(Lời nhắn nhủ của Ni trưởng Như Như đến Ni sinh Lớp Luật Ni giới Bạc Liêu)
Thay mặt các huynh đệ Thành phố Hồ Chí Minh trong sứ mạng thiêng liêng đến với Bạc Liêu trong Lớp Luật, kính đến chư Tôn thiền đức Ban Trị sự tỉnh Bạc Liêu lời nguyện cầu quý Ngài mãi là bóng cây đại thọ che mát cho chúng con và hàng Phật tử trên đại lộ lúc trưa hè. Bên cạnh đó, không quên kính đến chư Tôn đức Ni Phân ban Ni giới tỉnh, nguyện quý vị chân cứng đá mềm để dõi bước chân đi cho từng Ni sinh được tiến tu đạo nghiệp và mong luôn cận kề để nhịp nhàng cất bước chung tay cùng các tỉnh bạn. Xin gửi đến Phật tử đang có mặt trong chức năng hộ pháp, nguyện quý vị cùng gia đình thân an tâm lạc để làm tròn sứ mạng mà khi xưa Mạt Lợi phu nhân đã từng làm. Xin chân thành cảm ơn và chúc tất cả đồng an lạc.
Cũng có lúc suy tư, nhưng rồi những âu lo đó bị sức mạnh tinh thần của Linh Sơn cốt nhục bay bổng đi và truyền lại một hơi ấm nào đó để chúng tôi tìm về tổ ấm của Lớp Luật học Ni giới tỉnh Bạc Liêu.
Ngày xưa, nói đến tinh thần của Ni bộ, có lẽ nơi đây cũng là chìa khóa đầu tiên, thế mới biết “Nhất ba tài động, vạn ba tùy”. Trong ý niệm đó, quý Sư trưởng của chúng tôi từ Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre và nhiều tỉnh khác đã nối tiếp bước chân Tổ Ni Kiều Đàm khơi dậy ngọn lửa thiêng cho chư Ni tiến bước. Từ đó, trong khoảng thời gian 10 năm, 1965-1975, có thể nói, chặng đường trước là chặng đường chuẩn bị để phục hưng cùng Giáo hội Nam Việt, quý Sư bà cũng không ngừng nỗ lực, đó là chặng đường rất hoành tráng, không lúc nào quý Ni trưởng không lo đến tiền đồ mai hậu, dù lúc đó đất nước đang trong thời kỳ rất khó khăn.
Năm 1972, những ngày gần giải phóng, đâu đâu cũng nghe tiếng súng nổ, cho chúng ta một cái gì đó rất tiêu điều lẫn sợ hãi, nhưng không, tinh thần hoằng pháp của quý Sư bà vẫn luôn luôn đong đầy nhiệt huyết. Lúc đó, chúng tôi lại thấy Ni trưởng Như Thanh cùng một số Ni trưởng thành lập Ban Giới sư Ni đầu tiên và khẩn trương nhất của Ni giới Ni bộ. Lúc bấy giờ, Ban Giới sư Ni đa số quý Tôn đức đều ngụ ở Sa Đéc, Đồng Tháp để truyền giới và làm công việc mở rộng để tiếp nhận chư Ni. Mãi đến khi giải phóng, chúng tôi còn nhớ năm 1977, dù rất khó khăn nhưng vẫn có một Đàn giới ở Tiền Giang trong tinh thần Hòa thượng Đông Hưng, là người đã cấp con dấu nổi để hợp thức hóa Giới đàn, công ơn ấy chúng tôi nhớ mãi trên chặng đường đi.
Người đầu tiên ra Hà Nội là Sư bà thượng Như hạ Huy (Chùa Từ Vân) và sau này khi Giáo hội Thống nhất thành lập. Năm 1981, chính Sư bà Như Huy cũng là người ra Hà Nội nhưng chắc chắn lời thì thầm chưa thấu được mấy tầng xanh nên nỗi lòng ray rứt. Từ đó, Sư bà khổ tâm, không bệnh nhiều, nhưng rồi cũng tách biệt cõi Ta Bà. Chặng đường mấy mươi năm, vì lớp học Luật này chỉ mới mở được ba, bốn năm. Lớp học đầu tiên của trường Cơ bản Phật học các tỉnh được mở phải nói là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 1990, trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm bây giờ và Đồng Nai trước đó. Có thể nói, những lớp học đó hội tụ cả ba miền, bởi vì đó là lớp học đầu tiên và sau đó mới thêm nhiều tỉnh được mở thêm trường Cao – Trung Phật học. Chúng ta đi qua ba mươi năm tắc nghẽn, không phải chư Tôn đức quên đi chư Ni, chúng ta cứ nghĩ có gì đó quý Ngài cất đi làm cho mỗi chúng ta ngày lẫn đêm cầu nguyện và thấp thỏm lo âu, đợi chờ.
Phân ban Ni giới T.Ư, dù đã có mặt từ năm 2009, thời gian trên dưới 10 năm nhưng cũng có những ước mơ, lời thỉnh cầu chưa được đáp ứng. Chúng tôi nghĩ rằng, nước mắt sẽ chảy xuôi dòng, chỉ sợ chúng ta không đủ can đảm, không đủ sự kiên tâm, nhẫn nại để chờ đợi.
Đến hôm nay, ở đâu cũng có lớp học, đâu đâu cũng được học kể cả tiếng nói Hoa Đàm đại diện cho Ni giới Việt Nam ngày càng mang nội dung phong phú, xin cám ơn quý vị trong Ban Biên tập đã dành thời gian cập nhật tin tức, đồng thời đưa ra những cái hay, cái mới. Tờ báo tuy chưa phải hoàn bích nhưng đang trên con đường hoàn thiện rất lớn, mong chư Tôn đức Ni mọi miền đất nước ủng hộ tờ báo để tạo thành một sức sống lớn như một dòng sông mang cả phù sa và phù sa đó sẽ đổ về đại dương cho tờ báo được nâng tầm. Chư Ni chúng ta rất nhiệt tình nhưng lòng từ bi của chúng ta chỉ nghĩ là tu, tụng Kinh gõ mõ, ngoài ra chúng ta chưa ý thức cao nên còn hơi chầm chậm đứng ngắm mây trời.
Hôm nay, ôn lại tinh thần đó, lúc đời sống Ni lưu không được học trước đó, để thấy bây giờ, ta đang học và cập nhật những gì giáo điển dạy. Trong tinh thần, ai cũng nhắc nhở đệ tử mình theo chiều hướng ngày xưa, giống như thời Đức Phật khẩu truyền, mỗi lần khẩu truyền như vậy, chư Tôn đức ai hiểu được gì, về truyền tụng lại cho đệ tử mình. Khi Đức Phật nhập diệt, ngay thời gian đầu, câu chuyện về Ca Diếp và chư Tôn đức đã để lại nhiều ấn tượng sâu xa, đến một tháng sau, ngay trong mùa hạ, những trang Kinh điển được hình thành. Bây giờ, chúng ta không thể nói là kết tập Kinh điển vì nó quá lớn, nhưng chúng ta đang xâu kết lại thì đúng hơn, vì lúc đó đang là khẩu truyền, những gì Đức Phật nói gần như A Nan nắm bắt được nhiều hơn.
Sau khi mùa hạ được hình thành, Ca Diếp rất khổ tâm vì Ngài là người đệ tử lớn, giữa hai con đường đi, Ngài thấy có nhóm chư Tăng bảo rằng: “Anh tội gì phải khóc, ông già này khi còn sống rầy la đủ chuyện hết, hôm nay chết rồi mình được tự do thoải mái. Bên cạnh đó cũng có nhóm chư Tăng ngồi đâu cũng buồn khóc, vì nghĩ rằng Thầy mình bây giờ đã mất, từ đây biết nương vào ai.” Giữa hai con đường đó, chúng ta phải tìm đường đi ngay chính giữa, chính cái đó là xâu kết lại lời dạy của Đức Phật để làm nền tảng chung. Người đầu tiên được Tổ Ca Diếp mời là Tôn giả Ưu Ba Ly, kết tập tại Vương Xá thành. Lần đầu tiên kết tập toàn lựa những hạt gạo cội, nên các bậc thanh văn được tuyển 499 người, thiếu một người để kết tập, và người đó là ai? Có phải là A Nan? Vì A Nan đã có thời gian dài gần gũi Đức Phật, Ngài là người thông minh. Cho nên, lúc bấy giờ A Nan chưa chứng quả, Ca Diếp cũng rất khó khăn. Có thể nói A Nan là người chứng quả không nằm trong tư thế đi đứng nằm ngồi. Bởi vì Ca Diếp nhốt A Nan trong phòng, thế là vừa thoát cửa, mở ra đi hướng đến luồng gió nào đó trong ánh sáng của ban mai, A Nan vừa đi ra ngoài, thấy có cái giường đặt kế bên, Ngài rất muốn được nằm lên đó, vì lâu rồi chưa được ngủ. Ngài vừa để tay lên giường, nghiêng mình một chút liền chứng quả. Đến hội trường, Ngài gõ cửa vào vì đã chứng quả rồi. Ca Diếp dõng dạc: “Này, thầy đã chứng quả rồi, cần gì mở cửa.” Thế là A Nan vận thần công bay đến chỗ ngồi.
Sở dĩ Bát Thập Tụng Luật có tên như vậy vì Tôn giả Ưu Ba Ly tụng đi tụng lại rất nhiều lần, có thể nói là 80 lần. Trong sự kế thừa, từ Ca Diếp truyền xuống A Nan, A Nan truyền xuống Tổ Mạc Điền Địa, Tổ Mạc Điền Địa truyền cho Thương Na Hòa Tu và sau đó truyền xuống cho Ưu Ba Cúc Đa. Đến đời của Ưu Ba Cúc Đa là đời thứ 5, Ngài có 5 vị đệ tử, mỗi người lấy một cuốn Luật Bát Thập Tụng về tư thất của mình để xem xét lại và mỗi người có một giải trình riêng. Hiện nay, chúng ta còn 5 bộ Luật chính đang hành trì: Đàm Vô Đức (Tứ Phần Luật) 60 quyển, sau này Ngài Da Xá đến Trường An bổ sung thêm 2 quyển, nội dung không đổi; Tát Bà Đa (Thập Tụng Luật) có 40 quyển; Di Sa Tắc (Ngũ Phần Luật) 30 quyển, Ca Diếp Di bộ truyền từ Luật Giải Thoát và Bà La Phú La của Ma Ha Tăng Kỳ Luật 30 quyển.
Trong tư thế đó, hiện nay các nước theo Phật giáo Á Đông từ Nhật Bản, Trung Hoa cho đến Việt Nam đều lấy bộ Luật Tứ Phần làm chuẩn, trong tư thế dù biết có nhiều lần kiểm tra nhưng chắc chắn nội dung còn giống Luật của Theravada đến 80%. Vì vậy, dù Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni đều áp dụng Tứ Phần Luật nhiều hơn các bộ Luật khác. Trong 4 bộ Luật hành trì, bộ Luật thứ 5 không nói đến, vì chỉ có Giới kinh, không có Luật Tỳ kheo ni nên không cần nói, trong 4 bộ còn lại lưu tâm Luật Tứ Phần nhiều hơn.
Có thể nói Giới luật như ánh sáng mặt trời. Ví dụ như Phan Thiết có đường xích đạo đi ngang qua nhiều nhất nước, nên Phan Thiết nóng hơn, ánh nắng của Phan Thiết tuy nóng rát, có thể thiêu đốt tất cả cỏ cây vào mùa khô nhưng không thể bào làm khô cằn đi hạt giống của Kiều Đàm Di. Hạt giống Kiều Đàm Di giống như cỏ bên vệ đường. Phật pháp rất nhiệm mầu, sự nhiệm mầu đó căn bản nằm trong Giới luật, Phật pháp còn Giới luật còn. Cho nên, Giới luật chính là châu Ma ni, là thuyền bè giúp chúng ta vượt qua bể khổ. Từ ngàn xưa, không có vị Bồ tát nào không nhờ Giới luật mà thành tựu, cũng không có vị Tổ nào không nương nhờ Giới pháp mà đạt đến chỗ cội nguồn để làm bức tường kiên cố cho hàng hậu học nói chung.
Chúng tôi từng mơ ước được sống ở TP. Hồ Chí Minh, nhất là ở chùa Từ Nghiêm, vì đó là trụ sở Ni bộ Bắc Tông ngày trước. Nơi đó là tổ chức Lớp Luật đầu tiên dù ít, dù nhiều ở nơi đó Luật đã được khơi lên mầm mống của mình để cho mọi nơi, mọi chốn nương theo đó mà phát khởi. Tuy nhiên, nhiều chướng duyên mà chúng tôi chưa làm được, bây giờ phải lo đào tạo người, cập nhật cái mà ngày xưa quý Ni trưởng đã đào tạo người rất tinh tú, nghĩa là giới đức sâu rộng mà ta chỉ gói ghém trong giới thiền môn không tiếp cận bên ngoài nhiều.
Việc làm giấy tờ ngày xưa của Ni bộ rất đơn giản, không khó khăn như hôm nay. Ngày xưa chư Ni hoàn toàn độc lập. Từ việc nhỏ đến việc lớn, Ni Bộ Bắc Tông lo lắng hết. Chỉ có đàn Tỳ kheo ni là Trung ương mở. Còn các huyện, các tỉnh được quyền mở đàn truyền giới Thức xoa ma na và Sa di. Thành phố Hồ Chí Minh mới được truyền giới Tỳ kheo ni. Vì phải ở những nơi chư Tôn đức ấn định việc truyền giới để chúng ta qua cầu chánh pháp và sau đó đến Tăng sự xin con dấu nổi đóng lên hình. Đơn giản như vậy nhưng thành công lắm, không có sự việc nào xảy ra chằng chịt hay kéo dài thời gian mà quý Ngài làm phiên tòa rất nhanh, xử rất chính xác. Có lần quý Sư bà đến Trà Vinh để xử việc tưởng chừng như cả tuần không xong nhưng chỉ trong một buổi là xong. Còn bây giờ chúng ta hơi chằng chịt chưa thể trọn quyền hết, vì còn nhiều khó khăn và khó khăn đó là kẽ hở cho những chư Ni chưa thâm nhập giới pháp sẽ làm khổ cho quý Ni trưởng lớn chúng ta. Hoặc là trong công tác tuyển chọn, bổ sung cho chư Tôn đức Ni, có những cái chư Ni không đồng ý thì bên kia quý Ngài đã giải quyết, hai bên không song hành.
Vì lẽ đó, nhìn chung toàn quốc hôm nay, Chư Tôn đức Ni PBNG tỉnh Bạc Liêu mà Sư Nghĩa đang ngồi đây, có lẽ cũng rất hãnh diện vì nhiều tỉnh lớn hơn tỉnh mình nhưng chưa làm được, có chăng chỉ được học Nho giáo chứ chưa chính thức mở song lập với chư Tôn đức trong bản trường. Vậy nên, Bạc Liêu cũng có thể khơi ngọn lửa lớn dù con số không đông nhưng chúng tôi nhận thấy có sự cố gắng rất lớn. Mỗi lần đến đây dạy, tôi thấy tổ chức rất hoành tráng, gần như ngày đó không có đám cúng cũng có Phật tử hộ pháp, nấu thức ăn cho chư Ni. Phải chăng, đặc tính của người dân miền Tây là tình cảm bộc phát ra bên ngoài nhiều hơn lý trí. Những bữa ăn thịnh soạn được cúng dường cho chư Ni, thể hiện tinh thần hộ pháp của quý Phật tử, nhịn ăn, nhịn mặc, bỏ công việc đến đây chung vui cùng với mọi người lo cho đại chúng.
Ngay trong buổi Yết ma mà tôi thích, sau này Hòa thượng Trí Thủ đã gom lại gọi là Yết ma yết chỉ được hình thành và lấy bộ Yết ma Yếu chỉ để cân nhắc cho đại chúng. Chưa hết, thời gian học cuốn Yết ma đã hết. Giờ chúng tôi cũng có thể tạm yên tâm, vì nói được hết những giá trị của Tăng đoàn, nhưng phần truyền giới chúng tôi chưa cập nhật tới. Đó là một sai sót vì thời gian không cho phép trong biển khổ mênh mông, sóng ngập trời, Giới luật như thuyền bè chúng ta không thể nào cập nhật hết được chỉ biết cố gắng nỗ lực nhiều hơn. Cũng rất thông cảm cho đại chúng khi đứng trước những đối tượng Yết ma mà chúng ta chưa thể hình dung được hoặc chúng ta chưa thể nói trọn vẹn được thì cái đó cũng cảm thông được. Sở dĩ mở Lớp Luật là để tiếp nối ngọn đèn Phật pháp mà ngọn đèn Phật pháp được tiếp nối vững mạnh nhất trong Giới luật, Giới luật đưa chúng ta đến đỉnh vinh quang. Nếu chúng ta tu không giữ giới thì ta sẽ không biết được đường đi trước như thế nào. Cho nên, người khôn ngoan sẽ nói câu: “Trông sông mà học biển thì sẽ đến được biển, gò đống học núi thì không đến được núi”. Qua hai câu trên làm chúng ta phải cố gắng vì sông là nước, linh động, không ù lì, nên sẽ đưa đến đích, còn gò đống không thể thành núi được.
Chúng ta cũng thế, nếu chị em nào có hạt giống chủng tử, hạt giống của người con Phật dù có ù lì, biếng nhác, trong tư tưởng hạt giống này vẫn không mất nơi từng bước chân đi, để từ đó nắm bắt tay nhau không những tỉnh Bạc Liêu mà mở rộng vòng tay của mình đến nhiều tỉnh. Tại sao chúng tôi từ TP. Hồ Chí Minh hay Bà Rịa – Vũng Tàu chạy về đây, nhưng mà khi đã đến nơi đâu thì chúng ta hằn in sâu nỗi nhớ. Đi đến đâu sẽ cảm thấy khó khăn, từ đó nên mới có câu: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.
Tỉnh Bạc Liêu này có được nhiệm mầu. Cho nên, Giáo hội cũng cơ duyên là Quan Âm Nam Hải, từ đó Giáo hội có nguồn kinh tế trang trải được. Tình thương vô bờ của quý Ngài có sẵn là một vấn đề nhỏ nhưng bên cạnh đó kinh tế cập nhật được thì từ đó trải lòng từ được. Còn ở những nơi khác dù có lòng từ mà kinh tế không có thì đôi khi cũng trở thành những người mẹ ghẻ. Cho nên, đây là thuận duyên của tỉnh và tỉnh Bạc Liêu không ngừng niệm hồng ân Tam bảo, niệm ân Quán Thế Âm. Chúng tôi cứ nghĩ cơn bão số 16 lướt qua, trải dài khắp các tỉnh miền Tây thì hôm nay chúng ta ngồi đây phước lớn vô cùng.
Chúng ta vững tin, không ngừng nỗ lực ngày mai này khai giảng lớp mới. Có lẽ Lớp Luật cũng được cập nhật, chúng tôi cũng mong ngày nào đó khi mà Bạc Liêu đã vững thì TP. Hồ Chí Minh chúng tôi không cần đến nữa. Cầu nguyện cho PBNG nói chung và Ni trưởng Như Nghĩa luôn luôn đảm nhiệm và là ngọn gió lớn nhất để chống chọi với tất cả những ngọn sóng của hải triều cho lớp học vững vàng và bên cạnh đó đạt được lòng từ của chư Tôn đức, của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh để chúng ta mỗi ngày thăng hoa hơn trong cuộc sống.
Ngày xưa, Khái Hưng có câu nói mà chúng tôi suy nghĩ hoài: “Ở đời không có gì xấu hơn bằng sự quên ân”. Thù nhân, người thù ta không sợ, bởi vì đối với người thù, người ghét ta, ta dùng tứ nhiếp pháp, dùng bố thí ái ngữ có thể sẽ cảm hóa được người thù đó. Nhưng nếu ta cũng đem tứ nhiếp pháp này đối đãi với người ân của chúng ta thì hóa ra ta xem ân nhân với thù nhân là một. Cho nên, phải làm thế nào? Qua đến Phật giáo, một con đường trung đạo chúng ta phải đi, làm thế nào cho người ân đứng bên, kẻ thù đứng bên và tìm đường đi chính giữa để hóa giải. Phật giáo có vai trò đem lòng từ của mình để hàn gắn mọi vết thương. Cho nên, hôm nay Phật giáo chủ trương cho chư Ni học, bởi vì học kiến thức là cái khiên để che chở mọi chông gai cuộc đời.
Quý vị trong lớp Ni lưu ý hơn, từng bước chân đi mà các bậc tôn đức đã hoài mong và cả chúng tôi những người đang đứng lớp cũng hết sức mong chờ. Chờ một ngày nào đó chị em lớn sẽ tự mình đứng lên truyền đạt lại cho đàn em mình những Luật mà chúng tôi đang nói. Thôi thì biết ân và trả ân là điều quan trọng nhất, vì biết ân nên chúng ta có lễ mùng 6 tháng hai là lễ Kiều Đàm luân lưu, vì niệm ân nên ta không thể quên được Kiều Đàm Di Mẫu. Cá nhân chúng ta có thể lười biếng, nhưng khi đứng trước tập thể ta không thể nói mình lười biếng, vì trong tinh thần Yết ma bảo rằng do dự của cá nhân mà không dính líu đến đoàn thể thì cho phép nhưng khi đặt đến đoàn thể mà từng cá nhân do dự thì đó là sự rạn nứt rất lớn. Mà một đoàn thể bị nứt rạn thì không thể làm gì được hết.
Tóm lại, thứ nhất, chúng ta quyết không làm cây khu, cây lịch. Hai loại cây này lớn không thấm nước, nhỏ không ngậm mực. Cho nên, đứng về góc độ của ngành mộc, người thợ mộc không dùng.Thứ hai, “ăn như chim dực, ở như chim thuần”. Chim dực ăn rất ít nhưng ăn ngon, còn chim thuần là chim lý tưởng, không ở cố định một nơi nào mà bay đi nhiều nơi để học hỏi.
Lạy Phật hôm nay được thay mặt Ban Giáo thọ đến với hàng học Ni cùng các Phật tử hộ pháp, chúng tôi nghe cõi lòng mình vui sướng. Hôm nay, một buổi tối rất đẹp, tôi mong rằng ngày mai Ban Trị sự sẽ là những đại thọ dang bàn tay của mình cho PBNG tỉnh cũng như chư Ni cả hai lớp được trang nghiêm, phấn chấn và đi lên mãi và chúng tôi cũng rất mong chân tình hộ pháp của quý vị. Rất mong từng bước ánh sáng mặt trời sẽ soi rọi, vầng thái dương sẽ nhô lên cho chúng ta đỉnh cao trên ngọn núi. Chư Ni hậu học phải nhớ nguyện vươn mình lên đỉnh núi cao, quyết không làm hòn sỏi nhỏ nằm bên cạnh chân núi.
Chân thành cảm ơn và chúc tất cả đại chúng thân an tâm lạc, gởi đến gia đình Phật tử thánh hóa đạo tâm của mình để từng bước chân đi quý vị nhịp nhàng cùng chúng tôi.
Trưởng PBNG BR-VT (ĐSHĐ-057)