Pháp Vương Tử Đại Thế Chí Bồ tát cùng với năm mươi hai vị Đại Bồ tát đồng hàng, từ tòa ngồi đứng lên, đảnh lễ dưới chân Phật, kính bạch Phật: “Con nhớ thuở xưa kia, hằng hà sa số kiếp về trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Quang. Sau đó, mười hai vị Phật nối tiếp ra đời cùng trong một kiếp. Vị Phật rốt sau hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang dạy con tu pháp Niệm Phật Tam Muội.
Ví như có hai người, một người chuyên nhớ, một người chuyên quên. Như vậy hai người nếu có gặp nhau cũng như không gặp, hoặc có thấy nhau cũng như không thấy. Nếu hai người cùng nhớ, hai sự nhớ nghĩ sâu vào, từ đời này đến đời khác, như bóng theo hình, chẳng hề trái nhau. Mười phương chư Phật thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con, nếu con trốn lánh bỏ đi, mẹ tuy nhớ con nào có ích gì? Con nếu nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thời nhiều đời mẹ con chẳng xa lìa nhau. Nếu chúng sanh tâm nhớ Phật, niệm Phật, thì trong đời hiện tại hoặc vị lai, chúng sanh nhất định thấy Phật, cách Phật chẳng xa. Chẳng dùng phương tiện tu hành nào khác mà tự nhiên Tâm được khai ngộ. Như thân người có xông ướp mùi hương, mùi hương thơm này gọi Hương Quang Trang Nghiêm. Con vốn dùng tâm Niệm Phật làm nhơn duyên tu hành mà được nhập Vô Sanh Nhẫn, ở nơi cảnh giới Ta Bà này thâu nhiếp người Niệm Phật, quy về nơi cảnh giới Tịnh Độ. Nay Phật hỏi Pháp Viên Thông, con vốn không lựa chọn, chuyên thâu nhiếp Lục Căn khiến cho Tịnh Niệm được tương tục, chứng được Tam Ma Địa, ấy là thứ nhứt.
(Dân quốc, năm Kỷ Mão thứ hai mươi tám, mùa Hạ)
Giảng nghĩa
Trung Hoa Dân Quốc năm thứ ba mươi sáu.
– Quốc lịch tháng ba, ngày hai mươi ba, cho đến ngày hai mươi lăm ở Thượng Hải.
– Chư thiện tín ở tại Niệm Phật Đường Công Đức Lâm cung thỉnh Tịnh Quyền Trưởng lão Pháp sư giảng Kinh. Trong đó, có một buổi giảng về chương “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông”. Bổn sách này do Nghê Hoằng Đại Sư chứng minh, Nghê Chánh Hòa làm thành văn, Liễu Nhiên Pháp sư tham cứu và kiểm giảo.
– Phần thứ nhất lược giải nghĩa Đề Kinh.
– Phần thứ hai giải thích Chánh Kinh.
Nay, phần đầu nói về chương: “Đại Thế Chí Niệm Phật Viên thông”. Đây là chương thứ nhứt của Kinh Lăng Nghiêm.
Trong hai mươi lăm pháp môn Tu Chứng Viên Thông của hai mươi lăm vị Đại sĩ nơi pháp hội Lăng Nghiêm, thì pháp thứ hai mươi bốn tức là nói về pháp tu Căn Đại Viên Thông của Đại Thế Chí Bồ Tát (Ý nghĩa Căn Đại Viên Thông đoạn văn sau có giải thích rõ).
Hai mươi lăm pháp Viên Thông tức là:
– Năm Căn: Nhãn căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn, Ý căn.
– Sáu Trần: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.
– Sáu Thức: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý thức.
– Bảy Đại: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không, Căn, Thức.
Tất cả là hai mươi bốn pháp, pháp tu rốt sau là Nhĩ căn, cộng lại thành hai mươi lăm Pháp Viên Thông. Pháp tu Nhĩ Căn Viên Thông đây, đáng lẽ phải ở sau Nhãn Căn Viên Thông của Tôn giả A Na Luật Đà. Nhơn vì ở trong đại chúng, A Nan Tôn giả (là người đương cơ của Kinh Lăng Nghiêm này) là bậc người đa văn đệ nhất, muốn cho đại chúng lưu tâm đến pháp tu Nhĩ Căn Viên Thông của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát nên Ngài A Nan mới nhập môn nơi Đạo Tràng để hạ thủ công phu, trước lược bày Hạnh Nguyện Viên Thông của hai mươi bốn vị Thánh, sau cùng mới đề cập đến pháp môn Tu Chứng Nhĩ Căn Viên Thông, rộng mở chỉ bày để cho đại chúng được dễ dàng khế nhập và hành trì. Như xét về nguồn gốc của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài là vị Cổ Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, hiện thân làm Quán Thế Âm Bồ tát. Hai mươi lăm vị Đại sĩ nơi pháp hội đây, mỗi vị đều giảng thuyết về một pháp và thỉnh đáp lời Phật hỏi. Mỗi vị đều do một Pháp tu mà suốt thông đến hai mươi bốn Pháp kia, cho đến tất cả các Pháp, không Pháp nào mà chẳng thông suốt. Cho nên hai mươi lăm vị đều xưng là Viên Thông.
(còn tiếp)
TKN. Như An (dịch) (ĐSHĐ-129)
Ni sinh Diệu Lâm diễn đọc