Đó là Clara Eisner Zetkin (sinh năm 1857, tại Wiederau) nhà báo nữ người Đức. Bà là giám đốc tờ báo nổi tiếng Die Gleichheil (Bình Đẳng) do chính bà sáng lập vào năm 1890. Tờ tạp chí này theo đuổi một đường lối và quan điểm cách mạng. Bà cũng là nhân vật chủ chốt tổ chức Hội nghị quốc tế Phụ nữ Xã hội lần đầu tiên tại Stuttgart năm 1907 và lần thứ hai tại Copenhague năm 1910. Chính tại Hội nghị Copenhague tập hợp hàng trăm đại biểu đến từ 17 quốc gia, bà được bầu làm Thư ký phong trào Phụ nữ Xã hội và tờ Bình Đẳng trở thành cơ quan ngôn luận của phong trào này. Cũng tại đây, C.E.Zetkin đề xướng việc tổ chức một “Ngày Quốc tế Phụ nữ” nhằm đấu tranh cho quyền bầu cử. Ngày 8/3/1914 phụ nữ Đức đã đưa ra yêu sách đòi quyền bầu cử. Sau đó ngày 8/3 trở thành ngày truyền thống đấu tranh cho nữ quyền. Năm 1915, trong khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất diễn ra, C.E.Zetkin bị chính quyền Đức bắt giam vì những hoạt động đấu tranh đòi hòa bình. Năm 1916, cùng với người đồng chí của mình là Rosa Luxemburg (1870-1919), Zetkin là một trong những người thành lập Đảng Cộng sản Đức. Năm 1920, bà được bầu vào Nghị viện Đức. Tháng 8/1932, ở tuổi 75, với tư cách là một nghị viên cao tuổi nhất, bà đã lên tiếng kịch liệt chống lại chủ nghĩa Quốc xã. Sau sự kiện tòa nhà nghị viện Đức bị đốt cháy ngày 27/3/1933, Clara phải lưu vong sang Mát-xcơ-va và mất tại đây vào ngày 20/6/1933.
Cuối thế kỷ XIX chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh ở Hoa Kỳ, nền kỹ nghệ công nghiệp phát triển đã thu hút đông đảo phụ nữ kể cả trẻ em vào làm việc trong các nhà máy. Nhưng bọn tư bản trả lương rẻ mạt. Đời sống phụ nữ và trẻ em vô cùng khốn khổ, điêu đứng. Căm phẫn trước sự bóc lột khắc nghiệt của chế độ tư bản, ngày 8/3/1899 nữ công nhân ngành dệt, ngành may tại thành phố Chicago và New York đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương và giảm giờ làm việc. Mặc dù bọn tư bản thẳng tay đàn áp bắt bớ, đuổi một số phụ nữ ra khỏi nhà máy, nhưng chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc bọn chủ phải nhượng bộ. Cuộc đấu tranh của nữ công nhân ở Chicago đã cổ vũ phong trào đấu tranh mạnh mẽ của phụ nữ thế giới, nhất là phụ nữ lao động nước Đức. Trong phong trào đấu tranh giai cấp lúc đó ở Đức, bà C.E.Zetkin và bà Rosa Luxemburg đã phối hợp với bà Krupxkaia (vợ lãnh tụ Lênin) đứng ra lãnh đạo phong trào. Năm 1910 ngày đoàn kết đấu tranh của lao động phụ nữ thế giới đã đưa ra những điều kiện:
– Ngày làm việc 8 giờ.
– Việc làm ngang nhau, tiền ngang nhau.
– Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày hội của phụ nữ lao động trên toàn thế giới đấu tranh để tự giải phóng và thực hiện quyền nam nữ bình đẳng.
Ở Việt Nam ngay từ ngày thành lập, Đảng đã lãnh đạo phụ nữ liên tục tổ chức kỷ niệm ngày 8/3, tổ chức cho phụ nữ học tập ý nghĩa ngày hội đấu tranh của phụ nữ lao động toàn thế giới vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ.
Mai Chi (ĐSHĐ-126)