Trong một nước xa thật xa, có một ông Vua được thần dân rất yêu mến. Ông tên là Hassan, nghĩa là tốt, vui, đẹp. Ông là một người đàn ông khôi ngô, khi ông duyệt qua đoàn vệ binh trên lưng ngựa, ông đứng thẳng người trên bàn đạp bằng bạc, giải đai khăn đong đưa phất phơ sau lưng ông như một ngọn lửa. Ông có dáng điệu kiêu hãnh và được mọi người trầm trồ, nhưng người ta càng trầm trồ lòng tốt của ông hơn. Trong những năm làm vua, Hassan đã biết biến đổi đất nước nhỏ bé của ông, ông giao hòa với các nước lân cận và ban công việc làm cho tất cả các quần thần. Ông sống trong một đền đài đẹp đẽ bằng ngọc thạch bao quanh bởi một khu vườn có hoa đẹp suốt năm và có chim chóc khắp xứ đến ca hát. Hassan sống hạnh phúc giữa thần dân, đền đài của ông mở cửa đón tiếp mọi người, vì ông buồn mà nghĩ rằng quần thần của ông không được hưởng những gì tốt đẹp mà đấng Thế Tôn đã ban cho. Ông có thể ích kỷ và keo kiệt nhưng ông sẵn lòng chia sớt của cải cho tất cả mọi người. Quần thần yêu mến ông như cha và trong vương quốc nhỏ bé của ông không một ai không ca tụng ông trừ khi người ấy có quả tim bằng đá.
Thật vậy, vua Hassan là người tốt nhất xứ. Ông dễ thương, ngay thẳng và đặt niềm tin nơi quần thần của ông. Tóm lại, ông được mọi quần thần sùng kính.
Trên gần phân nửa vương quốc có một khu rừng to lớn xanh um, có nhiều sư tử rất hung dữ. Vì thế, không ai dám băng rừng khi đêm đến. Một hôm, có một nhà hiền triết ở lại trễ cạnh bên rừng. Cây cối rất dày và rậm rạp đến nỗi dường như ở đây đêm đến mau hơn ở đồng bằng. Nhưng nhà hiền triết không nhìn mặt trời khuất dạng vì ông miệt mài trong trầm tư và khấn nguyện phút chót, tia sáng cuối cùng của mặt trời lướt qua đứng cạnh áo trắng của ông và đứng cô quạnh trong bóng tối. Ông cầu Đức Thế Tôn gia hộ và ông trở về nhà. Ông chỉ đi được mười bước thì ông thấy trong bóng mờ một con sư tử to đến gần ông. Nó tiến tới không tiến động mắt long lanh đầy hung tợn. Nhà hiền triết đáng thương hại này ngỡ rằng giờ cuối cùng đã đến. tái tê vì sợ hãi. Ông quỳ lạy Đức Thế Tôn cứu độ. Khi ông nghe sư tử nói với ông bằng một giọng trầm tĩnh: “Hãy ước một điều và ta sẽ cho ngươi được mãn nguyện.” Nhà hiền triết không ngạc nhiên khi nghe sư tử nói, vì trong quốc vương nhỏ bé này, những nhà hiền triết không khi nào ngạc nhiên. Cả ngày, ông chỉ nghĩ đến cách làm cho vua Hassan vui lòng. Cũng vì lẽ đó mà ông ở lại trễ trong khu rừng. Thế nên, ông trả lời không do dự: “Vua Hassan chúng tôi là người tốt nhất, Ngài ban cho chúng tôi những ân huệ mà tôi muốn lòng tốt của Ngài được đền đáp lại. Hãy cho Ngài sức khỏe, quyền uy và của cải.”
Sư tử này, thật ra là một thần linh, một trong những vị thần rừng mà nhiều nhà hiền triết đã bao lần nghe nói đến. Sau khi nhà hiền triết tỏ ra lời nguyện ước xong, sư tử bèn nhổ ra ba viên kim cương và nói với nhà hiền triết rằng: “Hãy đem cho vua Hassan ba viên ngọc quý này. Đó là những viên ngọc thần mà mỗi viên có quyền lực riêng. Viên thứ nhất cho nhà vua sức khỏe toàn vẹn; viên thứ hai cho nhà vua dùng những gì về chiến tranh như vũ khí, binh mã và viên thứ ba sẽ cho Ngài nhiều của cải.
Nói xong, sư tử biến mất trong đám mây khói, không để cho nhà hiền triết đủ thời gian cảm tạ về món quà quý giá này. Nhà hiền triết bèn cảm tạ Đấng Thế Tôn đã gửi đến ông báu vật này và ông vội vã tiến về đền vua. Rất đỗi vui mừng nghĩ đến hạnh phúc đem lại cho chủ, nhà hiền triết tiến nhanh đến vua Hassan và chào theo nghi lễ; ông thuật lại câu chuyện và dâng cho nhà vua ba viên kim cương. Vua Hassan là một vị vua tốt nhất trong các vị vua, nên vua nói với nhà hiền triết rằng: “Trẫm rất cảm động vì khanh cho Trẫm hưởng điều ước này, thay vì giữ lấy cho mình. Để cảm ơn nghĩa cử quảng đại của khanh, Trẫm tặng lại cho khanh một trong ba viên kim cương này. Cứ chọn lấy viên nào ngươi muốn.” Nhà hiền triết rất bối rối; riêng đối với ông, là một nhà hiền triết, ông không muốn gì cả về của cải ở thế gian này. Ông tự hỏi: Không biết trong ba viên ngọc báu này, viên nào sẽ mang hạnh phúc nhiều nhất đến cho con gái và hai con trai của ông. Không biết chọn lựa cách nào, ông bèn tâu lên nhà vua nhân từ: “Nếu Bệ hạ cho phép, thần sẽ đem ba viên ngọc quý này về nhà, vì thần muốn hỏi ý kiến của vợ và ba con. Thần sẽ hoàn lại vào ngày mai.
– Tốt lắm. Trẫm tin ngươi, ngươi cứ đi.
Nhà hiền triết cảm tạ nhà vua và trở về nhà. Ông liền thuật lại cho gia đình nghe sự may mắn đã đến với ông cùng gia đình và giải thích sự ứng nghiệm của mỗi viên kim cương.
Đó là một cô gái thích xa hoa mà địa vị khiêm tốn của người cha không thể cung cấp cho cô được và lòng ước mơ của cải làm cô vui cuồng lên. Người anh cả la lên:
– Không! Chiến tranh là một trong những tài sản cao quý. Vì thế hãy giữ lấy viên ngọc nào sẽ đem đến cho ta vũ khí và binh mã.
Người trai này to lớn và khỏe mạnh. Chàng hiểu được sức mạnh của bắp thịt và cảm thấy mình sinh ra để cạnh tranh và chiến đấu.
– Các anh chị thật lố lăng, đến lượt người trai út nói: có của cải và vũ khí để làm gì nếu người ta đau yếu luôn? Em khuyên nên giữ lại viên ngọc nào bảo đảm cho ta sức khỏe vẹn toàn.
Người em út vốn là một người yếu đuối, bạc nhược, luôn luôn mệt mỏi, thích ở nhà, chẳng có một tham vọng nào.
Ngồi cách xa, nhà hiền triết cảm thấy khổ tâm khi nhận ra rằng các con không đồng ý nhau. Ông quan sát một cách buồn bã tấn kịch và tiếc rằng ông là nguyên nhân của sự cãi vã này. Ông tưởng mang lại hạnh phúc cho gia đình nhưng ngược lại, hai con trai ông gây gổ nhau, con gái ông khóc…
Vợ ông từ nãy giờ không nói gì, bất chợt quay sang ông và nói: “Theo ý tôi, cả ba đều có lý. Vậy chúng ta hãy giữ cả ba viên kim cương. Vì có của cải để làm gì, nếu ta không có vũ khí để chống lại kẻ cắp? Và của cải, vũ khí để làm gì nếu chúng ta không có sức khỏe để tận hưởng? Theo ý tôi, ba viên ngọc này phải đi chung với nhau. Ông hãy đến thưa lại với nhà vua rằng kẻ cướp đã đoạt kim cương khi ông băng qua rừng. Nhà vua vì quá tốt sẽ tin ông và như thế chúng ta sẽ có đủ ba viên kim cương, làm thỏa nguyện chúng ta đến ngày cùng. Nghe qua những lời này, nhà hiền triết cảm thấy càng buồn hơn nữa. Vợ con ông ích kỷ đến nỗi sự xấu hổ xâm chiếm ông.
Buồn bã, không lời nào, nhà hiền triết đứng dậy lấy ba viên kim cương ra và trở lại gặp nhà vua. Ông băng qua khu rừng, nhưng lần này ông không để ý đến cảnh vật quanh ông. Chim chóc ca hát, hoa đẹp tỏa hương ngào ngạt, gió rì rào xen cành cây sồi to và vầng thái dương tràn ngập ánh sáng trong cụm rừng. Nhà hiền triết bước đi, đầu cúi xuống và lòng nặng trĩu, dường như bị còm lưng dưới một sức mạnh. Chim chóc quá quen biết ông, lấy làm lạ thấy ông đau khổ. Ông là người luôn luôn tán thán Đấng Thế Tôn và người ta không bao giờ thấy ông khóc. Vì hiện giờ ông đang khóc. Những giọt lệ nặng trĩu từ từ lăn trên đôi má xạm màu của ông.
Sau cùng, ông đến trước đền vua. Trời chưa xế bóng và vua Hassan cũng chưa trông ông đến, lấy làm Kinh ngạc khi thấy ông quay trở lại quá nhanh. Nhưng khi thấy những giọt lệ trong mắt ông, vua càng ngạc nhiên hơn nữa. Vua hỏi ông rằng: “Việc gì xảy đến cho nhà ngươi? Tại sao ngươi khóc? Ngươi đến báo cho ta biết tai họa gì đây? Nhà hiền triết sụp lạy và giơ hai tay trước mặt vua. Tâu Bệ hạ nhân từ, hạ thần đến hoàn lại Bệ hạ ba viên kim cương. Thần đã nghĩ nó đem đến hạnh phúc nhưng thần sớm biết tai hại của nó. Nó suýt làm gia đình của thần chia rẽ và nhất là kẻ hạ thần này trở thành kẻ trộm. Thà thần hoàn nó lại cho Bệ hạ để thần vẫn là kẻ thanh bần và liêm khiết đã giữ được từ xưa đến nay.”
Kể từ đó, người ta truyền rằng trong xứ của vua Hassan không còn thấy thần linh biến thành sư tử nữa, chỉ có một nhà hiền triết già, sống trong rừng còn nhớ chuyện đó mà thôi.
Theo S.Hassan Arassool – Nhật Thanh (Việt dịch){ĐSHĐ-056}