Một khu vườn tươm tất với những luống rau xanh mướt, những bông hoa tươi thắm, những cành cây trĩu quả. Đó là thành quả đáng quý của một người làm vườn giỏi.
Thật vậy, một người khéo làm vườn sẽ biết cách chăm sóc, vun bón để cho ra những hoa thơm trái ngọt làm đẹp cho vườn. Cũng vậy, mỗi chúng ta được ví như người làm vườn, chăm sóc mảnh đất tâm, để xây dựng nên những tâm hồn tươi sáng thuần khiết tô đẹp cho đời, cho xã hội.
Chăm sóc mảnh đất tâm của chính mình
Tâm được ví như một khu vườn, nơi đó chứa đựng nhiều hạt giống khác nhau. Nói theo thuật ngữ Duy thức học, hạt giống chính là chủng tử bao gồm hai loại: Bản hữu chủng tử và Tân huân chủng tử. Bản hữu chủng tử là những hạt giống đã được huân tập từ vô thỉ kiếp; Tân huân chủng tử là những hạt giống mới sanh ra tùy thuộc vào mọi nhân duyên khác nhau. Hai loại hạt giống này được Thiền sư Nhất Hạnh miêu tả qua những câu thơ sau:
Có hạt giống sẵn có, có hạt giống trao truyền
Huân tập thời thơ ấu, cả thời gian thai nghén
Từ gia đình, bè bạn, nơi xã hội học đường
Hạt giống nào cũng có, tính cách riêng và chung.
Không phải ai khác mà chính chúng ta, những người làm vườn, phải khéo chăm bón vun trồng để phát triển mảnh đất tâm của mình. Trong một khu vườn lúc nào cũng có nhiều cỏ dại, người làm vườn không kịp thời nhổ bỏ chúng thì chúng sẽ hút hết chất dinh dưỡng của những cây trái ta đã trồng. Cũng vậy, trong mảnh đất tâm luôn chứa đựng nhiều loại hạt giống khác nhau. Chúng ta phải nhận ra được những hạt giống bất thiện như tham lam, ích kỷ, hơn thua, v.v…, để nhổ bỏ chúng đi. Còn những hạt giống thiện lành như hoan hỷ, vị tha, từ ái, v.v…, thì tạo điều kiện cho chúng phát triển. Tâm thức chúng ta luôn sanh diệt liên tục, hạt giống này diệt thì hạt giống khác liền sanh, cứ thế nối tiếp nhau không ngừng dứt như vòng tròn của một đốm lửa. Cho nên, yếu tố cần thiết cho sự điều phục tâm là tỉnh giác. Với sự tỉnh giác, khi tiếp xúc với những trần cảnh bên ngoài chúng ta sẽ nhận thức đúng đắn về chúng, từ đó gạn lọc được những bất thiện pháp và đưa vào những thiện pháp để nuôi dưỡng tâm ta.
Thế giới muôn màu muôn vẻ, chúng ta có rất nhiều cách để chăm bón vun trồng mảnh đất tâm. Robin Sharma từng nói: “Mỗi người bạn tiếp xúc đều biết ít nhất một thứ mà bạn không biết. Đừng để họ ra đi mà chưa học được điều gì”. Cho nên, gặp gỡ một người cũng là nhân duyên tốt để ta học hỏi những điều hay lẽ phải. Đọc một cuốn sách cũng chính là cách ta tiếp xúc với tâm hồn người khác để nuôi dưỡng tâm hồn mình.
Chăm sóc mảnh đất tâm của người khác
Ngoài việc chăm sóc mảnh đất tâm của chính mình chúng ta cần phải biết chăm sóc mảnh đất tâm của người khác qua suy nghĩ, lời nói, và hành động của chúng ta. Người làm vườn nếu không phân biệt được loại cây nào cần những chất dinh dưỡng gì để vun bón cho hợp lý thì cây sẽ không phát triển tốt. Cũng vậy, nếu không khéo léo trong lời nói và hành động có thể chúng ta sẽ làm tổn thương người khác. Có những lời nói vô tình đối với người nói nhưng đã để lại vết thương sâu kín trong lòng người nghe.
Lời nói không là dao, sao cắt lòng đau nhói
Lời nói không là khói, sao mắt thấy cay cay.
Vậy nên, chúng ta phải khéo dùng lời nói để gieo vào tâm hồn người khác những loại hạt giống khác nhau, phù hợp với căn cơ của từng người. Đối với trẻ thơ, mảnh đất tâm của chúng rất trong sáng và hồn nhiên, là người lớn chúng ta nên biết cần phải tưới tẩm những chất liệu gì để chúng trở thành những đứa con ngoan trò giỏi. Đối với người đang gặp bế tắc khổ đau thì một lời động viên an ủi cũng giúp họ phần nào xoa dịu tâm hồn, cảm nhận được hơi ấm của tình người mà vượt qua khó khăn. Dắt người già qua đường cũng là hành động đẹp, giúp họ bớt sợ hãi và cô đơn.
Cây cối được chăm sóc đúng cách, gieo rắc đúng chất dinh dưỡng thì chúng sẽ phát triển thành những cây xanh hoa thắm tỏa hương thơm và bóng mát cho khu vườn. Cũng vậy, nếu chúng ta muốn trở thành những con người có ích cho đạo, làm đẹp cho đời thì chúng ta hãy là những người làm vườn thật giỏi, khéo trau giồi những phẩm chất quý báu trong tâm hồn mình. Bởi vì:
Giá trị một đời người
Tùy thuộc vào phẩm chất
Mọi hạt giống đang nằm
Trong chiều sâu tâm thức.
Cho nên, chúng ta cần tưới tẩm những chất liệu thiện lành vào mảnh đất tâm để những hạt giống của từ bi, hiểu biết, thương yêu trong chiều sâu tâm thức được phát triển, đồng thời dập tắt những hạt giống tham lam, sân hận, si mê không cho chúng cơ hội sinh sôi nảy nở. Khi tâm hồn ta có nhiều năng lượng an lành thì ta mới có thể truyền trao năng lượng ấy cho tâm hồn người khác. Được như vậy thì cả ta và người đều sẽ trở thành những bông hoa tươi thắm tỏa ngát hương thơm trong vườn hoa Phật giáo.
Huệ Đức (ĐSHĐ-133)