Ni sư Nam kỳ được đề cập sớm nhất trong công trình của Vân Thanh1 và Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang. Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Lang giới thiệu 3 gương mặt Ni sư Nam bộ gồm Diệu Tịnh (1910-1942) (đây là một nhân vật quan trọng sẽ được chúng tôi trình bày cụ thể ở phần sau), Chí Kiên (1913-2007) và Diệu Ninh (1914?). Điểm chung là họ đều sinh vào hai thập niên đầu của thế kỷ XX và thọ đại giới vào thập niên 30. Sách Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam trong mục các vị Ni tiền bối Sài Gòn-Gia Định ngoài Ni sư Diệu Tịnh và Diệu Ninh, cũng đề cập đến Ni sư Diệu Tấn (1910-1947), Ni sư Hồng Nga-Diệu Ngọc (1885-1952), Chơn Ngạn-Như Hoa (1910-19892). Điểm chung giữa các vị Ni sư được nhắc tới trong hai công trình kể trên là họ đều xuất gia tu học với chư Tăng. Ni sư Hồng Nga-Diệu Ngọc, Hồng Khoái-Hữu Chí, Hồng Thọ-Diệu Tịnh, Hồng Tích-Diệu Kim, Bửu Thanh, Hồng Lâu-Diệu Tấn đều là đệ tử của Hòa thượng Như Hiển Chí Thiền, hay còn gọi là Tổ Phi Lai, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ, đời thứ 403. Các vị Ni sư Chơn Ngạn-Như Hoa, Chơn Niệm-Như Ngọc, Chơn Vinh-Phước Hiển là đệ tử của Hòa thượng Giác Ngộ Chánh Quả (chùa Kim Huê, Sa Đéc4). Mặc dù không có tư liệu lưu trữ nhưng chúng tôi cũng thật may mắn khi có tác phẩm của Trần Hồng Liên cũng như những bài viết trên các tờ báo Phật học thời đó có cung cấp thông tin về thực trạng Ni giới Nam kỳ trên nhiều phương diện. Trần Hồng Liên trong cuốn Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ – Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975 đã viết “số nữ tu xuất hiện ngày càng đông5”. Ni sư Diệu Tịnh, một Ni sư thời đó cho biết “lâu nay Ni lưu xuất gia rất nhiều6”. Mặc dù Ni giới ở Nam kỳ ngày “càng đông”, nhưng thực tế là họ không có chùa riêng, và phải nương theo Tăng. Điều này được Ni sư Diệu Tịnh và bà Trần Nguyên (Louise) phản ánh trong các bài báo đăng trên tạp chí Viên Âm, Từ Bi Âm thời bấy giờ. Trên Viên Âm số 17, tháng 9 và 10 năm 1935, Ni sư Diệu Tịnh có viết “… lâu nay Ni lưu xuất gia rất nhiều, nhưng không có chùa để mà ở và chị em phải nương ở các chùa Sư nam7”. Đồng cảm với Ni sư Diệu Tịnh, cô Trần Nguyên không chỉ nêu thực trạng mà còn chỉ ra hệ lụy của việc “ở chung ở lộn” của Tăng Ni “Tăng Ni chẳng có giới hạn, nam nữ chẳng có phân biệt, rồi xảy ra nhiều tấn bi kịch về sự cô vãi, mà làm cái bia miệng cho người thế gian hủy báng Phật pháp8”. Phải chăng đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc Ni sư Huệ Tâm (1911-1935) chọn kết thúc cuộc đời của mình khi tuổi đời còn trẻ và trong lòng còn đang tràn đầy nhiệt huyết cống hiến cho đạo pháp9?
Về phương diện giáo dục, lớp Ni học đầu tiên ở miền Nam được Ni sư Hồng Nga Diệu Ngọc tổ chức tại chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu năm 1927. Tuy nhiên, trường cũng chỉ duy trì được 01 năm. Đọc Hồi ký của Ni sư Diệu Tịnh có thể hình dung được phần nào những cực khổ trong việc tầm sư học đạo của Ni sư thời đó.
Ni sư Diệu Tịnh tên thật là Phạm Đại Thọ, sinh năm 1910 trong một gia đình Công giáo khá giả có 7 anh chị em, ở làng Yên Luông Đông, tổng Hòa Đông Hạ (xóm Cội), Gò Công. Với nguyện ước sống một cuộc đời có ý nghĩa và mang lại lợi ích cho nhân quần xã hội, bà quyết chí xuất gia tu hành. Năm 14 tuổi bà xuất gia với một vị Tăng tại chùa Tân Lâm (Tân Sơn Nhất – Gia Định) sau những lần thuyết phục cha mẹ, rồi trốn đi tu không thành. Tưởng rằng được yên thân tu học, nhưng nào ngờ “trời sinh cay nghiệt”. Hết bị cô gái bà Hội đồng “yêu thương say đắm” vì tưởng là nam nhân rồi lại đến một một gã thanh niên mặc âu phục “giở giọng trăng tình gió nghĩa, quyến yến rủ oanh”. Tưởng gặp được thầy tốt bạn hiền, nào ngờ bị thầy “cầm cán quạt long, đến đập bổ lên đầu tôi bốp bốp”, vì vừa đun nước vừa nói chuyện với chú tiểu Viết, rồi bị thầy “đốt hết các kinh luật tôi chép học lâu nay và đuổi tôi đi lập tức” chỉ vì lo chuẩn bị đồ cúng đám đến tận 2 giờ sáng rồi mệt quá mà ngủ thiếp đi không “chúc tán” thầy. Đến nỗi “sợ thầy như sợ cọp” và “buồn vì sự học, không biết học hỏi vào ai10.”
Đối với Ni giới, trách nhiệm của người xuất gia là “đem cái đời xuất gia của mình, thù phụng với cái chủ nghĩa đun nước, sửa cơm, khâu y vá áo, chịu thiệt thòi dưới cái chế độ “bất bình đẳng11”, là “sự cạo gió hầu trà cho ông sư, lại còn lãnh lấy cái trách nhiệm rất nặng nề, rất cực nhọc: nào nấu cơm đun nước, nào rửa chén quét chùa, nào khâu quần vá áo cho các ông chúng đạo, một năm mười hai tháng, một tháng ba mươi ngày, một ngày mười hai giờ, tưởng không có chút nào hở tay rảnh việc mà vào chùa cho thấy mặt Phật, có đâu nói đến sự học hỏi nghiên cứu…”. Từ đó Ni giới cũng chỉ có “cái danh, cái hình của người xuất gia”mà thôi.
Với vị trí là cái nôi của Ni giới Việt Nam, Ni giới miền Bắc, mặc dù sống khép kín, trình độ Phật học phần lớn ở mức độ sơ đẳng, thậm chí đối với một số người đi tu chỉ để “trốn đời”, kiếm cớ sinh nhai, nhưng rõ ràng chư Ni miền Bắc có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với chư Ni hai miền còn lại. Họ có chùa riêng, có những Tổ đình Ni lớn, có Ni sư thông hiểu Phật pháp, được học Phật trong các trường hạ. Trong khi đó, lịch sử chư Ni miền Trung và Nam muộn hơn. Không có chùa riêng, nương theo chư Tăng, không có trường. Điểm nổi bật là chư Ni 3 miền tồn tại rời rạc, chưa có mối liên hệ với nhau, trừ một vài cá nhân đã di chuyển giữa các miền để cầu đạo. Bên cạnh đó, với đạo pháp, trách nhiệm của họ gắn liền với các việc bếp núc, ruộng vườn.
4. Phong trào chấn hưng Phật giáo – cơ hội để Ni giới vươn lên
Chấn hưng Phật giáo là một phong trào có tính cách quốc tế, khởi nguồn từ Ấn Độ, sau đó lan sang các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc, đặc biệt là Thái Hư đại sư, phong trào xuất hiện đầu tiên ở Nam kỳ do Hòa thượng Khánh Hòa khởi xướng vào đầu những năm 20, trải qua hai giai đoạn chính: giai đoạn vận động diễn ra trên báo chí Quốc ngữ vào những năm 20 của thế kỷ XX và giai đoạn thực hành chấn hưng gắn liền với các hội Phật học/Phật giáo ở khắp ba kỳ trong những năm 1931-1945. Có thể kể đến các hội tiêu biểu như hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học (1931) – hội đầu tiên trong phong trào chấn hưng, đánh dấu phong trào đạt được địa vị hợp pháp; hội An Nam Phật học (1932), hội Phật giáo Bắc kỳ (1934)- hai hội trụ cột trong phong trào chấn hưng ở Trung và Bắc. Phong trào chấn hưng Phật giáo xuất hiện trong bối cảnh xã hội Việt Nam, bên cạnh sự tồn tại của những yếu tố văn hóa truyền thống, còn có sự hiện diện của nhiều yếu tố văn hóa phương Tây. Đó là sự thoái trào của Nho giáo, hệ tư tưởng chính thống của nhà nước phong kiến Nguyễn, là sự suy vi của đạo Phật, sự xâm nhập của các tư tưởng dân chủ phương Tây nhờ hoạt động duy tân của các sĩ phu yêu nước tiến bộ như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can, sự phát triển của báo viết và kỹ thuật in ấn hiện đại, sự phổ biến của chữ Quốc ngữ. Chính vì vậy phong trào không chỉ có tính cách tôn giáo mà còn có tính cách xã hội. Mặc dù chương trình hành động cụ thể của các hội khác nhau nhưng đều nhằm mục đích: “Nhìn chung, các nhà lãnh đạo phong trào trước hết đặt mục tiêu phiên dịch, giải thích giáo lý và kinh sách bằng chữ Quốc ngữ, bởi vì, cho đến lúc đó chỉ có một số ít các nhà sư có thể thấu đạt các kinh điển Phật giáo viết bằng chữ Hán, điều này không cho phép phổ biến rộng rãi giáo lý đạo Phật. Mặt khác, với niềm tin, Phật giáo chỉ có thể được tái sinh khi sự thuần khiết được khôi phục, do vậy, họ kêu gọi thanh lọc tự viện, thiết lập kỷ luật Tăng giới, phát triển các trường học hiện đại để đào tạo một thế hệ chư Tăng mới hữu học và đạo hạnh, có khả năng nắm giữ vai trò lãnh đạo tinh thần trong một xã hội đầy biến động. Cuối cùng họ mong muốn mang lại cho đạo Phật một tổ chức chặt chẽ hơn, cho phép tôn giáo này đứng vững trước đối thủ của mình, Kitô giáo, được coi như một công cụ của chính quyền thực dân12”. Để đạt được những mục tiêu trên, các Hội đã xuất bản tạp chí Phật học bằng chữ Quốc ngữ, phiên dịch kinh điển, sách vở đạo Phật từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ, mở trường Phật học đào tạo Tăng tài, thuyết pháp, diễn giảng, xây chùa, các hoạt động từ thiện xã hội. Với những hoạt động này, phong trào đã cung cấp phương tiện mới và tạo ra cơ hội để Ni chúng cất lên tiếng nói và thể hiện tư tưởng của mình.
Trước hết chúng tôi thấy họ không lặng lẽ nữa mà hoạt động. Họ xuất hiện trên phương tiện truyền thông Phật giáo và công chúng. Đó là việc Ni sư viết bài cho các tạp chí Phật học và thuyết pháp. Đây là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Khảo sát các tờ tạp chí Phật học thời đó như Từ Bi Âm, Viên Âm, Đuốc Tuệ, Duy Tâm Phật học, Phật học chúng tôi được biết các thông tin về hoạt động thuyết pháp cũng như viết báo của Ni sư ở ba kỳ thời đó. Về thuyết pháp có thể kể đến Ni sư Diệu Tịnh thuyết pháp nhân dịp Đại hội của Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học (1935), nhân dịp khánh thành chùa Hải Ấn hôm rằm tháng bảy âm lịch tức ngày 30/8/1936 (1936), tại chùa Quốc Công (Hưng Yên, Bắc kỳ) năm 1938) (Nam Kỳ), tại chùa Thiên Phước – Sóc Trăng, hội quán của Hội Phật học Tương Tế nhân dịp khánh thành hội ngày 13/7/1936; Ni sư Huệ Tâm diễn giảng tại chùa Đồng Quang năm 1935 (Bắc kỳ; Ni sư Diệu Viên giảng nhân dịp khánh thành chùa chi hội An Nam Phật học tại Đà Nẵng (1936), Tâm Nguyệt nhân dịp khánh đản tại Quy Nhơn năm 1937 (Trung Kỳ). Tần suất xuất hiện trên truyền thông của họ được thể hiện trong bảng thống kê thông qua các bài viết trên tạp chí Phật học thời bấy giờ.
Bảng thống kê cho thấy Ni giới Nam kỳ đi đầu trong việc “hiện” trên phương tiện truyền thông Phật giáo. Người mở đầu chính là Ni sư Diệu Tịnh với bài viết “Lời than phiền của một cô vãi” trên Từ Bi Âm số 27, xuất bản ngày 01/02/1933. Tiếp đó là các vị Ni sư ở Trung kỳ (1934), muộn nhất là Ni sư ở Bắc kỳ (1937). Về tần suất, Ni sư Nam kỳ và Trung kỳ xuất hiện đều đặn hơn ở Bắc kỳ trên cả hai phương diện thời gian và số lượng bài viết. Trong khi Nam kỳ liên tục trong 9 năm với 2 tờ tạp chí chính, Trung kỳ 8 năm thì Bắc kỳ chỉ xuất hiện rải rác trong 3 năm. Ở phương diện này, Ni sư Diệu Tịnh là người tích cực nhất. Tên của bà xuất hiện trên cả 4 tạp chí, rải khắp Bắc, Trung, Nam.
Bảng thống kê
Tên tạp chí | Tổng số bài viết của Ni giới | Tác giả | Tác giả đóng góp nhiều bài nhất |
Thời gian |
Từ Bi Âm (1/1/1932-67/1945, Nam kỳ) |
20 | Diệu Tịnh, Huệ Tâm, Diệu Tâm, Diệu Ngôn, Diệu Minh, Như Ý, Diệu Nhựt | Diệu Tịnh (13 bài, trong đó có 5 bài thơ) |
1933 – 1940 |
Duy Tâm Phật học (10/1935 – 67/1943, Nam kỳ) |
4 | Diệu Hữu, Diệu Hường, Diệu Tịnh, Diệu Tánh |
1937 – 1939 | |
Viên Âm (12/1933 – 1945, 1949 – 2953, Trung Kỳ) |
27 | Diệu Viên, Huệ Tâm, Diệu Không, Diệu Tịnh, Diệu Phước, Diệu Tu, Tâm Nguyệt, Diệu Hồng, Diệu Hòa, Tâm Diệu |
Diệu Không (15 bài, trong đó có 5 bài thơ) | 1934 – 1938 |
Đuốc Tuệ (12/19358/1945, Bắc kỳ) |
5 | Tâm Nguyệt, Diệu Tịnh, Đàm Như, Đàm Hữu, Đàm Hướng |
1937, 1938, 1944 |
Không chỉ “hiện” trên báo chí Phật giáo, Ni giới còn bày tỏ sự quan tâm đến nhiều vấn đề của đạo Phật, từ những vấn đề căn bản của đạo pháp đến những vấn đề chấn hưng có tính thời sự. Đặc biệt, họ dành sự quan tâm lớn đến những vấn đề liên quan trực tiếp đến Ni giới thời đó. Điều này chứng tỏ đã xuất hiện một bộ phận Ni giới trẻ, có trình độ, nhiệt huyết và có trách nhiệm, trách nhiệm đối với chính cuộc đời xuất gia của họ, với đạo pháp.
Còn tiếp
TS. Ninh Thị Sinh
Khoa lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội 2 (ĐSHĐ-118)
Sc Nhuận Anh diễn đọc
- Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái, Phật lịch 2518 (DL 1974).
- Như Đức, Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, 2009.
- Như Đức, Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 44-45.
- Như Đức, Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 64.
- Trần Hồng Liên, Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ-Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 94.
- Thích Nữ Diệu Tịnh, Một bức thư dài xin hỏi ý kiến chị em nữ lưu, Viên Âm, số 17, tháng 9-10, 1935, tr. 19-22.
- Thích Nữ, Một bức thư dài xin hỏi ý kiến chị em nữ lưu, Viên Âm, số 17, tháng 9 và 10 năm 1935, tr. 19-20.
- Trần Nguyên (Louis), Cái bi cảm đối với Ni lưu kim thời, Từ Bi Âm, số 82, 1936, tr. 36.
- Ni sư là người Bắc kỳ nhưng sớm có chí học đạo nên vào Nam cầu học với các vị Hòa thượng trong Nam như thiền sư Khánh Hòa, thiền sư Huệ Quang. So với Ni giới Bắc kỳ thời đó thì Ni sư là một trong số ít có nền tảng học vấn trước khi xuất gia. Xuất thân trong một gia đình “danh gia thế phiệt”, được đi học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, lại có thời gian hai năm sống ở Trung Quốc cùng gia đình. Nhờ có nền tảng học vấn tốt lại là người có tư chất nên Ni sư tiến rất nhanh trên con đường tu học. 16 tuổi xuất gia, 19 tuổi thọ giới Thức xoa ma na. Ni sư cũng là trường hợp duy nhất của Ni giới Bắc kỳ được chúng tôi ghi nhận là người có khả năng viết bài cho tạp chí Phật học thời đó và đăng đàn thuyết pháp. Mặc dù số lượng bài viết không nhiều những nội dung thể hiện rõ trình độ Phật học cũng như nhận thức của một vị Ni sư trẻ tuổi đối với các vấn đề của phong trào chấn hưng, trong đó có những ý tưởng rất táo bạo như đề nghị các hội Phật học nên hiệp nhất. Nhưng không rõ lý do nào khiến cho Ni sư lựa chọn kết thúc cuộc đời bằng cách trẫm mình xuống bãi Ngao Châu trong sự bất ngờ và băn khoăn của các bạn đồng đạo.
- Diệu Tịnh (1926), Hồi ký Sư cụ bản lược.
- Diệu Tịnh, Nên tổ chức trường Phật học để giáo dục phụ nữ không?, Từ Bi Âm, 1-15 Avril 1938, số 148, 9-33: tr. 29.
- Nguyễn Thế Anh. Parcours d’un historien du Vietnam. Paris: Les Indes savantes, 2008, p. 615.