hội đương thời đã tạo ra. Chính sách của triều đình cố ghép Phật giáo vào khuôn khổ quan niệm của giai cấp thống trị. Mặt khác, Phật giáo đã nỗ lực vượt ra ngoài vòng cương tỏa của triều đình phong kiến, tìm lấy cho mình con đường phát triển độc lập và chi phối trở lại cách nhìn nhận cũng như thái độ của triều đình.
Kết luận
Như vậy, để nền văn hóa Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững thì yếu tố then chốt chính là phải nâng cao chất lượng giáo dục, tri thức văn hóa, đồng thời đào tạo đội ngũ Tăng tài cho đất nước. Với mỗi bước chuyển mình của giáo dục thì văn hóa Phật giáo lại có những thay đổi để phù hợp với yêu cầu mới.
Văn hóa và giáo dục Phật giáo liên hệ, song hành chặt chẽ đã góp phần xây dựng nên nền tảng đạo đức xã hội, triết lý nhân sinh, là nguồn cảm hứng cho văn chương, nghệ thuật, là chất keo gắn kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc và những nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam, không thể lẫn lộn với đặc trưng các nước khác.
TS. Tống Thị Quỳnh Hương
- Thích Đức Bảo (2023), “Một số vấn đề cơ bản trong giáo dục Phật giáo”, https://tapchinghiencuuphathoc.vn/mot-so-van-de-co-ban-trong-giao-duc-phat-giao.html, truy cập ngày 03/12/2023.
- Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu (1994), Hoàng Việt luật lệ, tập 2, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr.276.
- Thích Minh Cảnh (2003), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 2, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.1713.
- Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu (1994), Hoàng Việt luật lệ, tập 5, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr.914.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Đức Bảo (2023), ‚Một số vấn đề cơ bản trong giáo dục Phật giáo‛, https://tapchinghiencuuphathoc.vn/mot-so-van-de-co-ban-trong-giao-duc-phat-giao.html, truy cập ngày 03/12/2023.
2. Thích Minh Cảnh (2003), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 2, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Văn Th|nh, Vũ Trinh, Trần Hựu (1994), Hoàng Việt luật lệ, tập 2, Nxb. Văn hóa thông tin, H| Nội.
4. Nguyễn Văn Th|nh, Vũ Trinh, Trần Hựu (1994), Hoàng Việt Luật lệ, tập 5, Nxb. Văn hóa thông tin, H| Nội.
5. Từ Trí (1916), Ngũ Hành Sơn lục, Lưu tại chùa Linh Ứng – Ngũ H|nh Sơn, thành phố Đ| Nẵng.
6. Viện Sử học (1966), Đại Nam Thực lục, tập 13, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.