Viện chủ Tổ đình Sắc Tứ Linh Thứu xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Tiếp Dẫn Đạo Sư A – di – đà Phật.
Nam mô Linh Thứu Đường Thượng Lịch Đại Truyền Giáo Tổ Sư tác đại chứng minh.
Thác tích vào đời để độ sanh
Một khi tâm nguyện đã viên thành
Thu thần xã mọi duyên trần thế
Về cảnh liên đài nơi bất sanh.
Than ôi !
Chốn song lâm mây ẩn bóng ưu đàm
Dép cỏ lối về còn hiển hiện
Miền Thiếu Thất trăng lồng gương Bát Nhã
Mênh mông bể học Thuyền Từ che chở mất đi rồi.
Ni trưởng pháp Húy Nhựt Hương-tự Diệu Chơn, Như Chơn-hiệu Trí Hiển. Tên thật là Nguyễn Thị Mười, sinh năm Mậu Ngọ 1917 tại làng Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho nay là tỉnh Tiềng Giang. Là đệ tử đắc pháp với Sư Tổ Hoằng Khai Kiểu Đạo, hiệu Thiện Minh Hồng Khê chùa Hội Phước-Tân Thạch, Bến Tre. Thuộc dòng Lâm Tế gia phổ đời thứ 41.
Thân sinh của Ni trưởng là cụ ông Nguyễn Văn Thiện, thân mẫu là cụ bà Đoàn Thị Nga, thuộc gia đình trung lưu gia giáo, đạo đức, hiền lương. Ông bà đều tín ngưỡng và tu theo đạo Phật.
-
Thuở thiếu thời:
Là con gái út xinh đẹp trong một gia đình có 10 anh em, nhưng Ni trưởng rất được ông bà thương yêu chiều chuộng. Vì bản tánh thông minh nên lớn lên Người được cha mẹ cho cắp sách đến trường làng học chữ quốc ngữ.
Nhà ở gần chùa Sắc Tứ Linh thứu nên Ni trưởng thường theo mẹ đến chùa lễ Phật trong những ngày rằm vía. Do vậy dần dần Ni trưởng đã có cảm tình và mến mộ Phật pháp.
Năm 1933, Ni trưởng 16 tuổi, được cha mẹ cho đến chùa Linh Thứu thọ Tam quy Ngũ giới với Bổn sư là ngài yết ma thượng Chơn hạ Huệ- trụ trì chùa Linh Thứu lúc bấy giờ. Với lòng mộ đạo thâm sâu, từ đây Ni trưởng thường xuyên đến chùa công quả, tụng kinh huân tập duyên lành.
2.Thời kỳ xuất gia tu học
Năm 1935, Ni trưởng 18 tuổi, cha mẹ muốn cho lập gia thất, nhưng Người đã từ chối và phát nguyện xin cha mẹ cho được xuất gia. Căn lành và nhân duyên đã đến, được cha mẹ bằng lòng, Ni trưởng đến Tầm Vu, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, nơi chùa Bảo Tàng làm lễ thế phát xuất gia theo hàng Ni giới.
Khi chí nguyện đã đạt thành, Ni trưởng đã cùng Ni chúng xin đi học đạo.
Năm Đinh Sửu 1937, Người đến chùa Long Thạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, đảnh lễ Ni sư Thích Như Trí Diệu Kim (Bảo An) cho ở chùa học đạo, hành trì khóa lễ rành rẽ mới theo Hòa Thượng Bửu Chung học giáo lý và Hòa Thượng Hoằng Thông học sự.
Năm 1938, Ni trưởng đến chùa Hội Phước ở Rạch Miễu tỉnh Bến Tre để xin thọ giới Sa-di ni, Thức-xoa-ma-na và Tỳ-kheo ni do Tổ Sư Hoằng Khai truyền thọ. Suốt 5 năm tu học tại đây, Ni trưởng đã thọ tam đàn cụ túc và học kinh bộ, Nhị Khóa Hiệp Giải, Quy Nguyên Trực Chỉ. Đắc pháp với Cụ Tổ Hoằng Khai Kiểu Đạo.
Năm Canh Thìn 1940, Tổ Hoằng Khai Hồng Khê khai trường Hương tại chùa Thiên Phước Tân Hương Khánh Hậu Long An, Ni trưởng cùng tất cả ni chúng lúc đó đều nô nức xin đi nhập hạ ba tháng. Do đã trãi qua nhiều năm tận tụy học đạo với quý Hòa Thượng Thạc đức, Ni trưởng đã được những thành tựu đang nể, nên trong lần An cư này Người được đại chúng công cử làm chánh chúng trong Ban Chức Sự trường hạ. Suốt ba tháng An cư tại chùa Thiên Phước, đại chúng cảm phục và theo học với Ni trưởng đạt kết quả rất tốt đẹp.
Năm Quý Mùi 1943, cụ Tổ Khánh Anh khai lớp gia giáo tại chùa Linh Phong dạy về Duy Thức Học, Ni trưởng cùng với các vị ni khác theo học ở đó một năm.
Năm Giáp Thân 1944, Ni trưởng theo học kinh bộ với Hòa Thượng Bửu Chung tại Nha Mân, sau chuyển về chùa Vạn An học tiếp đến mãn khóa…
Năm ất Dậu 1945, Ni trưởng theo học luật với Hòa Thượng Hiển Cơ Giác Tâm tại chùa Công Khoa (?) ở Sa Đéc nhưng do chiến tranh nên lớp học chỉ tồn tại được một thời gian ngắn.
Năm Đinh Hợi 1947, tại chùa Viên Giác – Bến Tre, pháp sư Kiểu Lợi mở lớp dạy giáo lý, Ni trưởng lại tiếp tục xin nhập học. Khi mãn lớp, nghe tin Hội Lưỡng Xuyên Phật Học tại Trà Vinh có mở Ni Trường do Hòa Thượng Huệ Quang và Hòa Thượng Khánh Anh dạy nên Ni trưởng lại đến cầu học. Một thời gian sau, lớp học dời về chùa Vĩnh Bửu ở Thơm do Hòa Thượng Khánh Hòa giảng dạy; Ni trưởng do có nhiều thiện duyên với Phật pháp nên đã được dự học đầy đủ.
Năm Mậu Tý 1948, chùa Viên Giác ở Bến Tre lại mở lớp dạy luật do Hòa Thượng Giác Tâm làm chủ giảng, Ni trưởng cũng được về đây nhập học. Sau đó lại được học Trường Cao Cấp cùng với Ni Sư Thông Huệ, do Hòa Thượng Thiện Hòa từ Huế về dạy tại chùa Bảo An Bến Tre.
Năm 1957- 1968, Hòa Thượng Trí Tịnh mở lớp tại chùa Vạn Đức ở Thủ Đức dạy Đại Thừa Chỉ Quán và Pháp Hoa Thông Nghĩa, thì hai Ni trưởng cũng chuyển về đó học hai năm.
3.Thời kỳ hành đạo :
Năm 1950, quê nhà chiến tranh loạn lạc, Hòa Thượng Thành Đạo trụ trì chùa Sắc Tứ Linh Thứu về Sài Gòn khai sơn chùa Phật Ân, giao lại cho đệ tử là Ni Sư Như Nghĩa trông coi. Ni sư Như Nghĩa đã mới Ni Sư Thông Huệ và Ni Sư Như Chơn về cùng đảm trách Phật sự tại Tổ Đình Linh Thứu.
Từ đây ba Ni trưởng đã kề vai gánh vác ngôi Đại Già lam này trải qua bao sự nhọc nhằn thăng trầm của thời cuộc.
Năm 1956, Ni trưởng Như Thanh thành lập Ni Bộ Nam Việt, Người được cung thỉnh vào Ban Quản Trị Ni Bộ Việt Nam.
Năm 1957, Ni trưởng Như Thanh-Vụ trưởng Vụ Ni Bộ Bắc Tông ở chùa Từ Nghiêm, thừa lệnh của Hòa Thượng Thích Thiện Hòa-Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già, cho phép thành lập thêm các cơ sở Phật học viện ở các tỉnh, cho nên Ni trưởng Bắc tông từ chùa Dược Sư – Gò Vấp được dời về Tổ Đình Sắc Tứ Linh Thứu và mở lớp gia giáo bốn năm. Lớp mở có 20 ni sinh, giao cho Ni trưởng Như Như Thông Huệ quản lý, cùng với Ni trưởng Như Chơn và Ni trưởng Như Nghĩa đảm trách giảng dạy.
Từ năm 1960 – 1975, là thời kỳ mà tình hình chính trị cũng như kinh tế đất nước vô cùng khó khăn, nhưng ba Ni trưởng đã rất cố gắng để khởi công đại trùng tu ngôi Già lam đã đến hồi xuống cấp trầm trọng này. Lần lượt xây dựng lại từ Chánh điện, nhà Tổ, rồi đến Cổng tam quan, Thiền đường, Giảng đường.
Từ năm 1973-1979 Ni trưởng giữ chức vụ Đại Diện Ni Bộ Bắc Tông tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang).
Năm 1987 Tỉnh hội Phật giáo Tiền Giang mở khóa An cư Kiết hạ cho chư Ni tại chùa Linh Thứu, Ni trưởng đương kim chức vụ Chủ hương trường Hạ, Ni trưởng Như Nghĩa làm Hóa Chủ, Ni trưởng chùa Vạn Phước Kim Sơn làm Thiền Chủ. Nhờ oai lực Tam Bảo, sự hộ trì của Tỉnh hội Phật giáo, nên khóa An cư năm đó được thành công viên mãn.
Sau khóa An cư, chùa Linh Thứu lại bước vào giai đoạn trùng tu mới sau nhiều năm đình trệ. Lễ Hoàn Nguyện được cử hành 2 ngày vào năm 1991.
Từ năm 1990, dù tuổi cao sức yếu nhưng vì tiền đồ Phật pháp, vì ni giới hậu lai, Ni trưởng Như Chơn vẫn luôn luôn gương mẫu đảm nhiệm chức vụ Chủ Hương ba năm liền. Ngoài ra Giáo hội Tỉnh cứ 5 năm khai đại Giới đàn truyền giới cho Tăng Ni trong tỉnh, mà Tổ Đình Linh Thứu luôn là điểm chính để tổ chức Giới đàn Ni. Ni trưởng phải đảm trách ngôi vị Đàn đầu truyền giới cho Ni chúng suốt các Đại Giới đàn như: An lạc, Đôn Hậu, Từ Lâm, Thiên Trường.
Trong quá trình hành đạo, Ni trưởng đã đóng góp công lao rất nhiều cho Giáo hội, cho Phật pháp, vì vậy đã được Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang đề nghị tấn phong Ni trưởng trong lần Đại Hội Phật Giáo Tòan Quốc kỳ II tháng 11 năm 1987 tại Hà Nội. Ni trưởng cũng được Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh mời vào làm thành viên Mặt Trận Tổ Quốc nhiệm kỳ IV.
Thật là :
Vun công bồi đức suốt cuộc đời
Thuyền từ tế độ khắp nơi nơi
Vang danh Ni trưởng chùa Sắc Tứ
Hạnh tu giới đức đẹp đạo đời.
Từ năm 1995-2008, vì sức khỏe ngày một yếu dần nên Ni trưởng giao lại ngôi vị trụ trì cho các vị đệ tử là: Ni sư Như Quang, Ni Sư Như Thanh, Ni Sư Như Phú và Ni Sư Như Minh để dành nhiều thời giờ cho việc chuyên tu và ổn định việc tu hành cho đại chúng.
Từ năm 1999 đến 2001, liên tiếp ba năm chùa Sắc Tứ đều mở trường hạ cho ni chúng tu học. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng năm nào Ni trưởng cũng cố gắng đảm nhiệm chức vụ Chủ Hương cho Trường hạ. Ni chúng nhờ vào oai đức của Ni trưởng mà tu học đạt nhiều kết quả tốt. Đặc biệt năm Canh Thìn -2000, Tỉnh hội khai Đại Giới Đàn Từ Lâm tại Tổ đình Bửu Lâm thì ni giới cũng theo và khai Giới Đàn Ni tại Tổ đình Sắc Tứ, do Ni trưởng làm Hòa Thượng Đàn Đầu.
Ni trưởng thật đúng là một bậc Long tượng trong chốn Tòng lâm. Với Ni Bộ, Ni trưởng là vị cao niên và uy tín. Nếu có thể so sánh với Ni trưởng Như Thanh, Ni trưởng Chí Kiên, Ni trưởng Liễu Tánh thì người là bậc đi sau một chút, nhưng đạo hạnh vẫn vững bền.
Vì tuổi cao sưc kém, lại gánh vác nhiều trách nhiệm nặng nề nên sau một thời gian lâm trọng bệnh, mặc dù đồ chúng lo chạy chữa nhưng định luật vô thường nào ai có tránh được. Vào lúc 12 giờ ngày 11 tháng 07 năm Mậu Tý (11/08/2008) Ni trưởng đã tùy thuận pháp thế gian an tường xã báo: “Ôi ! Ta-bà vừa vắng bóng, Cực Lạc lại thêm hoa”. Người ra đi đã để lại bao niềm kính tiếc cho Ni giới, cho Môn đồ pháp quyến và Phật tử gần xa.
Hóa duyên ký tất biết làm sao ?
Đồ chúng giờ đây khóc nghẹn ngào
Tràng phan bảo cái trầm hương đốt
Tiễn thầy Cực Lạc chứng quả cao
Nam mô phụng vì Tân Viên tịch Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhất Thế Húy Nhựt Hương Tự Trí Hiển Hiệu Như Chơn Lão Tỳ – kheo Ni Giác Linh Thiền Tọa.
Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A-di-đà Phật