Ngày 4: 20/10/2017 Fuji-Nagoya/Kyoto
8 giờ 15 sáng, đoàn dùng điểm tâm sáng tại khách sạn, làm thủ tục trả phòng và chụp hình hòn non bộ và rừng phong trước khách sạn để kỷ niệm, rồi lên xe chạy khoảng 3 giờ đồng hồ để đến Nagoyi, Aichi, Kyoto, miền trung nước Nhật để trải nghiệm xe lửa cao tốc.
Đoàn mua vé và ngồi trải nghiệm tàu cao tốc Shinkansen từ ga Toyohashi đến ga Hamamatsu. Đi xe lửa chỉ một trạm thôi, lý do đủ 1 giờ đồng hồ cho xe buýt chạy đón đoàn ở điểm Hamamatsu – sắp xếp thời gian cho phù hợp hai bên. Shinkansen có nghĩa “đường tàu mới”, tiếng Anh thông thường là “bullet train” (tàu viên đạn) do hình dạng thuôn gọn của đầu tàu (đầu nhọn giống viên đạn hay đầu rắn), cùng tốc độ đạt đến 300km/giờ chẳng kém gì viên đạn bay ra khỏi nòng súng. Tàu lửa cao tốc sản xuất từ năm 1964: là thập niên phát triển kỹ thuật cao của Nhật. Chạy 10 phút là 320km/giờ (trong khi xe buýt chỉ 120km/giờ). Xe lửa này chưa từng gây tai nạn xe cộ, động đất thì xe lửa sẽ tự dừng. Xe lửa chạy không đụng đường ray, lướt như bay êm ái. Lên tàu ai cũng phải giữ yên lặng, để người Nhật ngồi trên tàu làm việc trên laptop, đọc báo hay nhắm mắt dưỡng thần. Ở Việt Nam, Trung Quốc hay Ấn Độ, trên xe buýt và tàu lửa là trung tâm của các loại tiếng ồn. Đây cũng là phong cách đặc biệt của người Nhật mà chúng ta cần học.
Người hướng dẫn viên cũng tri ân công đức rất lớn của chùa Hoằng Pháp vì đã truyền đạt được Phật pháp và tư tưởng hiếu đạo cho số lượng lớn từ 6.000 đến cả 8.000 sinh viên Việt Nam cho mỗi khóa. Trong số này mà có khoảng 2.000 em sinh viên hiểu được đạo Phật cũng là quý lắm. Đây là tác động vào tư tưởng để làm thay đổi đất nước. Đây là những đóm lửa tinh thần làm mạnh đất nước Việt Nam, nên công đức chùa Hoằng Pháp nhiều. Chùa làm được việc này, chứ các tổ chức khác khó thực hiện chức năng này. Nghĩ sâu xa hơn, ngoài số lượng mấy ngàn sinh viên tới tu tập tại chùa Hoằng Pháp, rồi còn bao nhiêu em nữa không đi được nhưng vẫn có thể học và xem trên youtube. Quý thầy chùa Hoằng Pháp đã đánh trúng điểm sinh viên cần.
Nói về tờ tiền 10.000 Yen, Osatsu Cookie của Nhật Bản, có in hình của Thầy giáo Fukuwaza Yukichi [tiếng Việt là Phúc Trạch Vụ Cát (1838-1901) là một trong 10 người Nhật vĩ đại.
Thầy Fukuwaza Yukichi đã viết cuốn sách nói về sự thay đổi giáo dục (thế kỷ thứ XIX). Cuốn này được Phạm Hữu Lợi dịch ra tiếng Việt là “Khuyến Học – Cuốn sách tạo sự hùng mạnh cho nước Nhật”, hầu như mỗi gia đình người Nhật đều có cuốn này để đọc (giá bán 47.000 đồng Việt Nam/cuốn). Cuốn sách cho thấy tư tưởng của thầy vượt xa một thế kỷ, nên thầy được Minh Trị Thiên Hoàng mời làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nhưng Thầy từ chối, chỉ nhận chức Viện trưởng Viện Hàn Lâm. Ca dao có câu: “Dạy được một phụ nữ tốt thì ta được một gia đình. Dạy được một người thầy tốt thì ta được một thế hệ mới.” Cho nên, công đức của Thầy Fukuwaza Yukichi và quý Thầy ở các chùa rất lớn trong việc giáo dục con người.
Thầy giáo Samurai Fukuwaza Yukichi đi Mỹ và châu Âu kêu Nhật Bản học phương Tây với châm ngôn “Thoát Á nhập Âu”, kêu gọi thoát văn hóa Trung Quốc, học châu Âu. Thầy được đức Minh Trị mới 14 tuổi ủng hộ. Lúc đó, Việt Nam cũng được Nguyễn Trường Tộ kêu gọi cải cách nhưng không thành công. Đúng là “Hành động dẫn dắt ý nghĩ. Ý nghĩ sanh ra tính cách. Tính cách sinh ra số phận.” Thầy mất năm 1901, cả nước để tang, giống như Việt Nam để quốc tang cho Phan Chu Trinh và Bồ tát Thích Quảng Đức.
Đừng có tự hào khi anh giàu mà học không giỏi.
Hãy tự hào khi anh học giỏi dù nghèo.
Ai có nhiều bằng cấp là giỏi mà không phải nghèo (kiến thức).
Người bình thường thì luôn tỏ ra nguy hiểm
Người nguy hiểm thì luôn tỏ ra bình thường.
Nhiều người giỏi – không giàu – nhưng không nghèo, vì không chủ tâm làm giàu kiếm tiền, mà chỉ làm giàu kiến thức.
“Đừng tự ti khi tôi giàu nhưng dốt
Mà tự ti khi tôi dốt mà không giàu.”
Đoàn ghé dùng bữa trưa tại nhà hàng địa phương: Watami Hamanmatsu Yurakuga và sau khi đó viếng Viện Bảo tàng Xe Lửa ở Nagoya số 3-2-2 Kinjofuto, Minato-ku, Nagoyi, Aichi, 455-0848, Japan.Tối đoàn ghé nghỉ 2 đêm (20- 21/10) tại khu vực Osaka hoặc Kanku area, tại khách sạn Osaka Keiko (số 2-3-6 Kouzu, chuo-ku, Osaka, Japan 542-0072; Tel: 06.6213.2211.Fax: 06.6213.2506 Email: info@hotel-osaka-keiko.com, URL http:// hotel-osaka-keiko.com). Ăn sáng và chiều tại khách sạn này. Thức ăn tại đây tương đối ngon hơn các nhà khác. Hôm nay ngày 20/10 (ngày Phụ nữ Việt Nam) cũng là ngày sinh nhật của Ni sư Hạnh Quang, nên Ban Tổ chức sắp đặt nhà hàng tặng Ni sư một đĩa trái cây nhiều màu đẹp mắt.
Vì khách sạn nằm trong lòng thành phố thương mại Shinsaibashi và Dotombori (cách khách sạn chỉ vài phút đi bộ) nên có nhiều cửa hàng bán thực phẩm và máy móc Nhật và có để nhiều thùng giấy cho miễn phí ngoài cửa hàng, để khách, nhất là du khách muốn lấy về đóng thùng gởi máy bay thì lấy. Đoàn chúng tôi hầu như ai cũng lấy thùng và mua băng keo để dán thùng, mua quà về Việt Nam. Ai còn bao nhiêu tiền Yen cũng mua hết quà cáp của Nhật vì ngày mốt là rời Nhật Bản rồi.
Ngày 5: 21/10/2017 Cố đô Kyoto – Osaka
Kyoto – xứ sở của những đền thờ thần đạo (Shinto), cung điện và các khu vườn Nhật, được coi là trung tâm văn hóa của đất nước. Cây xanh ở Kyoto thường bắt đầu chuyển sang màu vàng từ cuối tháng 10 và kéo dài cho đến tận giữa tháng 12. Thời điểm đẹp nhất là vào tầm giữa tháng 11 hàng năm. Nhiều ngôi chùa ở Kyoto tọa lạc trên vùng đồi rộng lớn giữa rừng lá phong nâu đỏ và nhiều suối nước trong vắt chảy ra từ vách đá.
Osaka phủ là Phủ Đại Phản (trở về sự vĩ đại). Osaka đứng sau thủ đô Tokyo, giống như Sài Gòn.Tháng 3 là tháng hoa anh đào nở, khách du lịch đến đây ngắm rừng hoa anh đào nở rực. Đây là thời điểm du lịch Nhật đông khách nhất. Nhiều người nghĩ hoa anh đào là hoa biểu tượng của nước Nhật, thực ra hoa cúc 16 cánh mới là quốc hoa của Nhật Bản, chứ không phải là hoa anh đào. Ngoài hoa anh đào, Osaka còn nhiều thắng cảnh tham quan khác. Osaka là trung tâm của Kyoto, nơi đây có 5.000 kỹ sư Việt Nam đang làm việc, rồi mang theo vợ con người thân qua đây sống, hơn 100 ngàn người Việt.
Câu nói của Acsimet: “Nếu ai cho tôi điểm tựa thì tôi sẽ nâng quả đất”đã giúp chúng ta nhận thức được chân lý, để đối phó với những lúc chúng ta xao lãng, sa sút ý chí hay khó khăn khi thất bại, chúng ta nên mạnh mẽ để vươn lên từ một điểm tựa (lợi tha). Còn câu: “Nếu ai cho tôi điểm tựa thì tôi sẽ tựa suốt đời” (yếu đuối, tự lợi).
Từ cố đô Kyoto đến Osaka là xe buýt chạy khoảng 2 giờ 30 phút nữa. Điểm đến đầu tiên trong ngày là đền thần đạo (Shinto) Fushimi Inari Shine. Đền thờ tọa lạc trên núi Inari Moutain. Toàn đền sơn màu cam nổi bật, nơi thờ nữ thần gạo và sự thịnh vượng. Đoàn có dịp ngắm nhìn hàng ngàn chiếc cổng xinh đẹp quanh những con đường mòn xinh đẹp. Đây cũng là một trong những cảnh quay đẹp của bộ phim “Hồi ức một Geisha”.
Thần đạo (Shinto) và Phật giáo (Buddhism) là hai tôn giáo chính của Nhật Bản. Theo lịch sử, có lần Minh Trị tuyên bố: “Thần Phật bất ly lịnh”, nghĩa là các đền các thần đạo (Shinto) hay chùa đều phải tuân lịnh của Minh Trị. Sau đó, dân chúng biểu tình phản đối và vua phải rút lại câu: “Thần Phật bất ly lịnh”. Hiện nay, nhiều đền thần đạo xây cạnh bên chùa Phật giáo, để có ảnh hưởng, vì thần đạo và Phật giáo là hai tôn giáo chính của Nhật Bản. Giống như ở Ấn Độ, các đền của đạo Hindu cũng xây cạnh các chùa Phật giáo. Ví dụ: Đảo của Bồ tát Long Thọ (Nagarjunakonda ở U.P, Ấn độ) cũng nườm nượp nhiều khách hành hương Hindu xen kẽ với Phật tử đến chiêm bái, vì do bên cạnh khu khảo cổ Long Thọ tự nhiên mọc lên vài đền Hindu thờ chín vị thần của họ.
Thần đạo rất thiêng liêng ở Nhật Bản, trong khi ở Việt Nam, thần đạo chỉ trong dạng tiềm ẩn, tín ngưỡng, chứ chưa hình thành. Đương kim Giáo chủ của các thần đạo là Thiên Hoàng. Thần đạo không có Kinh Koran. Đền chủ là vị Sư trụ trì. Đền chủ có nhiều ngọc trai, trân châu và thanh gươm do thí chủ đại gia cúng dường. Tại đền thần đạo (Shinto) tổ chức một nghi lễ nào cũng có giá cả như một đám cưới chỉ 2 giờ đồng hồ, cô dâu chú rể phải chi khoảng 15.000 Mỹ kim. Lễ cầu an là 500 Mỹ kim làm tập thể cho nhiều người. Lễ sái tịnh xe hơi mới là 300 Mỹ kim (chỉ rải nước vài phút trên xe), cho cả chục xe trong một lần.
Người dân tin tưởng việc gì phải có Sư thầy trong đền thần hay trong chùa cầu nguyện mới tốt. Sư thầy tôn giáo là một đẳng cấp đặc biệt được kính trọng (giống như Ấn Độ nghĩ rằng các Bà la môn được tiếp cận với thần linh). Có quý Sư thầy cầu nguyện trong hậu sự đám ma thì người chết mới đầu thai tốt, mọi thứ mới tốt đẹp và bình an.
Của cải cha mẹ để lại phải đóng thuế 50% cho Chính phủ nên mới có chuyện giấu tiền để cho con cái mà không khai báo thuế. Do không báo kịp cho con cháu nên mới có chuyện bà bán ve chai lượm được cả tỷ Yen trong cặp loa cũ. Do Nhật bán rác cho Campuchia, Việt Nam qua Campuchia mua đồ cũ và cuối cùng cặp loa đến tay bà bán ve chai nghèo. Thần may mắn đã gõ cửa nhà bà (Lucky for her). Trong đền thần đạo (Shinto) có thờ con cáo chín đuôi như vị thần. Thảy 2 đồng xu xuống chùa để cầu nguyện, bán nhà và đất không được, cầu sẽ bán được. Nhiều người tin như vậy. Trước khi thảy 2 đồng tiền, vỗ tay hai cái, vỗ trệch tay vì chưa quen thần. Cúng tiền 2 đồng rồi, quen thần rồi thì gõ hai tay bằng nhau. Đây là tín ngưỡng được diễn ra mỗi ngày.
Nước Nhật chỉ có 2 điều là sóng thần và động đất, không có tài nguyên và khoáng sản nhiều, nhưng người Nhật biết quay lại phát huy nơi con người nên giàu. Ưu điểm của Nhật là có nền giáo dục đẳng cấp: Nước Hàn lúc đầu gây hấn với người Nhật, xâm chiếm người Nhật, nhưng sau đó cố Tổng thống Hàn là thân phụ của bà Tổng thống Park đã xin bộ sách giáo khoa của Nhật để dịch ra tiếng Hàn (chỉ trừ môn lịch sử và văn chương) và cho học trò học y chang Nhật, quên đi tự ái dân tộc để học những nền giáo dục đẳng cấp.
Để góp vui đường dài, vài thầy cô cũng được mời lên chia sẻ ý đạo: Ni sư Hạnh Quang lên kể 2 câu chuyện đạo, Ni sư Giới Hương lên hát bài ‘”Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn và kể chuyện viết chữ trên nước, trên cát và trên đá. Thượng tọa Lệ Thọ lên chia sẻ về dưỡng thần khí: Trong một ngày thì cốt ở giờ Dần (sáng sớm), trong một gia đình thì cốt hòa thiện và trong một con người thì cốt là sức khỏe, nên khuyên mọi người giữ gìn sức khỏe. Đức Phật ngủ rất ít, chỉ thiền định, thở sâu là chính để nuôi dưỡng thân. Các cao tăng Hòa thượng ngủ rất ít, chỉ 4 giờ đồng hồ một ngày. Những người có lý tưởng thì có thể thức vài đêm, vài tháng nhưng lại cân bằng, vì biết cách thư giãn ở những đoạn giữa và thở sâu. Khả năng của con người vươn lên, không biết mệt mỏi nếu chúng ta biết cách dưỡng thần.
Tham quan rừng tre Sagano diện tích 16km2 nằm ở phía Tây Bắc tại Kyoto – Nhật Bản, là một trong những môi trường tự nhiên đẹp nhất Nhật Bản, Sagano không chỉ thu hút du khách vì vẻ đẹp tự nhiên của nó mà còn vì âm thanh của gió thổi qua khu rừng tre. Âm thanh của gió trong rừng tre này đã được bình chọn là một trong những “âm thanh cần phải được bảo tồn” của Chính phủ Nhật Bản. Nhưng vì mưa gió quá, nên đoàn không ghé được khu rừng tre âm thanh này.
Đoàn dùng bữa trưa tại nhà hàng Chisyakuin Ikkyuando chùa quản lý nên có bàn thờ Phật tại trai đường và mỗi vị lãnh một mâm cơm nhỏ xinh xinh trang trí rất đẹp giống như hộp bánh mứt của Tết Nguyên đán.
Viếng chùa Kinkakuji – Kim Các Tự, tức chùa Gác Vàng, là tên phổ thông của chùa Rokuon-ji ở Kyoto. Toàn bộ ngôi chùa, ngoại trừ tầng trệt, đều được bọc bằng những lá vàng nguyên chất, khiến cho ngôi chùa sáng rỡ và có giá trị vô cùng. Đây là ngôi chùa bậc nhất của Nhật Bản, là biểu tượng tinh thần, và đã từng là một Shiraiden (Đền Xá Lợi) di tích của Phật giáo.
Chùa xây trong một hồ nước với nhiều hòn đá nghệ thuật và hàng cây cổ thụ xinh đẹp xung quanh. Sự hài hòa của ngôi chùa cùng với bóng nước thực hư xen lẫn sắc lá xanh, khiến chúng ta cảm giác ngỡ ngàng như lạc vào chốn thiên đường trên trần thế. Đây là chùa Kim Các hoặc gọi là Lộc Uyển Thiền Tự thuộc Thiền tông dòng Lâm Tế. Các chùa Tịnh Độ Nhật Bản thì có số lượng Phật tử đông đảo, trong khi Thiền tông không có đông Phật tử bằng, nhưng có ảnh hưởng về mặt tâm lý (Zen). Chùa thật ra lúc đầu chỉ có một tầng bằng vàng, sau đó bị đốt cháy. Năm 1950, toàn dân Nhật hợp lại xây thành 2 tầng đẹp hơn xưa, trở thành di sản văn hóa thế giới và là niềm tự hào về văn hóa Phật giáo của toàn dân Nhật. Chùa này được phép bán vé vào cửa và có phát mỗi người một sớ viết chữ Hán/Nhật (Kanji) về chữ bình an: vạn sự như ý, kỳ này đoàn chư Tăng Ni thì được các chữ:
Chính giữa: “Kim Các Xá Lợi Điện Ngự Thủ Hộ”
Bên phải: “Khai vận chiêu phước”
Bên dưới: “Kim Các Thiền Lâm, Lộc Uyển Thiền Tự, Gia nội an toàn, kinh đô Bắc Sơn.”
Trong chùa có cây bạch quả lâu đời nên chùa cũng được gọi là Thiền thảo tự (Sen Ju Ji) và nổi tiếng là để bình an, vì ai đến đây mua vé cũng được sớ bình an như trên để đem về (chứ không có “Sống qua ngày, chờ qua đời”).Nước Nhật sống từng tụm, từng tụm trong rừng. Ngôn ngữ thì có nhưng chữ viết thì không. Mượn chữ viết đầu tiên là Cao Ly (Triều Tiên), rồi từ Cao Ly qua Nhật và chữ viết từ Trung Quốc cũng qua Nhật gọi là Kanji (Hán tự). Nhật chỉ mượn chữ mà không mượn âm (giống chữ Nôm ở Việt Nam): Việt Nam gọi chữ “đại”, Trung quốc đọc là “ta”, Nhật gọi là “oki”, nghĩa là lớn.
Tối nay đoàn dùng bữa tối tại nhà hàng trên phố Iroha Robatayaki Namba đầy đèn sắc màu rộn rịp và sau đó đoàn về khách sạn, chuẩn bị mai rời Nhật Bản.
Ngày 6: 22/10/2017: Kansai – TP.HCM
Trung Quốc đề cao chữ HIẾU như gương hiếu của Bồ tát Mục Kiền Liên. Hàn Quốc đề cao chữ LỄ (như mẹ ăn nửa chén cơm, con dâu ăn nửa chén còn lại). Việt Nam là chữ NGHĨA: Tình làng nghĩa xóm. Không trọng người giỏi mà trọng người hiền. Tiến sĩ không được bầu làm Trưởng phòng mà bầu người hay đi đám giỗ, đám ma, chăm sóc những người xung quanh làm Trưởng phòng. Đi tận cùng của chữ nghĩa là chữ tình. Thằng con út khổ cực làm ra tiền cho cả gia đình mà không ai thương, vì hay nóng giận. Thằng anh không có tiền, nhưng gần gũi hay an ủi gia đình, được ai cũng thương, cái gì cũng được cho. Đó là chữ lễ nghĩa. Nhật Bản thì Samurai cũng LỄ NGHĨA, TỰ TRỌNG. Có câu rằng: “Ăn cơm Tàu, chạy xe Tây và lấy vợ Nhật.” Vợ Nhật không phải là ba vòng tiêu chuẩn như hoa hậu. Càng nhiều đường cong càng nguy hiểm mà lấy vợ Nhật, vì phong thái Nhật là điềm tĩnh, lễ nghĩa và biết tự trọng.
6 giờ 30 sáng ngày 22/10/2017, đoàn trả phòng khách sạn. Dùng điểm tâm với bánh mì và nước cam trên xe buýt. Nhưng thật ra hôm qua hầu như ai cũng mua mì gói Nhật Bản, nên sáng trong phòng mỗi người tự nấu nước pha mì ăn cho chắc bụng. Trời cũng mưa rỉ rả lâm râm như mưa ngâu rằm tháng bảy khi đoàn di chuyển ra sân bay Kansai để bay về Thành phố Hồ Chí Minh.
Sân bay quốc tế Kansai là một sân bay quốc tế nằm trên một hòn đảo nhân tạo ở giữa vịnh Osaka, 38 km (24 dặm) phía Tây Nam của Ōsaka, nằm ở ba thành phố: Izumisano (phía Bắc), Sennan (Nam), Tajiri (trung tâm), thuộc phủ Osaka, Nhật Bản. Sân bay nằm ngoài bờ biển Honshu và được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ý Renzo Piano. Sân bay này phục vụ như một trung tâm quốc tế cho tất cả hãng bay.
Kansai mở cửa vào ngày 4/9/1994. Tính đến tháng 6/2014, Kansai Airport đã trở thành một trung tâm châu Á, với 780 chuyến hàng tuần đến châu Á và Australia, 59 chuyến hàng tuần đến châu Âu và Trung Đông và 80 chuyến bay hàng tuần đến Bắc Mỹ. Phi trường xây giữa biển (vì dân không chịu bán đất), xây khoảngthời gian 20 năm, đóng cả triệu cột bê tông xuống lòng biển sâu để thành móng xây sân bay. Cầu sắt nối đất liền ra giữa biển dài 5 km. Độ cao từ mặt biển lên cầu là 36 m. Cầu có 2 tầng: tầng trên là xe buýt, tầng dưới là xe lửa. Tại phi trường Kansai (Kansai International Airport), có hãng Kix Duty Free, được mua miễn thuế và giảm giá 5% nữa gồm nước hoa, rượu và thuốc lá. Đây là điểm cuối để mua sắm trước khi làm thủ tục bay về Thành phố Hồ Chí Minh.Thông tin chuyến bay: VN 321 KIXSGN 10:30-14:15. Vì ảnh hưởng bão ở Philippines, nên máy bay bay trễ và lắc lư rung chuyển rất nhiều trên không trung, nên ai cũng im lặng lo niệm Phật. Nhưng may mắn, cuối cùng đoàn cũng đến sân bay Tân Sơn Nhất bình yên.
Một chuyến đi Nhật Bản rất đáng nhớ với nhiều học hỏi, mở mang và kỷ niệm với thủ đô Tokyo với chùa Việt Nam, Núi Phú Sĩ Fuji, thành phố Kyoto nên thơ, chùa Kim Các và đền thần đạo Osaka của miền Trung Nhật Bản. Đoàn được trải nghiệm hái nho và ăn nho tại vườn, tắm onsen và đi tàu cao tốc Shinkansen. Chuyến đi từ phía Đông (Tokyo) và về từ phía Tây (Sankai/Osaka) Nhật Bản đến Việt Nam đã chấm dứt. Cám ơn từng thành viên của đoàn, công ty du lịch Đặng Lê và anh hướng dẫn viên thông minh giàu kiến thức.
Bùi Giáng có câu thơ: “Nếu để lỡ hẹn một giờ, đời sau muốn gặp phải chờ trăm năm.” Những việc hay cơ hội gì cần làm nên làm liền, đừng bỏ lỡ thời cơ thì khó gặp lại. Đời như giấc mộng, ngay trong giấc mộng cũng còn mơ. Giấc mơ không có đánh thuế, nên cứ mơ. Chúc từng vị có nhân duyên gặp gỡ trong đoàn Nhật Bản thành tựu giấc mơ của chính mình. Hẹn gặp lại trong một chuyến đi chiêm bái tâm linh khác.
Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ tát ma ha tát.
TKN. Giới Hương (Hoa Kỳ) {ĐSHĐ-057}