Giáo dục mầm non là bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ – những yếu tố căn bản hình thành nhân cách con người. Còn mục đích hoằng hóa độ sinh của Phật giáo la giúp cho con người hướng thiện, vun bồi từ bi và trí tuệ. Trong xã hội, muốn có trí tuệ thì con người cần phải được giáo dục ngay từ khi đến tuổi đi học. Nhà trường định hình nhân cách cho trẻ qua những bài học đạo đức, điều chỉnh hành vi hằng ngày. Cho nên, tham gia giáo dục hoạt động, trong đó có giáo dục mầm non, hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Phật giáo, phù hợp với đặc tính của người nữ giàu lòng từ bi, yêu thương. Vì vậy, bài viết thảo luận, đề xuất một số định hướng phát triển giáo dục mầm non của Ni giới Việt Nam hiện nay.
-
Thực trạng giáo dục mầm non Phật giáo
Trước năm 1975, lớp học mầm non chủ yếu được thành lập trong các chùa Ni từ miền Trung trải dài đến các tỉnh miền Nam. Tiêu biểu, tại chùa Từ Nghiêm, quý Sư bà đã chủ trương xã hội hóa giáo dục, giúp đỡ về y tế, chăm sóc cô nhi. Khi đó, trú xứ chùa Từ Nghiêm đã mở ba lớp mẫu giáo cho con em nghèo, không có tiền đóng học phí. Hệ thống trường Mẫu giáo Kiều Đàm phát triển tại các chùa Ni Sài Gòn có: Huê Lâm – quận 11 (năm 1952), Phước Hòa (1956), Huệ Lâm -quận 8, Kim Liên – quận 4, Kiều Đàm – quận 3, Long Nhiễu – Thủ Đức, do chư Ni quản lý, giảng dạy. Trung bình mỗi trường có từ 100 đến 150 em. Nội dung hướng dẫn và giảng dạy theo chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục. Với tinh thần trách nhiệm và lý tưởng xây dựng mầm non tuổi trẻ, quý Ni sư, Sư cô đã giáo dục thành công cho hơn 2.500 trẻ em Phật tử, làm cơ sở cho các lớp Tiểu học Bồ Đề của Giáo hội1. Nhìn chung, trước năm 1975, các trường mẫu giáo/mầm non được thành lập phần lớn trong khuôn viên các chùa Ni, được quý Sư cô trực tiếp đứng lớp dạy, một số ít do nữ Phật tử đảm nhiệm. Mô hình này xuất hiện ở các tỉnh, thành phố lớn như Huế, Sài Gòn, Nha Trang…, đáp ứng được nhu cầu giáo dục của gia đình Phật tử, cũng như cơ hội để chư Ni thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công tác giáo dục con người.
Hiện nay, hoạt động giáo dục mầm non của Phật giáo đang tồn tại ba hình thức, đó là hình thức mầm non tư thục có thu phí, mầm non tư thục hoàn toàn miễn phí (theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo) và mầm non tình thương (mô hình này chủ yếu tồn tại ở các huyện, thị thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế) do các tự viện làm chủ, quản lý. So với Công giáo, các cơ sở do Phật giáo đầu tư còn ít, chỉ rải rác ở một số tỉnh, thành như: Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Gia Lai, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa…
Trong tình hình hiện nay, thấy được nhu cầu thực tế của xã hội, Nhà nước khuyến khích xã hội hóa giáo dục, trong đó có lĩnh vực mầm non. Trong Luật Tín ngưỡng Tôn giáo (2016), tại chương VI, điều 55 cho phép tôn giáo tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan. Phật giáo tham gia giáo dục mầm non là cùng gánh vác trách nhiệm với xã hội vì trẻ em, vì tương lai của đất nước. Ngày 8/11/2014, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kết hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Toàn quốc về các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non. Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trân trọng ghi nhận tình cảm và những nỗ lực cống hiến có ý nghĩa hết sức quan trọng của các cơ sở giáo dục mầm non tôn giáo, góp phần cùng chính quyền các cấp chăm sóc, nuôi dưỡng, đào tạo, giáo dục trẻ. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngành giáo dục các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non; triển khai việc phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non tôn giáo hoàn thành thủ tục cấp phép, xây dựng trường, thực hiện các chính sách hỗ trợ chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn đồng hành cùng các tôn giáo trong việc xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo, nhất là giáo dục mầm non để cùng chung tay tạo ra lợi thế cho Việt Nam, xây dựng con người mới có kiến thức, có bản lĩnh, yêu nước, có lòng nhân ái, ý chí xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp2. Từ đó, một số chùa Ni ở các tỉnh thành đã mở trường mầm non tư thục. Đến nay, có thể kể đến những điểm sáng về công tác giáo dục mầm non do Ni giới đảm trách:
(1) Trường Mầm non Họa Mi, thuộc chùa Giác Tâm, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, do Ni trưởng Thích nữ Huệ Từ thành lập năm 1995.
(2) Lớp học tình thương – chùa Lộc Thọ, do cố Ni trưởng Thích nữ Diệu Ý thành lập năm 1994, trong khuôn viên chùa Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, từ mẫu giáo đến lớp 5. Lớp này kết hợp với một trường tiểu học địa phương (Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc) lo thủ tục hành chính, nên các em học hết tiểu học, sau đó được các trường trung học nhận để tiếp tục học lên. Đây là mô hình đặc biệt, vừa mang tính chất tình thương nên miễn phí hoàn toàn, vừa được công nhận là học sinh chính quy.
(3) Nhóm lớp mầm non Kiều Đàm của chùa Thiên Hòa, thành phố Nha Trang, do Ni trưởng Diệu Đức thành lập năm 2000, Ni sư Thích nữ Chơn Toàn điều hành.
(4) Trường Mầm non Tuệ Uyển (Đồng Nai) do Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nguyện thành lập năm 1989. Ni trưởng đã mở lớp học tình thương cho các em từ lớp 1 đến lớp 5; thứ Bảy, Chủ nhật còn có lớp tiếng Anh miễn phí cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Năm 2002, kinh tế khá hơn, việc phổ cập tiểu học không còn cấp thiết, nhưng nhu cầu gửi trẻ của công nhân quê miền Bắc, miền Trung nhiều, có trường hợp xảy ra những tai nạn thương tâm do trẻ tự chăm sóc nhau. Vì vậy, Ni trưởng quyết định mở lớp mầm non bán trú3. Trường đã ngừng hoạt động vào năm 2021.
(5) Trường Mầm non Oanh Vũ Từ Tâm, do Phân ban Ni giới tỉnh Gia Lai, thành phố Pleiku thành lập năm 2016 (ngưng hoạt động năm 2023).
(6) Trường Mầm non Kiều Đàm (quận 9, nay là thành phố Thủ Đức), do Ni trưởng Thích nữ Nguyên Thuận thành lập năm 2010, hiện nay Ni sư Huệ Đạo điều hành.
(7) Trường Mầm non Tịnh Nghiêm (thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang), do Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nghiêm thành lập năm 2006.
(8) Nhóm lớp Mẫu giáo Sen Vàng, do Ni sư Thích nữ Như Nguyệt thành lập năm 2021, các Sư cô học Khoa Giáo dục mầm non khóa 1 của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh điều hành.
(9) Trường Mầm non Lâm Tỳ Ni, thành lập năm 2023, xuất phát từ tâm nguyện của chư Tôn đức Tăng Ni Thừa Thiên Huế, cùng sự chung tay đóng góp xây dựng của các Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước. Đại diện là Hòa thượng Thích Hải Ấn, trú trì chùa Từ Đàm (thành phố Huế) – Chủ tịch Hội đồng quản trị; và Ni trưởng Thích nữ Như Minh, trú trì chùa Tây Linh (thành phố Huế) – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị. Trong số các trường trên, Trường Mầm non Lâm Tỳ Ni có cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế, hiện đại, chương trình giảng dạy phù hợp nên thu hút được nhiều phụ huynh gửi con đến học. Đây là ngôi trường mầm non quy mô lớn đầu tiên hiện nay của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hiện nay, chính quyền các địa phương đều ủng hộ, cho phép các tôn giáo mở trường, nhóm lớp mầm non. Tính đến tháng 10/2014, cả nước có 39 tỉnh, thành phố có cơ sở giáo dục mầm non tôn giáo; trong đó nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ trường mầm non do tổ chức, cá nhân tôn giáo thành lập cao như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh… Hiện cả nước có 269 trường mầm non và 905 nhóm, lớp mầm non do các tổ chức và cá nhân tôn giáo thành lập (chiếm 1,9% tổng số trường mầm non công lập trên cả nước); huy động hơn 125.500 trẻ đến trường lớp. Các cơ sở giáo dục mầm non tôn giáo không chỉ huy động trẻ là con em của giáo dân mà còn nhận trẻ em trên địa bàn và trẻ thuộc địa phương lân cận đến học4. Trong số trường/ nhóm lớp ấy thì số lượng trường/ nhóm lớp của Phật giáo còn quá khiêm tốn so với Công giáo. Trước tình hình này, Phật giáo Việt Nam nói chung, Ni giới nói riêng cần động viên, tạo điều kiện cho chư Ni và nữ Phật tử tham gia công tác giáo dục mầm non nhằm đào tạo thế hệ tương lai, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, cho sự phồn vinh xã hội. Điều quan trọng hơn là, con em gia đình Phật tử nếu theo học các trường của tôn giáo bạn thì khi trưởng thành, ít nhiều các cháu sẽ nhạt đạo hoặc cải đạo, bởi các cháu được đào tạo trong môi trường đó từ bé, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến nhận thức.
-
Phương hướng phát triển giáo dục mầm non ở Ni giới
Những khó khăn khi chư Ni trẻ chọn học ngành giáo dục mầm non là:
- Ngại ngùng trước các môn học: đàn, hát, múa, vì Giới Luật không cho phép.
- Không có đủ học phí cho 4-5 năm, bao gồm cả thời gian thực tập.
- Tốt nghiệp không có nơi giảng dạy.
- Tự thân không đủ điều kiện mở trường lớp.
- Hiện nay, các trường đại học đều áp dụng chế độ xét tuyển đầu vào, điều kiện là bằng tốt nghiệp trung học đạt loại giỏi, nên hầu hết các em không đủ điều kiện, phải học hệ cao đẳng để liên thông lên đại học.
Năm 2015, Học viện Phật giáo Việt Nam liên kết với Khoa Giáo dục Mầm non Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh để chư Ni và nữ Phật tử theo học khoa này, đầu vào được 100 em (bao gồm tuyển thẳng), nhưng ra trường chỉ có 55 em; do nhiều lý do khác nhau mà số lượng tốt nghiệp chỉ còn lại phân nửa số lượng đầu vào. Trong số 55 em này, hiện nay chỉ có khoảng 5-6 vị đang làm công tác giáo dục mầm non tại các địa phương. Vậy số còn lại đang làm gì? Đây là một câu hỏi mà Phân ban Ni giới Trung ương cần quan tâm.
Khoa Giáo dục Mầm non của Học viện Phật giáo Việt Nam đã động viên, khích lệ Ni sinh theo học ngành này tại các trường đại học ngoài xã hội bằng việc kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ 100% học phí, mỗi năm khoảng 14.000.000-15.000.000 đồng/sinh viên.
Để tạo điều kiện cho chư Ni và nữ Phật tử tham gia công tác giáo dục mầm non, xin kiến nghị một số giải pháp sau:
(1) Giáo hội Phật giáo các địa phương nên hỗ trợ, tạo điều kiện cho Ni giới mở trường mầm non.
(2) Ni giới mỗi tỉnh, thành nên chọn một địa điểm phù hợp mở trường mầm non, số lượng cơ sở càng nhiều càng tốt.
(3) Động viên chư Ni và nữ Phật tử theo học ngành giáo dục mầm non. Phân ban Ni giới tỉnh, thành nên trích quỹ để hỗ trợ học phí cho chư Ni và Phật tử theo học ngành này.
(4) Các trường, lớp giáo dục mầm non nên thu theo mức học phí mới, đáp ứng được yêu cầu và chất lượng của giáo dục, đảm bảo thời gian tồn tại lâu dài. Với hộ nghèo thì miễn giảm để con em theo học.
(5) Nên mở thêm các lớp Anh ngữ, nhạc họa… miễn phí trong cơ sở trường mầm non để thu hút trẻ đến trường.
Kết luận
Những thuận lợi, khó khăn cũng như thành tựu của Ni giới trước và sau năm 1975 đối với công tác giáo dục mầm non cho thấy, cơ sở giáo dục mầm non của Phật giáo còn quá ít, thua kém Công giáo từ số lượng cơ sở đào tạo cho đến nguồn nhân lực có chuyên môn trong lĩnh vực này. Đây là một ngành rất quan trọng nhưng trong thời gian qua không được Phật giáo nói chung, Ni giới nói riêng quan tâm đúng mức. Chính giáo dục mầm non là nền tảng học tập căn bản, có thể ảnh hưởng tới quá trình học tập suốt cuộc đời. Cấp học này đóng vai trò quan trọng, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của con người. Vấn đề này, bên tôn giáo bạn – Công giáo đã thực hiện cả thế kỷ nay. Nơi đâu có tín đồ Công giáo thì nơi đó có trường mầm non. Trong khi Phật giáo có mặt trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam, nhưng có bao nhiêu nơi có trường mầm non/mẫu giáo? Đây là điều mà Ni giới Việt Nam cần thảo luận để có định hướng chung trong tương lai, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc.
TS. Thích nữ Như Nguyệt (Viên Minh)
- Thích Thiện Nhơn (2013), “Sự đóng góp về giáo dục Phật học của Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh 300 năm”, https://quangduc.com/a11410/su-dong-gop-ve-giao-duc-phat-hoc-cua-pg-gia-dinh-sai-gon-tp-hcm-300-nam.
- “Các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non Việt Nam” (2014), https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/cac-ton-giao-tham-gia-phat-trien-giao-duc-mam-non-viet-nam-328010.
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Mầm non Tuệ Uyển” (2020), https://giacngo.vn/ky-niem-30-nam-thanh-lap-truong-mam-non-tue-uyen-post54010.html.
Các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non Việt Nam” (2014), Tlđd.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Thích nữ Diệu Bản (2021)” Một hướng suy nghĩ về Giáo dục Phật giáo Việt Nam” Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Phạm Lan Hương (2008), “Về giáo dục Phật giáo Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 3.
- Nghị quyết số 90/CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ: Về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa.
- TKN. Thích Như Nguyệt (2022), Hành trạng chư Ni Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg, quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015.