1. Khái niệm Xá Lợi
Xá-lợi (舍利), Phạn śarīra, nguyên nghĩa là tử thi, di cốt, xương cốt còn lại sau khi chết, còn gọi là thật-lợi (實利), thiết-lợi-la (設利羅), thất-lợi-la (室利羅), tất cả đều chỉ cho xương cốt còn lại sau khi thiêu. Thông thường, từ này được dùng để chỉ cho di cốt của Đức Phật, nên có tên là Phật cốt (佛骨), Phật xá-lợi (佛舍利1) Kinh Kim Quang Minh, Đức Phật dạy: “Xá-lợi là kết quả của quá trình huân tu Giới, Định, Tuệ rất khó đạt được, cho nên, nó là ruộng phước tối thượng trên đời2.”
2. Xá lợi qua bia ký
Vào thời Đức Phật, Ấn Độ phân thành mười sáu tiểu vương quốc: Anga, Magadha, Kāsi… Kapilavastu, Kuśinagara, Kauśāmbi, Pāṭaliputra, Mathurā, Uṣa, Puṇgavardhana, Devātāra, Campā [HT Thích Minh Châu dịch (2016), Tăng Chi Bộ Kinh, bài Kinh Ngày Trai Giới, tr. 365, NXB Tôn giáo]. Nhưng khi Niết-bàn, Đức Phật chọn diệt độ tại giữa hai cây sa-la thành Kusinārā. Sau khi hỏa thiêu, xá lợi của Đức Phật được Bà la môn Hương Tính chia thành tám phần bằng nhau cho nước Câu-Thi (Kusinārā), Ba-bà, Giá-la, La-ma-già (Rāmagāma), Tì-lưu-đề, Ca-duy-la-vệ (Kapilavatthu), Tỳ-xá-li (Vesāli), Ma-kiệt3. Hiện nay hai bia ký được các nhà khảo cổ học khai quật là Piprāhwā Buddhist Vase (được trưng bày tại Viện Bảo tàng quốc gia Ấn Độ tại New Delhi), bia ký trên bình đựng xá lợi Phật thời đại vua Di Lan Đà có chứa xá lợi thật của Đức Phật.
a. Bia ký Piprāhwā
Ngôi làng Piprāhwā ở quận Basti thuộc bang Uttar Pradesh nước Ấn Độ đã trải qua hai cuộc khai quật lớn để tìm ra và xác định xá lợi thật của Đức Phật. Năm 1897-1898, Ông William Claxton Peppé đã tiến hành cuộc khai quật lần thứ nhất tìm ra bình đá đựng xá lợi. Nhưng khoa học gia Fteet đưa ra quan điểm đây chỉ là xá lợi của những người anh em trong tộc Sakya của Đức Phật. Do đó, năm 1962 Chính phủ Ấn Độ đưa đoàn khoa học do Bà tiến sĩ D.Mita đến làng Piprāhwā lần nữa và Bà đã tái xác định nơi đây chính là Kapilavastu (mới). “Piprahwa is the place where the Buddha spent the first 29 years of his life. This is where he saw as prince Siddharta, the miseries of human existence which provoked him to leave his family and Kingdom in quest of salvation. Amongst the most precious archaeological finds at piprahwa are two beautiful soapstone caskets containing the charred bones of the Buddha. His kinsmen had then built a stupa over the caskets and three dishes containing ashes4.” Người viết xin tạm dịch: “Piprahwa là nơi Đức Phật đã trải qua 29 năm đầu tiên của cuộc đời. Đây là nơi khi Ngài còn là hoàng tử Siddharta, sự đau khổ của kiếp người đã khiến Ngài rời bỏ gia đình và vương quốc của mình để tìm kiếm sự cứu rỗi. Trong số những vật khảo cổ quý giá nhất được tìm thấy tại Piprahwa là hai hộp đá tuyệt đẹp có chứa xương của Đức Phật.”
Ông William Claxton Peppé đã tìm thấy hộp đá Sandstone lớn (nền hộp 4 bộ 5, cao 2 bộ 2, rộng 2 bộ 10), nắp bị bể làm tư, bên trong chứa bốn bình đá hình tròn và một bình pha lê cái nhỏ được đặt trong cái lớn (xá lợi của Đức Phật được chứa trong bình đá này). Trên nắp bình thứ hai là bia ký gồm 37 chữ ghi theo nhịp thơ với ngôn ngữ là Prakit chữ viết là Brāhmī. Các nhà khoa học Fleet, Buhler, Ojha, Smith, Pandey đồng ý rằng bia ký được viết vào thời tiền A Dục [Tài liệu do giáo thọ TT.TS. Thích Chơn Minh cung cấp, Văn bia khảo cổ Phật giáo, khoa Lịch sử Phật giáo, khóa XIV]. Đây là bia ký cổ xưa nhất của Ấn Độ, qua dó chứng minh được Đức Phật là một nhân vật lịch sử.
b. Bia ký Shinkot
Shinkot thuộc vùng Bajaur, Pakistan, tại đây khi người dân đào công sự đã tìm thấy một cái bình làm bằng xê-a-tít, đường kính 28,8cm cao 8,38cm. Bình hình tròn, dẹp còn nguyên vẹn nhưng nắp bị bể chỉ còn hai mảnh ghép hơn phân nửa của nắp bình đã được phục hồi.
Dựa vào sự ghi chép trên bia ký giúp chúng ta xác định Phật giáo được truyền vào Pakistan vào thế kỷ III trước Tây lịch (thời vua A Dục). Vua Minadra (Milinda) là một nhân vật lịch sử với bộ kinh Milindapañha được Phật giáo Miến Điện xếp vào hàng Thánh điển và Phật giáo Tích Lan đưa vào bộ Nikāya để tôn thờ phụng hành.
Chữ viết trên bia ký duy nhất của thời đại vua Minadra là chữ Kharōshṭhī, ngôn ngữ là tiếng Prakit của vùng Tây Bắc Ấn Độ, được khắc vào những thời điểm khác nhau. Ghi chép A, A1, A2 khắc vào thời vua Minadra.A “Minedrasa maharajasa kaṭiasa divasa 4 4 4 1 1 praṇasameda śarira bagavato”_Vào ngày 14 của tháng trong thời đại của đại vương Minadra xá lợi của Đức Phật. A1 “Śakamunisa pratithavi ta”_Śākya đã được thiết lập. A2 “praṇasameda śarira bhagavato Śakamunisa”_ xá lợi của Đức Phật Śākya, xá lợi này được hạ tứ cho cuộc đời5.
Các ghi chép khác không xưa hơn thế kỷ thứ nhất trước tây lịch. Người viết xin tạm dịch, C1C2 “Vijayamitreṇa pate pradithavide”_Bình này do Vijayamitreṇa thiết lập. B “Viyakamitra Apracarajasa”_Vijayamitreṇa là vua xứ Apraca. D1 “ime śarira palughabhutao na sakareati tasa śariati kalade na śadhro na piṃḍoya ke yi pitri griṇayati tasa ye patre vapomua”_Thánh tích này dần hư hoại, không nhận được sự kính trọng. […] sau một thời gian không ai tiến hành các nghi lễ, không thức ăn, không nước uống cho tổ tiên. D2”vaṣaye paṃcamaye 4 1 veśakhasa masasa divasa paṃcaviśaye iyo’_trong 5 năm vào ngày 25 của tháng Vaiśākha D3 “pratithavite Vijayamitrena Apracarajena bhagavatu Śakimuṇisa samasabudhasa śarira”_[…] được thiết lập bởi Vijayamitreṇa, vua của A Apraca, thánh tích này của Śākya người đã hoàn toàn giác ngộ. E “Viśpilena aṇaṃkayeṇa likhite”_được viết bởi Viśpilena6[…].
2. Quan niệm về xá lợi trước 1975 và hiện nay tại Việt Nam
a. Sự kiện rước xá lợi Phật tại Kỳ Viên tự ngày 21/6/1953:
Trước năm 1975, Phật giáo Việt Nam có hai lần chiêm ngưỡng xá lợi Phật. Lần thứ nhất, theo tờ Tin Tức Phật giáo số 56 ra ngày 25/10/1952 viết phái đoàn Phật giáo Sri Lanka hộ tống xá lợi của Đức Phật tặng Nhật Bản. Ngày 13/9/1952 phái đoàn cập bến tàu Sài Gòn, xá lợi được cung nghinh về Câu lạc bộ Đông Dương trưng bày một ngày, một đêm cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam chiêm bái.
Lần thứ hai, theo tư liệu tờ Tin Tức Phật giáo từ trang 32-38 [Tờ Tin Tức Phật giáo từ trang 32-38, năm 1953 do giáo thọ TT.TS. Thích Chơn Minh cung cấp]. Và quyển Biên niên sử Phật giáo Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh trang 123 [Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2001), Biên niên sử Phật giáo Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh, trang 123, NXB. TP. Hồ Chí Minh]. Viết về sự kiện Đại đức Narada (Tích Lan) hiến cho Phật giáo Nguyên thủy (Kỳ Viên Tự nhận), Phật giáo Đại thừa (chùa Giác Lâm, Phú Thọ nhận) hai viên xá lợi của Đức Phật. Tại buổi cung nghinh xá lợi ngày 21/06/1953 có Phó Thủ tướng Lê Văn Hoạch cùng các quan viên, phái đoàn Phật giáo, Cao Đài, nhà báo, đoàn thể thương gia…
b. Quan niệm về xá lợi trước năm 1975
Quan điểm của các vị Đại đức đại diện cho các Giáo hội Tăng già
Đại đức Narada (Tích Lan) hiến hai viên xá lợi quả thật là sự kiện lớn lúc bấy giờ của Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, trong buổi hội họp về việc trên của Đại đức chùa Trường Thạnh (đại diện cho Giáo hội Lục Hòa Tăng) và ĐĐ. Minh Trực, Trụ trì chùa Phật Bửu cùng ĐĐ. Thông-Kham, ĐĐ. Minh Trực đưa ra một số thắc mắc cho ông Nguyễn Văn Hiểu (là nhận thơ tặng xá lợi từ ĐĐ. Narada). Đại ý các câu hỏi được đưa ra, xá lợi Phật là quốc bảo của Tích Lan sao ĐĐ. Narada lấy tặng được, nếu như nước Tích Lan tặng cho nước Việt Nam hoặc Phật giáo quốc tế tặng Phật giáo Việt Nam sẽ mang tính công khai, và Đại đức đưa ra nghi vấn về sự kiện nước Anh sợ xá lợi lạc đã đem về Anh quốc, sau Ấn Độ độc lập mới đem trả lại.
Ông Hiểu trả lời: Ở Tích Lan xá lợi do Giáo hội Tăng già bảo quản, nguyên nhân việc tặng xá lợi nhờ nhân duyên ĐĐ. Bửu Chơn du học tại Tích Lan là đệ tử của ngài Narada đã xin xá lợi. Theo ông, Việt Nam không xin nên nước Tích Lan không thể tự gửi tặng, Hội Phật giáo quốc tế dưới quyền của Giáo hội Tăng già. Ngài Mahinda con vua A Dục đến Tích Lan truyền đạo đã thỉnh xá lợi và cây Bồ Đề sang, hai bảo vật còn lưu tại Tích Lan đến ngày nay, còn sự việc Anh quốc trả xá lợi cho Ấn Độ là một việc khác. Ông Hiểu lý giải, dù có sai lạc nhưng tất cả các Phật tử đều cho là xá lợi Phật thì cũng không hại gì, xá lợi thật thì cũng có ngày bị hoại bởi quy luật vô thường, giáo lý giải thoát mới là cái đáng tôn sùng.
Qua cuộc hội họp, chúng ta thấy các đoàn thể Tăng già thời bấy giờ đối với sự kiện cung nghinh xá lợi của Đức Phật đã phát sinh nghi vấn về xuất xứ, độ tin cậy của xá lợi. Bởi xá lợi được xem là quốc bảo không thể đem tặng dễ dàng như vậy.
Niềm tin của Phật tử đối với xá lợi
Khi xá lợi về đến Tổ đình Giác Lâm (Phú Thọ), mới hừng sáng nam nữ Phật tử đã đến đông nghẹt, số lượng càng lúc càng đông ước chừng 5.000 – 6.000 người. Hoa tươi tung lên cúng dường như mưa, vang rền một góc trời câu “Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật” của muôn ngàn Phật tử. Họ cho rằng một đời chỉ có một ngày may mắn mới thấy được xá lợi Phật nên ai cũng muốn xem cho mãn nhãn.
Như vậy, Phật tử những năm 1953 rất có tín tâm với Phật giáo, đặc biệt tin vào xá lợi Phật. Có lẽ vì vậy mà không thấy tờ Tin Tức đăng bất kỳ ý kiến thắc mắc nào của Phật tử về xá lợi như ĐĐ. Minh Trực đã nêu ra cho ông Hiểu.
4. Chánh tín đối với xá lợi của Đức Phật
a. Một số bài báo viết về xá lợi
Thứ bảy, ngày 23/11/2019 tờ Baophapluat.vn đã viết bài “Xá lợi Phật – Báu vật Phật giáo” đưa ra hình ảnh xá lợi với chú thích “ánh sáng lung linh huyền bí của xá lợi Phật là sự minh chứng cho Phật pháp nhiệm mầu” hay định nghĩa “xá lợi là những hạt nhỏ trông giống ngọc trai hay pha lê”[ https://baophapluat.vn/xa-loi-phat-bau-vat-phat-giao-post323636.html, xem ngày 14/11/2021, lúc 6g40AM]. Trước đây thứ bảy, ngày 28/02/2015 báo cũng viết bài “Bí ẩn xá lợi Phật của các Cao Tăng nước Việt” đưa ra khái niệm “đó là những hạt tinh thể với đủ màu sắc, long lanh như ngọc, rắn như kim cương, búa đập không vỡ, thiêu không cháy… xá lợi có nhiều màu sắc… thông thường có màu trắng, đỏ, hồng, xanh7.” Hoặc đánh chữ xá lợi Phật trên Internet sẽ hiện lên vô số hình ảnh các viên đá đủ màu sắc rực rỡ, kích cỡ khác nhau.
Ở đây ngoài định nghĩa chưa đúng về khái niệm xá lợi là những viên ngọc trai, pha lê, nhiều màu sắc, bài báo đã mặc nhiên gom “xá lợi Phật” thành một cụm từ để chỉ chung cho xá lợi Cao Tăng nước Việt. Cần phân định rõ danh từ chung là “xá lợi”, cụm từ riêng là “xá lợi của Đức Phật” và “xá lợi của các vị cao Tăng nước Việt.”
b. Xá lợi niềm tin
Theo bia ký Piprāhwā, Shinkot xá lợi của Đức Phật được khai quật không thấy bất kỳ mô tả nào nói về màu sắc trắng, đỏ, hồng, xanh và vàng hay hình dáng như viên ngọc trai, pha lê… Trong hình ảnh được trưng bày tại Viện Bảo tàng Quốc gia New Delhi (Ấn Độ), xá lợi ngón tay tại chùa Famen (Pháp môn), xá lợi răng tại chùa Kandy (Tích Lan)… thì xá lợi của Đức Phật không có màu của các loại đá quý, mani, hổ phách, trân châu như được thỉnh của các chùa, Phật tử tại Việt Nam.
Kế đến chúng ta thấy việc thỉnh, tặng, cho, thường thông qua quan hệ cá nhân không có sự chứng minh của Giáo hội Phật giáo, Chính phủ, các nhà khoa học – sử học. Như trường hợp cung thỉnh xá lợi Phật từ ĐĐ. Narada (Tích Lan) là từ mối liên hệ ĐĐ. Bửu Chơn du học tại Tích Lan là đệ tử của ngài Narada.
Vì vậy, các loại xá lợi này chỉ có thể gọi là “xá lợi niềm tin”, vì nó sai với bản chất sự thật lịch sử. Thường dùng vào mục đích không chánh đáng như lợi dụng lòng tin Phật tử để thu lợi, mua bán xá lợi, gieo rắc tư tưởng mê tín…
c. Chánh tín về xá lợi của Đức Phật
Về mặt khoa học, xá lợi thật của Đức Phật với công nghệ hiện đại của y học ngày nay có thể giám định ADN, các nhà khoa học-sử học, khảo cổ học có thể xác định niên đại bằng phương pháp Carbon – 148. Từ đây, xác định được niên đại tương thích với Đức Phật.
Về màu sắc xá lợi ngón tay, xương, răng qua hỏa thiêu và thời gian hơn 2.500 năm có màu xám xương hoặc màu trắng ngà, xá lợi tóc có màu đen hay xám đen.
Về xã hội, ngày nay các quốc gia phương Đông vẫn còn tiếp tục khai quật tìm kiến xá lợi của Đức Phật. Xá lợi tìm được luôn công khai thông tin đầy đủ về cuộc khai quật, nơi trưng bày xá lợi. Việc hiến, tặng luôn thông qua Chính phủ và Tăng già của các quốc gia có liên quan.
Tóm lại, Kinh Trường A Hàm dạy: “Sau khi Ta nhập Niết-bàn, tất cả chúng sanh hoặc Thiên thượng hay nhơn gian, được xá lợi của Ta mà vui mừng, thương cảm, cung kính, lễ bái, cúng dường, thời được vô lượng vô biên công đức. Này A Nan! Nếu thấy xá lợi của Như Lai thời là thấy Phật, thấy Phật là thấy Pháp, thấy Pháp là thấy Tăng, thấy Tăng là thấy Niết-bàn. A Nan nên biết rằng do nhơn duyên trên đây mà Tam bảo thường trụ không biến đổi, có thể làm chỗ quy y cho tất cả chúng sanh9.”
Vậy, thấy xá lợi Phật tức thấy Phật, tuy nhiên mỗi cá nhân cần có chánh tín về việc này để tránh rơi vào chỗ niềm tin mù quáng rồi bị lợi dụng trục lợi. Và xá lợi của Đức Phật chứng minh Người là nhân vật lịch sử, từ đó giúp chúng ta có niềm tin vào con đường đạo và dấn thân đi theo dấu chân Đức Từ Phụ.
Giác Nguyện
Diễn đọc SC Huệ Pháp
- https://phatgiao.org.vn/tu-dien-phat-hoc-online/xa-loi-k6153.html, [truy cập: 11/11/2021 lúc 04:00 AM].
- TK. Thích Nguyên Chơn (2009), kinh Kim Quang Minh, phẩm Xả thân, NXB. Hồng Đức, tr.389.
- Kinh Du Hành, Tuệ Sỹ dịch (2007), NXB. Tôn giáo, tr. 147-148.
- K.M.Srivastava (1986), Buddha’s relics from Kapilavastu, page 77-78, Printed by S.K Mehra at Mehra Offset Press, New Delhi-110002.
- Tài liệu do giáo thọ TT.TS. Thích Chơn Minh cung cấp, Văn bia khảo cổ Phật giáo, khoa Lịch sử Phật giáo.
- https://en.wikipedia.org/wiki/Shinkot_casket, , [truy cập: ngày 12/11/2021, xem lúc 7g42 PM].
- https://baophapluat.vn/bi-an-xa-loi-phat-cua-cac-cao-tang-nuoc-viet-post191156.html, [truy cập: ngày 14/11/2021, lúc 6g50 AM].
- Phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị phóng xạ được phát minh vào cuối những năm 1940 bởi nhà hóa học Willard Libby. Phương pháp này trở thành công cụ tiêu chuẩn cho các nhà khảo cổ học, để xác định niên đại của một vật thể cổ nào đó.
- Kinh Đại Bát Niết-bàn, Thích Trí Tịnh (dịch), tập 2, NXB. Tôn giáo,2018, tr. 678-679.