Hồi ức lại thuở thiếu thời cắp sách đến trường được truyền trao kiến thức từ thầy cô, bạn bè. Tuy chỉ có 12 năm ấy nhưng đó là những dấu ấn, kỉ niệm khó quên của tuổi học trò. Thế gian đang rộn rã đón chào ngày 20/11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày tưởng nhớ tri ân thầy cô bằng rất nhiều hình thức, báo tường, văn nghệ, những bông hoa điểm 10, những đóa hồng đỏ thắm, những phần quà nhỏ nhắn nhưng gói trọn tấm lòng yêu quý thầy cô. Tuy món quà nhỏ bé đơn sơ nhưng chứa đựng lòng mến yêu vô bờ. Nhưng đối với người xuất gia chúng ta mang trên mình Tứ trọng ân sâu nặng: Ân cha mẹ sinh thành, ân Thầy Tổ giáo dưỡng huệ mạng, ân đất nước bảo hộ, ân đàn na thí chủ cúng dường. Nhân ngày 20/11 của thế gian nhắc người xuất gia chúng ta một lần nữa khắc cốt ghi thâm ân Tổ, Thầy, Sư trưởng thật cao thâm vời vợi. Ân đức ấy người ơi xin nhớ mãi. Để thành người ‘‘kế vãng khai lai.’’
Sống giữa thời đại 4.0 này nếu không khéo chúng ta dễ bị cuốn vào vòng lốc xoáy của thời đại, rất ít những phút giây trở về với chính mình. Quên đi những ưu tư, trăn trở của những bậc Tôn sư luôn mong mỏi, dõi theo hàng hàng lớp lớp hậu học chúng ta. Tu được cho mình làm lợi ích nhân sinh, tiếp nối bản hoài của chư Phật, tiếp dẫn hậu lai, mồi đèn nối lửa, truyền đăng tục diệm… muốn được như thế người xuất gia chúng ta dù lớn hay nhỏ, dù mới vào đạo hay đã sống trong đạo lâu năm, vẫn phải ôn tầm kinh điển, áp dụng lời Phật, Tổ dạy vào cuộc sống, thường quán chiếu, soi xét lại chính mình, rõ bản thân hiện đang như thế nào để kịp thời chỉnh sửa. Tu sửa là chuyện cả đời người.
Trong Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư có dạy: ‘‘Tu hành giả, tu cải hành vi. Xả ác thủ thiện, ly tục tùng đạo dã.’’ (Tu hành là sửa đổi hành vi. Bỏ ác làm lành, lìa thế tục theo đạo). Hiểu rõ chính mình là liều thuốc tối ưu để hoàn thiện bản thân. Thực tế cuộc sống tu hành, từ những điều nhỏ nhặt nhất, chúng ta cần thực tập rèn luyện, chẳng phải nói suông trên ngôn ngữ. Chân tu thật học là vậy, văn – tư – tu. Nghe pháp Phật, Tổ dạy, tư duy chiêm nghiệm, ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Có như vậy mới an lạc từ những điều được học được hiểu.
Thân tướng: Đi – đứng – nằm – ngồi đều trong oai nghi của người tu sĩ, chánh niệm tỉnh giác. ‘‘Đứng như tùng, ngồi như chung (chuông), đi như gió, nằm như cung’’. Đứng như tùng nghĩa là đứng thẳng, chân vững chắc trên đất kiên cường không dễ lay động, thẳng về thân tướng lẫn tâm thức. Ngồi như chuông, nghĩa là ngồi rất vững vàng, ở giữa rỗng chỉ cho trạng thái tâm rỗng như hư không, hằng tỉnh giác không tạp niệm. Đi như gió, nghĩa là đi vững chãi, chánh niệm và nhẹ nhàng trong từng bước chân. Nằm như cung, nghĩa là nằm nghiêng một bên giống như cây cung, tư thế này giúp các mạch máu dễ dàng lưu thông; còn nằm ngửa thì một số mạch sẽ bị nghẽn, nằm ngửa giống cái xác chết. Nếu chúng ta thực hiện được bốn điều trên thì cung cách, nội hàm của một người toát lên vẻ uy nghiêm với khí chất thanh cao, thoát tục. Giáo lý Phật thường dạy chúng ta nằm nghiêng bên phải, thế này kiết tường an lành.
Tâm thức: Chúng ta là người xuất gia điều cốt lõi và thiết yếu, dù tu bất kì pháp môn gì mỗi người đều phải rõ biết chính mình. Biết tâm thức đang vận hành ra sao, không lầm nhận khách trần vọng tưởng là tâm, rồi mải miết giong ruổi từ sáng đến tối mất thời gian, hao năng lượng mà cứ ngỡ là mình, lảm nhảm thì thầm, cười, khóc trong mộng dù là ban ngày. Ôi trời cái cảm giác trôi lăn trong vọng thức thật ghê gớm! Chính vì thế, Đức Phật đã dạy trong kinh Lăng Nghiêm người tu hành chúng ta, cần rõ ràng không lầm nhận vọng là chân. Nếu nhận lầm mà dụng công tu hành thì trọn đời không có lợi ích như người nấu cát mà muốn thành cơm ngon thì trọn không thể được. Thế cho nên:
‘‘Về đi thôi này người bạn hay quên
Đã từ lâu cuốn xuôi theo dòng đời
Càng trôi xa càng chới với
Mau lái thuyền tìm về bến em ơi!’’
(Ni trưởng Thích Nữ Thuần Trí)
Chú trâu đen hoang tàng từ xưa đến nay đâu dễ thuần phục, không khéo đứt cương quay đầu về chốn cũ lấm lem bùn đất, thế mà chú cứ ngỡ là đẹp. “Từ xưa vùi lấp ngoài đồng hoang bởi cảnh đẹp nên khó lòng đuổi đắm mê cỏ non hoài mãi không thôi, cứng đầu quá lắm…” Thế cho nên cần và rất cần một môi trường tốt có Thầy Tổ, có Tăng thân để chúng ta huân tu và rèn luyện mỗi ngày. Bởi tập khí mỗi người từ vô thỉ kiếp đến nay sâu dày khó đổi, được biết được hiểu Phật pháp và rõ về chính mình đã khó nhưng để thực hiện được những lời Phật dạy áp dụng vào cuộc sống lại càng khó hơn. Nhưng bạn hãy tin rằng chỉ cần một lòng một dạ sắt son, kiên tâm bền chí thì không việc gì chẳng đạt, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.
‘‘Trong tâm tôi có Phật
Tôi không sợ sương sa lớp lớp
Tôi không sợ cát đá trùng trùng
Tim mạch tôi và bạn cùng nhảy
Tâm linh tôi và bạn tương ưng.’’
Cũng một cuộc đời cũng một con người, giữa kiếp sống phù hoa tạm bợ, thoáng chốc hóa hư không, một hũ cốt hay một nấm mồ ngang một thước dài hai thước? Làm gì được lợi ích cho mình cho người theo Chánh pháp thì hãy tận tâm, dù chỉ là những việc nhỏ nhặt nhưng chứa đựng cả trái tim cảm thông yêu thương và sẻ chia những lúc người cần hoặc gặp khốn khó. Hãy cho đi là chúng ta đang yêu thương chính bản thân mình, biết yêu mình mới có thể yêu người, biết thương mình mà gắng tu. Không lãng phí một cuộc đời, một kiếp người nào biết có dài lâu? Không cô phụ chí hướng ban đầu của người xuất gia học Phật.
‘‘Hủy hình thủ khí tiết
Cắt ái từ sở thân
Xuất gia hoằng thánh đạo
Thệ độ nhất thiết nhân.’’
Có như thế mới không cô phụ tứ trọng ân sâu nặng. Không dám nói điều gì xa xôi, nhưng tâm ý hậu học chúng con luôn hướng đến lời Thầy Tổ chỉ dạy. Nguyện đặt tâm ý mình hướng đến những điều cao thượng, mồi đèn nối lửa đời đời không dừng, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức.
Tu đây không chỉ riêng mình
Tu đây lợi ích khắp cùng nhân sinh
Tu đây Phật pháp xương minh
Tu đây đền đáp thâm ân bao người.
Nói thì dễ nhưng làm khó lắm người ơi! Tuy vậy, trong mỗi chúng ta đều có hoài bão và lý tưởng sống, nó là kim chỉ nam giúp chúng ta khi mất phương hướng vẫn có thể tiếp tục cuộc hành trình vì mình vì mọi người như Thầy thường dạy bảo chúng con. Chúng con thành kính tri ân Sư phụ kính yêu! Người đã chỉ cho chúng con tự nhận thức được bổn phận trách nhiệm của người con Phật. Chúng con đã nhận ra chân lý của đạo pháp, chúng con thật hạnh phúc và cảm thấy không thiếu gì giữa cuộc sống này, có thiếu chăng là chúng con thiếu tu, bởi những lúc gặp cảnh duyên trái ý nghịch lòng, chúng con còn bị cảnh dẫn, còn sân, còn buồn, còn lớn tiếng… thật hổ thẹn biết dường nào khi chưa tự chiến thắng chính mình để Sư phụ phải nặng lòng rầy la. Kính bạch Thầy! Ngày nhà giáo Việt Nam, học trò thế gian biết bao quà hoa dâng Thầy Cô, còn chúng con cả trái tim, tấm lòng phủ phục trước sự từ bi pháp hóa kiên tâm, nhẫn nại nơi Thầy đã dành cho chúng con từ lúc hành điệu bé thơ nghịch ngợm, tập khí sâu dày… nhưng Thầy, cũng chính là Thầy dùng bàn tay đại từ bi mẫn cho chúng con thời gian để lớn, để ý thức đổi thay tập khí nghiệp lực của riêng mình… Thầy luôn như thế bao dung vị tha chờ đợi… Thầy với niềm tin bất thối, ai ai cũng có tánh Phật, Thầy đã kiên nhẫn dùng pháp hóa mà dẫn dắt chúng con đến ngày hôm nay. Nhìn lại chặng đường hơn hai mươi năm bên cạnh Thầy, chúng con hạnh phúc nghẹn ngào khi nhìn lại chặng đường đã qua với bao công lao khó khổ của Thầy khi hóa độ chúng con. Ngày tri ân những người lái đò chúng con kính cẩn nhớ ơn Sư phụ từ xưa đến nay. Chúng con nguyện một lòng một dạ ghi nhớ công ơn Thầy, cố gắng trở thành những đứa học trò ngoan, biết vâng lời Thầy dạy, dù những việc rất khó nhẫn, rất khó làm với bản tính cang cường khó độ như chúng con đây! Thành kính tri ân Thầy! Sự nỗ lực tu tập của bản thân nguyện kết thành những đóa hoa tâm chân thành kính dâng Sư phụ kính yêu nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Thầy là muôn vạn vì sao
Cho con diệu chiếu tít cao giữa trời
Dạy con đức hạnh vun bồi
Khiêm cung nhã nhặn tùy thời độ sanh.
Tu hành lập hạnh anh nhi
Nơi nào gian khó nản gì thời son
Sống cho thật tốt khi còn
Người công dân tốt đủ tròn hôm nay.
Tâm cùng Thích tử hăng say
Siêng tu chăm học ta quay trở về
Về là về tại nơi ta
Tánh hư tâm xấu loại ra từng giờ.
Tu mau thời khắc chẳng chờ
Kiếp người nào khắc nhả tơ nơi tằm
Vui tu vui học chăm làm
Chẳng từ ngoại cảnh người phàm tiến tu…
Hải Thuần Bảo Hải