(Giọng đọc nam)
Trong mùa An cư Kiết hạ năm nay, Phân ban Ni giới tỉnh Tiền Giang đã long trọng tiến hành nghi thức rước Giới luật từ chùa Linh Phong về Hạ trường Ni chùa Thiên Phước. Từ nghi thức này, người viết đã tìm hiểu lịch sử ngôi chùa cổ kính với nhiều điều thú vị.
Chùa Linh Phong tọa lạc tại số 178/1 Ấp Cá – Thị trấn Tân Hiệp – Huyện Châu Thành – Tỉnh Tiền Giang. Đây là ngôi chùa cổ, nhưng hiện tại chưa có nhiều tư liệu để xác định được cụ thể thời gian thành lập. Theo lời kể của rất nhiều người dân tại địa phương, chùa Linh Phong đã có mặt ở nơi này từ rất sớm và nằm trên một gò đất cao, ẩn mình hiền hòa dưới những tán cây me râm mát. Cho đến ngày nay, chùa đã trải qua nhiều đời trụ trì.
Năm 1940, ông Hộ Thông đứng ra trùng tu xây cất lại chùa Linh Phong và rước Hòa thượng Thích Đạt Hương – Tông trưởng Tông Thiên Thai về trụ trì.
Vào giữa thế kỷ XX (Năm 1984), Hòa thượng Thích Đạt Hương đã cho trùng tu và xây dựng mới nhiều hạng mục của chùa như: Chánh điện, Tổ đường, Trai đường …
Năm 1987, Hòa thượng Thích Đạt Hương viên tịch, trải qua một thời gian không có người kế tự trông coi và phát triển nên ngôi chùa đã xuống cấp trầm trọng, các hạng mục công trình được xây dựng trước đây đã bị hư hỏng gần như hoàn toàn.
Ngày 10 tháng 10 năm 1993, được sự cho phép của chư Tôn đức Giáo phẩm Giáo hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang và sự đồng thuận của chư Tôn Hòa thượng trong Tông phong Thiên Thai, Ni sư Thích Nữ Tắc Hoa đã về kế thừa Hòa thượng Bổn sư tiếp tục trụ trì và phát triển ngôi chùa Linh Phong cho đến nay.
Chùa Linh Phong được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang công nhận Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh năm 2000. Đồng thời, được Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành công nhận Cơ sở Thờ tự Văn hóa năm 2010.
Chùa là nơi đặt Văn phòng làm việc của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Châu Thành từ khi thành lập năm 1985 đến nay. Đây cũng là một trong những nơi Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang dùng làm điểm luân lưu mở Khóa An cư Kiết hạ cho chư Ni trong toàn tỉnh; cũng là nơi Ban Trị sự chọn mở Lớp Sơ cấp Phật học cho chư Ni từ khóa I (2001) đến hết khóa IV (2009).
Năm 1996, nhận thấy ngôi chùa đã xuống cấp và không có nơi chốn sinh hoạt tu tập cũng như không có phòng xá cho Ni chúng an trú tu hành, Ni sư Tắc Hoa đã cho trùng tu và xây dựng thêm các hạng mục như: Ni xá, Giảng đường, Phòng họp thường lệ của Ban Trị sự, Tịnh trù, Khu vệ sinh,…
Do vì các lần trùng tu trước đây có phần chấp vá với kiến trúc bán kiên cố, cộng thêm nỗ lực giữ lại những di tích cũ, hệ quả là công trình thiếu tính thẩm mỹ, không đủ không gian sử dụng khi có các lễ hội lớn, các khóa tu tập trung cho Phật tử và các mùa An cư Kiết hạ. Do đó, vào đầu năm 2013, Ni sư Tắc Hoa đã quyết định đại trùng tu lại toàn bộ công trình chùa Linh Phong theo kiến trúc hiện đại. Khối Chánh điện được thiết kế một trệt một lầu, được xây dựng với chất liệu bê tông cốt thép, cửa làm bằng gỗ quý, mái đúc bê tông và lợp ngói, nền lát gạch men. Phía trước tầng lầu, ở giữa Chánh điện thờ Tôn tượng Đức Bổn Sư được thợ đắp mới hoàn toàn bằng chất liệu bê tông và hai bức phù điêu Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền. Phía sau Chánh điện là Tổ đường thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma và chư vị Hòa thượng tiền bối khai sơn, tu tập tại chùa Linh Phong.
Phần tầng trệt, phía trước là Giảng đường, bên trong có tôn thờ bộ tượng Tây Phương tam Thánh và tượng Bồ tát Chuẩn Đề bằng gỗ quý. Phía sau là Trai đường.
Ngoài công trình chính như trên, Ni sư Tắc Hoa còn cho xây dựng lại Ni xá, Tịnh trù, di dời và tôn tạo lại Bảo tháp thờ nhục thân của Hòa thượng Thích Đạt Hương, kiến tạo khuôn viên mặt tiền chùa, thiết kế lại tượng đài thờ Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí, xây lại cổng Tam Quan và tường rào xung quanh chùa,… Toàn bộ các công trình được hoàn thành vào năm 2015.
Hàng năm, vào ngày 27-28 tháng 7 âm lịch, Ni sư Tắc Hoa cùng Ni chúng và Phật tử tại đạo tràng đều trang nghiêm tổ chức lễ Húy kỵ Hòa thượng Thích Đạt Hương và chư vị Hòa thượng tiền bối kiến tạo, xây dựng và giữ gìn ngôi Già lam này.
Vì niên cao lạp trưởng, Ni sư Tắc Hoa đã không còn tham gia vào BTS tỉnh nhà nhưng Ni sư vẫn luôn quan tâm từng bước đi của lớp hậu học trên con đường tu học và đóng góp vào các Phật sự tại địa phương.
Vân Phàm (Theo lịch sử tự viện tỉnh Tiền Giang)
Thích Quảng Nhã diễn đọc- Sc Tn Viên Châu diễn đọc