Sau khi độc lập, đời sống dân ta từng bước chuyển từ “Ăn no mặc đủ” qua “Ăn ngon mặc đẹp”; thì đời sống tinh thần trong tâm niệm “Uống nước nhớ nguồn” được nâng tầm và xem trọng với hàng loạt các lễ hội truyền thống đặc sắc gợi nhớ lại thời khai sơn dựng nước giữ nước như Lễ hội Đền Hùng – Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội chùa Hương, Lễ Nghinh Ông, Lễ hội chùa Bái Đính hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình…
Vận mệnh Phật giáo Việt Nam vốn dĩ gắn liền với vận mệnh dân tộc, đất nước thanh bình, Phật giáo lui về sau lặng yên ẩn mình sau cổng “Duy tuệ thị nghiệp” với lời kinh tiếng kệ như chưa hề có sự va chạm nào từng xảy ra. Giai đoạn đặc biệt này, đời sống người con gái Phật được tôi luyện qua thời gian dài đồng hành tranh đấu dưới sự dẫn dắt của Đại Tăng ẩn hiện nhiều nét đặc sắc riêng chứ không còn khép mình.
Nét riêng ấy vụt sáng lên vào năm 1981 khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Sư trưởng Như Thanh kiến nghị chọn ngày 8 tháng 2 làm lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni và chư Ni tiền bối hữu công đã nhận được sự đồng tình từ các bậc Trưởng lão Ni lúc bấy giờ. Tổ đình Từ Nghiêm đứng ra lo liệu cho lễ tưởng niệm và xuyên suốt 27 năm qua Từ Nghiêm hết lòng làm tròn trách nhiệm phần mình một cách âm thầm. Từ năm 2009 theo phương hướng hoạt động Phân ban Ni giới TW và sự đồng thuận từ Ban Tôn giáo của Hội đồng Trị sự TW GHPGVN, Đại lễ được Phân ban Ni giới các tỉnh thành luân phiên đăng cai tổ chức, vào ngày 6/2 âm lịch hàng năm mang tính cách truyền thống. Sự luân phiên nhằm tạo thêm giềng mối gắn kết Ni giới cả nước. Qua đó, chư Ni ý thức rõ trách nhiệm và tập sự gánh vác về sau lại thêm vững vàng trên hành trình dấn thân, truyền trì Chánh pháp. Đồng thời, hòa cùng phụ nữ Việt Nam góp phần vào quá trình bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Năm 2024, Đại lễ do Phân ban Ni giới TP. Cần Thơ đăng cai. Tại buổi lễ, Ni trưởng Thích Nữ Nhật Khương – cánh chim đầu đàn có lời huấn từ cho chư Ni: “Hàng năm Phân ban Ni giới các tỉnh thành đều đăng cai tổ chức lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di. Một là để chư Ni toàn quốc vận dụng trí năng tuệ giác và lòng thành kính tột bậc của mình để báo đáp đạo tình sâu nặng của Đức Tổ sư Ni đã vì giới khai kiến Ni đoàn. Hai là để niệm ơn giáo dưỡng một đời nên tuệ mạng của các bậc Tôn trưởng lãnh đạo Ni giới PGVN qua các thời kỳ…”
Rồi Ni trưởng lại ân cần nhắc nhở: “Chúng ta biết rằng mặt trời không thể làm việc của mặt trăng, mặt trăng cũng không thể làm việc của mặt trời. Thì xin toàn thể chư Tôn đức Ni hãy tuân thủ và hành trì Bát bất khả quá pháp. Vì sao thế? Bởi nếu không có lòng bi mẫn và biện tài của tôn giả Anan cầu thỉnh thì làm sao giờ này chư Ni có là được một trong nhị bộ Đại Tăng như hôm nay. Thế nên, Bát Kỉnh Pháp cũng chính là nền tảng giới điều đầu tiên mà Đức Thánh Tổ Kiều Đàm Di vì sự có mặt của Ni đoàn đã tuyên thệ trước Đức Thế Tôn và Đại Tăng là phải tận hình thọ.”
Bên cạnh sự thể hiện lòng thành kính vô biên, trân giữ Bát Kỉnh pháp “Riêng với Ni bộ thì cho dù phải trải qua bao cuộc bể dâu, nhưng đoàn thể ấy vẫn nhẫn nại, vẫn miệt mài và thầm lặng vượt qua tất cả bao chướng duyên trở ngại để đi như một dòng sông, đem phù sa đến mọi miền đất nước tưới tẩm và gieo trồng những hạt mầm tuệ giác làm lợi lạc quần sinh”.
Thế đó, Kiều Đàm Di Ni phái đi cùng nắng sớm mưa chiều, đi suốt chiều dài lịch sử dân tộc vẫn giữ vẹn nguyên hình ảnh “Người con gái Đức Phật như vầng trăng trong”.
Giác Nguyện (ĐSHĐ-128)