“Một tấm lòng vàng” là những ngôn từ mà Phật tử vùng U Minh sử dụng để nói về Ni trưởng Huệ Hương, người đã nhiều lần đến U Minh làm từ thiện với tâm ý “thi ân bất cầu báo”.
Nếu ai đã từng được gặp Ni trưởng Huệ Hương, Trụ trì Tổ đình Bửu Phong, một ngôi chùa cổ trên núi Bửu Phong, tỉnh Đồng Nai, sẽ không khó để nhận ra hình ảnh một vị Trưởng lão Ni với đầy đủ phẩm hạnh của một người con Phật, đó là “Bi – Trí – Dũng”.
Phẩm hạnh “Bi – Trí – Dũng” đã được Ni trưởng thể hiện trong suốt cuộc đời tu tập và hành pháp, trên nhiều cương vị quan trọng. Từ năm 1972 đến 1975, Ni trưởng là Trưởng ban Từ thiện Xã hội liên tỉnh miền Đông, Ủy viên ngoại vụ của Viện Tăng thống GHPGVN. Từ năm 1982 đến 2009, Ni trưởng từng là Phó Hiệu trưởng Trường Cơ bản Phật học Đồng Nai, Chánh Đại diện Phật giáo thành phố Biên Hòa, Ủy viên Văn hóa BTS GHPGVN Đồng Nai, Phó ban Từ thiện Xã hội Trung ương GHPGVN.
Hiện nay, Ni trưởng là Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Phân ban Ni giới Trung ương, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng Phân ban Ni giới Đồng Nai.
Trên cương vị Trụ trì đời thứ 18 của Tổ đình Bửu Phong (từ năm 1988 đến nay), Ni trưởng đã tiếp nối và duy trì truyền thống hành trì tu tập của Tổ đình và phát huy chánh pháp, trùng hưng ngôi Tổ đình Bửu Phong ngày càng tráng lệ và trang nghiêm, xứng đáng là một danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Ni trưởng luôn tích cực trong công tác đối ngoại, giúp nâng cao hình ảnh của Ni giới Việt Nam trên trường quốc tế. Ni trưởng đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế như: Hội nghị Phụ nữ Thế giới tại Bắc Kinh (1995), Đại hội Thế giới về vai trò Nữ giới Phật giáo tại Hamburg – Liên bang Đức (2007); Hội nghị Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita tại Malaysia (2006), Mông Cổ (2008), Thái Lan (2011), Hong Kong (2017)…
Trong những Hội nghị Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita, Ni trưởng luôn có những đóng góp tích cực. Đặc biệt, tại Hội nghị Sakyadhita lần thứ 10 tại Mông Cổ (2008), Ni trưởng đã dũng mãnh đứng lên nhận cờ luân lưu đăng cai tổ chức Hội nghị Phụ nữ Phật giáo thế giới Sakyadhita tại Việt Nam. Ni trưởng là Phó Chủ tịch Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới Sakyadhita lần thứ 11 tại thành phố Hồ Chí Minh (cuối 2009 và đầu 2010). Với vai trò phụ trách đối ngoại, Ni trưởng đã tham gia nhiều hội nghị mang tầm vóc quốc tế, mang tiếng nói của Ni giới làm lợi lạc cho Phật giáo Việt Nam nói chung, Ni giới nói riêng, hòa mình cùng Phật giáo thế giới trong thời hội nhập.
Ni trưởng Huệ Hương còn là một người cống hiến không ngừng cho công tác đào tạo, giáo dục và phát triển Ni giới trong thời kì hội nhập.
Trong bài tham luận trình bày tại Đại hội Phật giáo Đồng Nai (2012 – 2017), Ni trưởng Huệ Hương đại diện cho hơn 2500 vị Ni ở Đồng Nai đã nêu lên tiếng nói của Ni giới Đồng Nai, mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi cho Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương hoạt động theo đúng nội quy và quy chế, nhằm ổn định Ni giới trong tỉnh, giảm bớt gánh nặng cho Ban Tăng sự.
Đối với công tác giáo dục Ni giới, Ni trưởng Huệ Hương cho rằng tương lai Phật giáo Việt Nam, còn tồn tại đậm màu sắc dân tộc, và phát triển bền bỉ trong nước và quốc tế hay không, là trách nhiệm ngành giáo dục Phật giáo. Đào tạo người kế thừa thì phải qua chọn lọc, giáo dục toàn diện đáp ứng các tiêu chí của thời đại Phật giáo toàn cầu.
Hơn ngàn năm trước, và nhiều thập kỷ qua, lịch sử Phật giáo Việt Nam đã ghi lại những tấm gương sáng về đạo hạnh và tinh thần tu học nghiêm túc, như Công chúa Bát Nàn, Bà Thiều Hoa, Vĩnh Huy, Phương Dung… từ thời Hai Bà Trưng, Ni sư Diệu Nhân, thời Nhà Lý. Đến thế kỷ XX, đã có nhiều bậc Trưởng lão Ni như Sư bà Diệu Tịnh, Sư bà Hồng Nga, Sư bà Diệu Kim, Sư trưởng Như Thanh, Ni trưởng Đàm Minh, Ni trưởng Diệu Không, Ni trưởng Giác Nhẫn… Nhìn lại, chư Ni trẻ ngày nay trình độ cấp bằng học vị không thiếu. Nếu so kiến thức chiều ngang (thế học), như là ngoại ngữ, khoa học, hoạt động ngoại giao quốc tế và các cấp bằng học vị thì có thể nói, các Ni trẻ hơn quý Trưởng lão Ni thời trước, nhưng kiến thức Phật học uyên thâm và nội lực tu tập, tinh thần khiêm cung còn phải nương vào học tập ở quý Trưởng lão Ni tiền bối rất nhiều.
Ni trưởng đề xuất nhiều hình thức giáo dục tiến bộ như: Lập trường nội trú riêng cho Ni; cần có chương trình giảng dạy áp dụng chung cho cả nước; hoàn chỉnh bộ giáo án của các cấp. Được như vậy, việc dạy và học mới thống nhất thành một hệ thống giáo dục; giáo dục của vị Bổn sư: Cho nên, 50% thời gian sống với Bổn sư là học nội điển thâm hậu.
Trong nhiều bài phát biểu của mình, Ni trưởng Huệ Hương đều khẳng định: trong những năm gần đây, Ni giới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển rất nhanh. Đó là nhờ sự giúp đỡ của các ngành có liên quan và Trung ương Giáo hội đã cho tái lập Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN. Việc thành lập Phân ban Ni giới đã chắp cánh cho Ni giới Việt Nam đi vào bầu trời thế giới hội nhập. Từ đó, Ni giới đã tổ chức thành công tốt đẹp Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới Sakyadhita lần thứ 11 năm 2010 tại TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam. Qua hội nghị trên, Nữ giới Phật giáo thế giới biết nhiều về Ni giới Việt Nam.
Hiện nay, có thể nói Ni giới của GHPGVN đủ điều kiện phát triển, nhưng điều quan tâm ở đây là phát triển như thế nào cho được vững chắc và tồn tại lâu dài. Ni trưởng Huệ Hương cho rằng nên kết hợp vừa giáo dục chương trình truyền thống (khuôn khổ); vừa chương trình hiện đại, thì mới đáp ứng được nhu cầu xã hội hiện tại. Thực hiện được điều này, là chờ đợi ngành giáo dục Phật giáo Trung ương, hoạch định chương trình đào tạo cụ thể. Nhưng trước tiên, mong quý Trưởng lão Ni quan tâm nhiều hơn về giáo dục thế hệ Ni trẻ kế thừa ở tương lai.
Ở cương vị là Phó ban Trị sự kiêm Trưởng Phân ban Ni giới Đồng Nai, Ni trưởng Huệ Hương luôn tích cực hoàn thành trọng trách. Đồng thời, Ni trưởng cũng đem tâm lực, trí lực, tài lực, để phục vụ nhân dân, xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Những đóng góp miệt mài của Ni trưởng đã được Nhà nước vinh danh và trao tặng huy chương, huân chương, bằng khen, giấy khen các cấp. Đó là phần thưởng xứng đáng, khẳng định những cống hiến to lớn của Ni trưởng cho sự nghiệp phát triển Ni giới nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung.
Với tâm nguyện “Hoằng pháp lợi sanh, báo Phật ân đức”, Ni trưởng luôn dấn thân mạnh mẽ trong mọi hoạt động Phật sự. Ni trưởng không từ bỏ cơ hội nào để phục vụ Đạo pháp – Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, phát huy chánh pháp.
TKN. Huệ Hiếu (ĐSHĐ-054)