I. Thân thế
Ni sư thế danh Phạm Thị Thanh, Pháp danh Thích Đàm Thanh, hiệu Tiến Đạt; sinh ngày 21 tháng 8 năm Đinh Dậu (1957) tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Thân phụ là cụ ông Phạm Văn Rạp, thân mẫu là cụ bà Quản Thị Tẹo. Trong gia đình có mười anh chị em, Ni sư là người con thứ ba.
II. Thời kỳ xuất gia tu học
Duyên lành hội đủ, năm 13 tuổi Ni sư đến chùa Sở Vòng (chùa làng) tu học, hầu Cố Ni trưởng Đàm Trụ và Ni trưởng Đàm Soạn.
Năm 1975, Ni sư được Nghiệp sư cho thọ giới Sa-di-Ni tại chùa Mai Phúc.
Năm 1978, Ni sư được Nghiệp sư cho đăng đàn thọ giới Tỳ-kheo-Ni tại chùa Bút Tháp với sự Chứng minh của đức Đệ nhất Pháp chủ (Hòa thượng Thích Đức Nhuận) và Cố Ni trưởng chùa Tây Hồ làm Hòa thượng Đàn đầu.
III. Thời kỳ đàn đầu
Năm 1979, Cố Ni trưởng chùa Tây Hồ vì tuổi cao, sức yếu nên đã giao phó chùa Tây Hồ cho Ni sư đảm nhiệm trụ trì. Bằng giới đức trang nghiêm, học hạnh tinh chuyên đáng làm gương cho các tín đồ Phật tử quy hướng.
Năm 1994, Ni sư nhận chùa Phú Đô.
Năm 2000, Ni sư nhận chùa Bàn Kết ở tại quê nhà để xây dựng làm nơi quy tụ tín ngưỡng cho nhân dân trong vùng.
Năm 2004, nhận lời mời của nhân dân thôn Yên Phú, Ni sư đã tới xây dựng kiến thiết, trùng tu nhà Tổ và hướng dẫn các tín đồ tu tập.
Với tâm hy sinh, sự nhiệt tình chẳng từ lao nhọc nên Ni sư được Giáo hội phân công đảm trách:
· Ủy viên Kiểm soát Phật giáo quận Tây Hồ khóa II, trụ trì chùa Tây Hồ.
· Giám viện chùa Phú Đô, chùa Yên Phú, chùa Bàn Kết, chùa Cầu Báu.
Trong sự nghiệp kế thừa mạng mạch, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, Ni sư đã thế độ cho bốn người đệ tử xuất gia, hầu hết các đệ tử của Ni sư đã học xong các trường lớp của Giáo hội và du học tại Ấn Độ (hiện nay đệ tử lớn của Ni sư là người được phó chúc lại ngôi chùa Tây Hồ) và có cả hàng nghìn tín đồ Phật tử do Ni sư hướng dẫn quy y Tam Bảo. Thực hiện hạnh nguyện lợi tha, tu tâm hành thiện, tốt đời đẹp đạo, Ni sư thường xuyên đóng góp công đức tại một số địa phương, nêu cao tinh thần vô ngã vị tha, từ bi cứu khổ của người con Phật.
Về việc từ thiện xã hội, nơi nào có thiên tai, lũ lụt, bệnh tật đói nghèo, các Cô nhi viện, các trại Dưỡng lão, là nơi Ni sư và các Phật tử thường đến gieo chút thiện duyên. Ni sư là biểu tượng của tình thương, là sự sống của người đau khổ, trong ý nghĩa và hạnh nguyện của một vị hành Bồ-tát đạo. Có thể nói, Ni sư là người thầy mẫu mực của tín đồ Phật tử và nhất là đối với những ai có duyên diện kiến, mọi người đều được thỏa mãn trong ý nghĩa diệu lực thù thắng, bất khả tư nghì của đạo Phật qua lời giảng giải của Ni sư. Với tinh thần hoằng dương Chánh pháp lợi lạc quần sinh, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, làm tốt đạo đẹp đời, Ni sư đã được Giáo hội tấn phong lên hàng giáo phẩm Ni sư vào ngày 05 tháng 12 năm 2002 và được tặng nhiều phần thưởng cao quý.
IV. Thời kỳ viên tịch
Kể từ ngày 9 tháng 5 năm Bính Tuất (2006), khi phát hiện ra căn bệnh hiểm nghèo, sức khỏe của Ni sư có phần giảm sút, nhưng Ni sư vẫn nỗ lực kiên trì thừa hành Phật sự, vẫn nhận thêm chùa Cầu Báu trùng hưng Tam Bảo làm lợi lạc quần sinh; nhưng khi biết mình không thể vượt qua căn bệnh nên giao lại cho đệ tử thứ ba trông nom. Thế rồi ngày qua tháng lại sức khoẻ của Ni sư kém dần theo căn bệnh nhưng Ni sư vẫn chánh Niệm tỉnh giác, an nhiên tự tại, sinh hoạt bình thường trong ý Niệm “sinh tử nhàn nhi dĩ ” và trong một thoáng vô thường, Ni sư đã xả báo an tường, thâu thần viên tịch trở về thế giới Niết-bàn vào ngày 25 tháng 12 năm 2006 (tức mùng 6 tháng 11 năm Bính Tuất). Trụ thế 50 năm, 37 năm vào đạo và trải qua 28 mùa An cư Kiết hạ.
Ni sư đã vĩnh viễn ra đi để lại các pháp hữu vi giả tạm, hạnh nguyện chưa tròn, đường phụng sự đạo pháp và chúng sinh còn nhiều người đang mong đợi. Cõi Ta-bà đã khuất bóng Ni sư, miền Cực Lạc hoa sen chớm nở.
Công đức của Ni sư đã cống hiến cho đạo pháp và chúng sanh sẽ còn lưu lại trong tâm tư hàng đệ tử và mỗi người con Phật. Quả thật:
“ Một mai thân xác tiêu tan
Đạo phong lưu lại thế gian muôn đời ”.
Sc Đức Tạng diễn đọc