Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế (Sakyadhita) được thành lập tại Bodhgaya, Ấn Độ vào năm 1987. Mục đích của tổ chức này nhằm kết nối Nữ giới Phật giáo trên khắp thế giới, đem lại lợi ích cho nữ giới, thiết lập sự trao quyền cho họ, giảm bớt sự bất bình đẳng về giới, đánh thức những tiềm năng chưa được khai phá của nữ giới để góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng 110’11. Từ đó đến nay, Sakyadhita đều đặn tổ chức hội nghị ở nhiều quốc gia, lãnh thổ, thu hút nhiều đại diện cộng đồng Nữ giới Phật giáo các nước đăng ký tham dự. Điều này đã làm nên uy tín lẫn sự kết nối rộng lớn của cộng đồng Nữ giới Phật giáo thế giới nhằm mục đích ngày càng tương tác, phát triển mạnh mẽ hơn, tăng cường tính đa dạng và sự đối thoại mang đến sự hiểu biết, tầm nhìn cho tưong lai. Tính đến năm 2019, Sakyadhita đã tổ chức thành công vang dội 16 lần hội nghị. Nhắc đến Sakyadhita không thể không nhắc đến Ni sư Karma Lekshe Tsomo – một giáo sư người Mỹ giảng dạy Phật học tại Đại học San Diego. Ni sư là người sáng lập và là cựu Chủ tịch của Hiệp hội này.
Ni giới Việt Nam bắt đầu chính thức tham gia hội nghị từ năm 2000. Vào năm 2000, Sư cô Như Nguyệt trong nhóm 8 Sư cô Việt Nam đang du học tại Ấn Độ, đi nghe Ni sư Karma Lekshe Tsomo thuyết giảng tại Đại học New Delhi. Ni sư đã tiếp xúc, trò chuyện và mời tất cả tham dự Hội nghị Sakyadhita lần thứ 6 được tổ chức tại Lumbini (Nepal). Cho nên, đây là cột mốc đánh dấu Ni giới Việt Nam liên tục đồng hành, phát triển cùng Sakyadhita đến ngày hôm nay, tạo ra cho họ những niềm cảm hứng, khát vọng để được chào đón trong vòng tay rộng mở của Sakyadhita. Hơn thế nữa, những hội nghị được tổ chức gần đây đã thu hút chư Ni Việt Nam đăng ký tham gia đông hơn, nhằm tăng cường học hỏi, sự hiểu biết và giao lưu với cộng đồng Nữ giới Phật giáo thế giới. Năm 2015, hội nghị lần thứ XV tổ chức tại Hồng Kông, có khoảng 170 đại biểu Việt Nam tham dự. Đến hội nghị lần thứ XVI tại Úc (2019), Ni giới Việt Nam tham gia ngày một đông hơn, ước tính trên 200 đại biểu đến từ nhiều vùng, miền trong cả nước. Vì thế, có thể nói rằng, Sakyadhita ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của Ni giới Việt Nam.
Một thực tế là, ở nhiều hội nghị Sakyadhita, tôi nhận thấy chư Ni Thành phố Hồ Chí Minh tích cực đăng ký, đóng vai trò nòng cốt trong khâu tổ chức, luôn trở thành nhóm đông nhất trong các phái đoàn Ni giới Việt Nam đi tham dự những hội nghị gần đây. Không chỉ có quý Ni trưởng (Ni trưởng Tịnh Nguyện, Ni trưởng Huệ Từ, Ni trưởng Như Châu, Ni trưởng Từ Nhẫn,…) mà ngày càng nhiều quý Ni sư, Sư cô nhiệt tình tham gia đoàn đi đến Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Hồng Kông, Ấn Độ dự hội nghị. Điều này cho thấy rằng, chư Ni Thành phố Hồ Chí Minh luôn ý thức về việc học hỏi kinh nghiệm, mong muốn giao lưu, học tập và tự thân phát triển để nhận diện những ưu trội lẫn hạn chế từ cộng đồng Nữ giới Phật giáo thế giới. Tu tập và sinh hoạt tại thành phố lớn nhất của cả nước có nền kinh tế phát triển, xã hội năng động, con người cởi mở, nhạy bén, đã tạo duyên cho chư Ni luôn ý thức quan tâm đến việc mở rộng sự giao lưu, học hỏi với thế giới Phật giáo bên ngoài, trong đó có Sakyadhita. Theo đánh giá của tôi, Ni giới Việt Nam nói chung cũng như chư Ni Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng học hỏi kinh nghiệm từ Sakyadhita qua các lần hội nghị ở những điểm nổi bật sau:
1/ Các diễn đàn khoa học trao đổi mang tính học thuật cao, chất lượng và thẳng thắn.
2/ Tổ chức linh hoạt, gọn gàng, mang yếu tố tâm linh cao, gắn liền với 2 yếu tố trí tuệ và giải thoát.
3/ Tạo nhiều cơ hội cho chư Ni các nước trao đổi, tiếp xúc qua các workshop như thiền, vẽ tranh,… Đồng thời, cũng như nhiều ý kiến từ phía chư Ni Việt Nam cho rằng điểm yếu của Ni giới nước ta là còn rụt rè, chưa có kinh nghiệm giao tiếp nhiều, đặc biệt là chưa sử dụng được tiếng Anh. Mặt khác, cá nhân tôi và nhiều vị Ni khác luôn tự hào rằng Ni giới Việt Nam là một Ni đoàn lớn và phát triển mạnh, vững chắc và có truyền thống lâu đời, nhiều đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc qua hai ngàn năm lịch sử. Đặc biệt, nguyên nhân đưa đến thành quả này đó là chư Ni nước ta được đào tạo Phật học lẫn thế học bài bản, được Giáo hội tin tưởng giao trách nhiệm trực tiếp nhiều công tác Phật sự, nên tích lũy nhiều kinh nghiệm tu tập lẫn hành đạo, nhận được sự hộ trì to lớn của giới nam, nữ Phật tử. Nhìn chư Ni một số nước, chúng tôi thật cảm động và mong muốn đóng góp, giúp đỡ các vị thật nhiều, vì con đường tu tập, trải thân hành đạo của họ sao quá nhiều chông gai, thử thách, như thiếu thốn tịnh tài, tịnh vật, tự bươn chải tìm kiếm công việc để trang trải sinh hoạt ở phương Tây. Sự phục hồi và phát triển Ni giới Nam tông vẫn còn là con đường gian nan ở phía trước, nhất là trong việc tổ chức thọ Đại giới cũng như tìm kiếm sự ủng hộ, chấp thuận từ lãnh đạo Tăng già một số nước như Thái Lan, Campuchia, Myanmar,…Tính bước ngoặt và cơ hội, niềm hãnh diện lớn nhất của Ni giới Việt Nam đối với Sakyadhita là lần đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 11 tại chùa Phổ Quang (Thành phố Hồ Chí Minh). Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa mới của Việt Nam được chọn làm nơi tổ chức, cung đón 3.000 đại biểu từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây được xem là hội nghị lớn nhất trong lịch sử Sakyadhita trước nay với quy mô tổ chức bài bản, long trọng và chu đáo, niềm nở trong tình Linh Sơn cốt nhục giữa những người con gái Đức Phật trên toàn thế giới. Làm nên thành công này, phải kể đến sự đóng góp to lớn của Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh tham gia tích cực trên tất cả các phương diện. Qua đây, chúng ta nhận diện rõ về tiềm năng của chư Ni thành phố về mọi mặt: Học vấn, kinh nghiệm tổ chức, kỹ năng giao tiếp, ẩm thực, trang trí,…Nhưng theo tôi, điều cốt lõi nhất chính là sự nhiệt tâm cũng như khát vọng vươn ra biển lớn để hòa cùng biển cả trí tuệ và giải thoát bao la, vô tận, trong đó có Sakyadhita – ngọn hải đăng của cộng đồng Nữ giới Phật giáo trên toàn cầu này. Phải chăng điều này được hình thành từ phẩm chất nổi bật của con người trên mảnh đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là sự cởi mở, thân thiện, mở rộng tâm hồn và đôi tay để thu nhận những giá trị tinh hoa văn hóa mới của Đông lẫn Tây từ hàng trăm năm qua?Không thể không nhắc đến nhiều chuyến viếng thăm Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh của quý Ni sư (Ni sư Karma Lekshe Tsomo – Nguyên Chủ tịch Sakyadhita, Ni sư Palmo Tenzin – đương kim Chủ tịch Sakyadhita) cùng nữ cư sĩ lãnh đạo tổ chức này (TS. Christie Chang – Phó Chủ tịch Sakyadhita) để giao lưu, tìm hiểu về sinh hoạt tu học, hành đạo tại các ngôi chùa Ni, trò chuyện với giới trí thức, học giả Phật giáo của Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, quý vị đã đến thăm chùa Từ Nghiêm, chùa Pháp Võ, chùa Long Phước, chùa Vĩnh Trường,… Đồng thời cùng đi vấn an chư Trưởng lão Ni, viếng thăm, giao lưu cùng chư Ni là giảng viên, Ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, trực tiếp tìm hiểu các hoạt động từ thiện – xã hội tại các tự viện Ni. Những buổi trao đổi thân mật, thắm tình đạo vị, những ân cần, niềm nở, những món chay tinh khiết chắc chắn đã đọng lại trong tâm khảm các Ni sư, cư sĩ những kỷ niệm đẹp và sâu sắc. Tôi nhớ nhiều lần Ni sư Tsomo ca ngợi tinh thần vô ngã, chân thành và tài hoa của Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng như Ni giới Việt Nam nói chung. Với tôi cũng như nhiều chư Tôn đức Ni của thành phố, mỗi khi tiếp xúc với quý Ni sư, nhất là Ni sư Tsomo, là một niềm vinh hạnh lớn, được trao truyền và lan tỏa tinh thần cống hiến, phụng sự Tam bảo và chúng sanh trong tinh thần bình đẳng giới tính, khát vọng vươn lên trên con đường giác ngộ, giải thoát.Cuối cùng, nhân Tọa đàm khoa học Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh tiềm năng và phát triển lần này, cá nhân tôi bày tỏ mong muốn Phân ban Ni giới Trung ương cố gắng kết nối, tiếp tục đăng cai tổ chức Hội nghị Sakyadhita một lần nữa tại Việt Nam, để chư Ni có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tu tập, hoằng pháp của Ni giới các nước, đồng thời phát huy tiềm năng, thế mạnh đóng góp vào việc xây dựng cộng đồng Nữ giới Phật giáo thế giới ngày càng trang nghiêm, vững mạnh. Hy vọng, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi đăng cai tổ chức Hội nghị này trong niềm hạnh phúc và hoan hỷ vô biên!
NS. Thích Chúc Tường