Nguyên Hoa, một Ni sinh 24 tuổi, vừa khép lại học kỳ một năm nhất tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM. Hôm nay Học viện cho phép về Tết, Cô liền ra bến xe để trở về Hà Tiên. Sau nhiều tiếng đồng hồ, Cô đã về đến chùa, đây là mái chùa cổ kính – nơi đã ôm trọn những tháng năm tuổi thơ và luôn là ngôi nhà chánh pháp thân thương trong trái tim cô. Ngôi chùa ấy, dù chỉ có Sư phụ lặng lẽ chăm nom, vẫn giữ nguyên nét trầm mặc và an lạc, như một dòng suối mát lành mà Nguyên Hoa không ngừng tìm về mỗi khi được nghỉ học theo phép của trường.
Chùa nơi Nguyên Hoa lớn lên không chỉ là nơi cô được dạy dỗ trong pháp, mà còn là nơi cô nhận được tình yêu thương vô bờ từ Sư phụ của mình, người đã một tay nuôi dưỡng cô trưởng thành, dìu dắt cô trên con đường tu học. Cô nhớ rõ những năm tháng thơ ấu, những ngày dài cùng Sư phụ sớm hôm công quả, công phu, được Sư phụ dạy về từ bi, trí tuệ, lòng kiên nhẫn, từng bài Tỳ ni, oai nghi, chú Lăng Nghiêm, … Ấy vậy mà thấm thoắt cũng 12 năm rồi.
Mùa xuân đã về, đất trời trong lành trở nên vui tươi, ấm áp làm cô thêm yêu quý ngôi chùa này. Con đường dẫn vào chùa vẫn như ngày xưa, những nhánh cây, ngọn cỏ bên đường như vẫy gọi, niềm nở chào đón cô đã về. Ngôi chùa cổ kính giữa đất Hà Tiên là nơi cô luôn cảm thấy bình an, là nơi trái tim cô cảm nhận được tình thương vô bờ của Đức Phật và của Sư phụ.
Khi Nguyên Hoa vào đến chánh điện, cô nhìn về phía điện Di Lặc thấy Sư phụ đang bận rộn dọn dẹp khu vườn phía sau chùa. Dù tuổi đã cao, nhưng Sư phụ vẫn luôn làm việc suốt ngày để giữ cho chùa luôn sạch đẹp, như một minh chứng cho lòng kiên trì và tình thương vô hạn dành cho Phật pháp và cho đệ tử.
Nguyên Hoa chạy đến xá Sư phụ với vẻ mặt rạng rỡ, vui tươi:
– Dạ mô Phật thưa Sư phụ con mới về ạ.
Sư phụ nghe giọng nói quen thuộc, tay ngừng dọn dẹp, quay lại nhìn Nguyên Hoa mỉm cười, đôi mắt lộ rõ niềm vui:
– Con về rồi hả? Con vào cất đồ rồi xuống ăn sáng nha con, hôm nay Sư phụ nấu nui cho con ăn đó.
– Dạ ngon quá thưa Sư phụ, dạ con vào ăn sáng đây ạ. Hihi.
Nguyên Hoa cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì cô cảm nhận được sự ấm áp từ ánh mắt và lời nói của Sư phụ. Một niềm cảm xúc mãnh liệt rần rần trong người cô, có lẽ là sự xúc động mạnh, bởi cô hiểu rõ Sư phụ biết cô thích ăn nui nhất. Cô cảm thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh, như thể tất cả tình thương và quan tâm của Sư phụ đang được truyền vào tim cô.
Đêm trước Giao thừa, khi mọi người đã về nghỉ ngơi, một cơn gió mạnh thổi qua, làm ngọn nến thắp cúng Phật trong khu thư viện sách bị ngã. Ngọn lửa bùng lên nhanh chóng, đe dọa thiêu rụi cả thư viện nhỏ chứa những kinh sách quý giá.
Nguyên Hoa thức giấc bởi tiếng la hét và mùi khói nồng nặc. Cô chạy vội ra ngoài và thấy Sư phụ, với dáng người nhỏ bé nhưng kiên định, đang cố gắng dùng nước dập lửa. Dù tuổi đã cao, Sư phụ không ngần ngại lao vào bên trong để dập lửa và mang những cuốn kinh, sách ra ngoài. Hốt hoảng và lo sợ, Nguyên Hoa hét lớn:
– Dạ mô Phật Sư phụ cẩn thận ạ.
Cô chạy vào trong bếp lấy nhanh bình xịt chữa cháy ra để tiếp Sư phụ chữa cháy. Ngọn lửa đỏ rực phản chiếu lên gương mặt Sư phụ, làm sáng bừng đôi mắt một bậc Ni lưu tuy lớn tuổi mà kiên định lắm. Cuối cùng, ngọn lửa được dập tắt, nhưng đôi tay của Sư phụ đầy những vết bỏng, quần áo cháy sém.
Trong khoảnh khắc ấy, Nguyên Hoa như chững lại. Hình ảnh Sư phụ – người đã dành cả đời để làm tròn vai trò “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai Tạng”, gìn giữ Phật pháp và dạy dỗ cô. Cô cảm nhận được Sư phụ như một vị Phật sống, giây phút này trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Không chỉ là một người thầy, Sư phụ còn là biểu tượng của lòng từ bi và sự hy sinh cho đạo pháp trong thời hiện đại.
Sau khi mọi thứ được ổn định, Sư phụ ngồi bên hiên chùa, ánh đèn dầu le lói trên khuôn mặt trầm tư. Nhìn thấy đôi tay băng bó của Người, Nguyên Hoa không kìm được nước mắt. Cô quỳ xuống bên cạnh để xem vết thương của Sư phụ, cô thầm trách bản thân vì không thể làm gì nhiều hơn.
Sư phụ chỉ mỉm cười, ánh mắt hiền từ nhưng sâu thẳm như biển lớn:
– Con ơi, ngôi chùa không chỉ là nơi để Phật tử đến cầu nguyện, thực hiện tín ngưỡng, tụng kinh mà còn là ngọn đuốc soi sáng Phật pháp. Con phải học cách mang ánh sáng ấy ra đời mở truyền khắp rộng rãi đến muôn loài, không để nó tắt đi, dù chỉ một lần nha con. Phải biết giữ gìn của Tam bảo như đôi mắt của mình vậy con ạ.
Những lời nói ấy như một mũi tên thẳng vào lòng cô. Nguyên Hoa chợt hiểu rằng trách nhiệm của cô không chỉ dừng lại ở việc học tập, mà còn là tiếp nối, bảo vệ và lan tỏa những giá trị mà Sư phụ đã gìn giữ suốt cuộc đời.
Hôm nay là ngày cuối cùng của năm Giáp Thìn, Nguyên Hoa cùng các Phật tử trong chùa chuẩn bị gói bánh tét đón giao thừa. Những bàn tay chăm chỉ gói bánh, xào nhân, xào nếp… tạo nên những chiếc bánh đẹp mắt, thơm ngon. Trong tiếng cười rộn rã của mọi người, Nguyên Hoa cảm thấy thật sự hạnh phúc, dù công việc có vất vả, nhưng chính không khí này đã làm cô cảm nhận được sự yêu thương, sự hòa hợp và đặc biệt là dù ngoài kia có biến cố gì thì những người Phật tử tín tâm, hiểu rõ giáo lý vẫn miệt mài một lòng mang tâm niệm cùng Sư phụ “hộ trì chánh pháp”, thật là một điều tuyệt vời.
Ngày mùng Một Tết, chùa đông đúc khách thập phương, vì đây là một khu di tích cấp tỉnh, lại nằm trong khu du lịch nổi tiếng. Nguyên Hoa, Sư phụ và các Phật tử trong chùa bận rộn chuẩn bị bún Huế chay cho các Phật tử và du khách. Dù công việc mệt nhọc, nhưng không khí Tết vẫn làm mọi người cảm thấy vui tươi và an lạc. Những lời chúc tụng, những nụ cười sáng ngời từ mọi người làm Nguyên Hoa cảm thấy yêu thương cuộc sống này hơn bao giờ hết.
Thời gian trôi qua nhanh chóng, và rồi ngày cô phải quay lại thành phố để tiếp tục việc học cũng đến gần. Một cái vali và một balô đã sẵn sàng. Cô bước ra thưa Sư phụ để lên thành phố tiếp tục nhập học. Sư phụ đưa cho cô một cuốn kinh cũ, bìa đã cháy sém đôi chút trong vụ hỏa hoạn, với ánh mắt hiền từ và lời nói nhẹ nhàng:
– Hồi còn bằng tuổi con, Sư phụ hay đọc cuốn sách này lắm, nó theo Sư phụ hơn 40 năm rồi đó con. Sư phụ mong con luôn nhớ một điều là ngọn lửa có thể làm kinh sách cháy, nhưng không thể thiêu rụi chân lý. Cũng như vậy, con đường của con, dù khó khăn thế nào, hãy giữ tâm sáng để không lạc lối nha con.
Nguyên Hoa bước ra cổng chùa, lòng nặng trĩu như mang cả tình thương và kỳ vọng của Sư phụ. Dáng người nhỏ bé nhưng vững chãi của Sư phụ đứng đó, như một ngọn núi trầm mặc, ánh mắt hiền từ dõi theo cô, vừa chứa đựng sự lo lắng, vừa tràn đầy niềm tin.
– Con phải giữ gìn sức khỏe, đừng quên tu dưỡng đạo đức và trí tuệ. Dù ở đâu, thế nào thì con vẫn là đệ tử của Sư phụ – lời dặn nghẹn ngào của Sư phụ vang lên trong tâm trí cô.
Mỗi bước đi rời xa, Nguyên Hoa càng thấm thía tình thương vô bờ bến và sự hy sinh thầm lặng của người Thầy kính yêu. Cô hiểu rằng, con đường phía trước không chỉ là hành trình học hỏi, mà còn là trách nhiệm giữ gìn ánh sáng Phật pháp, mang từ bi và trí tuệ lan tỏa cho đời.
Bước ra khỏi cổng chùa, trước mặt là giữa phố thị và dòng xe đông đúc, cô không cảm thấy cô đơn. Trong lòng cô, hình ảnh Sư phụ và những bài học quý giá luôn là ngọn lửa ấm áp, soi đường, chỉ lối. Cô tự nhủ: “Con sẽ không làm Sư phụ thất vọng.” Mùa xuân ấy, điều gì cũng mới, trên con đường mới của cuộc đời mình, cô bước đi vững vàng hơn, mang theo niềm tin, lòng biết ơn, và một lời hứa từ tận đáy lòng: tiếp nối, phát huy và phụng sự.
Hôm nay, nơi Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, vẫn còn không khí mùa xuân, cây cối xanh tươi và nở rộ những bông hoa rực rỡ, nhớ lại người Thầy khả kính, cô đã cảm tác bài thơ:
Mùa xuân trời đất rạng ngời
Như đang nhắn nhủ những lời yêu thương
Nhắc ai chân bước phi thường
Đi qua thử thách, dặm trường gian nan
Để truyền giáo pháp vẻ vang
Đá mềm, chân cứng chẳng nan nhọc nhằn.
Đầu tiên nghĩ đến thâm ân
Song thân, Thầy Tổ, vạn nhân trên đời
Tiếp đến hạnh nguyện rạng ngời
Truyền trao chánh pháp hiện thời nhân gian.
Đất trời xuân đẹp muôn ngày
Tại nơi Học viện bình an lạ thường
Mong ai trên khắp nẻo đường
Tâm an, trí sáng, tỏ tường lý chân.
Gửi đến Sư phụ thâm ân:
“Nguyện như Sư phụ dấn thân, phụng vì”
Ất Tỵ ơi, hãy khắc ghi
Mùa xuân ấm áp, lời thi tặng đời.
Thiện Giác (ĐSHĐ-136)