Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, sự xuất hiện ngày càng nhiều các trang mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng rất lớn (cả tích cực và tiêu cực) đến mọi hoạt động và sinh hoạt của con người, nhất là giới trẻ, trong đó có Ni giới. Cuộc sống, học tập và sinh hoạt hằng ngày của Ni giới trẻ hiện nay đều bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng mạng xã hội.
Đặc điểm nổi trội của các trang mạng xã hội là thông tin nhanh, nhiều, nhưng bị trộn lẫn giữa thông tin tốt với thông tin xấu, thiếu tính định hướng, không ai phải chịu trách nhiệm, không ai kiểm chứng. Nhiều thông tin hàm chứa nội dung xấu độc như phim ảnh có nội dung không lành mạnh, lối sống trụy lạc, kích động bạo lực, khiêu khích chiến tranh, chia rẽ đoàn kết vùng miền, dân tộc, tôn giáo…
Tính hấp dẫn, lôi cuốn của các trang mạng xã hội rất dễ làm cho người tham gia bị sa đà vào ‚biển thông tin” hỗn loạn đó” làm cho người trẻ nói chung và Ni giới trẻ nói riêng sao nhãng việc học hành, giảm tương tác trong đời sống lục hòa cộng trụ, tinh thần uể oải, sa sút, đắm chìm vào thế giới ảo ở ngay giữa đời thực. Đây chính là tác nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý và việc hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người.
-
Thói quen sử dụng mạng xã hội của Ni giới trẻ hiện nay
Có thể nói, với nhiều ứng dụng tiện ích khác nhau, các trang mạng xã hội đã đáp ứng được gần như đầy đủ các mục đích, nhu cầu của Ni giới trẻ như: sử dụng mạng xã hội vào hoạt động học tập (cập nhật thông tin, tìm kiếm tài liệu), tăng cường sự tương tác với bổn tự và gia đình, sử dụng mạng xã hội vào phát triển quan hệ bạn bè và các hoạt động ngoại khóa. Việc đăng ký tham gia một nền tảng xã hội nào đó khá đơn giản và dễ dàng cho hầu hết các đối tượng người dùng như: miễn phí thành viên, có thể truy cập bất cứ khi nào và ở đâu, chỉ cần có kết nối Internet… là lý do khiến cho mạng xã hội ngày càng thu hút Tăng Ni trẻ, không chỉ ở các thành phố, đô thị mà cả những vùng nông thôn, miền núi. Trong bối cảnh đó, vấn đề văn hóa ứng xử trên mạng xã hội rất cần được quan tâm.
Mạng xã hội cho thấy sự “chuyển động” rất khác của Ni giới trẻ trong thời đại số hóa. Nhiều hoạt động tẩy chay của giới trẻ trên mạng xã hội đã gây không ít “sóng gió” cho các cá nhân và tập thể. Giới trẻ Việt Nam hiện nay nói chung và Ni giới nói riêng có ý thức rất lớn về “tiếng nói” của mình. Bằng chứng là giới trẻ có riêng một kênh “Đài Tiếng nói GenZ” trên nền tảng Facebook và Tiktok để thể hiện quan điểm. Giới trẻ cũng đã quan tâm đến chính trị, chủ quyền, toàn cầu…
Bên cạnh những thông tin lành mạnh, vui vẻ, không ít người, trong đó có cả Ni giới trẻ, trở thành các “anh hùng bàn phím”, sử dụng mạng xã hội để bôi xấu hình ảnh, thậm chí xúc phạm danh dự của cá nhân, tổ chức nào đó với những lời lẽ thiếu văn hóa, thô tục. Đặc biệt là trên mạng xã hội TikTok, xuất hiện nhiều video với mục đích giải trí đính kèm #J4F (từ viết tắt của Just for fun, với nghĩa là chỉ vui thôi), thể hiện nội dung nhạy cảm, không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Tuy nội dung họ sáng tạo không trực tiếp hướng đến một cá nhân nào nhưng vô tình lại tác động đến cả một nhóm đối tượng. Những tranh cãi trên mạng xã hội tạo thời cơ cho nhiều cá nhân tiếp tục sản xuất ra những sản phẩm văn hóa lệch lạc. Ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới và cả ở Việt Nam, đã có nhiều trường hợp thương tâm xảy ra từ những trào lưu TikTok độc hại.
Với nhiều người, Internet là một thứ không thể thiếu, một thói quen không kiểm soát được. Dần dà, họ quên thời gian học tập, thời khóa tu tập, sao nhãng ăn uống, ngủ nghỉ; tức giận, căng thẳng, bồn chồn khi không thể lên mạng; đòi hỏi trang bị máy tính cấu hình cao hơn, nhiều phần mềm mới; có biểu hiện trầm cảm, hay cáu giận và tách biệt với xã hội.
Sa đà vào các game trực tuyến là một dạng của nghiện Internet; hiện tượng này cũng xuất hiện trong Ni giới trẻ. Dường như cuộc sống của thế giới ảo đã làm cho các bạn quên dần sự yêu thương của những người thân dành cho mình ở thế giới thật. Họ giảm tiếp xúc với gia đình, bè bạn, sống cô lập trước màn hình máy tính, “lặn” vào những”chat room” hay trò chơi bạo lực, xem “đó là lẽ sống”. Điều đó lấy đi sức lực, thời gian và trước hết là sự vô tư, trong sáng của tuổi trẻ.
Vậy nguyên nhân từ đâu dẫn đến hiện tượng này? Cần phải nói rằng, Internet không có lỗi. Nó chỉ là một chất xúc tác. Nguyên nhân chính đó là sự chủ quan của người dùng. Những Ni sinh ham chơi, không thích học, tính tình lười nhác rất dễ nghiện Internet. Chưa kể, còn có sự lôi kéo, dụ dỗ của những phần tử xấu trong xã hội.
Đó là do sự mới lạ, hấp dẫn của Facebook, Zalo, Tiktok,… Trên các nền tảng này, người trẻ được tự do bày tỏ quan điểm, cách đánh giá, nhìn nhận của mình về một vấn đề nào đó; được đăng những hình ảnh xinh đẹp của bản thân với hàng ngàn lượt like cùng những bình luận “chém gió” mang tính giải trí cao. Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng ở một góc độ khác thì việc dùng mạng xã hội phần nào cũng cho thấy giới trẻ khá nhanh nhẹn trong việc nắm bắt các trào lưu, xu hướng của thế giới.
-
Giải pháp
Để nâng cao tính tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đến sự phát triển nhân cách và lối sống của giới trẻ hiện nay, cần có những biện pháp phù hợp. Cụ thể:
Thứ nhất, trong gia đình và Tự viện, tịnh thất, cần tổ chức tốt các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp. Đây là giải pháp thiết thực nhất để vừa quản lý vừa bồi dưỡng, giáo dục nhân cách, lối sống lành mạnh cho giới trẻ, vừa hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội. Điều này giúp cho giới trẻ nói chung, Ni giới trẻ nói riêng, có đủ tự tin, bản lĩnh và vững vàng trước cám dỗ của thế giới ảo.
Muốn vậy, cần có sự chủ động, tính khoa học trong sắp xếp/bố trí giữa các loại hình công việc. Cần thay đổi phương thức tiếp cận Internet theo hướng chủ động, tăng cường sự hiểu biết ở các bậc trưởng thượng nhằm dạy dỗ con cái, chúng đệ tử sử dụng Internet đúng mục đích, phù hợp. Hiểu biết về Internet sẽ giúp kiểm soát việc sử dụng Internet của con cái, đệ tử một cách linh hoạt, khoa học và hiệu quả. Thầy tổ, tông môn trưởng thượng cần phải biết sử dụng các trang mạng để phục vụ công việc, giải trí lành mạnh, là tấm gương tốt cho Ni trẻ học tập và noi theo. Đồng thời, chú trọng định hướng giá trị nhân cách và lối sống tốt đẹp, có sự yêu thương, chia sẻ với gia đình và trách nhiệm với xã hội, giáo dục kỹ năng sống, nhất là kỹ năng điều tiết và kiểm soát bản thân, rèn luyện thói quen tốt như chơi thể thao, tham gia các câu lạc bộ thảo luận về Giới Luật…
Cần đưa ra những nguyên tắc, giới hạn khoảng thời gian sử dụng Internet.
Có thể sử dụng các công cụ ngăn chặn truy cập vào những nội dung không phù hợp, kiểm soát nội dung truy cập.
Không phê phán, cấm đoán hay lên án một chiều những tiêu cực của mạng xã hội. Trái lại, phải dành nhiều thời gian trò chuyện để hiểu tâm tư của đệ tử, động viên, khích lệ tinh thần hay tổ chức những hoạt động chung để thắt chặt tình cảm.
Thứ hai, các nhà trường trong hệ thống giáo dục Giáo hội cần tinh giản, giảm bớt nội dung, chương trình học không cần thiết, các học phần lý thuyết không phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các buổi học kỹ năng, thể dục thể thao, các hoạt động vận động để giúp học sinh thực hành nhiều kỹ năng sinh tồn trong thực tiễn cuộc sống, đồng thời có sự phát triển về thể chất. Cần có các biện pháp phòng ngừa, trừng phạt đối với những bất ổn, bạo lực học đường. Quý thầy cô Giáo thọ cần tăng cường quan tâm, động viên, khích lệ học sinh trong học tập, rèn luyện, giúp đỡ các em trong những tình huống thực tế.
Nhà trường, các cơ sở giáo dục cần hướng dẫn cách khai thác thông tin tích cực để các em chủ động tham gia mạng xã hội, phục vụ học tập, nghiên cứu chuyên môn hiệu quả. Hướng dẫn cách chọn lọc thông tin hữu ích và tránh xa những thông tin độc hại. Giáo dục cách ứng xử văn minh trên mạng, kiểm soát hành vi, lời nói và| đảm bảo những thông tin mà mình đăng trên mạng không vi phạm pháp luật, không ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, hình ảnh của cá nhân hay tổ chức khác, phù hợp với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội.
Tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, thiện nguyện… để nâng cao đời sống tinh thần, tạo môi trường lành mạnh để các Ni sinh kết bạn, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, qua đó rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và tinh thần đoàn kết, giúp các bạn trẻ sống có trách nhiệm, xa rời lối sống hời hợt, vô tâm, thích ăn chơi, hưởng thụ và đua đòi theo những hư danh của thế giới ảo. Khi thế giới thực có nhiều hoạt động thú vị thì các em sẽ hạn chế việc tìm niềm vui ở thế giới ảo.
Thứ ba, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, kiểm duyệt nghiêm ngặt các nội dung được đăng tải trên Internet; có những chế tài xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe đối với chủ thể tạo ra các trang website đen, bẩn trên Internet, các game online có nội dung trái với thuần phong mỹ tục/ kích động bạo lực,…
Các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn sử dụng mạng xã hội, xây dựng quy định cho các nhà cung cấp dịch vụ, khuyến khích những thông tin lành mạnh, bổ ích, lan tỏa tư duy tích cực và lối sống văn minh cho cộng đồng.
Phát huy tốt vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống truyền thanh nội bộ, kết hợp đẩy mạnh hoạt động của các loại hình văn hóa dân gian, sinh hoạt câu lạc bộ, văn nghệ quần chúng… thông qua đó tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, đơn vị, trên cơ sở đó giáo dục, định hướng chính trị, tạo niềm tin và nhiệt huyết của tuổi trẻ, chống lại các loại sản phẩm văn hóa xấu độc, âm mưu”xâm lăng văn hóa”, tư tưởng “áp đặt lối sống, văn hóa phương Tây”, làm ảnh hưởng xấu đến đời sống tình cảm tốt đẹp, tâm hồn trong sáng vốn có của giới trẻ hiện nay.
Thứ tư, mỗi một Ni sinh cần phải nỗ lực tuyên truyền, phổ biến về tác hại của việc sử dụng Facebook quá nhiều cho mọi người, đặc biệt là các bạn học sinh, cùng nhau tạo ra những hoạt động hấp dẫn, giúp người nghiện Facebook nói riêng, mạng xã hội nói chung quay về với thế giới thực. Cần có niềm tin rằng, với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, một ngày nào đó không xa, mạng xã hội sẽ trở về đúng giá trị của nó, là một công cụ giải trí, giao lưu, trao đổi về các vấn đề trong cuộc sống chứ không phải là một”ông chủ” khó tính điều khiển cuộc sống, suy nghĩ của con người.
Cần xây dựng mối quan hệ ở thế giới thực, không nên quá sa đà, mất thời gian nhiều vào thế giới ảo. Nên dành thời gian vào những việc có ích hơn, không biến mình thành nạn nhân của mạng xã hội.
Thời gian của đời người thật ngắn ngủi, không nên tiêu phí vào những điều vô bổ, thậm chí có hại. Cần phải biết quý trọng từng phút giây, sống sao cho ý nghĩa vì chúng ta còn trẻ, còn rất nhiều việc phải học, phải làm. Mỗi cá nhân từ khi còn là Ni sinh ngồi trên ghế nhà trường, cần phải sắp xếp cho mình thời gian hợp lý, khoa học, sử dụng Internet vào những việc đúng đắn. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ khai thác được nhiều lợi ích mà Internet mang lại.
-
Khuyến nghị
Trên cơ sở tổng kết các nội dung chính như trên, tác giả đưa ra một số khuyến nghị trong việc định hướng ảnh hưởng của mạng xã hội đối với Ni giới trẻ trong bối cảnh hiện nay.
Thứ nhất, mạng xã hội có cả tác động tích cực và tiêu cực đến đời sống thanh niên nói chung, Ni giới trẻ nói riêng. Mạng xã hội giúp Ni giới trẻ kết nối với nhiều bạn bè, cập nhật thông tin, tham gia và chia sẻ tài liệu trong các nhóm học tập. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra bởi xét cho cùng, mạng xã hội chỉ là thế giới ảo, việc sử dụng quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới công việc, học tập, sức khỏe hay gây ra những rắc rối trong cuộc sống. Thế nên, phải có sự kiểm soát về thời gian và nội dung tiếp cận của Ni giới trẻ.
Thứ hai, để phát huy tốt những ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đến Ni sinh, cần có những hiểu biết về cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về truyền thông nói chung và mạng xã hội nói riêng. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý tới các thông tin, loại bỏ các nội dung xuyên tạc, gây bất an trong dư luận thông qua mạng xã hội. Cần am hiểu luật pháp để tránh những sai lầm đáng tiếc.
Thứ ba, Phân ban Ni giới từ Trung ương đến địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho Ni giới trẻ. Cần tuyên truyền ý thức sử dụng mạng xã hội, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đưa nội dung hướng dẫn cách tiếp cận thông tin và sử dụng mạng xã hội hợp lý. Cần coi đây là một trong những nội dung học ngoại khóa quan trọng, tạo thói quen lành mạnh, tránh những biểu hiện lệch lạc, giáo dục chính trị tư tưởng, giúp Ni sinh nhận ra tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực.
Thứ tư, đào tạo Ni giới có chuyên môn về truyền thông online và kỹ năng sử dụng công nghệ là điều cấp thiết hiện nay. Như thế mới có thể phụng sự tích cực cho Giáo hội sau khi ra trường.
Kết luận
Giống như nghiện rượu hay ma túy, nghiện mạng xã hội cũng mang lại những hậu quả nhất định về tâm lý, thể chất và các mối quan hệ xung quanh. Cả xã hội và hệ thống chính trị cần nhận diện đúng đắn, đầy đủ các chiều cạnh tác động đến vấn nạn nghiện mạng xã hội ở giới trẻ nói chung và Ni sinh nói riêng, từ đó có các biện pháp giáo dục phù hợp, khả thi từ gia đình, nhà trường, cho đến tự viện, xã hội. Bản thân từng Ni sinh cũng cần phải biết sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, tỉnh táo và chấp hành nghiêm túc Luật An ninh mạng để tránh những hệ lụy đáng tiếc.
Thích nữ Tịnh Minh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê năm 2020.
- Khoản 1, khoản 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
- Điều 155 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
- Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.