Phật giáo du nhập vào Giao Chỉ đã tồn tại và phát triển, trong dòng sinh hoạt sống động của một truyền thống phát triển rực rỡ suốt hơn 2.500 năm trên dải đất Việt Nam. Và xuyên thấu những màn ngăn cách mỏng manh giữa nền văn hóa các vùng lãnh thổ khác nhau của Việt Nam; ngoài giáo điển, chư vị Sa-môn, hình ảnh các ngôi chùa Việt góp phần thúc đẩy văn hóa Phật giáo đang trên đà lớn mạnh về cả hai mặt vật chất lẫn tinh thần.
Chùa Vạn Phước cũng nằm trong vòng tiếp biến ấy, với bề dày lịch sử trải dài 173 năm. Vào triều đại vua Tự Đức, thập niên 1850 để tạ ơn Tam Bảo và giữ lời phát nguyện, ông Hứa Văn Điệu lập ngôi chùa Vạn Phước, tọa lạc tại xã Bình Trị Đông, huyện Hưng Long Thượng; nay là 621/6 Tỉnh lộ 10, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM.
Tính đến năm 1951 cổ tự này đã trải qua ba mốc son lớn. Năm 1946 trường Liên Hải Phật học được xây dựng do Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Viện chủ, Thượng tọa Đạt Từ làm Trụ trì. Năm 1947 bộ kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa được khởi dịch và hoàn tất. Năm 1949 Hòa thượng mở Đại Giới đàn, Hòa thượng Bửu Huệ Viện chủ chùa Huệ Nghiêm (An Lạc), Hòa thượng Quảng Liên thọ giới tại Giới đàn này, Hòa thượng Minh Cảnh, Trụ trì Tu viện Huệ Quang (Tân Bình) cũng xuất gia tại đây.
Cho đến năm 1987 được sự cho phép của Ban Trị sự Thành hội TP.HCM cũng như Ban Đại diện Phật giáo huyện Bình Chánh, suy cử Sư cô Thích Nữ Viên Giác (nay là Ni trưởng Viên Giác), đệ tử của Ni trưởng Thích Nữ Như Ngộ. Viện chủ chùa Thiên Phước kiêm Phó Hiệu trưởng Trường TCPH tỉnh Long An, về trụ trì. Lúc này ngôi cổ tự theo thời gian phần nhiều xuống cấp. Sau hai năm tiếp nhận, năm 1989, Ni trưởng Viên Giác bắt tay vào việc đại trùng tu ngôi Tam Bảo và hoàn thành vào năm 1992, từ đây Vạn Phước trở mình nối lại mạng mạch đạo pháp hào hùng thuở trước. Năm 1992, Vạn Phước trở thành điểm An cư kiết hạ tập trung cho chư Ni. Năm 1998 mở lớp sơ cấp Phật học.
Sau hai khóa Sơ cấp tạm gác lại nhiệm vụ đào tạo Tăng tài, Ni trưởng miệt mài trợ giúp chư huynh đệ, đệ tử tạo dựng già lam. Đến nay hơn 70 tuổi nhưng Ngài vẫn đi về giữa Việt Nam và Mỹ, giữa TP. HCM và Hà Nội cùng các tỉnh thành trong thành phố cho hạnh nguyện ấy; hễ nghe “Sư chị ơi, Thầy ơi” là Ni trưởng lại mang đãy lên đường.
Nguyện mười phương chư Phật gia hộ cho Ni trưởng luôn đầy đủ sức khỏe, viên thành hạnh nguyện “khai sơn tạo tự” và thắp sáng lại ngọn đèn khai mở trí tuệ “đào tạo Tăng tài” cho Giáo hội.
Xem video
Phương Dung (ĐSGĐ- Xuân Giáp Thìn)
Sc Huệ Trí diễn đọc