Năm 2009, Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự GHPGVN chính thức được thành lập. “Đặc san Hoa Đàm – Tiếng nói của nữ giới Phật giáo Việt Nam” cũng ra mắt sau đó mấy năm, đánh dấu một hướng đi mới của Ni giới Việt Nam trong thời kỳ hội nhập phát triển.
Từ số ra đầu tiên phát hành tháng 8/2013, tập san của Phân ban Ni giới góp mặt đều đặn mỗi tháng, đến nay gần 60 số. Số lượng phát hành tăng dần qua mỗi năm, chất lượng từ hình ảnh cho đến nội dung ngày càng phong phú đặc sắc. Hoa Đàm, tiếng nói chung của Ni giới ba miền, nhưng đây cũng là mảnh đất giàu chất liệu văn thơ để chư Ni cùng nam nữ cư sĩ tìm đến chiêm ngưỡng rồi kiến tạo nên nguồn cảm hứng sáng tác giúp cho khu vườn hoa đạo thêm nhiều sắc hương kỳ ảo.
Là diễn đàn của Nữ giới Phật giáo Việt Nam, Đặc san Hoa Đàm hội đủ các chuyên đề về Kinh Luật, Hành trạng của chư Ni hữu công qua các thời đại, các hoạt động Phật sự của nữ giới ngày nay cùng nhiều chuyên mục về văn chương, thi ca, truyện ngắn Phật giáo. Bao năm qua, Hoa Đàm luôn đón nhận sự chia sẻ từ tinh thần đến vật chất của quý Ni trưởng, Ni sư, của chư Ni trẻ tài năng và tâm huyết từ khắp mọi miền đất nước. Tập san của Ni giới Việt Nam còn có sự góp mặt của chư vị học giả trong nước và hải ngoại qua các bài viết giàu tính nhân văn, triết lý sâu xa mà ý nghĩa vẫn nhẹ nhàng tinh tế.
Hoa đàm chỉ là tờ báo đi sau về muộn, là phát kiến được tái lập của người thời nay. Tìm hiểu về Ni giới miền Nam giai đoạn trước năm 1975, ít nhiều ta cũng biết đã có một tạp chí mang tên “Hoa Đàm” từng được xuất bản những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.
“… Ni chúng Bắc tông cũng tham gia vào việc làm báo với tạp chí Hoa Đàm phát hành số đầu tiên vào mùa Xuân Quý Sửu 1973. Hoa Đàm là một tập san ra mỗi ba tháng một kỳ, tự đặt cho mình nhiệm vụ phổ biến giáo lý của nhà Phật trong phạm vi Ni bộ Bắc tông, phát triển tinh thần đoàn kết của Ni giới, hướng dẫn nữ Phật tử tinh tấn trên con đường phước huệ song tu và mở mang đường lối giáo dục nhi đồng. Chủ nhiệm kiêm Chủ bút của Hoa Đàm là Cố Sư trưởng thượng Như hạ Thanh, bấy giờ, Sư cô Thích Nữ Như Thường phụ tá trong vai trò Thư ký. Báo quán đặt tại chùa Từ Nghiêm, đường Bà Hạt, Q.10, TP.HCM. Góp mặt thường xuyên trên Hoa Đàm là các vị: Sư trưởng Như Thanh, Ni trưởng Thể Quán, Ni trưởng Như Hoa… Hoa Đàm phát hành số cuối cùng vào tháng Giêng năm 1975.”
Đọc qua lịch sử về hành trạng Ni giới Việt Nam, chúng ta hẳn nghe biết về cố Sư trưởng thượng Như hạ Thanh, Viện chủ Tổ đình Huê Lâm, Q.11. Sư trưởng viên tịch cũng đã 20 năm, nhưng công hạnh đạo nghiệp của Người mãi còn lưu giữ trong tâm trí hàng Ni lưu hậu học. Thành lập Ni bộ, đào tạo Ni chúng, xây Ni trường, mở Hạ trường, tổ chức giới đàn, lên tòa thuyết pháp… Đó là những gì mà một vị Ni tuổi đời còn rất trẻ đã vượt qua mọi định kiến, vượt qua giới hạn nhi nữ thường tình trong thời phong kiến, trải thân từ Nam ra Bắc để vận động thống nhất Ni giới, kiết tập đại hội để thành lập Ni bộ, nuôi dưỡng bao thế hệ Ni tài cho đạo pháp ngày mai.
Là người đứng đầu Ban Quản trị Ni bộ Bắc Tông, Sư trưởng rất xem trọng oai nghi đạo hạnh của Chúng nên Người rất nghiêm ngặt trong việc truyền trao Giới luật. Ngoài việc tổ chức giới đàn, Sư trưởng còn là Đàn chủ và Hòa thượng đàn đầu của chư Ni cầu thọ giới pháp. Khi GHPGVN được thành lập thì Ni bộ Bắc Tông cũng chấm dứt vai trò lịch sử của mình. Những pháp chế nội quy do người lập ra, chư Ni nhiều nơi vẫn còn thực hành nghiêm túc đến bây giờ. Các Đàn giới về sau này, dù tổ chức tại thành phố hay các tỉnh thành lân cận, chư Tôn đức vẫn thỉnh cầu Sư trưởng về làm Hòa thượng đàn đầu truyền giới pháp cho chư Ni Giới tử.
Sư trưởng vốn thông thạo Hán ngữ, chuyên dịch Kinh Luận nhưng Người cũng quan tâm chú trọng đến văn chương thi ca quốc ngữ. Khi còn làm việc cho Ni bộ, Sư trưởng đã in ấn nhiều tập thơ văn do mình sáng tác. Người cũng cho ra đời và biên tập vài tờ tạp chí Phật giáo để làm diễn đàn, góp tiếng nói của đại chúng Ni giới trong thời đại mới. Hoa Đàm xuất bản phần nào đáp ứng nhu cầu tìm hiểu tham cứu, là nơi để Ni chúng trẻ phát huy sở trường sở học, vun đắp nguyện vọng tâm tư qua mỗi bước đường tu tập dấn thân. Tạp chí của Tòng Lâm Ni bộ chỉ góp mặt được vài năm nhưng tiếng vang còn sâu đậm trong lòng độc giả sau này khi có dịp nhắc đến. Quyển sách cũ bị bụi thời gian che khuất, nhưng lật xem lại ta vẫn nghe được mùi cảo thơm dạt dào thanh thoát. “Ôn cố tri tân” cũng là cách trở về với chính mình, trở về với nguồn cội tâm linh vô ưu thánh thiện trong tâm thức mỗi người.
Có thể nói ngôi nhà Ni giới đã trải qua một quá trình đổi mới để phát triển bền vững nhưng nền móng cũ vẫn luôn được bảo lưu gìn giữ. Ni giới Việt Nam vừa mới thành lập cũng dựa trên nền tảng vun đắp ban đầu của vị Ni trưởng lão thành khả kính một thời. Đặc san Hoa Đàm cũng bắt nguồn từ ý tưởng và nền móng xưa cũ ấy. Điều thú vị là những Ni sư, Ni sư phụ trách biên tập Hoa Đàm ngày nay cũng chính là môn sanh đệ tử từng thọ ân giáo dưỡng của Người.
“Đặc san Hoa Đàm”, giọt nước nhỏ giữa nguồn biển pháp mênh mông vẫn lan tỏa cho đời chút vị mặn thanh tao, sâu lắng đạo tình trong dòng chảy của hàng Ni lưu Thích tử.
Hạnh Tâm (ĐSHĐ-057)