Bầu trời hôm nay trong xanh và mát dịu. Những chòm mây trắng bạc lững lờ trôi. Giữa không gian tịch tĩnh chim nhạn bay qua, in hình dưới dòng sông trong vắt. Cứ thế, nhạn bay qua sông hồ và biển cả, xoải cánh trên đồng ruộng bạt ngàn, oằn bông nặng hạt. Nhạn thong dong trên bầu trời sanh diệt, nào muốn lưu lại hình hài trên dòng sông sanh tử, tử sanh, nhưng rồi dòng sông trong xanh ấy, vẫn in hình bóng nhạn thân thương.
“Thong dong dạo khắp ba ngàn
Thảnh thơi tâm trí, không gian lặng nhìn
Trùng quang, lướt nhẹ như in
Nẻo về của ý niềm tin đạo mầu.”
Vâng! Ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX, có một người con gái tên là Phạm Đại Thọ, sinh vào năm 1910, mảnh mai, xinh đẹp như một bức tranh. Nhiều kiếp đã ươm mầm Bồ đề, đến năm mười bốn tuổi, chủng tánh Đại thừa trỗi dậy, nên cô gái ấy xin song thân xuất gia đầu Phật. Nhưng ngặt nỗi gia đình song thân đều là đạo Thiên Chúa, do sự khác biệt ấy, nên khó có thể được chấp nhận. Bởi do nguyện ước không thành, nên suốt ngày cô gái đăm chiêu, buồn bã, thấy vậy thân mẫu đã tạo điều kiện cho con trọn niềm mơ ước.
“Tình thương của Mẹ bao la
Biết rằng khác đạo nhưng mà vì con
Tình yêu của Mẹ vuông tròn
Năm canh thao thức héo hon buồn phiền.”
Sau mấy năm bôn ba tìm Thầy học đạo, nghe nơi nào có mở Trường Kỳ, Trường Hương, là Người đến xin thọ giáo, với chí khí xuất trần thượng sĩ, dẫu mang thân nhi nữ, nhưng khí phách hiên ngang. Năm hai mươi bốn tuổi, Người dám đăng đàn thuyết pháp, cốt để mở ra con đường tươi sáng cho chị em Ni giới (thời bấy giờ người đời thường gọi là cô vãi), nên các thời thuyết giảng được giới thiệu là cô vãi Diệu Tịnh. Lúc nào Người cũng nêu cao tinh thần tự lập, quyết tháo lồng “quỷ Táo” không chịu khuất phục, hằng ngày chỉ biết quanh quẩn bếp núc để lo chuyện ăn uống. Theo quan niệm của Người là Ni lưu phải có một cơ sở riêng để Tu học. Giáo pháp của Phật để lại, chỉ cho phép Ni lưu “Tùng Tăng cầu học kinh điển” và “Tùng Tăng cầu thọ Chánh giới”. Chứ có đoạn nào cho phép Tăng-Ni chung ở, như ngày nay (khoảng đầu thế kỷ XIX), thì bảo sao trong chùa chẳng xảy ra những việc tồi tệ. Người đã nói: “Mặc dù chúng ta là phận nữ nhi, chất hèn, sức yếu, đâu dám tự hào là thay Phật độ sanh”. Vì chúng ta đã phát tâm cầu đạo Giải thoát, lấy sự lợi ích chung giúp ích cho nhơn loại, thời chúng ta sẽ thực hành theo bản nguyện, dầu khó, dầu dễ, chúng ta vẫn một lòng hăng hái để đối phó với trào lưu, để tìm cho ra “Bản lai diện mục của chính mình”. Người luôn ước ao làm sao quốc độ Việt Nam đâu đâu cũng lập tự viện riêng, để Ni lưu cư ngụ tu tập cho được yên ổn và có trật tự.
Qua học Kinh Pháp Bảo Đàn, Người nhận thấy Đức Phật dạy rằng: “Sở dĩ chúng sanh bị luân chuyển trong ba cõi sáu đường, là bởi mê mất Bổn tâm, nhận thân tứ đại là thật. Do sự nhận lầm ấy, mới sanh ra lòng chấp đắm có Ta và sở hữu của Ta. Rồi Trí biến ra Thức, Thức sanh ra Dục. Cái hạt giống sanh thân giả này, vốn nảy sanh ra cái Thức, rồi mới sanh ra bông hữu lậu, mà kết thành trái sanh tử khổ đau. Thế thì Thức là hạt giống sống sống, chết chết, kiếp kiếp, luân hồi”. Đức Thế Tôn dạy rằng: “Người Tu trước phải dứt cái cội rễ sanh tử, thì các Thức không chỗ nương tựa, từ đó mới phục hồi cái tánh Bản lai diện mục.”
Trong Tâm Kinh có câu: “Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến Ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách (Kinh này hằng ngày chúng ta thường tụng). Lúc Bồ tát an trú vào cảnh tự tại, thực hành trí huệ đáo bỉ ngạn sâu xa, thì thấy năm uẩn đều không có sắc tướng, nên vượt qua các cảnh khổ não”. Phàm người Tu hành muốn được thấy tánh, thì phải thực hành pháp “Trí huệ đáo bỉ ngạn”, mới thấy được cảnh vi diệu, tức là Bản lai diện mục của chính mình.
Người đã tìm tòi nghiên cứu, thấy được ý nghĩa cao siêu của nền Giáo lý Phật Đà, muốn hàng Ni lưu cố gắng học hỏi, có được sự hiểu biết như thế, để vượt qua mọi kiến chấp sai lầm và nhất là đừng nương gá vào cửa Phật, y như người làm công quả không hơn không kém. Chị em nên biết rằng hai chữ “Công quả” theo thiển ý của tôi:
– Cố gắng giồi mài kinh điển là Công.
– Khi thấy được đường lối để tu hành là Quả.
– Cố gắng chuyển phiền não khổ đau, để được an lạc là Công.
– Trở về chơn tâm thanh tịnh là Quả.
Chứ không phải xắt gọt, nấu nướng là “Công quả”. Nghĩa ấy dành cho cận sự nữ, giúp đỡ chư Tăng, chư Ni để có thì giờ rảnh rỗi đặng Tu học.
Tu là phải học, phải hiểu, mới biết phân biệt đâu là Chánh, đâu là Tà. Cố gắng mài giũa, khi Vô minh bị bào mòn, thì Trí huệ sẽ phát sanh. Trí huệ ấy vốn không lớn, không nhỏ chỉ vì cái tâm của ta mê, ngộ chẳng đồng. Lòng mê chỉ thấy bề ngoài Tu hành tìm Phật, mà chưa tỏ sáng Bản tánh của mình là hàng tiểu căn. Kẻ đốn giáo Tu hành, không chấp bề ngoài, những sự phiền não trần lao chẳng nhiễm Bản tâm, tức là người thấy Tánh.
Kinh Bồ Tát giới nói rằng: “Cái bổn nguyện tự tánh của ta vốn trong sạch, nếu biết tâm mình và thấy tánh mình là thành Phật đạo”. Ngài Lục Tổ Huệ Năng dạy rằng: “Người thực lòng hành đạo phải thấy lỗi mình, chẳng nên thấy lỗi của người. Cả thảy các điều lầm lỗi của người thế gian, không quan hệ đến mình, thì chẳng nên cố chấp mà sinh ra bất bình, oán ghét”. Người được học hành, được thấu hiểu nghĩa lý Kinh Pháp Bảo Đàn, nên cũng muốn truyền trao ý nghĩa thâm sâu ấy, đến với chị em hậu học, sách tấn nên tiến tu để tìm lại gia tài quý báu của chính mình, mà lâu nay vì vô minh nghiệp chướng nên bị trôi lăn trong ba cõi, sáu đường. Nay đầy đủ duyên lành, quay về với Chánh pháp, chúng ta có được cuộc sống Giải thoát và An lạc, thì nên nương đó mà hành trì.
“Lang thang mãi, chẳng tìm ra chơn lý
Uổng hoài công, một kiếp được làm người
Hỡi Chị em, cố gắng chớ biếng lười!
Ta tiến bước, đừng nản lòng thối chí.”
Người thường dạy Đồ chúng: “Có người Tu hành không hiểu Chánh pháp, thường dứt bặt các tư tưởng, đối cảnh thường không thấy, biết gì cả, chẳng phân biệt được chơn giả thực hư, cũng không thông đạo lý, mà gọi là tu hạnh Bồ đề. Vẫn biết tánh mình có sẵn Bồ đề, thường tự nhiên phát ra trí huệ, phân biệt cội nguồn của các pháp, nếu mình lầm lạc hiềm khích cái tâm, ngăn cản sự linh hoạt diệu dụng của nó, tức là mình làm cho tâm Bồ đề ngày một suy yếu. Người Tu phải có trí huệ hoạt bát, phải đối cảnh mà ứng dụng tự nhiên, không lay động trước mọi hoàn cảnh, phải giữ vững niềm tin đối với ngôi Tam bảo, đối với Chánh Pháp. Đức Phật thường dạy: “Y pháp bất y nhơn, Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa”. Nghĩa là mình nương vào ngôi Tam bảo, nương vào Chánh pháp của Đức Như Lai, không nên nương vào một số người mượn danh Tu sĩ mà còn làm điều xằng bậy, hai là nương vào giáo nghĩa Đại thừa “Cư trần bất nhiễm trần”. Không nên chấp vào Giáo lý Tiểu thừa rồi phê phán cái này đúng, cái kia sai.”
Ngày Khánh thành Hải Ấn Ni Tự, Sư cô Diệu Tịnh đã đắp y tề chỉnh lên Phật điện Cúng ngọ, rồi xuống Giảng đường đọc bài diễn văn Khai mạc và nói về sự ra đời của chùa Hải Ấn với hai lý do:
1. Tuỳ hoàn cảnh biệt lập, Ni tự là để chư Ni có chỗ an tâm Tu học.
2. Vì lợi ích cho chúng sanh: Để bá tánh dễ bề gần gũi cúng dường, đặng gieo trồng phước đức cho kiếp sau. “Bởi Tăng Ni là cội gốc phước điền, là duyên lành đạo mạch, duy trì thọ mạng tinh tấn Tín căn. Ngoài Phật, Pháp, Tăng ra, không còn nhơn địa nào Chơn Chánh và thù thắng để cho người đời dựa vào mà gieo trồng phước đức.”
Trong Luật Đức Phật dạy: “Từ 4 vị Tỳ-kheo -ni trở lên, cùng chung sống trong một Già lam, cùng hòa hợp như nước với sữa, cùng thực hành Bát Kỉnh Pháp, cùng sống trong Lục hòa, là nếp sống của cộng đồng Tăng lữ nên cũng được gọi là Tăng, tức là Ni Tăng.”
Nhưng tiếc thay Người xả Báo thân quá sớm, ở độ tuổi tam thập tam (33 tuổi đời), dù vậy Người đã độ đệ tử trên mười vị, tuổi đời còn rất trẻ, huynh đệ nương nhau hành đạo, tiếp nối ngọn đèn Chánh pháp. Nhờ thế, các Tự Viện Ni thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ, thuộc chi nhánh Hải Ấn Ni Tự̣ đời pháp điệt thứ ba chúng con, noi gương Sư Tổ Tu hành, thành công trên nhiều lĩnh vực.
“Cánh nhạn lưng trời, cánh nhạn bay
Trần gian vay mượn tạo hình hài
Tứ đại, Ngũ Căn, nương HUYỄN QUÁN
Tìm về bản tánh, thể Như Lai.”
TKN. Như Tri – Từ Ân – Q. 10 (ĐSHĐ-102)