A. Tóm tắt:
Đức Thế Tôn ở Nadika, tại Ginjakavasatha. Ngài đến thăm 3 vị đệ tử đang tu tập và trú ngụ trong rừng Gosinga (rừng Sừng Bò). Đó là Tôn giả Anuruddha (A-na-luật-đà), Tôn giả Nandiya và Tôn giả Kimbila. Người giữ vườn thấy Thế Tôn từ xa đi đến, có ý ngăn cản liền bạch Thế Tôn:
– Bạch Sa-môn, chớ có vào khu vườn này. Có ba Thiện nam tử đang trú tại đây, rất ái luyến tự ngã. Chớ có phiền nhiễu các vị ấy.
Tôn giả Anuruddha vừa kịp lúc thỉnh Thế Tôn vào khu vườn mình đang tu tập.
Thế Tôn nói với các vị Tôn giả rằng:
– Này các Anuruddha, các ông có được an lành không? Có được sống yên vui không? Ði khất thực có khỏi mệt nhọc không?
– Này các Anuruddha, các ông có sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có cãi nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm không?
Các vị Tôn giả đáp rằng:
Bạch Thế Tôn, chúng con nghĩ như sau: “Ta hãy từ bỏ tâm của ta và sống thuận theo tâm của những Tôn giả này”. Bạch Thế Tôn, con từ bỏ tâm của con, và sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy. Bạch Thế Tôn, chúng con tuy khác thân nhưng giống như đồng một tâm.
Thế Tôn hỏi: Này các Anuruddha, các ông có sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần không? như thế nào, các ông sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần? các Ông có chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, sống thoải mái, an lạc không? các ông có vượt qua sự an trú kia, có làm cho khinh an sự an trú kia, và chứng được một pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh và sống thoải mái, an lạc không?
Các vị Tôn giả đáp rằng các vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; vượt qua sự an trú kia, làm cho khinh an sự an trú kia; chứng được pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh và sống thoải mái, an lạc, đã chứng và an trú các quả Thánh cho đến sự đoạn trừ các lậu hoặc.
Đức Phật dạy: “Này các Anuruddha, ngoài lạc trú này, không có một lạc trú nào khác cao thượng hơn, thù thắng hơn “.
Digha Parajana, một Yakkha (Trường quỷ Dạ-xoa) đến chỗ Thế Tôn ở, tán thán ba vị Thánh đệ tử của Đức Phật và các địa thần dùng thần thông làm cho Thiên chúng trên các cõi trời cũng đều nghe thấy công hạnh và sự tu chứng của ba vị đệ tử Phật. Đức Phật dạy: Này Digha, hãy xem ba Thiện nam tử này sống như thế nào? Vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Dạ xoa Digha Parajana hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.
B. Tổng luận:
Đoạn kinh văn trên cho chúng ta thấy, ba vị đệ tử Phật là những bậc đã chứng Thánh quả. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là vì sao người giữ vườn lại có nhận định tiêu cực về ba vị ấy nên đã ngăn cản Đức Phật đến thăm họ? Phải chăng đời sống của những vị đã chứng Thánh có gì khác biệt với người thế gian? Thái độ của người giữ vườn là đúng hay sai? Tại sao? Ba vị đệ tử Phật đã xác chứng với Thế Tôn về đời sống phạm hạnh của mình ra sao? Chúng ta học được gì ngang qua đời sống của một người xuất gia?
Phật giáo Nguyên thủy là giai đoạn Phật giáo tính từ khi Đức Thế Tôn thành đạo dưới cội cây Bồ đề cho đến khi Phật pháp chưa bị phân chia, Tăng già còn hòa hợp. Người tu sĩ với đời sống vô gia cư, mang bình bát vào thôn xóm khất thực, và trở về sống trong rừng núi, xa cách thị thành, không bàn luận những vấn đề siêu hình. Chính đời sống độc cư tách biệt với thế gian này đã vô hình chung tạo nên những định kiến, thiên kiến của người thế gian khi nhìn nhận về người xuất gia. Cụ thể, người giữ vườn có hành động ngăn cản đức Phật khi Ngài đến thăm ba vị đệ tử đang tu tập. Hành động này của ông chưa hẳn là sai trái, bởi lẽ ông là một phàm phu không liễu tri Phật pháp, nhìn thấy những sinh hoạt của ba vị xuất gia phạm hạnh khác biệt người thế gian cho nên, mới có những suy nghĩ và hành động ngu muội như thế. Nếu như ông là một Phật tử thuần thành chắc chắn ông sẽ vô cùng cung kính và hết lòng phụng cúng cho ba vị thánh đệ tử Phật này vì ông biết chắc đó là phước báu lớn lao của riêng ông.
Cuộc sống luôn luôn đổi thay, nhận thức con người cũng theo đó thay đổi, vì vậy không thể có một hình thức tu tập cố định nào làm tiêu chuẩn cho mọi thời đại. Hình thức sinh hoạt cũng như phương pháp tu tập trong Phật giáo mang tính ‘tùy thời tùy cơ’, có nghĩa là tùy theo thời đại và căn cơ của chúng sanh mà Phật pháp thiết lập hình thức cụ thể để giáo hóa. Điều đó có nghĩa là với thời đại này xã hội này con người này, hình thức sinh hoạt hay phương pháp tu tập này là hợp lý, nhưng với thời đại khác xã hội khác con người khác thì hình thức này chưa chắc đã phù hợp, đôi khi phản tác dụng nữa là khác. Nhưng cho dù hình thức nào, tông phái nào, điều quan trọng là trong đó phải ẩn chứa khuynh hướng giác ngộ và giải thoát. Bằng ngược lại, vẫn là vô ý nghĩa với đạo Phật.
Điều đầu tiên Đức Phật quan tâm đến các vị đệ tử của Ngài là sự tu tập, sức khỏe và sự hòa hợp trong đời sống Tăng đoàn. Đức Phật đến bên đệ tử Ngài với tâm thế và tình thương của một người Thầy, một người cha luôn suy tư về cuộc sống và sự thành công của các con mình. Ngài không đến với vai trò là một người lãnh đạo, một vị Hóa chủ. Đây là điều làm xúc động lòng người, khiến cho hàng đệ tử và cả người thế gian luôn qui kính Đức Phật khi vừa nhìn thấy bóng dáng của Ngài. Chúng ta thấy rằng, không phải ngẫu nhiên Đức Phật lại hỏi các vị đệ tử Ngài rằng: “Các ông có sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có cãi nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm không? Điều này chứng minh rằng trong thời Phật tại thế trong Tăng đoàn đã xảy ra tình trạng bất hòa hợp, không hoan hỷ, tranh cãi nhau thậm chí chia phe chia phái với nhau… đây chẳng qua là quy luật tất yếu của cuộc sống, chính Đức Phật là người đã tìm ra quy luật này của con người. Dù ta có là ai, xuất gia hay tại gia đều không ngoại lệ. Trừ những bậc Thánh A-la- hán là những bậc đã liễu tri các pháp của thế gian, xuất thế gian. Như trường hợp của ba vị đệ tử Phật, họ là những bậc đã thành tựu Thánh quả nên các vị đã trả lời Đức Phật rằng:
“… con từ bỏ tâm của con, và sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy. Bạch Thế Tôn, chúng con tuy khác thân nhưng giống như đồng một tâm”.
Thật không dễ để có thể từ bỏ tâm mình và sống đồng tâm với người khác. Vì sao như thế là khó? Bởi lẽ, trong mỗi con người sự tồn tại của cái gọi là “tâm “hoàn toàn không giống nhau. Trong tâm có tánh, ta có thể đồng tánh nhưng khó thể đồng tâm được. Đồng tánh nghĩa là sao? Có nghĩa là tùy theo tánh của mỗi chúng sanh mà ta tùy thuận theo để có sự hòa hợp. Ta hòa hợp để sống an ổn chứ tuyệt đối không thể hòa tan. Ví như một người bạn đồng tu không phạm hạnh không lẽ chỉ vì muốn an ổn mà ta cũng thuận theo họ sao? Như vậy ta là kẻ vô trí, phá kiến, không có chánh kiến, không có sự hiểu biết về Pháp của Phật dạy. Vì “Pháp Phật là thiết thực, hiện tại, vượt thời gian, chỉ người trí tự chứng biết”.
Trường hợp ta đang sống trong một tập thể nhưng có phần lớn người bạn đồng tu không có phạm hạnh, sống buông lung theo tư dục của mình, nếu ta muốn an ổn, ta phải hòa tánh với họ nhưng không hòa tan để vừa giữ được thân mạng vừa giữ được bản thể (tâm) thanh tịnh của chính mình. Không chống trái là phương án tối ưu nhất. Các pháp sẽ tự vận hành theo quy luật của nó, điều quan trọng là ta có đủ kiên nhẫn và niềm tin để chờ đợi hay không!
Nikaya và A Hàm, hai nguồn tư liệu này đều ghi rằng, những người xuất gia trong thời này chỉ có mục tiêu hướng đến là giác ngộ và giải thoát. Quan niệm hoằng pháp độ sanh, nếu có đi chăng nữa cũng rất là mờ nhạt, không phải là yếu tố quan trọng của người xuất gia trong thời kỳ này. Vì nếu không có kinh nghiệm tu tập, Phật pháp lại không hiểu làm sao có thể hoằng dương Phật pháp hoặc cứu độ chúng sanh, làm sao có thể giúp đỡ người khác khi mà tự thân mình không có gì để giúp? Nếu không biết cách mà cứ làm thì cách hoằng dương Phật pháp này vô cùng nguy hiểm, không những có hại cho bản thân mà còn làm tổn thương đến Phật pháp. Cho nên, Đức Thế Tôn hỏi đến lộ trình tu tập của các vị ấy như thế nào để sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, đã chứng và an trú các quả Thánh cho đến sự đoạn trừ các lậu hoặc.
Như vậy, người xuất gia ngoài việc thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức để vượt qua tưởng tri cần phải tinh tấn hơn để đạt đến thắng tri. Thắng tri tức là pháp thượng nhân tri kiến thù thắng, là Phật tri kiến. Thông thường, chúng ta chỉ sống với cái tưởng của mình nên tâm chúng ta khổ đau khi gặp những điều bất như ý, nghi ngờ pháp Phật, sanh tâm thối đọa, không còn như cái tâm ban đầu khi ta mới vào đạo nữa. Pháp thượng nhân tri kiến thù thắng là gì? Hạng người nào mới có thể đạt được? Không phân biệt phàm Tăng hay Thánh Tăng, khi ta nhận ra vô thường, sự giả hợp của các pháp đó chính là ta đã có pháp thượng nhân tri kiến thù thắng ta đạt được ngay trong hiện tại này. Thế nhưng, nếu chúng ta không xây dựng cho bản thân một tưởng tri tích cực pháp ấy sẽ mất đi hay gọi là bị thối đọa. Xây dựng tưởng tri để đối trị chướng ngại, để vượt qua ngã chấp và chấp nhận những điều xung quanh ta trong một phạm vi nhất định. Thế giới tất cả là do tâm tạo, ta phải có lý tưởng, có mục tiêu sống để đi lên. Không phải sống cho qua ngày để rồi ngủ quên trên dục lạc thì mãi mãi ta chỉ là một phàm Tăng. Pháp thượng nhân ta đã không đạt được thì đừng mơ mộng hão huyền gì đến các quả Thánh.
Ba vị đệ tử Phật không chỉ đạt được pháp thượng nhân tri kiến, còn chứng được Thánh quả A- la- hán, các lậu hoặc đã đoạn trừ. Điều đáng nói ở đây là các Ngài không thể hiện hay nói lên sự chứng đắc của mình để được người thế gian tôn kính, cúng dường. Hương thơm của sự giải thoát được các loài quỷ thần cho đến các cõi trời, Phạm thiên… lan tỏa đi khắp nơi. Đây mới thật là chân hạnh phúc! Còn với chúng ta thì ngược lại, khi ta thành tựu được một số thành công trong cuộc sống, ta thường có tâm muốn cả thế giới phải ngưỡng vọng, muốn nổi tiếng để được tiếng khen và lợi dưỡng. Ta vô tình ngủ quên trên chiến thắng của chính mình, làm mồi cho dục hỷ. Thế nên, chúng ta cứ tu hoài mà không thấy tới đâu, tu hoài chỉ thấy khổ đau, bất an. Ta có ngờ đâu khi có nhiều thành công hơn người khác cũng chính là lúc ta phải đối đầu với những tỵ hiềm, ghét thương mang lại cho ta biết bao khổ đau, oan trái trong cuộc sống này. Làm ta nhụt chí, quên đi mục tiêu, lý tưởng xuất gia ban đầu của chính mình. Đây mới chính thật là khổ đau!
Bất cứ ai sống trong xã hội đều phải có bổn phận và trách nhiệm của mình, dù người đó là nhỏ hay lớn, già hay trẻ, người xuất gia cũng thế, phải biết bổn phận và trách nhiệm của mình. Bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia là giác ngộ giải thoát. Muốn hoàn thành mục đích này, trước tiên chúng ta cần phải hiểu rõ lời Phật dạy, lấy đó làm kim chỉ nam hướng dẫn con đường tu tập và công việc hoằng dương Phật pháp. Nếu như không am tường thì việc tu tập hay hoằng pháp lợi sinh là việc làm mơ hồ ảo tưởng.
TN. Giác Thanh